Lịch sử và nghịch lý “trái tim bên trái”

07/03/2014 09:59
Ts. Dương Xuân Thành
(GDVN) - Lấy gì đảm bảo rằng chiến tranh xâm lược của ngoại bang sẽ không lặp lại trên dải đất hình chữ S?

Lại một lần nữa, Lịch sử bị ngành Giáo dục gián tiếp loại khỏi “cuộc chơi” trí tuệ. Lần trước Lịch sử không được chọn làm môn thi vì trò bốc thăm may rủi của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD&ĐT [1], đó là chuyện của người lớn.

Lần này, chắc hẳn sự việc đã được “nghiêm túc rút kinh nghiệm” nên người ta giao quyền quyết định cho trẻ con, rủi không có hoặc có rất ít trẻ chọn Lịch sử làm môn thi thì đó không phải là lỗi của người lớn. Âu đó cũng là cái đạo làm quan xưa nay không hề thay đổi.

Hình ảnh minh họa Hai Bà Trưng đánh giặc
Hình ảnh minh họa Hai Bà Trưng đánh giặc

Nhân chuyện này, lại nhớ đến sự lọc lõi của quan trường thủa xưa. Truyện rằng Vua sai hai vị quan văn, quan võ đi tuần sát vùng quê. Quan văn đi trước quan võ chừng một dặm. Một đứa trẻ chăn trâu ngồi trên cây xung đầy quả ven đường, thấy kiệu quan đi bên dưới bèn vặt xung chín ném vào kiệu khiến quần áo quan bị bôi bẩn.

Lính hầu thấy thế lôi đứa trẻ xuống định đánh cho một trận. Quan xua tay không cho đánh, lại móc túi cho đứa bé ít tiền rồi đi tiếp. Một lát sau thấy có kiệu đi tới, đứa bé liền trèo lên cây hái quả ném xuống hy vọng sẽ được cho tiền lần nữa.

không ngờ quan võ nổi điên lôi đứa bé xuống đánh cho một trận thâm tím mặt mày. Thế mới biết trẻ con ngây thơ, chỉ vì thích tiền đến nỗi bị đòn đau. Quan văn không đánh người không có nghĩa là đứa bé không bị đánh, điều này chỉ quan văn là nhìn thấy trước.

Những học sinh ngày nay không phải thi Lịch sử thì vui mừng xé đáp án, vở ghi vứt trắng sân trường, nhiều người phê phán song cũng có người lên tiếng bênh vực. Trẻ em học phổ thông đâu đã đủ lớn để nhìn xa trông rộng, chúng chỉ không thích Lịch sử, chúng đâu có biết sau này lớn lên, rủi có đi thi hoa hậu sẽ có lúc bị “chỉnh đốn” như ý kiến của Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn:

 “Rất nhiều Hoa hậu xưa nay tôi đã từng nghe, hỏi lịch sử đất nước thì không biết gì, hỏi một đằng, trả lời một nẻo. Tôi không muốn nhắc lại, nhưng cả đất nước đều biết… chúng ta cần chú trọng bồi dưỡng cho hoa hậu những kiến thức lịch sử trước các cuộc thi sắc đẹp”. [2]

Trẻ con chắc sẽ cảm ơn các “quan văn” Giáo dục vì không không những không bị ép học mà còn được khuyến khích, tạo điều kiện cho các cháu bỏ học Lịch sử, liệu các cháu có lường được khi vào đời không sớm thì muộn sẽ có lúc tiếp xúc với các “quan võ” khác như Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn?

Còn hơi sớm để kết luận năm nay có bao nhiêu phần trăm học sinh đăng ký thi môn Lịch sử, tuy vậy có một thực tế từ “ngày xửa ngày xưa” ngành Sư phạm luôn là lựa chọn cuối cùng của học sinh khi đăng ký thi cao đẳng, đại học, trong ngành Sư phạm thì Lịch sử lại cũng luôn thuộc hàng áp chót.

Có lẽ đã quá thấm thía câu “nếu anh  bắn vào lịch sử bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn anh bằng đại bác” nên thay vì dùng súng  người ta dùng “cái tát”.

