Chồng đại gia Diệu Hiền được kỳ vọng giúp Thủy sản Sông Hậu thoát nợ

12/11/2013 11:16
Liễu phạm (Tổng hợp)
(GDVN) - Sau khi "giải cứu" và tái cơ cấu thành công hàng loạt công ty thủy sản đang trên bờ vực phá sản, mới đây ông Trần Văn Trí (chồng của nữ đại gia thủy sản Diệu Hiền - Công ty Công ty Thủy sản Bình An, Bianfishco) được bầu làm Chủ tịch HĐQT Công ty CP chế biến thực phẩm sông Hậu với kỳ vọng cứu công ty này thoát khỏi cảnh nợ nần.
Ông Trần Văn Trí được bầu   Thủy sản Sông Hậu

Sáng 11/11, Công ty CP chế biến thực phẩm Sông Hậu (Sohafood) tiến hành Đại hội cổ đông và đã bầu ra được Chủ tịch HĐQT, giám đốc mới nhằm mục đích tìm ra phương án trả nợ tiền cá cho nông dân và các cổ tổ chức tín dụng.

Vietnamnet đưa tin, chủ trì Đại hội là bà Trần Ngọc Sương (tự Ba Sương), các thành viên trong HĐQT, hơn 40 chủ nợ là nông dân bán cá và một số nhà đầu tư vào doanh nghiệp Sohafood.

Bà Ba Sương cho biết, sau hơn 3 tháng trở lại doanh nghiệp ở Nông trường Sông Hậu đang lúc ngập ngụa trong khó khăn nợ nần; trở về là với tâm nguyện giúp đỡ nông dân nợ cá tìm được nhà đầu tư để trả nợ.

Ông Trần Văn Trí được kỳ vọng vực dậy Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm Sông Hậu (Sohafood) - một doanh nghiệp thủy sản khác đang lâm vào cảnh nợ nần.
Ông Trần Văn Trí được kỳ vọng vực dậy Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm Sông Hậu (Sohafood) - một doanh nghiệp thủy sản khác đang lâm vào cảnh nợ nần.

Sau khi hội ý, các thành viên trong HĐQT đã bỏ phiếu, thống nhất bầu ông Trần Văn Trí làm Chủ tịch HĐQT; ông Nguyễn Tấn Thanh sẽ quay trở lại làm GĐ Sohafood (khi làm hết thủ tục cần thiết) và bà Trần Ngọc Sương sẽ giữ chức vụ làm cố vấn cho Chủ tịch HĐQT mới đảm nhiệm.

Trao đổi với PV, ông Trần Văn Trí, cho biết, được các cổ đông của Sohafood bầu làm Chủ tịch HĐQT là một điều bất ngờ. Hiện ông nắm giữ trên 26% vốn điều lệ từ ủy quyền của cổ đông lớn nhất của Sohafood. Sau khi được Sở Kế hoạch - Đầu tư TP Cần Thơ cấp lại giấy phép đăng ký kinh doanh mới, công ty sẽ tìm cách trả nợ cho nông dân trong thời gian sớm nhất, đảm bảo có lợi cho cả doanh nghiệp và người nuôi cá.

Nhìn lại hành trình tái cấu trúc và giải cứu thành công hàng loạt doanh nghiệp thủy sản chìm ngập trong nợ nần, ngấp nghé bên bờ vực phá sản trong thời gian qua, nhiều người kỳ vọng, ông Trần Văn Trí có thể "hồi sinh" Thủy sản Sông Hậu.

Tái cơ cấu thành công Bianfishco


Năm 2012, số nợ khổng lồ, chủ yếu là nợ tiền cá (gần 300 tỷ đồng) của Công ty CP Thủy sản Bình An (Bianfishco) làm nóng dư luận. Cuối tháng 2/2012, khi bà Phạm Thị Diệu Hiền - khi đó là Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Bianfishco ra nước ngoài chữa bệnh, ông Trần Văn Trí (chồng bà) phải rời ghế công chức về gánh vác việc trả nợ trong điều kiện công ty ngấp nghé bờ vực phá sản.

Để các ngân hàng quay lại là bào toán then chốt của Bianfishco. Với vai trò đầu tàu, ông Trần Văn Trí đã phát huy được sức mạnh tổng hợp trong tình thế ngỡ bế tắc hoàn toàn. Ông Trí xoay xở từ nhiều nguồn, với sự trợ giúp của Ngân hàng TMCP An Bình, trả và giảm được một số nợ nhằm “giảm sức nóng”.

