SIPRI: Mỹ coi việc bán vũ khí là một công cụ chính trị - an ninh

17/03/2015 14:53
Lê Cường
(GDVN) - Hoa Kỳ là nước cung chấp nhiều vũ khí nhất cho 5 trong top 10 quốc gia nhập nhiều vũ khí nhất thế giới gồm: UAE, Australia, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc và Singapore.

Business ETC đưa tin cho biết ngành công nghiệp sản xuất vũ khí của Trung Quốc đang ở giai đoạn bùng nổ khi nước này trở thành quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn thứ 3 thế giới trong hơn 3 năm qua. Trung Quốc đã vượt qua Đức, Pháp - hai đối thủ cạnh tranh lớn nhất ở châu Âu trong lĩnh vực giao dịch vũ khí.

Tiêm kích F-16 của Mỹ
Tiêm kích F-16 của Mỹ

Tuy nhiên, Business ETC dẫn phân tích của một diễn đàn ở Thụy Sỹ cho hay, Trung Quốc vẫn thua Mỹ và Nga trong danh sách các quốc gia xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới hiện nay.

Trong bản báo cáo hàng năm do Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (Stockholm International Peace Research Institute - SIPRI) mới công bố có nói rằng Mỹ vẫn là nước xuất khẩu vũ trang lớn nhất thế giới. Trong giai đoạn từ 2010 đến 2014, lượng vũ khí Hoa Kỳ xuất khẩu chiếm khoảng 31% tổng xuất khẩu vũ trang toàn cầu cộng lại.

Trong khi đó xuất khẩu vũ khí của Nga được đánh giá là tăng ở mức độ nhanh đáng kể trong vòng 5 năm qua. Tuy nhiên, nếu so với xuất khẩu của Mỹ thì Nga vẫn kém hơn.

Nếu tính về số lượng các hợp đồng giao dịch vũ khí mà Washington kiếm được thì các công ty của Hoa Kỳ nắm được khoảng 27% các thỏa thuận.

Trung Quốc vượt qua các nhà cung cấp vũ khí lớn nhất châu Âu chiếm được khoảng 5 % tổng số các hợp đồng, thỏa thuận mua bán vũ trang toàn cầu.

Báo cáo của SIPRI cũng đưa ra một thống kê đáng chú ý là hiện tượng Saudi Arabia bắt đầu giảm nhập khẩu vũ trang nhưng vẫn đứng thứ 2 thế giới trong danh sách các quốc gia nhập nhiều vũ khí nhất thế giới (đứng đầu là Ấn Độ).

Mỹ coi việc bán vũ khí là một công cụ chính trị - an ninh


Tiêm kích F-16
Tiêm kích F-16

Giám đốc iện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm - Aude Fleurant cho biết một số các quốc gia trong khu vực Vùng Vịnh đang trong giai đoạn mở rộng và hiện đại hóa quân đội của mình một cách nhanh chóng. Vũ khí họ nhập khẩu chủ yếu được các công ty của Mỹ và châu Âu.

"Hoa Kỳ từ lâu luôn xem việc xuất khẩu vũ khí là một công cụ đảm bảo an ninh cũng như chính sách đối ngoại của mình. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các hợp đồng xuất khẩu gia tăng cũng đã giúp cho ngành công nghiệp quốc phòng của nước này duy trì được nhịp độ sản xuất ổn định trong bối cảnh chi phí quân sự của chính nước Mỹ đang bị cắt giảm". - ông Aude Fleurant nói.

Một phân tích độc lập từ  IHS Jane’s của Anh cũng đã xếp Saudi Arabia vào danh sách quốc gia nhập khẩu vũ khí nhiều nhất thế giới (tính theo giá trị) trong năm 2014 với tổng số tiền mua vũ trang là 6,4 tỷ USD.

Các quốc gia ở châu phi cũng đã gia tăng lượng vũ khí nhập khẩu một cách đáng kể trong suốt 5 năm qua, đặc biệt là Cameroon và Nigeria bởi hai nước này cần vũ khí để tiến hành các chiến dịch chống tổ chức phiến quân Hồi giáo Boko Haram.

Một vài con số do SIPRI đưa ra cho biết Ấn Độ nhập 70% vũ khí từ đối tác Nga trong khi đó Saudi Arabia mua khoảng 36% lượng vũ khí cung cấp cho quân đội từ Anh và 35% từ Mỹ.  Nga cũng là nhà cung cấp vũ khí quân sự lớn nhất của Trung Quốc tiếp đó là Pháp.

Hoa Kỳ là nước cung chấp nhiều vũ khí nhất cho 5 trong top 10 quốc gia nhập nhiều vũ khí nhất thế giới gồm: UAE, Australia, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc và Singapore.

Lê Cường