Tiết lộ về người đàn ông được TQ giao tiền đi mua tàu sân bay

20/01/2015 13:27
Bình Nguyên
(GDVN) - Qua câu chuyện này, chúng ta dễ dàng nhận thấy, để đạt được mục đích của mình, TQ không ngại ngần chỉ đạo truyền thông tung ra các thông tin sai lệch, hỏa mù…

Truyền thông Mỹ ngày 19/1/2014 dẫn bài báo đăng trên tờ Bưu Điện Hoa Nam buổi sáng cho biết những câu chuyện chưa kể về người đàn ông Trung Quốc từng được giao tiền để thực hiện sứ mệnh mua chiếc tàu sân bay đầu tiên cho Trung Quốc và hiện nay đang được Hải quân PLA sử dụng với cái tên tàu sân bay Liêu Ninh.

Xu Zengping (bên phải) và kỹ sư trưởng tàu sân bay Ucraine
Xu Zengping  (bên phải) và kỹ sư trưởng tàu sân bay Ucraine

Báo Bưu Điện Hoa Nam buổi sáng dẫn lời tác giả Minnie Chan của bài báo có tên “Chuyện chưa kể về người đàn ông đã mua chiếc tàu sân bay đầu tiên cho Trung Quốc” cho biết, nhiệm vụ được chính quyền TQ giao cho người đàn ông tên Xu Zengping cũng được tiến hành như bao nhiệm vụ quan trọng khác.

Vài giai đoạn cuối cùng của thời kỳ sụp đổ của Liên Xô, Xu Zengping – một người đàn ông dưới vỏ bọc là một doanh nhân giàu có, mang theo rất nhiều tiền, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực casino đã làm thế giới phải chú ý khi mua được một chiếc thân tàu sân bay chưa hoàn thiện của Hải quân Ucraine và sau này nó đã trở thành một trong những tàu chiến được chú ý nhất của Hải quân.

Lần đầu tiên xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, doanh nhân đang sống và làm việc tại Hồng Kông, Trung Quốc - Xu Zengping đã đưa ra những thông tin tiết lộ chưa từng được biết đến về nhiệm vụ mà ông ta được giao, qua đó phản ánh được thực tế rằng Trung Quốc đã khát khao từ lâu với giấc mộng sở hữu được một chiếc hàng không mẫu hạm.

Xu Zengping đã tiết lộ rằng các động cơ nhạy cảm về mặt quân sự của chiếc tàu sân bay đã không bị tháo bỏ khi Ucraine bán nó cho ông ta vào năm 1998. Điều này thực tế trái ngược hoàn toàn với những gì chính quyền Bắc Kinh đã công bố với thế giới vào thời điểm đó.

Tất cả 4 động cơ của chiếc tàu sân bay lớp Kuznetsov do Liên Xô chế tạo đã được niêm phong, bảo quản bằng dầu mỡ trong điều kiện hoàn hảo sau khi công tác chế tạo con tàu này bị Liên Xô trì hoãn vào năm 1992.

Thực tế này đối với TQ quả là một món quà quý giá mà họ đang hằng mơ ước khi nước này đang quyết tâm thò chân vào giấc mơ sở hữu tàu sân bay quân sự.

Không chỉ có vậy, đối với Bắc Kinh, đây là một chuyên buôn rất có lãi bởi chỉ 1 động cơ của con tàu này cũng đã có giá đến 20 triệu USD nhưng vì khó khăn kinh tế nên Kiev mới quyết định phải bán giá đồng nát như vậy.

Đây được xem là tiết lộ rất quan trọng, lần đầu tiên công khai cho biết các động cơ của tàu sân bay lớp Kuznetsov mà Ucraine đã bán cho doanh nhân Trung Quốc có kèm theo cả các động cơ được bảo quản hoàn chỉnh phủ nhận tất cả các thông tin, báo cáo trước đó cho rằng khi bàn giao cho đối tác, Ucraine đã tháo bỏ toàn bộ hệ thống động lực quan trọng và việc này đã được tiến hành tại xưởng đóng tàu Nam Nikolayev trên bờ Biển Đen.

Các báo cáo trước đó cho còn cho biết cùng với hệ thống động cơ quan trọng, các thiết bị của hệ thống điện tử hàng không, vũ khí cũng đã được tháo dỡ trước khi ông Xu Zengping đem được nó về Trung Quốc với số tiền 20 triệu USD.

“Khi tôi được đưa đến buồng máy của con tàu, kỹ sư trưởng của tàu sân bay Ucraine khi đó đã đi cùng tôi. Khi vào phòng máy, tôi thấy tất cả 4 động cơ của nó còn mới, được niêm phong cẩn thận. Mỗi động cơ khi ấy có giá gốc là 20 triệu USD” - Xu Zengping tiết lộ.

Doanh nhân này còn cho biết thêm rằng năm 2011, Trung Quốc đã tiến hành đại tu, sửa chữa và phục hồi hoàn toàn cả 4 động cơ này, hiện chúng đang vận hành rất tốt.

Tàu sân bay Liêu Ninh hiện nay của Hải quân Trung Quốc được xây dựng, chế tạo trên nền tảng chiếc thân tàu mà ông Xu Zengping đã mua về từ Ucraine với cái tên Varyag thuộc lớp hàng không mẫu hạm Kuznetsov.

Xu Zengping và cựu Phó tư lệnh Hải quân TQ Su Shiliang trên tàu Liên Ninh ngày nay
Xu Zengping và cựu Phó tư lệnh Hải quân TQ Su Shiliang trên tàu Liên Ninh ngày nay

Trước khi được bán cho doanh nhân Trung Quốc, nhà máy đóng tàu Biển Đen đã hoàn thành được 2/3 khối lượng công việc của con tàu nhưng do Liên Xô sụp đổ, thiếu hụt ngân sách nên dự án này bị đình chỉ không thời hạn.

