Sẽ có một cuộc "khủng hoảng tên lửa kiểu Cuba" ở châu Á - Thái Bình Dương?

16/03/2015 11:29
Lê Cường
(GDVN) - Chính vì vậy Hoa Kỳ không chủ tâm chia sẻ các công nghệ chủ chốt với đồng minh Nhật Bản.

Một chuyên gia quân sự Đài Loan được báo chí nước này dẫn bình luận cho biệt hiện nay ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang có một cuộc khủng hoảng tên lửa giống như những gì đã xảy ra ở Cuba trước đây và lần này các đối thủ liên quan đến nhau là Nhật Bản, Mỹ và Trung Quốc. Yếu tố mà chuyên gia quân sự này nhấn mạnh đó là một cuộc chạy đua về công nghệ vũ trụ giữa Bắc Kinh và Tokyo.

Hồi đầu năm nay, chính phủ Nhật Bản đã chấp thuận tập trung nguồn lực vào "Kế hoạch Nền tảng 10 năm" được chính sách không gian vũ trụ quốc gia đưa ra. Trong kế hoạch này, Nhật Bản nhấn mạnh việc chuyển đổi chương trình tham vọng này để phục vụ các mục đích đảm bảo an ninh và phòng thủ quân sự tiềm tàng.

Chang Ching - một học giả nghiên cứu quân sự tại Viện nghiên cứu chiến lược Đài Loan cho rằng, mặc dù chính quyền Tokyo tuyên bố rằng quân đội Nhật luôn trong tình trạng chuẩn bị để đối phó với các mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên nhưng nhìn vào sự phát triển của chương trình chế tạo tên lửa nhiêu liệu rắn Epsilon trong chương trình "Kế hoạch Nền tảng 10 năm" của chính phủ Nhật có thể thấy rằng các tên lửa xuyên lục địa của Nhật Bản cũng nhắm đến các mục tiêu ở Trung Quốc.

Nhật Bản hiện nay hoàn toàn đủ khả năng để làm chủ cũng như chế tạo các tên lửa chiến lược. Tên lửa  M-V của Nhật Bản khi xuất hiện đã cho thấy chúng lớn hơn cả tên lửa LGM-118A Peacemaker của quân đội Mỹ và tên lửa R-39 Rif của Nga.

Năm 2010, Nhật Bản cũng đã chứng tỏ họ có khả năng điều khiển tên lửa tầm xa từ không gian quay lại Trái Đất thông qua vụ thử nghiệm phóng vệ tinh Hayabusa lên hành tinh nhỏ Itokawa.

Sự phát triển về khoa học không gian của Nhật Bản đã tạo ra một thế khó xử đối với đồng minh lớn nhất của mình là Hoa Kỳ, chính quyền chỉ hy vọng đầu tư của Nhật Bản sẽ giảm đi gánh nặng tài chính của Mỹ nhưng đang lo ngại rằng họ không có khả năng kiểm soát được các hoạt động quân sự của Nhật Bản.

Chính vì vậy Hoa Kỳ không chủ tâm chia sẻ các công nghệ chủ chốt với đồng minh Nhật Bản. Tuy nhiên, năm ngoái, Hoa Kỳ bỗng nhiên đưa ra đề nghị với Nhật Bản rằng Tokyo có thể quay trở lại chương trình nâng cấp Uranium lên cấp độ vũ khí.

Chang Ching cho rằng nếu Nhật Bản thiết lập lực lượng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, căng thẳng sẽ leo thang đến mức khủng khiếp ở khu vực Đông Á. Khi đó, chắc chắn sẽ có một cuộc khủng hoảng tên lửa kiểu Cuba ở khu vực.

"Nhật Bản cũng có thể trở thành một Bắc Triều Tiên, sẽ gây khó khăn vô cùng cho Mỹ và Trung Quốc để có thể đưa ra một phản ứng thích hợp" - chuyên gia quân sự Đài Loan nhận định.

Lê Cường