Ngày 18/4/2012, Công ty Mua bán nợ và Tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC - Bộ Tài chính) xuất hiện, có tác động giải tỏa căng thẳng số nợ của Bianfishco. Theo đó, DATC yêu cầu Bianfishco khẩn trương hoàn thành tổng kiểm kê, kiểm tra tài sản doanh nghiệp đến thời điểm 31/12/2011, xác nhận toàn bộ công nợ phải thu, phải trả… một cách chính xác tuyệt đối; báo cáo rõ tình hình cấn trừ nợ bằng tài sản với Ngân hàng TMCP An Bình…

Lập báo cáo tình hình tài chính, tình hình sản xuất kinh doanh riêng biệt từng hoạt động của Công ty (nhà máy chính, nhà máy Collagen, Trung tâm nuôi trồng thủy sản…); Lập phương án sản xuất kinh doanh trong thời gian từ 2012 đến 2017 cho từng nhà máy của công ty; Lập danh sách chi tiết cổ đông góp vốn của Công ty (phương thức góp vốn bằng tiền, tài sản hay hình thức khác).

Ông Trần Văn Trí đã vực dậy thành công Công ty Thuỷ sản Bình An (Bianfishco) tránh nguy cơ phá sản vì nợ hàng nghìn tỷ đồng.
Ông Trần Văn Trí đã vực dậy thành công Công ty Thuỷ sản Bình An (Bianfishco) tránh nguy cơ phá sản vì nợ hàng nghìn tỷ đồng.

Mặt khác, ngay thời điểm các ngân hàng quay lại, chưa phải hết ngay khó khăn vì nợ của của Bianfishco quá lớn, tính đến ngày 31/8/2012, tổng nợ hơn 1.886 tỷ đồng, lỗ hơn 834 tỷ đồng. Do cung cách quản trị gia đình nên nợ nần rất phức tạp, trách nhiệm của các bộ phận lại không rõ ràng. Tại Đại hội cô đông, ông Trần Văn Trí nói, đầu tư cho thương hiệu giá đắt và trách nhiệm của HĐQT kém, nhất là khi gặp khó khăn.

Sáng 25/8/2012, Bianfishco được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh mới; trong đó, SHB trở thành cổ đông lớn. Ngày 30/8/2012, SHB đưa 23 cán bộ vào kiểm tra toàn diện để lên phương án chi tiết tái cấu trúc Bianfishco với lịch trả nợ cụ thể, có thể coi đây là thời điểm Bianfishco chính thức vượt khủng hoảng nợ.

Tờ VnExpress đưa tin, sáng 18/6/2013, Công ty cổ phần Thủy sản Bình An (Bianfishco) đại hội cổ đông lần 2 sau hơn nửa năm được Ngân hàng SHB tái cơ cấu toàn diện để hoạt động ổn định. Báo cáo trước cổ đông, lãnh đạo Bianfishco cho biết công ty hoạt động có lãi, đơn hàng xuất khẩu ổn định. Hiện mỗi ngày nhà máy thủy sản Bình An tiêu thụ khoảng 70 tấn cá tra nguyên liệu, tạo việc làm ổn định cho gần 2.000 công nhân.                                                                        

Tại đại hội, ông Trần Văn Trí (chồng cựu Tổng giám đốc Bianfishco Phạm Thị Diệu Hiền) có đơn xin từ nhiệm, rút khỏi thành viên HĐQT Bianfishco, về Sóc Trăng tham gia tái cơ cấu cho Thủy sản Phương Nam. Hiện tại, ông Trí vẫn còn nắm hơn 20% cổ phần tại Bianfishco.

Giải cứu thủy sản Phương Nam


Ngày 5/11/2012, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Sóc Trăng làm đầu mối tổ chức cuộc họp khẩn cấp với 6 ngân hàng chủ nợ của Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm Phương Nam để bàn phương án tái cấu trúc doanh nghiệp thủy sản đang lún vào nợ nần.

Theo đó, dư nợ liên quan đến các ngân hàng tại Công ty Phương Nam lúc này đã lên tới trên 1.600 tỷ đồng. Trong đó có đến 1.462 tỷ đồng là vốn vay ngắn hạn, còn lại là trung hạn và dư nợ cho vay vốn nhận từ các tổ chức, cá nhân khác.

Ông Trần Văn Trí (chồng bà Diệu Hiền) cho biết: Công ty Phương Nam có thương hiệu nên cần thiết phải “giải cứu” để đưa con tôm của Việt Nam vươn xa ra thị trường thế giới, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động và giúp hàng chục ngàn nông dân ở vựa tôm Sóc Trăng tìm được đầu ra sau mỗi mùa vụ. Từ suy nghĩ này, chồng bà Diệu Hiền muốn chia sẻ kinh nghiệm để tái cơ cấu doanh nghiệp, giúp Công ty Phương Nam đi vào sản xuất ổn định trở lại.

Thủy sản Phương Nam đã hồi sinh. Ảnh: Duy Khang
Thủy sản Phương Nam đã hồi sinh. Ảnh: Duy Khang

Trong cuộc họp khẩn cấp với 6 ngân hàng chủ nợ của Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm Phương Nam để bàn phương án tái cấu trúc doanh nghiệp thủy sản, ông Trần Văn Trí được Agribank Sóc Trăng mời dự với vai trò là nhà đầu tư ở cương vị Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư quốc tế Trí Việt có trụ sở tại quận 3, TP.HCM (vốn điều lệ 300 tỷ đồng).

