Nga đã nhảy vào cuộc, bắt đầu chuẩn bị kỹ càng cho chiến tranh mạng

11/07/2013 07:25
Việt Dũng
(GDVN) - Mỹ đồng thời tăng cường năng lực chịu đựng các cuộc tấn công mạng và năng lực tấn công mạng, nhưng Tổng thống khó có thể tuyên chiến.
Logo Bộ Tư lệnh Mạng Mỹ
Logo Bộ Tư lệnh Mạng Mỹ

Ngày 3 tháng 7, trang mạng "The Japan Times" đăng bài viết của Mike Richardson, nhà nghiên cứu thỉnh giảng cao cấp của Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore, cho rằng, những năm gần đây, lĩnh vực xung đột giữa các nước tiếp tục mở rộng, đã không chỉ giới hạn ở lĩnh vực trên mặt đất, trên biển, trên không và ngoài không gian như trước đây, mà tác chiến mạng đang trở thành một loại phương thức tác chiến ngày càng quan trọng.

Mỹ cho biết, hiện nay đã có hơn 20 nước thành lập "lực lượng mạng", đều dốc sức cho việc vận dụng công nghệ mạng vào chiến tranh.

Theo bài viết, truyền thông Trung Quốc vào tháng 5 từng có tin cho biết, tháng 6 năm nay, lực lượng vũ trang Trung Quốc tiến hành cuộc diễn tập mạng lần đầu tiên, mục đích là "kiểm tra lực lượng chiến đấu mới này".

Ngoài ra, "lực lượng mạng" Nga cũng đang được lập kế hoạch thành lập. Đầu năm 2013, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu hạ đạt mệnh lệnh, yêu cầu Bộ tổng tham mưu vào cuối năm nay hoàn tất kế hoạch thành lập Bộ Tư lệnh mạng Lục quân.

Các quan chức cơ quan mạng và nhà phân tích phương Tây cho rằng, "lực lượng mạng" của hai nước Trung Quốc và Nga đã xây dựng xong. Một cuộc điều tra của Viện nghiên cứu giải trừ quân bị Liên hợp quốc năm 2011 cho biết, 33 quốc gia trong đó có Trung Quốc, Mỹ và Nga đều đã đưa tác chiến mạng vào kế hoạch quân sự và phạm vi tổ chức.

Richardson chỉ ra, Nhật Bản tuy hoàn toàn không có trong danh sách, nhưng họ cũng như rất nhiều nước khác, đã bắt đầu từng bước áp dụng các biện pháp phòng bị, từ đó làm cho mình tránh được các cuộc tấn công mạng.

Radar và ăng-ten xung quanh trụ sở tin tặc quân Mỹ được bố trí dày đặc
Radar và ăng-ten xung quanh trụ sở tin tặc quân Mỹ được bố trí dày đặc

Ngoài ra, bài viết cho rằng, năm 2011, Bộ Quốc phòng Mỹ đã chính thức xác định coi không gian mạng là lĩnh vực mới của chiến tranh, đồng thời, Bộ Tư lệnh Mạng Mỹ cũng đang nhanh chóng phát triển lớn mạnh.

Mặc dù Mỹ cắt giảm mạnh chi tiêu quân sự, nhưng trong 4 năm tới sẽ có 4.000 chuyên gia công nghệ thông tin gia nhập Bộ Tư lệnh Mạng Mỹ. Lúc đó, quy mô của Bộ tư lệnh này sẽ tăng lên gấp đôi. Điều này cũng có nghĩa là Mỹ sẽ tiếp tục đầu tư 23 tỷ USD cho an ninh mạng.

Bài viết cho rằng, mặc dù chính quyền Obama từng nhiều lần bày tỏ lo ngại đối với những mối đe dọa ngày càng nghiêm trọng của các cuộc tấn công mạng, nhưng Mỹ hoàn toàn không dừng các bước đổi mới quy tắc tác chiến mạng.

Đây cũng là lần đầu tiên Bộ Tư lệnh Mạng Mỹ điều chỉnh quy tắc tác chiến kể từ khi thành lập 7 năm trước cho đến nay, đồng thời Mỹ còn đưa ra trình tự ứng phó khẩn cấp, từ đó có năng lực áp dụng các biện pháp đáp trả đối với các cuộc tấn công mạng gây ra tai họa ngầm cho an ninh quốc gia và gây khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng tiềm tàng.

Theo Richardson, mối đe dọa mạng mà Chính phủ Mỹ lo ngại có 2 loại lớn: Một loại là tập kích xâm nhập đối với hạ tầng cơ sở quan trọng của Chính phủ, Quân đội và dân dụng. Một loại khác là hoạt động đánh cắp có quy mô lớn của tin tặc hoặc tội phạm được nước khác ủng hộ đối với những thông tin cơ mật của Chính phủ, Quân đội, khu vực tư nhân và nước đồng minh của Mỹ.

Trung tâm chỉ huy thông tin hóa quân Mỹ
Trung tâm chỉ huy thông tin hóa quân Mỹ

Ngày 12 tháng 6, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Mạng Mỹ Chris Alexander nói với Tiểu ban của Quốc hội Mỹ rằng, chương trình và năng lực mạng của kẻ thù đều đang không ngừng tăng cường, nâng cấp, hơn nữa phạm vi bao phủ ngày càng rộng.

Nhưng, ông nói: "Tôi tin rằng, đối với những quốc gia có vốn đầy đủ, thích đưa ra các chủ trương chính trị, tạo ra các công cụ cao cấp chỉ là vấn đề thời gian, nhưng họ hoàn toàn không để ý những thiệt hại phụ gây ra cho hạ tầng cơ sở của quốc gia khác".

Để ứng phó với mối đe dọa tấn công mạng, Mỹ cũng đang không ngừng tăng cường thực lực tác chiến mạng của bản thân. Ngoài việc tăng cường năng lực chịu đựng các cuộc tấn công mạng cho các công trình hạ tầng cơ sở quan trọng, 3 đơn vị của Bộ Tư lệnh Mạng Mỹ cũng đang làm việc ngày đêm thực hiện nhiệm vụ sắp triển khai.

Nhưng Richardson chỉ ra, ở Mỹ, căn cứ vào Hiến pháp, tấn công mạng của nước ngoài phải chăng lên tới mức độ Mỹ vì vấn đề này mà tuyên chiến – điều này tùy thuộc vào Tổng thống. Nhưng, do tính mơ hồ của bản thân không gian mạng và tính không xác định của nguồn tấn công, Tổng thống Mỹ có thể không dám mạo hiểm để hành động.

Binh sĩ Quân đội Trung Quốc thực hiện nhiệm vụ tác chiến mạng
Binh sĩ Quân đội Trung Quốc thực hiện nhiệm vụ tác chiến mạng
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!

Việt Dũng