GS Nguyễn Khắc Mai: “Cái “neo” để văn hóa không phân ly là lòng dân"

12/10/2013 07:19
Phạm Liễu-Hoàng Lực
(GDVN) – “Sự phân ly văn hóa khiến suy thoái nhân cách rất rõ. Như hiện tượng đi ngoài đường, chỉ mới va chạm nhau đã dẫn tới những cuộc ẩu đả…”, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Khắc Mai cho biết.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Khắc Mai - nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu - Ban Dân vận Trung ướng, hiện là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Minh triết:  Văn hóa Việt Nam kết tinh từ ngàn đời với truyền thống tốt đẹp con người sống hòa hợp với tự nhiên, tính cộng đồng trong văn hóa Việt Nam làm nên sức mạnh dân tộc. Tuy nhiên tính cộng đồng đó đang dần mất đi đặc biệt trong nền kinh tế thị trường. Sự phân hóa giàu nghèo, văn hóa ngoại lai phá vỡ thuần phong mỹ tục.

Nói cách khác trong nội tại văn hóa Việt Nam đang có sự phân ly giữa cái cũ và cái mới, cái hay cái dở đan xen nhau mà cần có một cái nhìn thẳng thắn để tháo gỡ.

“Sự phân ly văn hóa khiến suy thoái nhân cách rất rõ…”

Đồng tình với ý kiến cho rằng văn hóa Việt Nam đang có sự phân ly, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Khắc Mai cho rằng: “Trong phân ly văn hóa, phân ly xã hội có phân tâm, phân tách. Khi nói phân ly ta phải xem xét cả ba trạng thái ấy và không nên đơn giản ở việc dừng lại để mô tả”.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai cho rằng, hiện nay xã hội đang có sự phân tâm mà sự phân tâm đó bắt nguồn từ trong chính những bức xúc của xã hội chưa được mổ xẻ làm rõ cái gốc gác mà mới chỉ dừng lại ở việc mô tả. Cụ thể, như hiện tượng tham nhũng của cán bộ công quyền, suy thoái về đạo đức hay cách ứng xử của một bộ phận cán bộ với người dân không đạt yêu cầu. Sự phân tâm đó tạo nên cách nghĩ, cách ứng xử khác nhau, từ đó tạo nên sự phân ly trong văn hóa.

“Đây thực chất là phân ly văn hóa lớn. Có thể nói rằng trong phân ly văn hóa có phẩm chất con người, có vấn đề luật pháp, có những thiết chế quản lý. Ví dụ quản lý kinh tế theo lối sử dụng đất đai hiện nay, ngay cả Quốc hội cũng đang còn nhiều tranh luận, chính là sự phân ly. Như vậy, chính sách, đường lối, lý thuyết, luật pháp cũng có sự phân ly. Nói cụ thể như việc anh lấy một vùng đất ở Văn Giang rồi đền bù cho dân thấp, nhưng khi đất ấy trao tay qua cho doanh nghiệp thì giá trị tăng lên gấp chục, trăm lần thì làm sao có sự thống nhất đoàn kết ở đây được? Đây là vấn đề lớn của dân tộc, giải đáp vần đề này phải công tâm”, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai nhấn mạnh.

Nhà nghiên cứu văn hóa, GS Nguyễn Khắc Mai: Cái “neo” để văn hóa Việt không phân ly là lòng dân
Nhà nghiên cứu văn hóa, GS Nguyễn Khắc Mai: Cái “neo” để văn hóa Việt không phân ly là lòng dân

Bên cạnh đó, hiện nay văn hóa cũng đang phân tầng. Nó thể hiện qua văn hóa hành xử của cán bộ công chức với dân không đạt được yêu cầu. Người dân đòi cao hơn, muốn những người cán bộ giỏi hơn, sống đẹp hơn, phải có một sự thương thảo, trao đổi công bằng, hài hòa trong văn hoá cái này chưa làm được nên tiếp tục có sự phân ly văn hóa.

