Thảm cảnh của Ucraine xuất phát từ đâu? Nga sẽ chiếm hay dùng Crimea?

10/03/2014 14:29
Đông Bình
(GDVN) - Bài viết phân tích toàn diện tình hình cuộc khủng hoảng Ukraine theo một số quan điểm đáng chú ý, Ukraine thân châu Âu hay Nga đều sẽ có kết thúc bi kịch.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một cuộc họp báo (ảnh minh họa)
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một cuộc họp báo (ảnh minh họa)

Tờ "Liên hợp Buổi sáng" Singapore ngày 9 tháng 3 đăng bài viết cho rằng, tuần qua, bóng đen chiến tranh bao trùm ở Ukraine, tình hình căng thẳng gây quan ngại rất lớn cho cộng đồng quốc tế.

Từ khi nổ ra hoạt động biểu tình quy mô lớn vào tháng 11 năm 2013 đến nay, tình hình Ukraine liên tục rung chuyển. Tuần trước, tình hình càng bất ngờ đột biến: Cựu Tổng thống thân Nga Yanukovych bị cách chức, hoảng hốt trốn đến Nga; chính quyền tạm thời thân phương Tây đã nắm được đại cục.

Mặc dù các nước Âu-Mỹ liên tục cảnh cáo Nga không nên tiến hành can thiệp quân sự đối với Ukraine để tránh chịu trả giá, nhưng vào ngày 3 tháng 3 vừa qua, đại quân Nga đã “tây tiến”, nắm lấy quyền kiểm soát khu tự trị Crimea, đông nam Ukraine, chiến sự xem ra hết sức căng thẳng.

Cuộc khủng hoảng Ukraine diễn biến thành cuộc tranh đoạt quyền kiểm soát Ukraine giữa hai cường quyền lớn Nga và Âu-Mỹ, rốt cuộc Ukraine có ý nghĩa to lớn gì đối với Nga và châu Âu?

Nga lo ngại Ukraine thân phương Tây

Trên thực tế, năm 1991 Ukraine tách khỏi Liên Xô, 23 năm qua luôn "sống trong khe hở" một cách thuận lợi giữa phía đông và phía tây.

Binh sĩ Nga tại một căn cứ hải quân ở Sevastopol
Binh sĩ Nga tại một căn cứ hải quân ở Sevastopol

Trong 350 năm trước khi độc lập, Ukraine phần lớn thời gian bị đế quốc Sa Hoàng kiểm soát. Do gần gũi với Nga về ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng và phong tục tập quán, sau khi độc lập Ukraine vẫn được Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) đứng đầu là Nga che chở.

Tuy nhiên, Kiev đồng thời cũng có ý thức xây dựng mối liên hệ với các nước phương Tây để chống lại ảnh hưởng của Nga. Trong thập niên 90 của thế kỷ trước, Chính phủ Ukraine đã xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ, đồng thời ký thỏa thuận đối tác và hợp tác với EU, hơn nữa còn trở thành quốc gia CIS đầu tiên gia nhập "Kế hoạch đối tác hòa bình" của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, chính thức xây dựng quan hệ hợp tác với NATO.

Là một quốc gia có diện tích lớn thứ hai của châu Âu, Ukraine thực sự là đối tượng muốn lôi kéo của cả Nga và các nước phương Tây. Đối với Tổng thống Nga Putin, Ukraine là một trong những thành viên không thể thiếu của "Liên minh Âu-Á" mà ông muốn xây dựng.

Bạo loạn ở Kiev trước khi Tổng thống Ucraine bị lật đổ
Bạo loạn ở Kiev trước khi Tổng thống Ucraine bị lật đổ

Ukraine là "cái nôi của văn minh Nga", mối liên hệ lịch sử, văn hóa và tôn giáo của hai nước khó mà dứt bỏ được. Nếu Kiev sa vào vòng tay của EU, có nghĩa là Putin không chỉ khó hoàn thành giấc mơ "Liên minh Âu-Á", khôi phục vai trò ảnh hưởng của Nga ở khu vực này, Ukraine - một lá chắn cuối cùng ngăn chặn ảnh hưởng của phương Tây cũng sẽ không còn nữa.

Nga lo ngại, Ukraine nhất thể hóa với EU chỉ là bước đầu tiên, kế tiếp sẽ còn thực hiện nhất thể hóa với NATO, điều này là một "thảm họa" đối với Putin. Hạm đội Biển Đen của Nga đóng quân ở bán đảo Crimea của Ukraine, nếu Ukraine gia nhập NATO, Nga tuyệt đối không thể tiếp tục giữ nguyên căn cứ Hạm đội Biển Đen ở khu vực này.

