Binh pháp quan trường, kế thứ 7 – “Liều mình cứu phó”

19/02/2015 00:05
XUÂN DƯƠNG
(GDVN) - Ngày nay, không ít người quen nhìn gần, nhìn ngay cái chân ghế của mình, vậy nên mới có chuyện “liều mình cứu phó”. “Phó” ở đây là xếp phó ...

Thời Tam quốc, Lưu Bị đánh nhau với Tào Tháo ở Trường Bản,  bị Tào đánh cho chạy mất dép. Triệu Tử Long đã liều mạng bảo vệ gia quyến Lưu Bị, cứu được con trai Lưu Bị là Lưu Thiện (A Đẩu), tạo nên điển tích “Liều mình cứu ấu chúa” nổi tiếng đến ngày nay. Nhờ chiến công này mà Tử Long được xếp vào hàng Ngũ hổ tướng của nhà Thục.

Người Hán khen Tử Long nhìn xa trông rộng vì “ấu chúa” tương lai sẽ là “Chúa”, giữ được ấu chúa là giữ được mạng sống, giữ được danh giá bản thân và dòng tộc, thế mới biết từ ngày xửa ngày xưa Tử Long đã biết nhìn xa, nhìn cả đến mấy đời sau nữa.

LTS: Binh pháp quan trường" chứa đựng những ấp ủ đầy nhiệt huyết của tác giả Xuân Dương. Ông đã phải chắt chiu kiến thức, kinh nghiệm và cả tấm lòng để viết ra những bài viết ấy.

Loạt bài gồm 9 kế, đã được bắt đầu gửi đến quý vị từ trong năm.

Nhân dịp tết đến xuân về, Tòa soạn sẽ giới thiệu 3 kế còn lại và hôm nay là kế thứ 7. Các bài khác, quý vị có thể xem lại trong phần tin liên quan mỗi bài.

Xuân mới, kính chúc quý vị sức khỏe, gia đạo vững vàng, hòa thuận, an lành, hạnh phúc.

Nước Việt mình, người xưa dạy “chim khôn chọn cành mà đậu, người khôn chọn chủ mà thờ”, có điều học theo người xưa là điều quá khó. Ngày xưa nói “quan là phụ mẫu của dân”, ngày nay nói “quan là ôsin của dân”. Phụ mẫu thì phải lấy việc lo cho con dân làm nghĩa vụ, đó là lẽ tự nhiên chẳng cần phải ai ép buộc, từ vua chúa đến dân đen, chẳng ai hỏi tại sao lại phải dành dụm tất cả cho con, cho cháu. Còn với ôsin của dân, nếu mà dân hở ra thì ôsin ăn cả giày, cả bí tất, ấy là nói theo cách nói của Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan “ăn của dân không từ một cái gì”. Nếu mà chủ nhà nghèo, chủ hết cái ăn, đố chủ nào giữ được ôsin ở lại với mình, mười người thì chín người rưỡi hôm trước hôm sau là cắp nón chuồn thẳng. Nói “cắp nón” là nói osin thật, bởi gần 100% là nữ nên mới cắp nón, nhưng mà osin giả thì đa phần là đấng mày râu, chẳng ai cắp nón nên phải nói là “cắp mũ phớt chuồn thẳng”.

Có lẽ vì thế mà việc “chọn chủ mà thờ” giữa xưa và nay trở nên trái ngược.

Ngày nay, không ít người quen nhìn gần, nhìn ngay cái chân ghế của mình, vậy nên mới có chuyện “liều mình cứu phó”. “Phó” ở đây là xếp phó, nhưng mà là “phó” đang thăng tiến, có triển vọng thành “trưởng”. Chẳng ai ngu mà liều mình vì những “phó xế chiều”, “phó” không còn đường tiến.

Vậy tại sao lại không “liều mình cứu trưởng”? Câu hỏi này rất thú vị nhưng xem ra trả lời không dễ. Cứu “trưởng” nếu mà thành công thì cùng lắm được phong làm “phó”, nhưng “phó” lại quá nhiều, “phó”  bị hạn chế số lượng nên muốn chen chân vào là phải đánh bật một “phó” khác, thế là gây thù chuốc oán, thế là bắt đầu cuộc chiến mới.

Còn nếu “phó” được “cứu” mà lên trưởng thì chiếc ghế “phó” cũ đương nhiên không có ai ngồi, việc được xếp vào hàng “Phó hổ tướng” như Triệu Tử Long là chuyện chẳng cần phải bàn.