Chiến tranh bảo vệ tổ quốc tại biên giới phía Bắc năm 1979
Chiến tranh bảo vệ tổ quốc tại biên giới phía Bắc năm 1979

Không phải chỉ là tát cho Y tế “rơi răng” [3] mà còn là cái tát khiến cho Lịch sử “không còn cái răng mà ăn cháo”.

Lâu nay có một quan niêm phổ biến: Lịch sử là sự ghi chép (đôi khi không trung thực) các cuộc chiến, cuộc cách mạng, là các sự kiện diễn ra trong quá khứ… Tìm trong sách giáo khoa lịch sử sẽ thấy đầy rẫy các con số, ngày tháng biến động… Sách giáo khoa trở thành “thánh kinh” mà cả thầy và trò đều phải thuộc lòng. Với món ăn khô cứng như vậy trẻ con nhai vào là “gãy răng” chả cần phải dùng đến… “cái tát”.

Việc thế hệ trẻ không hứng thú với môn Lịch sử không phải là chuyện lạ, lạ là ở chỗ người lớn đang “nghe theo” trẻ con, đang để cho trẻ con tự chọn. Đây không phải là tôn trọng quyền trẻ em, cũng không phải là biểu hiện quyền con người, nó giống như cái mà dân gian thường nói “túng quá hóa liều”.

Muốn hiểu Lịch sử cần có tư duy triết học, áp đặt quan điểm cá nhân dễ làm méo mó  lịch sử. Sẽ rất nguy hại nếu như các chuyên gia, giảng viên lịch sử không quan tâm nhiều đến triết học, xem nhẹ tư duy triết học khi soạn sách giáo khoa cũng như khi dạy học.

Các nhà tư tưởng lớn của nhân loại đều thống nhất quan điểm: “Triết học là khoa học của các khoa học”, Hegel thì cho rằng: “Lịch sử và Triết học là hai hình thái tương đương”. Từ đó suy ra Lịch sử, trong một chừng mực nào đó,  cũng là khoa học của các khoa học.

Sự khác nhau là ở chỗ Triết học nghiên cứu các quy luật, cái mà con người không thể nhìn thấy, không thể sờ nắm được, Lịch sử thì ngược lại, nghiên cứu  cái có thật, cái đã và đang diễn ra trước mắt chúng ta.

Từng có nhận định ngây thơ rằng những gì đang diễn ra không phải là lịch sử. Chính vì thế C.Mác mới nói: “sự phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội là một quá trình lịch sử - tự nhiên”. [4]

Trái tim con người nằm ở bên trái, đó là sự thật, đó là điều có thể cảm nhận bằng giác quan, ngày nay còn có thể chụp ảnh lưu lại. Trái tim chân chính luôn thuộc về lẽ phải, đó là điều không nhìn thấy, không cầm nắm được, đó là tư duy triết học. Dạy cho trẻ con, rằng trái tim luôn ở “bên trái” mới chỉ là dạy về hình thức chứ không phải là hình thái, đó là sai lầm không thể tha thứ bởi nó sẽ hình thành nên nhận thức sai lệch của học trò.

Hạ thấp vai trò môn Lịch sử trong trường phổ thông cũng có nghĩa là hạ thấp vai trò của Lịch sử đất nước. Khi không còn truyền thống, con người sẽ chỉ sống bằng vật chất và những ý tưởng lai căng, rất dễ bị cuốn hút bởi vẻ hào nhoáng của nước ngoài.

Ý nghĩ cho rằng trái tim luôn ở “bên trái” có thể khiến người ta nghi ngờ những lẽ phải mà “bên trái” ấy hướng tới, từ nghi ngờ đến phủ nhận chỉ có một giới hạn mong manh.

Nếu người ta chỉ nhìn vào cái cụ thể, cái có thể nhìn bằng mắt thì sẽ không cảm nhận được cái ẩn chứa đằng sau, nói như triết lý của đạo Phật: “trong sắc có không, trong không có sắc”, cái nhìn thấy ẩn chứa cái không nhìn thấy. Nói cách khác, tư duy “cầm nắm” chính là nguồn gốc tạo ra trình độ thấp và đó chính là rào cản của tiến bộ.

