Ngành mía đường Việt Nam cạnh tranh kém là do... nông dân

01/04/2015 13:53
Mai Anh
(GDVN) - "Nông dân tác động vào cây mía, vào giá 1kg đường khoảng 75% - 80%...như vậy giá trị 1kg đường làm ra cao hay thấp là do nông dân", Tổng thư ký VSSA nói.

Xóa bảo hộ ngành mía đường có lợi cho ai?

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo liên bộ về quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô Quý 1 năm 2015, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thẳng thắn nêu quan điểm về việc bảo hộ ngành mía đường cũng như cho phép nhập khẩu đường.

Thủ tướng nhấn mạnh cần phải xóa bỏ việc bảo hộ ngành mía đường để tái cơ cấu ngành này và để người dân được sử dụng sản phẩm đường với giá rẻ hơn.

"Trong phiên họp trước đây, tôi cũng đồng ý cho nhập 50.000 tấn đường, còn bảo hộ như thế này thì không được. Hiện nay chúng ta có mấy trăm nhà máy đường mà 90 triệu dân vẫn phải ăn đường giá cao. Báo chí cũng nói hết rồi. Chúng ta phải cơ cấu lại doanh nghiệp, bản thân từng doanh nghiệp cũng phải tái cơ cấu, đưa công nghệ mới vào, tích vốn, nguyên liệu tạo ra sản phẩm tốt, chất lượng đường tốt và giá thành rẻ", tờ Một thế giới dẫn lời Thủ tướng.

Theo ông Nguyễn Hải, ngành mía đường trong nước không được bảo hộ nhiều (ảnh nông dân thu hoạch mía - nguồn Viện nghiên cứu Mía đường).
Theo ông Nguyễn Hải, ngành mía đường trong nước không được bảo hộ nhiều (ảnh nông dân thu hoạch mía - nguồn Viện nghiên cứu Mía đường).

Quan điểm của Thủ tướng trong vấn đề bảo hộ ngành mía đường cũng giống như quan điểm trước đó Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú đề cập trong bài viết về thực trạng ngành mía đường trong nước. Đó là cần phải xóa bỏ cơ chế bảo hộ để thúc đẩy ngành mía đường phát triển, đồng thời phải cho phép nhập khẩu đường để tạo ra sự cạnh tranh với các doanh nghiệp đường trong nước.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên về ý kiến trên của Thủ tướng, ông Nguyễn Hải - Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường (VSSA) cho rằng, Hiệp hội chưa biết thông tin này. “Tôi cũng chưa nghe thông tin đó một cách chính thức, khi nào có văn bản chính thức mới xác nhận được”, ông Hải cho biết.

Mặc dù vậy, ông Hải cũng đặt lại vấn đề bảo hộ trong ngành mía đường. “Trước hết phải xem xét bảo hộ là như thế nào, bảo hộ cái gì và công cụ gì để nói đang bảo hộ. Thời gian qua, nhiều người hiểu sai khi cho rằng, mía đường đang có sự bảo hộ do vấn đề thuế nhập khẩu đường và nhập khẩu trong hạn ngạch hay ngoài hạn ngạch”, ông Hải nói.

Theo ông Hải, việc cam kết về vấn đề thuế nhập khẩu đường đã ký kết trong hiệp định thương mại tự do, không chỉ với ngành đường mà ngành khác cũng như vậy, cứ làm theo lộ trình. Các nước làm theo lộ trình vì sao mình phải xóa sớm trong khi mình yếu hơn người ta?

“Xóa sớm có lợi cho ai? Hiệp hội Mía đường đề nghị làm theo lộ trình là tốt nhất”, ông Hải nói.

Phân tích vấn đề, ông Hải cho rằng việc Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú nêu quan điểm ngành đường được bảo hộ mức thuế suất cao trong hạn ngạch với 25% đường thô và 40% đường trắng, nhưng đó là theo cam kết WTO: “Còn thực tế khi cho thuế suất trong hạn ngạch không theo cam kết WTO mà theo cam kết Hiệp định Khu vực Thương mại Tự do ASEAN (AFTA) nên chỉ có 5% thuế suất, mức bảo hộ 5% đâu phải là cao”.

“Bảo hộ như thế nào, trong hạn ngạch 5%, ngoài hạn ngạch áp dụng thuế áp 80% và 85% theo cam kết WTO nhưng lâu nay không xuất khẩu ngoài hạn ngạch. Hơn nữa bấy lâu nay Việt Nam chống buôn lậu đường không có hiệu quả, đường nhập lậu tương đương 30% tổng sản lượng đường Việt Nam. Ngành đường trong nước phải chống chọi với đường nhập lậu”, ông Hải cho biết thêm.

Ngành mía đường yếu do quản lý và nông dân?

Bên cạnh đó cũng cần phải nhìn lại vấn đề quản lý điều hành ngành mía đường. Ông Hải cho biết: “Ngành mía đường không có chính sách nào của Chính phủ thật là thích đáng như các nước khác. Ví dụ như Thái Lan có chính sách rất tốt, họ có luật Đường năm 1994 bảo vệ ngành đường phát triển bền vững, ngành đường Việt Nam không được điều đó”.

Tổng thư ký VSSA cho rằng, ngành đường Việt Nam cạnh tranh kém là do ngành nông nghiệp chưa có những chính sách tốt, do chất lượng cây mía của nông dân... còn nhà máy đường hoạt động rất tốt. Nhiều người đang nghĩ sai ngành đường Việt Nam là của nhà máy đường mà không biết rằng, hiện nay để cấu thành giá đường, nông dân tác động vào cây mía, tác động vào giá 1kg đường khoảng 75% - 80%, trong khi nhà máy chỉ tác động 20%-25%... như vậy giá trị 1kg đường làm ra cao hay thấp là do nông dân không phải do nhà máy.

Vấn đề đặt ra ở đây là nếu doanh nghiệp mía đường chỉ chờ nông dân trồng mía thành phẩm rồi đến thu mua thì không thể chủ động nguồn nguyên liệu dài hạn và đảm bảo cũng như chất lượng đường trong mía. Nói cách khác, ngành mía đường đang tách hai chủ thể không liên quan người trồng mía và doanh nghiệp mía đường. Trong trường hợp như vậy nếu doanh nghiệp mía đường “bắt tay” ép giá thì nông dân thiệt hại, nông dân thiệt hại và thua lỗ thì sẽ dẫn đến chặt bỏ mía, doanh nghiệp không có mía để sản xuất đường.

Từ thực tế trên, đặt lại vấn đề như Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú đề cập là doanh nghiệp mía đường trong nước nên học Hoàng Anh Gia Lai trong việc thay đổi công nghệ, tạo chuỗi sản xuất khép kín tức là tổ chức trồng mía và sản xuất đường. Về vấn đề này, ông Nguyễn Hải cho rằng đất trồng mía là của nông dân, doanh nghiệp mía đường trong nước không thể tổ chức trồng chăm sóc mía như mô hình của Hoàng Anh Gia Lai.

Mai Anh