Binh pháp quan trường, kế thứ 7 – “Liều mình cứu phó” ảnh 1Gia đình thần thánh và “tứ gia đồng đường”

(GDVN) - Gia đình từ chỗ là một tế bào xã hội đã dần dần trở thành “Gia đình thần thánh” theo nghĩa nó nằm trên cả luật pháp và đạo lý.

Nói “liều mình cứu phó” mà cứ tin sái cổ, nhắm mắt làm theo thì cũng lại ngu nốt, nghĩa là nhiều lúc cũng phải “liều mình cứu trưởng”. Có điều “trưởng” ở đây không phải là “trưởng” lèm nhèm, “trưởng” nhưng lại là “phó”. Ối người vừa là “trưởng con”, vừa là “phó nhớn”, khi ông “trưởng con” mà “khỏe”, của nả dư dật, nhất là trong kho chứa đầy “gió” (xem kế thứ 6 - “Đòn gió bẻ măng”) thì việc từ ông “phó nhớn” trở thành “trưởng nhớn” chỉ là vấn đề thời gian, thế cho nên suy cho cùng, cứu “trưởng” vẫn lại là cứu “phó”.

Đến đây thì không cần giải thích chắc mọi người đều đồng ý, rằng “liều mình cứu phó” chính là một kế trong Binh pháp quan trường. Vì là kế gần cuối (kế cuối là Lót ổ sân sau – dành cho bước cuối của nấc thang quan vọng) nên kế này chủ yếu dành cho các “phó viên” ghế đã hơi cao, còn ghế mà thấp quá thì nên dụng kế “Đa ngân đắc tước”.

Dù là “cứu trưởng” hay “cứu phó” nếu chỉ đơn thương độc mã thì cũng khó mà “cứu” được, cho nên vẫn phải có “đồng đội” hay nói như dân gian “buôn có bạn, bán có phường”.

Có người bạo miệng nói đó là “Chủ nghĩa bầy đàn”, nói thế tuy là dễ hiểu song lại hơi thô thiển, vậy nên để cho có vẻ “văn hóa” một chút, “lịch sử” một chút phải thay cụm từ nói trên bằng cụm từ mà người Trung Hoa đã dùng mấy trăm năm trước, là phải tạo nên “Thái tử Đảng”.

Xin chép nguyên văn một đoạn trong từ điển Bách Khoa mở Wikipedia: “ Trong lịch sử Trung Quốc, thuật ngữ “Thái tử Đảng” thường được dùng để chỉ tập hợp các thế lực chính trị tập trung xung quanh hạt nhân là người kế vị Hoàng đế tương lai, thường là Thái tử, để hình thành một bè phái chính trị trong triều đình. Như vào đời Đường Cao Tổ, Thái tử Lý Kiến Thành cấu kết với Tề vương Lý Nguyên Cát để hình thành một bè phái chính trị nhằm loại trừ ảnh hưởng của Tần vương Lý Thế Dân. Hoặc vào đời Thanh Khang Hy, nhằm nắm chắc thế lực kế vị, Thái tử Dận Nhưng đã liên kết với nhiều thân vương, văn thần võ tướng để hình thành một thế lực chính trị lớn trong triều đình”.

Ngày nay bên Trung Hoa nói đến  “Thái tử Đảng” là điều kiêng kỵ nhưng lại xuất hiện một khái niệm mới là “Thái tử đỏ”. Báo Doisongphapluat.com ngày 3/8/2014 dẫn nguồn tin từ Minh báo-HongKong:  “Ngày 9/7 hơn 200 nhân vật là con cháu các bậc “nguyên lão cách mạng” đã “họp mặt” ở Bắc Kinh. Thành phần tham gia gồm hậu duệ của Chu Đức, Lâm Bưu, Trần Nghị, Lưu Bá Thừa, Từ Hải Đông…”. Đó chính là các thành phần tạo nên “Thái tử đỏ”. Nhóm “Thái tử” mới này, dù không có bất kỳ tuyên bố chính thức nào từ phía chính quyền song mặc nhiên truyền thông không được phép động tới.

Hình thành êkip chốn quan trường là điều hiển nhiên, nếu có nhiệt huyết trở thành “êkip viên”, điều phải làm là chiếm được lòng tin của “phó nhớn”. Có điều nếu cứ nhằm cái lưng của người ta mà chăm chăm bước theo thì có khi vấp ngã sứt hết răng cửa nên phải tỉnh táo, thỉnh thoảng cũng phải ngoẹo đầu mà dòm lén phía trước, nếu thấy vực thẳm thì liều liệu mà chuồn. Việc chọn “minh chủ” lầm lỡ một bước ân hận cả đời bởi “minh quân” thì ít mà “hôn quân” thì nhiều.