Bức tranh miêu tả cuộc chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma của Hải quân Việt Nam ngày 14-3-1988 được treo tại Phòng Truyền thống của Vùng 4 Hải quân.
Bức tranh miêu tả cuộc chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma của Hải quân Việt Nam ngày 14-3-1988 được treo tại Phòng Truyền thống của Vùng 4 Hải quân.

Vấn đề đặt ra là tại sao cứ động đến lịch sử là người ta lại e ngại? Đặc biệt là môn Lịch sử trong nhà trường. Tại sao bốn mươi năm sau các cuộc chiến chống xâm lược năm 1974, 1979, 1988 trẻ em vẫn không được học về những biến cố đau thương trong quá khứ?

Sợ hãi không phải là truyền thống của người Việt, tổ tiên ta luôn hiểu câu nói: “một dân tộc không dám đấu tranh, dân tộc đó xứng đáng làm nô lệ”. Cố tình né tránh, cố tình ru ngủ mình bằng tình cảm này nọ chẳng khác gì gieo mầm sợ hãi cho thế hệ trẻ.

Triết học Mác-Lênin khẳng định, sự tiến hóa của nhân loại không theo đường thẳng mà là đường xoắn ốc, vậy phải chăng hôm nay chúng ta đang sống chính là sự sự tái hiện một quá khứ xa xưa nào đó ở mức cao hơn.

Theo quy luật ấy lấy gì đảm bảo rằng chiến tranh xâm lược của ngoại bang sẽ không lặp lại trên dải đất hình chữ S? Lấy gì đảm bảo rằng những con “cá lớn” sẽ chuyển sang ăn cỏ mà không nuốt cá bé?

Một hệ thống được gọi là cô lập nếu hệ đó không có sự trao đổi năng lượng cũng như vật chất với môi trường ngoài. Trong hệ thống như vậy trạng thái nhiệt tổng thể của nó là không thay đổi, nếu một chỗ nào đó nguội đi thì chỗ khác sẽ nóng lên.

Quy luật ấy không chỉ đúng với khoa học tự nhiên mà còn đúng với khoa học xã hội. Chừng nào trái đất vẫn còn cô lập trong vũ trụ thì các cuộc chiến không bùng lên ở nơi này thì sẽ ở nơi khác, thế giới luôn bất ổn.

Chỉ khi nào loài người đối mặt với các nền văn minh ngoài trái đất, không còn cô lập thì mâu thuẫn mới có thể đẩy ra ngoài và chiến tranh giữa các quốc gia, dân tộc mới có cơ không bùng nổ.

Nhận thức được điều đó để dạy cho con cháu luôn cảnh giác, luôn rèn luyện bản lĩnh của một dân tộc biết chiến đấu và không sợ chiến đấu, điều này không tách rời việc dạy cho thế hệ trẻ lịch sử dân tộc.

Vũ khí không phải là yếu tố quyết định thành bại trong cuộc chiến bảo vệ tổ quốc, một chiến binh tự do chiến đấu vì quê hương sẽ mạnh hơn bất kỳ tên lính đánh thuê nào dù chúng được trang bị tận răng.

Cảnh tượng học sinh xé Đề cương môn Sử khi nghe tin Sử không phải là môn thi tốt nghiệp. Sự việc xảy ra vào năm trước. (ảnh minh họa)
Cảnh tượng học sinh xé Đề cương môn Sử khi nghe tin Sử không phải là môn thi tốt nghiệp. Sự việc xảy ra vào năm trước. (ảnh minh họa)

Không thể để xảy ra nghịch lý sinh viên người nước ngoài hiểu lịch sử Việt hơn sinh viên người Việt. Làm mai một lịch sử  dân tộc dẫn tới đánh mất truyền thống dân tộc không đơn thuần chỉ là mất cảnh giác mà còn là tiếp tay cho những mưu đồ lâu dài của ngoại bang, đó cũng chẳng khác gì hành động bán nước.

Liệu đã đến lúc cần phải có tòa án lương tâm đối với những quyết định thiển cận của một số quan chức thiếu tâm và chưa đủ tầm?

Ts. Dương Xuân Thành