Trong cuộc họp, sau khi nghe đại diện các chủ nợ ngân hàng báo cáo dư nợ tại Công ty Phương Nam, ông Trần Văn Trí cho biết với kinh nghiệm điều hành, tái cơ cấu Bianfishco vượt qua khó khăn, ông đã gửi tờ trình đến UBND tỉnh Sóc Trăng, Công ty Mua bán nợ (Bộ Tài chính) và các ngân hàng để xin tham gia tái cấu trúc toàn diện Công ty Phương Nam.

Theo ông Trí, Công ty Trí Việt đã bàn bạc với Công ty Mua bán nợ về phương án mua nợ và làm đại diện pháp luật cho Công ty Phương Nam khi chính thức tham gia tái cơ cấu. Đối với các ngân hàng, phương án tốt nhất là tham gia góp vốn bằng nợ vay nhưng theo Luật các tổ chức tín dụng thì không quá 11%. Sau cuộc họp này, tuần tới Công ty Trí Việt tiếp tục làm việc với 7 ngân hàng để tiến hành thực thi các thủ tục pháp lý vào cuối tháng 11 và đưa đội ngũ điều hành mới vào Công ty Phương Nam để làm việc, hoạt động tốt trở lại vào ngày 3/12.

"Phần nợ còn lại sẽ có phương án khoanh, giãn nợ và không phát sinh lãi trong 5 năm. Ngân hàng chủ nợ cũng phải cử người tham gia hội đồng quản trị, ban điều hành và công ty đi vào ổn định phải tăng vốn điều lệ, tăng thêm hạn mức tín dụng 50 triệu USD để đủ năng lực mua nguyên liệu hoạt động, cạnh tranh với các nước trong khu vực", ông Trí cho biết thêm.

Vực dậy Công ty cổ phần Bắc Trung Nam (Thanh Hóa) 

Báo VnExpress đưa tin, ngày 18/7/2013, ông Trần Văn Trí cho biết đã làm việc với bà Đỗ Thị Hồng, Giám đốc Công ty cổ phần Bắc Trung Nam (Thanh Hóa) để bàn phương án tái cơ cấu cho doanh nghiệp này. 

Từ một nhà phân phối hàng tiêu dùng vào năm 2005, bà Hồng cùng bạn bè, người thân góp vốn mở Công ty cổ phần Bắc Trung Nam với vốn điều lệ 39 tỷ đồng. Ba năm sau doanh nghiệp đầu tư gần 250 xe taxi và năm 2010 đưa vào vận hành Bệnh viện Mắt Bắc Trung Nam đối diện Ngã Ba Bia thành phố Thanh Hóa. Ngoài bệnh viện, doanh nghiệp còn có phòng khám đa khoa, trung tâm vật lý trị liệu thuộc Ban Quản lý dự án Bệnh viện đa khoa dưỡng lão Bắc Trung Nam trên diện tích 8 ha.

Ông Trí được mời ra Bắc thu xếp nợ cho một công ty đa ngành đang bên bờ vực phá sản, nhờ kinh nghiệm giải cứu hàng loạt doanh nghiệp thủy sản miền Tây với tổng nợ hơn 4.000 tỷ đồng.
Ông Trí được mời ra Bắc thu xếp nợ cho một công ty đa ngành đang bên bờ vực phá sản, nhờ kinh nghiệm giải cứu hàng loạt doanh nghiệp thủy sản miền Tây với tổng nợ hơn 4.000 tỷ đồng.

Do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế thế giới và tình hình thắt chặt tín dụng nên từ năm 2012 đến nay công ty gặp nhiều khó khăn. Bà Hồng cho biết tổng tài sản của doanh nghiệp còn khoảng 185 tỷ đồng. Hiện công ty nợ 3 ngân hàng Vietinbank, Vietcombank và BIDV cả vốn lẫn lãi gần 75 tỷ đồng. goài ra, công ty còn nợ khách hàng, đối tác làm ăn hơn 30 tỷ đồng.

Với kinh nghiệm thu xếp nợ hàng nghìn tỷ đồng tại các công ty thủy sản miền Tây, chồng nữ doanh nhân Diệu Hiền được Công ty Bắc Trung Nam mời bay ra giúp đỡ. Trước mắt ông Trí lên kế hoạch đàm phán với lãnh đạo cấp cao của ngân hàng nguyên đơn, nhằm tìm cách tháo gỡ khó khăn và tránh kiện tụng trước tòa.

Theo ông Trí, ngân hàng với doanh nghiệp kéo nhau ra tòa chỉ xảy ra trong trường hợp bất khả kháng. Tuy nhiên, nếu quá trình đàm phán gặp trở ngại thì phương án "huy động vốn để mua nợ, trực tiếp tham gia điều hành trong quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp" được chồng nữ doanh nhân tính đến như một cách dự phòng.

Liễu phạm (Tổng hợp)