Binh pháp quan trường, kế thứ 7 – “Liều mình cứu phó” ảnh 2Nghịch lý Tiền - Quyền

(GDVN) - Tiền và quyền vốn là đôi bạn đồng hành từ thủa loài người sáng tạo ra tiền, ngay từ khi ra đời, Tiền và Quyền đã tạo nên “Cặp đôi hoàn hảo” ...

Xét về góc độ quan trường, “cứu trưởng” hay “cứu phó” không phải mang hàm ý xấu. Vấn đề ở chỗ người được cứu là người như thế nào? Từ cổ chí kim các Hoàng đế lừng danh thiên hạ như Thành Cát Tư Hãn, Pie đại đế, Napoléon… không ai không bước qua xác của hàng vạn sinh linh, không ai chiến bào không nhuốm đầy máu đồng loại. Nói theo ngôn ngữ hình sự quốc tế ngày nay, họ đều là những người mang tội diệt chủng, họ được nhắc đến trước hết bởi họ mang lại cho dân tộc họ, đất nước họ cái gì sau đó mới là những bước ngoặt họ tạo ra trong lịch sử nhân loại.

Trên đời này, từ thứ dân đến vĩ nhân ai cũng có lúc mắc sai lầm, ai cũng mang sẵn cái “tham” của “con” và cái “vọng” của người. Nếu cái “vọng” của cá nhân mà nâng tầm thành kỳ vọng của dân tộc thì cái “tham” sẽ được lượng thứ.

Nhân dân, đất nước không cần những người làm gì cũng sợ tổn hại thanh danh cá nhân. Nếu đem lại lợi ích cho dân, cho nước mà chẳng để lại chút gì cho con cháu, dòng họ thì đấy chưa hẳn là hình mẫu lý tưởng bởi lẽ cái gì mà ”thái quá” cũng đều “bất cập”. Yêu đừng yêu quá, yêu quá dễ sinh mù quáng; ghét đừng ghét quá, ghét quá dễ gây thù chuốc oán;  tốt cũng đừng … tốt quá bởi tốt quá dễ dung túng cho kẻ ác, tạo nên nghiệp chướng.

Nói thế để thấy, nếu có “trưởng con” hay “phó nhớn” nào đó tuy có “tham” một chút nhưng dám đương đầu với mọi thế lực thù địch vì sự tồn vong của sơn hà, xã tắc thì việc “liều mình cứu phó” vẫn là việc nên làm.

Ngược lại khi được người khác liều mình cứu thì các “trưởng con, phó nhớn” cũng nên tự vấn xem mình có “tham” quá không? Danh có thể kiếm được không bằng tiền thì bằng quyền, còn “danh thơm” thì như gió, như mây, được linh khí dân gian quy tụ mà thành. Tiền – quyền đã, đang và sẽ không bao giờ mua được danh thơm, cái “lý” này dân đen không mấy khi để ý nhưng “quan nhớn” thì đừng xem nó như mấy đồng xu lẻ.

Quan trường luôn là chốn hiểm ác, Phật dạy “Biển khổ mênh mông, quay đầu là thấy bến”, của cải là vật ngoại thân, cuối đời  “xanh cỏ” giữa trời mây non nước hơn gấp vạn lần các kim tự tháp. Dẫu là các Pharaon Ai Cập hay Hoàng đế Trung Hoa, mồ mả vấn bị đào bới lung tung, thi hài bị moi lên cho vào viện bảo tàng như một đồ vật, thế là phúc hay họa?

Cát bụi sớm muộn cũng về với cát bụi, chỉ có danh thơm là lưu truyền mãi mãi, vậy nên khi đã có “Danh” mà quên chữ “Thơm” thì cũng chẳng hơn gì “Cái bang trưởng lão”, suốt đời bị gậy tung hoành.

Năm con ngựa vừa qua, năm con dê vừa đến, người thuộc cung Bảo Bình, lại nhằm vào chữ Đinh, cầm tinh con lợn nên viết lách không tránh khỏi “ủn ỉn”, chẳng biết con “người”  có hiểu? Nếu mà có thì sung sướng lắm thay./.

XUÂN DƯƠNG