Công trình về tàu sân bay Varyag đã bị trì hoãn, bỏ bê cho đến đến khi doanh nhân người Hoa Xu Zengping nhận nhiệm vụ, đóng giả như một trung gian mua bán giữa Ucraine và Hải quân Trung Quốc.

Xu Zengping tiết lộ rằng con tàu của Ucraine đã bị bán trong hoàn cảnh hỗn loạn chính trị, eo hẹp tài chính.

Trong khi đó, báo Bưu Điện Hoa Nam cho biết, một nguồn tin thân cận với họ tiết lộ rằng “Phía Trung Quốc đã đơn phương đưa ra các thông tin sai lệnh về việc gỡ bỏ các động cơ trên con tàu sân bay để tạo điều kiện cho Xu Zengping và nhà máy đóng tàu của Ucraine dễ dàng thực hiện hợp đồng mua bán này hơn mà không vướng phải áp lực từ Liên Xô cũng như dư luận quốc tế”.

Truyền thông phương Tây khi ấy tin rằng chính quyền Mỹ đã tăng áp lực, buộc Ucraine phải dỡ bỏ tất cả mọi thiết bị quan trọng trên tàu sân bay Varyag trước khi bán cho người Trung Quốc – nguồn tin được Bưu Điện Hoa Nam dẫn lời cho hay.

Cách đây không lâu, một đại tá Hải quân Trung Quốc cũng đã nhận định rằng nhiều khả năng tàu sân bay Liêu Ninh hiện nay vẫn sử dụng động cơ gốc do (Ucraine) Liên Xô chế tạo.

“Rõ ràng công nghệ động cơ của Ucraine tốt hơn nhiều của Trung Quốc”. “Theo hiểu biết của tôi, Hải quân Trung Quốc có lẽ đã nhờ vả Ucraine nhiều để có thể vận hành lại các động cơ quan trọng vốn đã để lâu không sở tới” – cựu sỹ quan Hải quân TQ cho hay.

Theo bình luận của Bưu Điện Hoa Nam, với TQ, việc mua được tàu sân bay từ Ucraine mới chỉ là sử khởi đầu. Nước này đã mất ít nhất 4 năm để đưa được con tàu này từ Ucraine về cảng Đại Liên ở tỉnh Liêu Ninh và sau đó mất thêm hơn 1 thập kỷ để đại tu nó.

Antony Wong Dong – một nhà quan sát quân sự châu Á làm việc ở Macau cho biết, sau nhiều năm đàm phán, nhà máy đóng tàu Biển Đen đã chuyển giao công nghệ động cơ của Ucraine cho Tập đoàn sản xuất động cơ Turbine Harbin của Trung Quốc – đây là một nhà máy chuyên sản xuất động cơ nồi hơi, turbine, đầu máy hơi nước quân sự của Bắc Kinh.

Chuyên gia này chỉ ra có nhiều dấu hiệu cho thấy các động cơ gốc của Ucraine đã được Trung Quốc nâng cấp bằng một số công nghệ mới.

“Hệ thống động lực gốc được thiết kế cho tàu sân bay Liêu Ninh và tàu sân bay Kuznetso hiện Nga đang dùng đều là một, tốc độ tối đa có thể đạt được là 32 knot. Tuy nhiên tàu sân bay Liêu Ninh được cho là nặng hơn 6000 tấn thì được nhiên tốc độ của nó sẽ chậm hơn bởi nó nặng nề hơn nhiều tàu sân bay của Nga”.

“Tuy nhiên, gần đây, trong các cuộc thử nghiệm trên biển, tốc độ của tàu sân bay Liêu Ninh được ghi nhận là đạt tối đa 32 knot, điều này có thể cho thấy hệ thống động cơ của nó có thể đã được nâng cấp”  - Antony Wong Dong nhận định.

Chiếc tàu sân bay mua từ Ucraine hiện nay được đặt tên chính thức là Liêu Ninh, đã bàn giao cho quân đội Trung Quốc vào tháng 9/2012, hiện nay vẫn đang được sử dụng cho mục đích huấn luyện.

Tàu sân bay Liêu Ninh mang ký hiệu 16 và theo tiết lộ của doanh nhân Xu Zengping con số này đánh dấu chặng đường 16 năm để hoàn thành nhiệm vụ từ lúc mua và đại tu nó hoàn chỉnh.

Tóm lại, việc Trung Quốc mua, tu sửa, vận hành chiếc tàu sân bay đầu tiên của họ cũng là điều bình thường, có nhiều điều cần thiết cho các nước đang phát triển nghiên cứu, tìm hiểu, đặc biệt là chiến lược, tham vọng phát triển hải quân…

Tuy nhiên, qua câu chuyện này, chúng ta dễ dàng nhận thấy, để đạt được mục đích của mình, chính quyền Trung Quốc không ngại ngần chỉ đạo truyền thông tung ra các thông tin sai lệch, hỏa mù, đánh lạc hướng dư luận để cốt sao mình có lợi.

Những thủ đoạn này cũng không có gì mới lạ khi người ta chứng kiến sự kiện TQ đưa giàn khoan 981 cùng đoàn tàu, máy bay quân sự hộ tống vào ngang nhiên hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, tiến hành nhiều vụ đâm van nguy hiểm, bắn vòi rồng gây thiệt hại nặng cho phía VN nhưng mặc nhiên tung tin đánh lừa dư luận thế giới rằng tàu bảo vệ pháp luật của Việt Nam tấn công tàu Trung Quốc.

Bình Nguyên