Siêu dự án sân bay Long Thành: Xin đừng làm khó Quốc hội!

21/10/2014 09:47
TS Trần Đình Bá
(GDVN) - Theo TS Trần Đình Bá, để có 18 tỷ USD xây dựng dự án sân bay Long Thành là điều không dễ nhất là trong tình hình nợ công Việt Nam đang ở mức cao.

LTS: Dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành - Đồng Nai mới được Bộ GTVT trình lên Chính phủ và dự kiến sẽ được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII. Xung quanh dự án đầu tư này rất nhiều luồng ý kiến khác nhau. Thường xuyên theo dõi đóng góp nhiều ý kiến cho sự phát triển của ngành hàng không trong nước, TS Trần Đình Bá đã có bài viết đưa ra phân tích, lo ngại nguồn vốn để thực hiện dự án sân bay Long Thành.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xin gửi đến độc giả bài viết thể hiện quan điểm của TS Trần Đình Bá - Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam:

Nợ công cao, siêu dự án sân bay Long Thành là mạo hiểm?  

Với mức đầu tư 7,8 tỷ USD giai đoạn 1, mặc nhiên dự án sân bay Long Thành đã trở thành Siêu dự án tầm quốc tế. Vậy nhưng ngành Hàng không vẫn cứ lạc quan...

Phối cảnh dự án sân bay Long Thành.
Phối cảnh dự án sân bay Long Thành.

Theo đồng hồ nợ công thế giới (The Global debt clock - GDC) của tạp chí The Economist ngày 28/3/2014 công bố nợ công của Việt Nam xấp xỉ 84,32 tỉ USD, tổng dư nợ cả năm tăng 10,6%, chiếm 47,3% GDP. Với dân số 90,964 triệu dân, hiện mỗi người Việt đang gánh hơn 930 USD (khoảng trên 20 triệu đồng) nợ công. 

Cũng theo GDC, trước đó cuối tháng 9/2013, đồng hồ đếm nợ công của Việt Nam chỉ ở mức trên 76,24 tỉ USD. Với 90,126 triệu dân tại thời điểm đó, GDC tính trung bình mỗi người VN gánh 846 USD. Như vậy, sau một năm tổng nợ công đã tăng hơn 8 tỉ USD, theo đó, mỗi người Việt phải gánh thêm 84 USD (xấp xỉ 1,8 triệu đồng) nợ công sau một năm.

Đồng hồ này đang tách động đến tâm lý và cuộc sống hàng ngày của nhân dân và tương lai của thế hệ con cháu chúng ta! 

Còn theo các chuyên gia kinh tế thì nợ công Việt Nam đã vượt trên 100% GDP, đó là điều đáng lo ngại.  TS Vũ Quang Việt, một chuyên gia kinh tế kỳ cựu phân tích cho rằng nợ công phải bao gồm nợ trong nước và nợ nước ngoài của Chính phủ (cả trung ương, địa phương và doanh nghiệp nhà nước); nợ để chi và nợ bảo lãnh; nợ ngân hàng, nợ qua phát hành giấy nợ như trái phiếu…. đều phải được tính là nợ công. Vì khi vỡ nợ, Chính phủ phải đứng ra lãnh nợ tất cả, mà tiền Chính phủ thì cũng từ thuế đóng góp của người dân. 

Bảng đồng hồ nợ công của VN ngày 28/2/2014 – nguồn internet
Bảng đồng hồ nợ công của VN ngày 28/2/2014 – nguồn internet

Nếu tính đầy đủ theo cách như vậy thì theo TS.Lê Đăng Doanh, nợ công Việt Nam hiện xấp xỉ 106% GDP, vượt xa so với ngưỡng nợ công 65% GDP được đặt ra theo Nghị quyết Quốc Hội trong chiến lược phát triển tài chính đến năm 2020.

Cũng theo Tiến sỹ Đỗ Thiên Anh Tuấn - giảng viên chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright: “Tỷ lệ nợ công của Việt Nam có thể trên 100% GDP, vượt xa so với ngưỡng nợ công 65% GDP được đặt ra trong chiến lược phát triển tài chính đến năm 2020” . Ngay như hàng không quốc gia Vietnam Airlines trước giờ IPO đã phải công bố phải vay nợ 38.000 tỷ đồng – tương đương 1,8 tỷ USD. 

Như thế ngân sách nhà nước hay vốn vay của nước ngoài lâu nay được coi là “chùm khế ngọt" nhưng đã rất khó để những nhóm lợi ích nghĩ cách “trèo hái” và ngành Hàng không đang nan giải với bài toán này.  

