Thủ tướng Singapore: Tạm thời gác lại tranh chấp Biển Đông là thượng sách

08/02/2015 09:44
Đông Bình
(GDVN) - Lý Hiển Long đề xuất gác lại tranh chấp, tập trung duy trì quan hệ bình đẳng, thiết thực và mang tính xây dựng trong vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long

Tờ "Liên hợp buổi sáng" Singapore ngày 6 tháng 2 đưa tin, khi trả lời phỏng vấn truyền thông Đức, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đề xuất gác lại tranh chấp, tập trung duy trì quan hệ bình đẳng, thiết thực và mang tính xây dựng trong vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông.

Trước khi kết thúc chuyến thăm Đức 4 ngày, tại Thủ đô Berlin, trả lời phỏng vấn người phụ trách tin tức quốc tế của tờ "Nhật báo Nam Đức" (Suddeutsche Zeitung) Stefen Kornelius, ông Lý Hiển Long đã nói lên quan điểm đối với tình hình châu Á-Thái Bình Dương.

Khi nói đến tình hình tranh chấp Biển Đông lâu nay chưa được giải quyết khiến cho tình hình Đông Nam Á trở nên căng thẳng, ông Lý Hiển Long cho rằng, Trung Quốc ngày càng giàu có, cho nên, khi đòi hỏi các “quyền lợi” (không phải của mình: đường lưỡi bò) thì tư thế của họ cũng có thể trở nên cứng rắn hơn. Ông Lý Hiển Long nghĩ rằng, điều gây ra tranh chấp không phải là tranh chấp lãnh thổ, chủ yếu là thể hiện ở tuyên bố chủ quyền và tư thế cứng rắn (?).

Theo bài báo, ông Lý Hiển Long lo ngại, tranh chấp chủ quyền Biển Đông cộng thêm chủ nghĩa dân tộc và gánh nặng lịch sử "sẽ không thể giải quyết". Ông cho rằng, đối mặt với tình hình như vậy, gác lại tranh chấp có lẽ là thượng sách.

Ông nói: "Nhưng, tranh chấp có thể gác sang một bên. Các bên liên quan có thể đồng ý vấn đề không thể giải quyết, song nhìn về phía trước và tìm cách duy trì quan hệ bình đẳng, thực tế và mang tính xây dựng".

Trung Quốc điều lượng lớn tàu chiến, máy bay quân sự, hải cảnh... vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam để đe dọa khi lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền trước hành động ngang ngược hạ đặt giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 từ tháng 5 đến tháng 7 năm 2014.
Trung Quốc điều lượng lớn tàu chiến, máy bay quân sự, hải cảnh... vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam để đe dọa khi lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền trước hành động ngang ngược hạ đặt giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 từ tháng 5 đến tháng 7 năm 2014.

Bài báo cho rằng, Trung Quốc và 4 nước thành viên ASEAN - Philippines, Việt Nam, Brunei và Malaysia tồn tại tranh chấp chủ quyền Biển Đông từ lâu, trong đó, mâu thuẫn giữa Philippines, Việt Nam với Trung Quốc là gay gắt nhất.

Philippines tìm cách yêu cầu Tòa án luật biển quốc tế đóng ở Hamburg Đức thụ lý "tranh chấp chủ quyền", nhưng ông Lý Hiển Long không quá kỳ vọng vào biện pháp giải quyết này, bởi vì Trung Quốc sẽ không thừa nhận quyền của Tòa án luật biển quốc tế.

Ông Lý Hiển Long phân tích cho rằng: "Trung Quốc đã áp dụng tư thế nước lớn: tôi tuyên bố có chủ quyền, cũng sẽ tiếp tục chủ trương như vậy" (Tuyên bố chủ quyền mà không có bằng chứng thì cũng là bất hợp pháp, nước lớn không thể ăn hiếp nước nhỏ, đã vi phạm luật pháp quốc tế thì đừng có lớn tiếng yêu cầu người khác, đã làm kẻ lừa đảo thì chẳng ai tin).

Đối với tranh chấp Biển Đông, theo truyền thông Trung Quốc thì Bắc Kinh đã nhiều lần thông qua cơ quan ngoại giao lên tiếng thể hiện thái độ, lập trường. Ví dụ, ngày 30 tháng 1 năm 2015, Bắc Kinh cử Hoa Xuân Oánh, một phát ngôn viên nữ của cơ quan ngoại giao nước này cho hay, hiện nay, Trung Quốc và các nước ASEAN đang tập trung cho thực hiện toàn diện và có hiệu quả Tuyên bố về ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC) và thúc đẩy vững chắc tham vấn Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC).

Theo Hoa Xuân Oánh, dưới sự nỗ lực chung của các bên, tham vấn COC đã đạt được tiến triển tích cực, các bên đồng ý trên cơ sở đàm phán thống nhất để sớm đạt được COC, đồng thời đạt được đồng thuận quan trọng về "thu hoạch sớm". Xây dựng COC là một phần của thực hiện toàn diện và có hiệu quả DOC. Trung Quốc hy vọng các bên tăng cường hợp tác trong khuôn khổ DOC, tăng cường lòng tin, tạo điều kiện có lợi cho thúc đẩy tham vấn COC.

Vụ giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 và hành động "đá hóa đảo" của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam có phải là một chuỗi hành động phá hoại DOC, cản trở COC, phá hoại luật pháp quốc tế?!
Vụ giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 và hành động "đá hóa đảo" của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam có phải là một chuỗi hành động phá hoại DOC, cản trở COC, phá hoại luật pháp quốc tế?!

Tuy Trung Quốc tuyên bố như vậy, song các hành động hung hăng, hiếu chiến, dùng vũ lực để răn đe, đe dọa, uy hiếp trên Biển Đông, tìm mọi cách làm thay đổi hiện trạng Biển Đông như lấn biển, xây đảo nhân tạo phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã và đang vừa phá hoại DOC, cản trở tiến tới COC, vừa vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền biển đảo của Việt Nam và đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định khu vực.

Lời nói phải đi đôi với hành động. Trung tướng Nguyễn Quốc Thước từng nói hãy xem Trung Quốc đã, đang và sẽ làm gì ở Biển Đông. Những biểu hiện, những bước đi, hành động to nhỏ ở Biển Đông cũng như trong khu vực và trên quốc tế sẽ phản ánh rõ bản chất, mưu đồ, chủ trương và tham vọng của Trung Quốc.

Đông Bình