Nhật Bản có thể xuất khẩu máy bay, tàu ngầm ở châu Á-Thái Bình Dương

17/01/2014 11:24
Việt Dũng
(GDVN) - Công nghiệp nặng Kawasaki xuất khẩu máy bay vận tải quân dụng C-2, còn Công nghiệp Shin Maywa xuất khẩu thủy phi cơ US-2...
Thủy phi cơ cỡ lớn US-2 do Nhật Bản sản xuất
Thủy phi cơ cỡ lớn US-2 do Nhật Bản sản xuất

Thị trường châu Á-Thái Bình Dương

Tờ "Thời báo Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 14 tháng 1 đưa tin, hàng hóa quân sự Nhật Bản tiến vào châu Âu, phần nhiều là tạo danh tiếng, công nghiệp quân sự Nhật Bản muốn thực sự kiếm lợi nhuận và "kinh doanh trọng điểm" là ở thị trường châu Á-Thái Bình Dương.

Theo bài báo, ngay từ đầu thế kỷ 21, Nhật Bản đã lấy lý do tàu thuyền nước này bị cướp biển vũ trang tấn công ở vùng biển Malacca, dùng danh nghĩa "cho vay viện trợ Chính phủ" cung cấp tàu tuần tra cũ của Lực lượng Bảo vệ bờ biển cho Indonesia, do những tàu này đều có kính chống đạn và bọc thép chống đạn, cho dù không mang theo pháo chính cũng coi là vũ khí, vì vậy được gọi là sự kiện cột mốc phá vỡ quy định của "Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí".

Ngoài ra, Nhật Bản đã quyết định cung cấp nhiều tàu tuần tra có tính chất "gần như vũ khí" cho Philippines, nước được bài báo này cho là "có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc".

Nhật Bản còn dự định xuất khẩu công nghệ chế tạo tàu ngầm AIP cho Australia, để chính phủ Australia từ bỏ phương án mua tàu ngầm động cơ hạt nhân, mục đích là tăng cường quan hệ "gần như đồng minh quân sự" Nhật Bản-Australia.

Máy bay vận tải cỡ lớn C-2 Nhật Bản
Máy bay vận tải cỡ lớn C-2 Nhật Bản

Hãng tin Reuters Anh cho rằng, hai doanh nghiệp Nhật Bản gồm Công nghiệp nặng Kawasaki và Công nghiệp Shin Maywa đang tìm cách xuất khẩu máy bay, trong đó, Công nghiệp nặng Kawasaki xuất khẩu máy bay vận tải quân dụng C-2, còn Công nghiệp Shin Maywa xuất khẩu thủy phi cơ US-2, hiện nay, Lực lượng bảo vệ bờ biển Ấn Độ đã chọn thủy phi cơ US-2.

Tập trung dựa vào chương trình hợp tác với Mỹ

Theo báo Trung Quốc, đương nhiên, Nhật Bản muốn mở ra cục diện ở thị trường vũ khí châu Á-Thái Bình Dương thì điều quan trọng là phải nhìn thái độ của Mỹ.

Từ năm 1999 Nhật-Mỹ khởi động nghiên cứu chương trình phòng thủ tên lửa liên hợp đến nay, Nhật Bản thông qua phương thức "trường hợp đặc biệt" tiến hành bán cho Mỹ các công nghệ như vỏ chịu nhiệt của tên lửa đánh chặn SM-3, bộ cảm biến nhạy cảm cao, đồng thời ngày 5 tháng 11 năm 2013 cho phép Công nghiệp nặng Ishikawajima-Harima và Công ty Platter Whitney Mỹ ký thỏa thuận cùng chế tạo động cơ cho máy bay chiến đấu tàng hình F-35, và không loại trừ trong tương lai lắp linh kiện do Nhật Bản sản xuất cho máy bay F-35 mà Mỹ xuất khẩu cho nước thứ ba, từ đó "cùng chia tiền lãi".

Tàu ngầm thông thường AIP lớp Soryu Nhật Bản
Tàu ngầm thông thường AIP lớp Soryu Nhật Bản

Tờ "Nihon Keizai Shimbun" ngày 13 cho biết, Nhật Bản có ý định tăng mua máy bay chiến đấu F-35 để ứng phó với Trung Quốc. Ngoài ra, hãng Mitsubishi Electric và Công nghiệp nặng Mitsubishi cũng có triển vọng thông qua phương thức "hợp tác công nghiệp" này, cùng với các sản phẩm quân dụng Mỹ, bước vào thị trường quốc tế.

Việt Dũng