Philippines sửa chữa đường băng ở Biển Đông, kêu gọi Mỹ hỗ trợ

28/03/2015 16:44
Đông Bình (nguồn Thời báo Hoàn Cầu, mạng sina, TQ)
(GDVN) - Philippines trông đợi vào phán quyết của trọng tài quốc tế vào tháng 2 năm 2016, muốn Mỹ tăng cường triển khai chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương.
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario

Tờ "Thời báo Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 27 tháng 3 dẫn hãng tin Reuters Anh đưa tin, Philippines ngày 26 tháng 3 cho biết “sẽ khôi phục hoạt động sửa chữa và xây dựng lại” khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Năm 2014, Philippines đã tạm dừng những hoạt động này, do họ lo ngại sẽ ảnh hưởng đến vụ kiện Trung Quốc thông qua trọng tài quốc tế.

Ngày 26 tháng 3, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario nói với các quan chức ngoại giao, quân đội và phóng viên nước ngoài rằng: "Thái độ của chúng tôi là, chúng tôi có thể tiếp tục công tác sửa chữa và bảo vệ". Ông nói, những hoạt động này bao gồm sửa chữa một đường băng sân bay.

Tháng 10 năm 2014, Philippines kêu gọi tất cả các nước chấm dứt hoạt động xây dựng trên các đảo, đá ngầm ở Biển Đông (nhất là hoạt động xây dựng bất hợp pháp của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Năm 2013, Philippines đưa vụ kiện Trung Quốc lên tòa án luật biển quốc tế để chống lại yêu sách "đường lưỡi bò" bất hợp pháp, phi lý, vô nghĩa và lố bịch của Trung Quốc - PV.

Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho hay, Philippines trông đợi tòa án sẽ đưa ra kết quả vào tháng 2 năm 2016. Chính phủ Trung Quốc nhiều lần tuyên bố ngang nhiên là: Trung Quốc không chấp nhận, không tham gia vụ kiện trọng tài của Philippines (tức là họ không chấp nhận luật pháp quốc tế - PV).

Hành động bành trướng "đưỡng lưỡi bò" của Trung Quốc trong năm 2014: Hạ đặt phi pháp giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981, kéo lực lượng quân sự, bán quân sự khổng lồ vào vùng biển chủ quyền Việt Nam để đe dọa Việt Nam.
Hành động bành trướng "đưỡng lưỡi bò" của Trung Quốc trong năm 2014: Hạ đặt phi pháp giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981, kéo lực lượng quân sự, bán quân sự khổng lồ vào vùng biển chủ quyền Việt Nam để đe dọa Việt Nam.

Trước đó, có nghị sĩ Mỹ cảnh báo rằng, Mỹ cần có chiến lược toàn diện để ngăn chặn và làm giảm các hoạt động (bành trướng, hung hăng) của Trung Quốc ở Biển Đông, nếu không, lợi ích lâu dài của Mỹ và các đồng minh, đối tác sẽ đối mặt với nguy hiểm.

Tư lệnh Hạm đội 7 Hải quân Mỹ Robert Thomas đề nghị, các nước ASEAN cần xây dựng lực lượng liên hợp trên biển để tuần tra Biển Đông, đồng thời cam kết Hạm đội 7 sẽ ủng hộ đối với vấn đề này.

Theo trang mạng tin tức GMA Philippines, ông Albert del Rosario ngày 26 tháng 3 cho biết: "Chúng tôi hoan nghênh tuyên bố này. Đối với lời kêu gọi Mỹ dành nhiều sự ủng hộ mang tính thực chất hơn cho chiến lược tái cân bằng châu Á, chúng tôi cũng hoan nghênh".

Đối với vấn đề này, báo Trung Quốc dẫn phát ngôn viên quốc phòng Trung Quốc có tên là Cảnh Nhạn Sinh nói tại một cuộc họp báo ngày 26 tháng 3 rằng, Trung Quốc có lập trường nhất quán, rõ ràng trong vấn đề Biển Đông (bành trướng "đường lưỡi bò"). Cảnh Nhạn Sinh đồng thời lên án Mỹ đã phát ngôn làm "châm ngòi thổi gió", cho rằng, điều đó không có lợi cho "hòa bình, ổn định" Biển Đông.

Cảnh Nhạn Sinh còn yêu cầu Mỹ chấm dứt phát biểu "vô trách nhiệm", "tôn trọng những nỗ lực bảo vệ hòa bình và ổn định của các nước khu vực Biển Đông, không làm những việc chia rẽ quan hệ nước khác, gây ra tình hình căng thẳng".

Hành động bành trướng "đường lưỡi bò" của Chính phủ Trung Quốc: biến các đá ngầm đã xâm lược của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa thành đảo nhân tạo. Dư luận cho rằng, Trung Quốc đang xây dựng các tiền đồn quân sự ở đây.
Hành động bành trướng "đường lưỡi bò" của Chính phủ Trung Quốc: biến các đá ngầm đã xâm lược của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa thành đảo nhân tạo. Dư luận cho rằng, Trung Quốc đang xây dựng các tiền đồn quân sự ở đây.

Trên thực tế, loại bành trướng "đường lưỡi bò" của Trung Quốc nếu không từ bỏ thì không bao giờ sẽ hết được những lời lên án, phê phán, dị nghị và cũng sẽ không thiếu những hành động kiềm chế, ngăn chặn, đáp trả kể cả về ngoại giao, quân sự, pháp lý… Điều này thì Trung Quốc nên hiểu và phải hiểu, cũng nên chấm dứt ngay yêu sách vô lý, phi pháp "đường lưỡi bò", từ bỏ mọi hành động bành trướng ở Biển Đông. Như thế, Trung Quốc mới có hòa bình và phát triển bền vững - PV.

Trung Quốc phải chấp nhận luật pháp quốc tế, phải hiểu luật, tôn trọng, sử dụng luật pháp quốc tế về biển đảo, đi theo con đường "pháp trị" trong quan hệ với các nước khác, với các nước ven Biển Đông, không thể đứng ngoài khuôn khổ của luật pháp quốc tế, cũng không thể dùng luật của mình để áp đặt cho các nước khác ở Biển Đông - PV.

Hiện nay, Trung Quốc đang tập trung xây dựng quốc gia "pháp trị" do Hội nghị Trung ương 4 khóa 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa ra, vì vậy, Trung Quốc cũng nên tôn trọng cộng đồng quốc tế dùng luật pháp, dùng quy tắc ứng xử như trọng tài hay COC để xử lý các vấn đề quốc tế, trong đó có vấn đề Biển Đông. Không có gì khác, cộng đồng quốc tế cần trừng trị nghiêm khắc những hành vi đã, đang và sẽ dùng chiến tranh xâm lược để cướp lấy biển đảo của nước khác - PV.

Đông Bình (nguồn Thời báo Hoàn Cầu, mạng sina, TQ)