Thế nhưng tại buổi tọa đàm trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ (ngày 17/10) về việc xây dựng Dự án sân bay Long Thành, ông Phạm Quý Tiêu - Thứ trưởng GTVT phụ trách hàng không lạc quan công bố phía Nhật Bản đã hứa cho vay 2 tỷ USD cho dự án này. Nhưng cũng ngay sau đó, trả lời phóng viên báo chí chiều 17/10, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam Hiroyuki Hayashi lại cho biết, thông tin về việc Nhật Bản có thể cho vay khoảng 2 tỉ USD nếu Việt Nam thực hiện dự án Long Thành là không chính xác. Ông Hiroyuki Hayashi khẳng định phía Nhật chưa có quyết định chính thức nào liên quan đến vấn đề nêu trên.

Như vậy chỗ dựa vào nguồn vốn vay nước ngoài cũng đã rất khó cho siêu dự án này!

Còn kết quả điều tra của UBND tỉnh Đồng Nai hồi giữa tháng 10 cho thấy, kinh phí ước tính thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ người dân nhằm giải phóng mặt bằng phục vụ dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là hơn 13.000 tỷ đồng. Giai đoạn đầu sẽ có 2.515 ha của 1.808 hộ bị thu hồi, giai đoạn 2 có 2.733 hộ dân với 2.484 ha ảnh hưởng phải giải tỏa. Số tiền 13.000 tỷ đồng là khoản bồi thường hỗ trợ cho người dân về đất đai, tài sản... nhằm giải phóng mặt bằng chứ chưa tính đến kinh phí tái định cư cho người dân vùng dự án.

Vậy thì số tiền 13.000 tỷ đồng đầu tư vào siêu dự án sân bay Long Thành cứ như "muối bỏ bể" và nguy cơ "tiền mất tật mang" ảnh hưởng đến cuộc sống làm ăn bình thường của hàng ngàn hộ dân đang sinh sống. 

Xin đừng làm khó Quốc hội...

Theo báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nợ công chiếm gần 64% GDP! Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đưa ra con số như vậy trong buổi trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp châu Âu đang hoạt động tại Việt Nam ngày 13/10 tại Hà Nội. Theo đó, tỷ lệ nợ công của Việt Nam được Chính phủ báo cáo tại kỳ họp tới là "suýt soát" 64% GDP. 

Trước đó, tại phiên họp ngày 9/10 và 11/10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, con số 64% GDP cũng đã được báo cáo của Chính phủ đề cập. Những dự báo này cũng nhận được nhiều lo lắng từ các đại biểu cũng như bản thân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trong câu hỏi lớn.

Chỉ cần vay 1-2 tỷ USD là nợ công sẽ vượt ngưỡng 65%, phá vỡ chỉ số đã nằm trong nghị quyết Quốc hội công bố trước toàn dân. Nếu Quốc hội chấp nhận cho dự án sân bay Long Thành thực hiện là điều không thể vì làm như vậy khác nào làm thay đổi tinh thần và nội dung Nghị quyết Quốc hội. Làm như thế sẽ tạo thành một tiền lệ xấu cho các dự án, siêu dự án sau này, trong khi bài học vỡ nợ ở nhiều nước đã diễn ra.

Chắc chắn sự kiện siêu dự án sân bay Long Thành lần này sẽ làm nóng diễn đàn kỳ họp thứ 8 Quốc hội. Giáo sư tiến sỹ Lã Ngọc Khuê – Chủ tịch Hội đồng khoa học Bộ GTVT đã lạc quan: “Sân bay Long Thành sẽ là “cú lật cánh ngoạn mục cho nền kinh tế !”. Xin thưa rằng không phải lật cánh mà sẽ là "lật thuyền" vì nó chuyển từ thế nền tài chính nước nhà đang trong “ngưỡng an toàn" đột ngột chuyển qua trạng thái “con nợ" thế giới vượt tầm kiểm soát và có nguy cơ vỡ nợ...

Hàng không đang thua lỗ nặng nề và đang trì trệ chưa từng có, xin đừng mạo hiểm với tham vọng “trung chuyển cho thế giới” để trở về trạng thái bình tĩnh nhìn lại, tìm cách tháo gỡ khó khăn cho ngành Hàng không. Và cũng xin đừng làm khó Quốc hội khi phải phá vỡ ngưỡng an toàn 65% về tài chính quốc gia! 

TS Trần Đình Bá