Nếu mì tôm gây sỏi thận: Người tiêu dùng có thể kiện nhà sản xuất

04/01/2014 07:59
Hoàng Lực
(GDVN) - Đó là khẳng định của Th.LS Trương Anh Tuấn - Văn phòng Luật sư Investlinkco và Cộng sự (HN) về thông tin mì tôm chứa acid oxalic có thể gây sỏi thận.

Người tiêu dùng có thể khởi kiện

Bất chấp sự hoang mang, lo lắng đến tột độ của người tiêu dùng sau thông tin 100% mì tôm chứa acid oxalic có thể gây sỏi thận, đến thời điểm này, phần lớn các nhà sản xuất mì tôm đều không có bất cứ động thái nào góp phần làm rõ thông tin.

Trong khi đó, theo quy định hiện nay mặc dù acid oxalic không nằm trong danh sách phụ gia thực phẩm cho phép nhưng đã có nhiều trường hợp nhà sản xuất cho acid oxalic với mục đích tẩy trắng.

Theo các chuyên gia thực phẩm, điều nguy hiểm nhất của loại axit này là ở chỗ khi đi vào cơ thể, chúng thẩm thấu trực tiếp qua thành ruột vào máu. Sau quá trình nhiễm độc lâu acid oxalic kết tủa với canxi có sẵn trong cơ thể gây sỏi thận hoặc đọng lại các khớp xương, nguy hiểm cho con người.

Th.s LS Trương Anh Tuấn Văn phòng Luật sư Investlinkco và Cộng sự (Hà Nội): "Người dân có thể khởi kiện các hãng sản xuất mì tôm nếu chứng minh được nguyên nhân bị sỏi thận là do ăn mì"
Th.s LS Trương Anh Tuấn Văn phòng Luật sư Investlinkco và Cộng sự (Hà Nội): "Người dân có thể khởi kiện các hãng sản xuất mì tôm nếu chứng minh được nguyên nhân bị sỏi thận là do ăn mì"

Nhiều người tiêu dùng đã cho rằng, chính sự im lặng của các đại gia trong làng mì ăn liền đang vô hình chung đẩy sự hoang mang của người tiêu dùng lên cao hơn. Và trong khi chưa nhận được sự trấn an cần thiết từ phía nhà sản xuất, nhiều người lo lắng cho sức khỏe của mình đã đặt câu hỏi: Acid oxalic có trong mì tôm có độc hại hay không? Việc họ ăn mì tôm trong thời gian dài ảnh hưởng thế nào? Trong trường hợp nếu đúng chất này trong mì tôm có thể gây sỏi thận, vậy ai là người chịu trách nhiệm và liệu người tiêu dùng có thể khởi kiện nhãn hàng sản xuất mì tôm không?

Liên quan đến những thắc mắc này, Th.LS Trương Anh Tuấn Văn phòng Luật sư Investlinkco và Cộng sự (Hà Nội) phân tích: Dù rất khó nhưng nếu chứng minh được do sử dụng mì tôm của một hãng nào đó gây ra sỏi thận cho mình, người tiêu dùng có thể khởi kiện về việc vi phạm an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, để chứng minh được là một câu chuyện khó khăn trên thực tế, bởi việc mua mì tôm cũng chưa có nghĩa là người mua sẽ dùng mì tôm đó.

Vấn đề nằm ở chỗ làm sao để người tiêu dùng tìm được căn nguyên chứng minh bị sỏi thận do việc sử dụng mì tôm? Điều này theo LS Tuấn, chỉ có thể nhờ vào các cơ quan y tế can thiệp.

Cũng theo LS Tuấn, dù có bị sỏi thận nhưng chưa chứng minh được chính xác nguyên nhân từ acid oxalic có trong mì tôm thì chưa đủ để lập luận buộc bồi thường thiệt hại. “Việc kết luận chính xác hay không chỉ cơ quan y tế mới có đủ chức năng, thẩm quyền thực hiện”.

Trên cương vị người tiêu dùng, LS Tuấn cho rằng: “Nhiều công ty mỳ tôm không lên tiếng là việc nội bộ của họ. Còn với ý thức và trách nhiệm của cơ quan truyền thông, người tiêu dùng thì phải chia sẻ thông tin để có hành vi ứng xử phù hợp trước những thực phẩm gây bệnh tật cho mình. Cách đơn giản và dễ nhất là tránh dùng những sản phẩm đó. Còn các công ty đứng trước sản phẩm bị từ chối sẽ phải có động thái phù hợp”.

Vì sao 100% mì tôm được công bố chứa acid oxalic?

Ngay sau thông tin công bố con số 100% mì tôm chứa acid oxalic, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn cho rằng trong tự nhiên mì tôm làm từ bột mì đều có acid oxalic. Bởi lẽ mà bột mì có sẵn acid oxalic tự nhiên.

Theo số liệu khoa học, tùy theo lúa mì, thổ nhưỡng, điều kiện khí hậu nơi trồng, hàm lượng acid oxalic trong lúa mì có thể đến 700 ppm (đây là thực phẩm có lượng acid oxalic ở mức trung bình). Theo đó GS Sơn cho rằng: “Mì tôm làm từ bột mì đều có chứa acid oxalic”.

Thương hiệu mì tôm Hảo Hảo nổi tiếng thị trường nhưng cũng có thành phần chính bột mì, một thực phẩm mà theo GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn là có acid oxalic (ảnh nguồn Vina Acecook)
Thương hiệu mì tôm Hảo Hảo nổi tiếng thị trường nhưng cũng có thành phần chính bột mì, một thực phẩm mà theo GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn là có acid oxalic (ảnh nguồn Vina Acecook)

Từ kết luận trên của GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn, khảo sát thông tin thành phần các thương hiệu mì tôm đều thấy thành phần chủ yếu là bột mì. Cụ thể một nhãn mì tôm được nhiều người tiêu dùng lựa chọn là mì Hảo Hảo (do Vina Acecook sản xuất) trong thành phân giới thiệu đầu tiên là: Bột mì, dầu Shortening, muối, màu tổng hợp (E102).

Tương tự tìm hiểu thông tin trên bao bì mì Omachi – mì sườn hầm ngũ quả (của nhãn hàng Masan) cũng thấy thông tin thành phần sản phẩm gồm bột mì, tinh bột khoa tây, dầu shortening, muối, đường, bột ngọt và màu tổng hợp. Một nhãn hàng mì tôm khác của Masan là mì Tiến Vua.

Theo khảo sát tại quầy hàng của siêu thị hầu hết các loại mì lớn như Mikochi, mì Đệ nhất của Vina Acecook; Mì Sagami, Kokomi của Tập đoàn Masan; Mỳ Gấu đỏ, Gấu yêu của Asia Foods. Tất cả đều thành phần chủ yếu sản xuất từ bột mì. Từ đó nếu theo nhận định của GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn thì loại mì tôm này đều có acid oxalic.

Hoàng Lực