Vì sao Mỹ bố trí các kho chứa tên lửa hạt nhân trên bờ Thái Bình Dương?

14/03/2015 18:06
Lê Cường
(GDVN) - Theo Seattle Times, Bangor từ lâu đã trở thành căn cứ chứa vũ khí hạt nhân lớn nhất nước Mỹ cũng như lớn nhất thế giới.
Căn cứ hải quân Kitsap nằm cách thành phố Seattle khoảng 20 dặm của Hoa Kỳ được cho là nơi đặt kho dự trữ vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới. Đây cũng là nơi được bảo vệ nghiêm ngặt nhất với sự trợ giúp của những chiến binh cá heo đã qua huấn luyện.
Năm 2006 tờ Seattle Times từng đưa tin cho biết có đến 1/4 trong tổng số 9962 đầu đạn hạt nhân của quân đội Mỹ đều được cất giữ và bảo vệ tạo căn cứ tàu ngầm Bangor đóng ở Hood Canal cách Seattle khoảng 20 dặm về phía Tây Bắc.
Bangor cũng chính là cái tên dùng để thay thế cho cái tên có liên quan mật thiết đến căn cứ Kitsap như đã đề cập phía trên từ năm 2004.
Theo Seattle Times, Bangor từ lâu đã trở thành căn cứ chứa vũ khí hạt nhân lớn nhất nước Mỹ cũng như lớn nhất thế giới.
Nhờ một loạt thoả thuận liên quan đến cắt giảm vũ trang mà Hoa Kỳ đã ký với Nga mà từ mốc 2006 nên số lượng các đầu đạn hạt nhân trong các kho vũ khí chiến lược của quân đội Mỹ đã được cắt giảm.
Báo The Economist thì cho rằng hầu hết kho vũ khí hạt nhân tấn công của quân đội Mỹ chủ yếu được chế tạo và trang bị cho các phương tiện phóng từ các tàu ngầm sử dụng năng lượng nguyên tử.
Đây cũng có thể là lý do giải thích vì sao hầu hết các căn cứ được dùng làm kho chứa vũ khí hạt nhân của quân đội Mỹ chủ yếu được bố trí tại các cơ sở trực thuộc sự quản lý của hải quân bố trí trên bờ biển Thái Bình Dương.
Nó cũng có thể là một trong những mục tiêu của quân đội Mỹ khi Washington đang thực hiện chiến dịch xoay trục chiến lược sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương như những gì chính quyền Hoa Kỳ đã công bố.

Mỹ sử dụng cá heo để bảo vệ kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới

Khi trả lời phỏng vấn tờ Business Insider, Phát ngôn viên Hải quân Mỹ Chris Haley nói rằng cá heo đã qua huấn luyện đã được hải quân sử dụng để bảo vệ các vùng biển quan căn cứ Bangor kể từ tháng 5 năm 2010.
Môt phát ngôn viên khác của Hải quân Mỹ trước đó cũng cho biết rằng từ 5/2010 trở về trước, các đội sư tử biển cũng đã được huấn luyện để phát hiện và tiêu diệt các người nhái lạ mặt xuất hiện quanh khu vực căn cứ tuyệt mật.
Hiên nay, chương trình huấn luyện cá heo mang tên "The Navy Marine Mammal Program" vẫn đang được thực hiện tại căn cứ của Bộ tư lệnh các hệ thống tác chiến của Hải quân - Không gian Mỹ (SPAWAR) ở thành phố San Diego, bang California với quân số cá heo thường trực là 85 còn sư tử biển là 50. 
Theo mô hình huấn luyện đã được chứng minh, mỗi con cá heo khi phát hiện thấy người nhái lạ mặt sẽ lập tức quay trở lại "báo cáo" với các huấn luyện viên thông qua hệ thống gửi và nhận tín hiệu chỉ huy.
Clayton Swansen - một chuyên gia huấn luyện cá heo cho Hải quân Mỹ (từ 2003 đến 2005) tiết lộ rằng mỗi con cá heo được huấn luyện có thể mang theo một thiết bị đặc biệt để có thể nhanh chóng vô hiệu hoá người nhái của đối phương khi có lệnh từ chỉ huy.
"Thường thì chúng được huấn luyện để tấn công và chân người nhái của địch sau đó quanh quẩn quanh khu vực cho đến khi người nhái của đối phương bị tấn công buộc phải nổi lên do dính thiết bị mà cá heo cắm vào chân". - Swansen cho hay.
Lê Cường