Quân đội Nga tập trận đột kích quy mô lớn (ảnh tư liệu)
Quân đội Nga tập trận đột kích quy mô lớn (ảnh tư liệu)

Điều quan trọng hơn là, Ukraine là tuyến đường quan trọng kết nối Nga với Tây Âu, các tài nguyên như khí đốt của Nga vận chuyển đến Tây Âu phải đi qua Ukraine, Nga hàng năm phải trả "tiền lộ phí" cao cho điều này.

Tầm quan trọng của công nghiệp quốc phòng Ukraine đối với Nga cũng không hề tầm thường. Sau khi Liên Xô tan rã, 30% công nghiệp quốc phòng của Liên Xô cũ được giữ lại ở Ukraine, bao gồm nhà máy đóng tàu Biển Đen duy nhất của Liên Xô có thể chế tạo tàu sân bay.

Công nghiệp quốc phòng Nga đến nay vẫn không thể hoàn toàn thoát khỏi sự lệ thuộc vào linh kiện nhập khẩu của Ukraine, cho thấy ý nghĩa của quốc gia có nguồn gốc lịch sử sâu sắc với Nga này đối với Nga hoàn toàn không dừng lại ở vị trí chiến lược của họ.

Châu Âu lôi kéo Ukraine đề phòng Nga "tây tiến"

Đối với EU muốn mở rộng về phía đông, vị trí địa lý và tài nguyên của Ukraine có ý nghĩa chiến lược quan trọng.

Năm 2009, EU từng cùng với 6 nước cộng hòa liên minh của Liên Xô cũ ký "Tuyên bố quan hệ đối tác miền Đông".

EU khi đó cam kết, những nước này sau khi đạt được tiêu chuẩn nhất định sẽ có thể ký "hiệp định liên kết" với EU, bước vào thị trường châu Âu, sau khi đạt được điều kiện gia nhập liên minh thì có tư cách gia nhập EU.

Quân khu miền Tây Nga tập trận quy mô lớn (ảnh tư liệu)
Quân khu miền Tây Nga tập trận quy mô lớn (ảnh tư liệu)

Học giả thỉnh giảng Wojciech Konoczuk của Trung tâm học giả quốc tế Woodrow Wilson ở Washington cho biết: "Ukraine và châu Âu có lịch sử và nguồn gốc văn hóa rất sâu sắc, đặc biệt là khu vực miền tây Ukraine, vài trăm năm trước năm 1945 từng là một phần của nền văn minh châu Âu".

Ông chỉ ra: "Các nước phương Tây không thể chịu được bất cứ hành vi xâm lược nào của Nga đối với Ukraine, điều này đã công khai vi phạm luật pháp quốc tế, là thách thức đối với trật tự quốc tế".

Trên thực tế, châu Âu luôn cảm thấy lo ngại đối với tham vọng tiềm tàng của Nga. Muốn ngăn chặn Nga "tây tiến", châu Âu tin rằng, phương pháp duy nhất là kiểm soát cửa ngõ giữa Nga và châu Âu. Các nước phương Tây hy vọng một nước Ukraine mà họ được thấy - đó là một quốc gia độc lập, thực hiện "bầu cử tự do" và "pháp trị", đồng thời xây dựng liên hệ chặt chẽ với EU.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Reuben Wong (Hoàng Dịch Bằng) khoa chính trị, Đại học Quốc lập Singapore cho rằng, Mỹ và EU hiện nay coi Ukraine là một quốc gia độc lập tồn tại dưới "mối đe dọa của chủ nghĩa bá quyền" Nga trong 23 năm qua.

Ông nói: "Ukraine lệ thuộc rất lớn vào dầu mỏ và khí đốt của Nga để đáp ứng nhu cầu năng lượng. Do Nga không ngừng lấy tương lai chính trị và kinh tế của Ukraine để cám dỗ hoặc (đến nay) đe dọa nhà lãnh đạo Ukraine dựa vào Nga, điều này làm cho Ukraine luôn không thể củng cố thể chế dân chủ của mình hoặc chuyển thành kinh tế thị trường, cũng không thể trở thành một quốc gia phương Tây phù hợp với tư cách gia nhập EU".

Lực lượng bọc thép Quân khu miền Tây Nga áp sát Ukraine
Lực lượng bọc thép Quân khu miền Tây Nga áp sát Ukraine

Đầu đuôi cuộc khủng hoảng Ukraine

Cuộc khủng hoảng này của Ukraine thực ra có nguồn gốc từ ngay từ năm 2004.

Khi đó, trong cuộc bầu cử Tổng thống, Thủ tướng đương thời Yanukovych triển khai đấu đá với nhà lãnh đạo phe đối lập Yushchenko và chiến thắng trong vòng bỏ phiếu thứ hai.

