Không rút được tiền tại Agribank: "Khách hàng cũng phải chịu trách nhiệm"

18/03/2015 08:00
Mai Anh
(GDVN) - “Nếu không làm theo quy trình mà giao tiền cho bất cứ người nào mình tin tưởng, khi xảy ra vấn đề khách hàng cũng phải chịu trách nhiệm...”.

Có mối quan hệ thân tình với giám đốc giao dịch Phòng giao dịch Hòa Hưng – Agribank chi nhánh Mạc Thị Bưởi, ông Dương Thanh Nghị 42 tuổi (Việt kiều Pháp) quê ở Vũng Tàu đã tin tưởng gửi số tiền tiết kiệm lên đến 400.000 euro và được vị giám đốc phòng giao dịch trao cho 1 sổ tiết kiệm. Tuy nhiên đến khi ra rút tiền trong số tiết kiệm, ông Nghị mới phát hiện sổ tiết kiệm mình đang cầm không có tiền.

Thay vào đó trong hồ sơ  của Agribank thể hiện, ông Nghị có 01 số tiết kiệm và hiện đang được thế chấp bảo đảm vay số tiền 10.400.000.000 đồng (mười tỷ bốn trăm triệu đồng) theo Hợp đồng tín dụng số 1900LAV201400592/HĐTD. Hiện số tiền này đang được Agribank chi nhánh Mạc Thị Bưởi phong tỏa để đảm bảo việc trả nợ khoản vay. 

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, việc ông Nghị tin tưởng vào vị giám đốc phòng giao dịch mà không thực hiện đúng quy trình gửi tiền tiết kiệm khi xảy ra vấn đề thì khách hàng phải chịu trách nhiệm (ảnh minh họa).
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, việc ông Nghị tin tưởng vào vị giám đốc phòng giao dịch mà không thực hiện đúng quy trình gửi tiền tiết kiệm khi xảy ra vấn đề thì khách hàng phải chịu trách nhiệm (ảnh minh họa).

Hồ sơ vay vốn, nhận tiền, lĩnh tiền có đầy đủ chữ ký của ông Dương Thanh Nghị. 

Quá bất ngờ khi được Agribank trả lời về việc có đến hai sổ tiết kiệm thuộc về mình trong đó 1 sổ tiết kiệm được thể chấp đảm bảo vay vốn, ông Nghị cho biết, chưa bao giờ vay tiền hay làm hợp đồng tín dụng vì vậy ông Nghị đã phản ánh đến Agribank và cơ quan báo chí.

Trước phản ánh của khách hàng, Agribank đã rà soát lại hồ sơ. Theo đó từ tháng 09/2014 đến nay, ông Nghị đã có nhiều giao dịch gửi tiền, vay tiền tại Phòng giao dich Hòa Hưng. Tất cả các giao dịch của ông Dương Thanh Nghị đều được thực hiện trực tiếp với ông Nguyễn Lê Kiều Quang (thời điểm đó đang là Giám đốc Phòng giao dịch Hòa Hưng – Agribank chi nhánh Mạc Thị Bưởi) tại phòng làm việc riêng, không thông qua giao dịch viên. 

Trong khi đó người giao dịch trực tiếp với ông Nghị là ông Nguyễn Lê Kiều Quang hiện đang bị cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an TP Hồ Chí Minh ra quyết định khởi tố bị can và quyết định truy nã về tội tham ô tài sản. Vì vậy tạm thời việc rút tiền của ông Nghị phải chờ kết luận của cơ quan điều tra.

Nhìn lại quá trình diễn biến vụ việc tại Agribank, đứng góc độ quản trị ngân hàng và người dân, theo TS Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính ngân hàng thì vị khách hàng có tiền gửi tiết kiệm đã quá tin tưởng vào một cá nhân mà không thực hiện các bước trong việc gửi tiền tiết kiệm.

TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, trước hết cả hai phía phải thực hiện đúng quy định. Về quy định gửi tiền tiết kiệm, nếu là doanh nghiệp thì phải có hợp đồng tiền gửi, còn với cá nhân sau khi gửi tiền sẽ được mở 1 sổ tiết kiệm. Phải đảm bảo sổ tiết kiệm đó được một ngân hàng hoặc một chi nhánh ngân hàng nào đó phát hành.

“Về phía ngân hàng phải có trình tự quy trình, không chỉ 1 người mà phải có người nhận tiền, người kiểm tiền sau đó phải có chứng nhận của kiểm soát viên. Sau khi có chữ ký của kiểm soát viên, giám đốc chi nhánh mới được mở sổ tiết kiệm cho khách hàng”, TS Hiếu cho biết.

Phân tích cụ thể vấn đề nghiệp vụ ngân hàng, TS Hiếu cho hay: Nếu người dân có tiền gửi tiết kiệm khi làm thủ tục và trao tiền bản thân khách hàng phải biết biết nhân viên đó có đủ thẩm quyền để nhận số tiền đó không. Thậm chí nếu là giám đốc chi nhánh phải xuất ra chứng từ để đảm bảo mình đủ thẩm quyền làm tất cả chuyện đó, sau khi trao tiền phải nhận được giấy biên nhận tiền. 

Để đảm bảo tính pháp lý, an toàn cho số tiền gửi tiết kiệm của mình người dân nên mang tiền gửi tiền tiết kiệm đến ngân hàng để làm thủ tục trực tiếp theo đúng trình tự. Hoặc vì lý do nào đó người dân muốn ngân hàng cử đại diện đến nhà làm thủ tục nhưng khi đến đó phải có 2-3 người, theo nguyên tắc phải có 2 người để 1 người làm chứng.

“Nếu khách hàng không qua trật tự đó mà giao tiền cho bất cứ người nào mình tin tưởng, nếu có chuyện gì xảy ra thì khách hàng cũng phải chịu trách nhiệm. Còn chỉ đơn phương độc mã, ông giám đốc đó trao cho mình một giấy chứng nhận, viết tay thì không đúng thủ tục. Trong trường hợp như vậy nếu khách hàng chấp nhận thì cả hai đều có rủi ro”, TS Hiếu khẳng định.

Cũng theo TS Hiếu, việc Agribank cho rằng phải chờ kết luận của cơ quan pháp luật mới thực hiện giao dịch cho ông Nghị là hoàn toàn đúng để đảm bảo quyền lợi các bên.

“Nếu số tiền đó đang ở vòng điều tra, mà quá trình điều tra chưa làm rõ mối liên hệ của khách hàng với vụ việc đang điều tra thì số tiền đó phải được giữ lại do vậy cách xử lý của Agribank là đúng. Tuy nhiên khi có kết quả của cơ quan điều tra xác định lỗi do ngân hàng còn khách hàng làm đúng trình tự thì ngân hàng phải trả lại số tiền đó cho khách hàng”, TS Hiếu cho biết.

Mai Anh