“Sự phân ly văn hóa khiến suy thoái nhân cách rất rõ. Như hiện tượng đi ngoài đường va chạm nhau dẫn tới những cuộc ẩu đả. Có một lần tôi sang nước ngoài, do vô ý mình va phải người ta, người ta vội vàng quay sang xin lỗi, nhưng thực ra lỗi là do mình. Còn người Việt mình thì bất chấp, đó là một suy thoái về nhân cách. Suy thoái nhân cách bây giờ dễ thấy mà nó đau lòng nhất là hai vụ: Vụ một nhóm quan chức TP.HCM hưởng mức lương ngất ngưỡng còn công nhân thì mặc và vụ nhân bản kết quả xét nghiệm ở bệnh viện Hoài Đức”, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai nói.

Theo đó, sự suy thoái về văn hóa hiện nay diễn ra trong cả tôn giáo, người ta lợi dụng thần, phật rất nhiều.

“Có những người đặt ra câu hỏi rằng: Xã hội đầu tư cho tôn giáo rất lớn, chùa ngày càng to, tượng phật ngày càng lớn, sư sãi ăn mặc diêm dúa... nhưng sao đạo đức xã hội vẫn suy đồi? Đấy là một vấn đề gây hoang mang khi văn hóa tôn giáo bị đánh mất. Nhiều sư, nhiều giáo mục, linh mục nói với tôi rằng: Có trạng thái mạt pháp. Tức là pháp độ của tôn giáo đã đi tới cái ngọn, không còn là cái gốc lành, là văn hóa, đạo lý mà nó đang đi tới thời kỳ suy đồi. Đó là vấn đề mà nhiều người đang cảm nhận được. Khi có một trạng thái u mê về văn hóa diễn ra rất lớn trong xã hội mà chúng ta cần phải phân tích”, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai thẳng thắn.

Đẹp nhất trong văn hóa người Việt là sự thánh thiện và tình người

Tuy vậy bản sắc văn hóa Việt hiện nay vẫn còn nhiều điều rất đẹp: Con người sống hài hòa với nhau, với thiên nhiên, tình làng nghĩa xóm. Đó chính là nét riêng, tính cách riêng của người Việt. Đó là sự hài hòa biểu hiện trong thuyết âm dương.

Nhà nghiên cứu văn hóa nói: “Người ta thường nói rằng âm dương hài hòa thì quả vàng được sinh sôi. Đó là nhân văn, tình người rất sâu. Tôi không nghĩ nó là duy tình. Đó là minh triết; thương người như thể thương thân... Đó là nét văn hóa rất sâu. Nó có trong bản sắc con người Việt”.

Bên cạnh đó ở góc nhìn của mình nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai cho rằng, bản sắc văn hóa Việt Nam phải nói đến hai mặt, cái thánh thiện trong con người Việt, tình người rất đẹp. Ông bà ta xưa từng nói con người quý lắm trong tiểu vũ trụ có thiên hoàng, địa hoàng và nhân hoàng. Bên cạnh đó là những hạn chế đang tồn tại đó là lối ứng xử nông nghiệp lạc hậu ngày xưa nó vẫn đang tồn tại, cho nên cần có sự quản lý văn hóa, giáo dục văn hóa phù hợp với đời sống hiện đại.

“Có thể nói, việc hiện nay, giới trẻ chạy theo phong cánh ăn mặc, âm nhạc, phim ảnh của Hàn Quốc cũng là một thói xấu, là sự lai căng. Cái này có dấu vết từ chiều sâu văn hóa Việt. Văn hóa Việt một mặt cố giữ bản sắc, đạo lý, tuy nhiên từ lịch sử đã có sự đua đòi. Còn bây giờ thì sao? Vì cái của mình không được nhắc nhở, trau chuốt thì người ta phải nhòm ra ngoài. Đó cũng chính là sự a dua. Khi bản lĩnh văn hóa của mỗi con người không giữ được. Nó chính là những thói xấu đánh mất bản lĩnh của mình. Mặt khác cũng phải thúc đẩy cái hay, cái tốt từ bên ngoài”, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai nêu hiện trạng.

Theo đó, hiện nay việc nhiều nhóm trẻ đua đòi, nhưng sẽ chóng qua hơn hết để sự phân ly văn hóa mất đi thì cái "neo" lớn trong xã hội phải nói đến văn hóa chính trị, phải thật sự tôn trọng dân.

“Ngoài ra chính bản thân chúng ta là quyền chủ động, chủ động học, chủ động tiếp nhận văn hóa trong xã hội, dòng tộc để làm người tử tế”, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai kết luận.

Phạm Liễu-Hoàng Lực