Giám đốc VietJet: Chúng tôi không hủy vé bay của hành khách Nguyễn Thị Vân

07/04/2015 15:43
Mai Anh
(GDVN) - Hãng hàng không VietJet cho biết, dù chị Nguyễn Thị Vân đã hủy hai chuyến bay ngày 15 và 16/4 nhưng VietJet vẫn giữ chỗ cho hành khách này.

Sau sự cố đáng tiếc "từ chối" hành khách khuyết tật xảy ra ngày 2/4 vừa qua, trên nhiều phương tiện truyền thông dẫn lời hành khách Nguyễn Thị Vân cho biết, VietJet đã hủy 2 chuyến bay của hành khách này vào ngày 15 và 16/4.

Trước thông tin này, ông Lưu Đức Khánh - Giám đốc điều hành Vietjet khẳng định: “VietJet không hủy hai chuyến bay ngày 15 và 16/4 của hành khách Nguyễn Thị Vân. Việc hủy vé do hành khách Vân đề nghị hủy trong lúc bức xúc. Tuy nhiên, hãng đã hồi phục lại trên hệ thống vé bay của chị Vân ngày 15 và 16/4 để chị Vân có thể hủy hay tùy chọn bay tiếp với Vietjet".

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cùng với đó, nhắc lại sự việc xảy ra trên chuyến bay VJ516 Đà Nẵng – Hà Nội ngày 2/4/2015, vị đại diện VietJet một lần nữa khẳng định đây là trường hợp đáng tiếc, xuất phát từ thái độ ứng xử, cách giải thích cũng như kỹ năng phối hợp làm việc của nhân viên chưa tốt khi phục vụ hành khách là người khuyết tật.

“Ngay sau sự việc xảy ra, tối 2/4 VietJet đã kỷ luật nhân viên ngay trong ngày, công khai xin lỗi chị Vân trên phương tiện truyền thông và có thư xin lỗi hành khách Nguyễn Thị Vân”, ông Khánh cho biết.

Trên thực tế VietJet có chính sách ưu tiên phục vụ với hành khách là người khuyết tật từ khi mua vé, làm thủ tục tại quầy riêng ở sân bay. Hành khách khuyết tật sẽ được VietJet ưu tiên ra cửa khởi hành trước hành khách thông thường, được tiếp viên hỗ trợ trên máy bay và được trợ giúp tại sân bay đến. Bên cạnh đó, Vietjet đã quy định rõ trong điều lệ vận chuyển, được công bố rõ ràng trên website đề nghị hành khách này phải đặt dịch vụ trước 48 giờ để đảm bảo phục vụ người khuyết tật sử dụng xe lăn, xe nâng. 

"Vietjet là hãng hàng không duy nhất tại Việt Nam mà toàn bộ dịch vụ phục vụ hành khách nói chung và phục vụ hành khách là người khuyết tật nói riêng tại sân bay và các cảng hàng không đề không do hãng cung cấp. Do đó, Vietjet không có sự chủ động trong công tác phục vụ hành khách và chất lượng phục vụ hoàn toàn phụ thuộc vào các công ty dịch vụ mặt đất và Cảng hàng không trong nước...", ông Lưu Đức Khánh chia sẻ. 

Cũng theo vị giám đốc hãng bay này, từ những ngày đầu khai thác đến nay Vietjet không thu phí với với tất cả hành khách sử dụng dịch vụ xe nâng, cho dù hãng vẫn đang phải trả chi phí này với mức giá khoảng 330.000 - 500.000 đồng/lần phục vụ, thậm chí có sân bay lên đến 1,6 triệu đồng/giờ phục vụ. Một lượt khách đi cần phụ vụ 2 lượt xe nâng ở nhà ga đi và đến. Theo đó, chỉ tính riêng năm 2014, Vietjet đã chi hơn 2 tỷ đồng để thuê tổng cộng 4.110 lượt xe nâng (năm 2013 là 1.280 lượt) để phục vụ hành khách của hãng có nhu cầu phục vụ xe nâng. 

Tuy nhiên, mặc dù bỏ chi phí cao để thuê nhưng VietJet lại không chủ động được các dịch vụ này thay vào đó phải phụ thuộc hoàn toàn vào các công ty dịch vụ mặt đất và cảng hàng không.

Theo tìm hiểu của phóng viên hiện tại trong 13 sân bay nội địa VietJet đang khai thác chỉ có 5 sân bay có trang bị xe nâng giúp vận chuyển người khuyết tật đi lên máy bay. Chính vì sự thiếu đồng bộ nên có trường hợp nhân viên của VietJet phải ẵm, bế hành khách khuyết tật hạn chế đi lại lên máy bay. Điều này tiềm ẩn nguy hiểm, ảnh hướng đến sức khỏe an toàn của hành khách cũng như nhân viên của VietJet.

Bên cạnh việc thiếu đồng bộ hiện nay sân bay đều chưa có thiết kế lối giao thông riêng dành cho người khuyết tật, thiếu thiết bị hỗ trợ… Như vậy có thể thấy, qua sự việc "từ chối" người khuyết tật của hãng bay Vietjet lần này, hàng không Việt Nam đang tồn tại rất nhiều yếu tố khách quan tác động đến phục vụ hành khách đặc biệt hành khách khuyết tật.

Từ đó, đại diện của hãng hàng không này cũng chia sẻ, nên chăng Bộ Giao thông vận tải nên xem xét, rà soát, sửa đổi thông tư 36 theo hướng gắn chặt và phối hợp hơn nữa trách nhiệm của tất cả các bên liên quan tại Cảng hàng không trong việc phục vụ hành khách là người khuyết tật. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng cần tăng cường tuyên truyền các quy định của ngành hàng không đặc biệt là các quy định vận chuyển hành khách là người khuyết tật để nâng cao hơn nữa ý thức của hành khách trong quá trình sử dụng phương tiện đi lại này. 

Mai Anh