Quân đội Nga đã chuyển đổi có hiệu quả rõ rệt trong năm 2014

21/01/2015 09:29
Việt Dũng
(GDVN) - Năm 2014 Nga thể hiện năng lực tập kết binh lực nhanh, răn đe chiến lược toàn cầu, tiếp nhận vô số vũ khí trang bị mới kể cả tên lửa, máy bay, tàu chiến...
Tên lửa chiến lược Yars Nga
Tên lửa chiến lược Yars Nga

Trang mạng "Tuần san hàng không và công nghệ không gian" Mỹ ngày 15 tháng 1 năm 2015 đưa tin, mặc dù mối đe dọa xung đột toàn cầu sau Chiến tranh Lạnh dần dần mất đi, nhưng việc xây dựng lại quân đội đã được đưa lên bàn nghị sự của Tổng thống Nga Vladimir Putin ngay từ khi lên cầm quyền vào năm 2000. Khi đó, Quân đội Nga chủ yếu dựa vào trang bị do Liên Xô để lại, chi tiêu quân sự cũng bị cắt giảm mạnh.

Nhưng, Nga vẫn đối mặt với một số mối đe dọa khu vực và hoạt động phản loạn của khu vực Caucasus. Thắng lợi của cuộc chiến tranh Chechnya lần thứ hai đầu thế kỷ 21 giúp cho chính quyền Putin đã giành được tỷ lệ ủng hộ rất lớn.

Đồng thời, Nga cũng phát hiện quân đội quy mô lớn thời kỳ Chiến tranh Lạnh của họ hoàn toàn không thể tiến hành phản ứng nhanh đối với mối đe dọa lãnh thổ.

Kế hoạch ban đầu là xây dựng hai lực lượng, một là lực lượng nằm trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu, một lực lượng khác là quân đội truyền thống. Nhưng, cuộc chiến tranh 5 ngày với Gruzia xảy ra ở Abkhazia và South Ossetia vào năm 2008 đã thúc đẩy Quân đội Nga chuyển đổi thành một quân đội có quy mô nhỏ hơn nhưng có hiệu suất hơn.

Cuộc cải cách quân đội được khởi động vào tháng 10 năm 2008 đã thu hẹp quy mô lực lượng, cơ cấu chỉ huy từ 4 tầng cải cách thành 3 tầng. Năm 2010, Nga giảm số lượng quân khu từ 6 xuống còn 4, đó là Quân khu miền Tây, Quân khu miền Nam, Quân khu Trung tâm và Quân khu miền Đông.

Máy bay ném bom chiến lược Nga
Máy bay ném bom chiến lược Nga

Hiện nay, lực lượng phản ứng nhanh chủ yếu của Nga - lực lượng nhảy dù bất kể về số lượng hay về trang bị mới đều đã được tăng cường, năm 2012 đã thành lập mới một Bộ Tư lệnh tác chiến đặc biệt.

Đầu năm 2014, Quân đội Nga nhanh chóng và bí mật tiến vào Crimea, đồng thời trong thời gian ngắn đã tập kết 80.000 đại quân ở biên giới Ukraine, sự kiện này có lẽ có thể phản ánh được diện mạo mới của Quân đội Nga. Một ví dụ triển khai tác chiến nhanh chóng khác là Bắc Cực, Quân đội Nga đã xây dựng lại một căn cứ quân sự ở đây.

Không quân Nga vẫn đang thực hiện nhiệm vụ răn đe chiến lược toàn cầu, tổ chức hoạt động bay trên bầu trời ở rất nhiều khu vực như biển Bắc, biển Na Uy, Địa Trung Hải, biển Baltic, biển Đen cùng với Đại Tây Dương, Thái Bình Dương và Bắc Băng Dương.

Kéo theo sự chuyển đổi cơ cấu là chi tiêu quân sự ngày càng tăng. Lợi ích lớn thu được từ xuất khẩu dầu mỏ đã thúc đẩy chính phủ nhanh chóng tăng ngân sách chi tiêu quân sự, ngân sách của Bộ Quốc phòng đã tăng gần 4 lần, từ 574 tỷ rúp (9,1 tỷ USD) năm 2007 tăng đến 2.100 tỷ rúp năm 2013.

Kế hoạch khôi phục trang bị 10 năm đầu thế kỷ này của Nga đã đầu tư 2.400 tỷ rúp, kế hoạch mua sắm giai đoạn 2011-2020 hiện đang thực hiện có tổng ngân sách tới 1.900 tỷ rúp. Bộ Quốc phòng đang xin ngân sách 300 tỷ rúp cho kế hoạch xây dựng lại trang bị trước năm 2025, dự kiến sẽ được phê chuẩn trong năm nay.

Máy bay đánh chặn MiG-31BM Nga
Máy bay đánh chặn MiG-31BM Nga

Huấn luyện và tiền lương đều đang cải thiện, ngân sách ngày càng tăng còn giúp cho quân đội có thể bổ sung kho vũ khí của họ. Công nghiệp quốc phòng Nga bắt đầu đặt trọng điểm vào cung ứng vũ khí trang bị cho quân đội nước này. Trong khi đó, vào thập niên 1990 và đầu thế kỷ 21, đơn đặt hàng chủ yếu của các doanh nghiệp công nghiệp quân sự Nga đến từ nước ngoài.

Lực lượng chiến lược là trọng điểm xây dựng của quân đội. Năm 2014 đã tiếp nhận 38 quả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, bao gồm 22 quả tên lửa trang bị cho tàu ngầm. Bộ Quốc phòng cũng đã triển khai 3 đơn vị trang bị tên lửa đạn đạo xuyên lục địa kiểu mới RS-24 Yars và 1 tàu ngầm hạt nhân Borey, 7 máy bay ném bom chiến lược Tu-160 và Tu-95MS đã cải tạo hiện đại hóa.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết, năm 2014, Không quân Nga đã tiếp nhận 142 máy bay cánh cố định mới, trong đó có 53 máy bay chiến đấu đa năng Su-30 và Su-35, 16 máy bay ném bom chiến thuật Su-34, 28 máy bay vận tải và máy bay huấn luyện cùng với 18 máy bay đánh chặn MiG-31BM nâng cấp.

Quân đội Nga cũng đã tiếp nhận 135 máy bay trực thăng, bao gồm 46 máy bay trực thăng tấn công và 72 máy bay trực thăng vận tải, ngoài ra còn có 7 hệ thống phòng không tầm xa S-400 và 179 máy bay không người lái.

Nga bắn thử thành công tên lửa Bulava từ tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Borey
Nga bắn thử thành công tên lửa Bulava từ tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Borey

Nga cũng đã tiến hành đầu tư đối với hệ thống vũ khí tương lai có thể tiếp tục nâng cao trình độ sức chiến đấu cho Quân đội Nga, bao gồm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hạng nặng Sarmat mới, máy bay ném bom chiến lược thế hệ tiếp theo (PAK DA), máy bay vận tải kiểu mới và vũ khí trên máy bay.

Không quân Nga đã bắt đầu tiến hành đánh giá thử nghiệm đối với máy bay chiến đấu Sukhoi T-50, năm 2015 có thể ký kết đơn đặt hàng mua sắm đầu tiên máy bay chiến đấu loại này. Đến năm 2020, Quân đội Nga có triển vọng trang bị hệ thống phòng thủ đất đối không S-500 có năng lực phòng thủ tên lửa.

Việt Dũng