Nhưng, các nhà quan sát trong và ngoài nước khi đó đều nghi ngờ có gian lận bầu cử, điều này tiến tới gây ra cuộc "cách mạng cam", buộc Tòa án Ukraine cuối cùng tuyến án kết quả bầu cử không có hiệu lực, phải bầu cử lại.

Trong cuộc bầu cử lại, ông Yushchenko cướp lại ngôi Tổng thống vốn đã đến tay của ông Yanukovych, nhưng ông và Thủ tướng "người đẹp" Tymoshenko hoàn toàn không đạt được bất cứ thành tích cầm quyền nào khiến cho cử tri lựa chọn từ bỏ họ vào 6 năm sau, ông Yanukovych đã quay trở lại giành chiến thắng với ưu thế yếu ớt, trúng cử Tổng thống Ukraine.

Đối với các nước phương Tây cảm thấy thất vọng đối với chính quyền Yushchenko, sau khi nhìn thấy Yanukovych lên cầm quyền đã "thở dài một hơi", cho dù thấy ông "độc tài" cũng không để ý.

Nhưng, cùng với việc nhà lãnh đạo Ukraine thân Nga này ngày càng gần gũi với Nga, sau đó còn bỏ tù đối với bà Tymoshenko, các nước phương Tây bắt đầu cảm thấy lo ngại.

Tháng 11 năm 2013, trước khi tổ chức Hội nghị cấp cao quan hệ đối tác miền đông của EU, ông Yanukovych bất ngờ tuyên bố tạm dừng ký thỏa thuận nước liên kết, văn kiện có liên quan đến triển vọng Ukraine gia nhập EU, chuyển sang dựa vào Nga, nước đồng ý chi 15 tỷ USD mua trái phiếu của Ukraine.

Điều này lập tức gây ra sóng to gió lớn, người dân ủng hộ Ukraine gia nhập EU lên đường biểu tình, đồng thời lũ lượt đến địa điểm xảy ra “cách mạng cam” trước đây.

Lực lượng xe tăng Nga hành tiến (ảnh tư liệu)
Lực lượng xe tăng Nga hành tiến (ảnh tư liệu)

Tháng trước, ông Yanukovych bị ép hoảng hốt bỏ trốn, đến nhờ Nga, nhưng cuộc khủng hoảng do ông gây ra này đến nay vẫn chưa có dấu hiệu lặng sóng, thậm chí mở rộng thành tranh chấp giữa "tự do, dân chủ phương Tây" với "thống trị tập quyền Nga".

Chiến tranh Gruzia không thể tái diễn

Mặc dù chiến tranh chưa xảy ra, nhưng binh sĩ Nga đặt chân trên đất Crimea khiến cho dư luận nhớ lại năm 2008, khi đó, Gruzia đã triển khai cuộc chiến kịch liệt với khu vực đòi ly khai South Ossetia, Nga lấy lý do bảo vệ người Nga ở South Ossetia, triển khai tấn công quân sự đối với Gruzia buộc Quân đội Gruzia phải rút lui.

Lần này, Putin cũng lấy lý do tình hình Ukraine "bất thường" và tính mạng của công dân Nga bị đe dọa, yêu cầu Quốc hội Nga cho phép điều quân tới Ukraine.

Nhưng, chuyên gia Wojciech Konoczuk cho rằng, tình hình Ukraine hiện nay không thể đánh đồng với chiến tranh Gruzia năm 2008, Nga không có nhiều khả năng xâm phạm toàn diện đối với Ukraine, "tuy Nga hoàn toàn không loại trừ triển khai hành động quân sự hạn chế ở miền đông Ukraine".

Wojciech Konoczuk nói: “Ông Putin hy vọng, toàn bộ Ukraine chứ không phải một phần khu vực có thể ngày càng gần gũi, hữu nghị với Nga... Hiện nay, ông Putin lấy Crimea làm công cụ chính để tác động đối với Kiev và các nước phương Tây, nhắc nhở họ không nên coi thường lợi ích của Nga.

Tàu đổ bộ cỡ lớn Minsk Hải quân Nga trên Biển Đen, tiến đến Crimea
Tàu đổ bộ cỡ lớn Minsk Hải quân Nga trên Biển Đen, tiến đến Crimea

Nga hy vọng Ukraine có thể trở thành nước liên bang, còn Crimea và khu vực miền đông, miền nam Ukraine đều có thể có vai trò ảnh hưởng mang tính quyết định đối với tất cả quyết định chiến lược của Chính phủ Trung ương (chẳng hạn nhất thể hóa với EU).

Nga hy vọng, cuối cùng có thể  thông qua Crimea thậm chí là khu vực miền đông Ukraine, kiểm soát có hiệu quả Ukraine”.

Các nước phương Tây hết cách xoay sở

Phó giáo sư Hoàng Dịch Bằng cũng cho rằng, chiến tranh Gruzia năm 2008 không có nhiều khả năng tái diễn. Ông nói: "Điều khác với Gruzia là biên giới của Ukraine tiếp giáp với các nước EU ( a Lan, Hungary và Romania), bất cứ cuộc khủng hoảng quân sự nào đều có thể gây bất ổn tình hình, khiến cho rất nhiều dân tị nạn đổ vào các nước EU... Điều này có thể thúc đẩy Mỹ ra tay can thiệp".

Tuy nhiên, ngoài việc đe dọa vắng mặt ở Hội nghị cấp cao G8 vào tháng 6, các nước phương Tây đến nay thực ra hết cách xoay sở, không áp dụng bất cứ hành động thực chất nào để hóa giải cuộc khủng hoảng, đến nỗi nhà phân tích quân sự Nga Gilles của Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Hoàng gia Anh (Chatham House) hình dung, lời đe dọa của Âu-Mỹ chỉ là "đe dọa suông" (empty threats), không thể gây ảnh hưởng nhiều tới sự phát triển của tình hình.

Wojciech Konoczuk thừa nhận, điều mà Mỹ và EU có thể làm thực sự có hạn. Ông nói: "Điện Kremlin biết rằng, phương Tây không có nhiều phương pháp lắm để gây ảnh hưởng hoặc trừng phạt Nga. Trong giai đoạn hiện nay, Âu-Mỹ không thể thực hiện bất cứ sự trừng phạt nghiêm khắc nào đối với Nga.

Tàu chiến Nga ở Sebastopol (ảnh tư liệu)
Tàu chiến Nga ở Sebastopol (ảnh tư liệu)

Điều họ có thể làm chỉ là chống lại Hội nghị cấp cao G8 ở Sochi, chỉ có vậy thôi. Các nước phương Tây muốn có thể làm dịu tình hình, đồng thời chuẩn bị đàm phán với Nga. Trừ phi Nga quyết định phát động chiến dịch quân sự ở khu vực ngoài Crimea, các nước phương Tây mới có thể bàn thảo tiến hành trừng phạt nghiêm khắc đối với Nga".

Ukraine sẽ bị chia cắt?

Ukraine đã bắt đầu xuất hiện dấu hiệu chia cắt (ly khai), khu vực miền tây có người đề xuất phải "tự trị", khu vực miền đông thì có người kêu gọi "chia đôi đường" với miền tây. Vào ngày 5 tháng 3, Quốc hội Crimea đã bỏ phiếu thông qua muốn gia nhập Liên bang Nga, nước cộng hòa tự trị này đã định ngày 16 tháng 3 sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về tương lai của họ. Ukraine - nước có dân số 46 triệu người chẳng lẽ thực sự sẽ bị chia cắt?

Đối với vấn đề này, Wojciech Konoczuk cho rằng: "Tôi không cho rằng, Ukraine sẽ bị chia cắt. Dân số khu vực miền đông và miền nam chủ yếu là nói tiếng Nga, nhưng 23 năm qua, hai khu vực này đều hòa nhập thành công với các khu vực khác của Ukraine.

Ngoài ra, trường học của Ukraine cũng thúc đẩy chương trình dạy học như nhau (giáo dục quốc dân), những điều này có lợi cho tăng cường đoàn kết của Ukraine".

Đối với việc cuộc khủng hoảng Ukraine cuối cùng sẽ kết thúc như thế nào, Wojciech Konoczuk cho biết "sẽ rất khó dự đoán".

Tàu ngầm hạt nhân tấn công đa năng lớp Yasen Nga (ảnh minh họa)
Tàu ngầm hạt nhân tấn công đa năng lớp Yasen Nga (ảnh minh họa)

Nga áp dụng thái độ cứng rắn để bảo vệ lợi ích

Nga đã đánh "con bài quân sự", tuy ông Putin tuyên bố Nga chỉ sử dụng vũ lực trong trường hợp không còn sự lựa chọn nào khác, nhưng hành động điều quân tới Crimea của ông đã thể hiện tư thế cứng rắn - Moscow không sợ bất cứ trả giá nào để bảo vệ lợi ích.

Trong tay ông Putin còn có một con bài "kinh tế", Công ty khí đốt Nga có thể cắt đứt cung ứng khí đốt cho khách hàng lớn nhất Ukraine. Nga cũng có thể cấm nhập khẩu hàng hóa từ Ukraine, điều này có thể gây tổn thất to lớn cho Ukraine.

Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu của Ukraine đối với Nga cao tới 12,3 tỷ Euro, chỉ đứng sau kim ngạch xuất khẩu đối với EU - 12,9 tỷ Euro.

Đông Bình