Hải quân Trung Quốc triển khai 3 hạm đội lớn như thế nào?

18/02/2015 18:54
Đông Bình
(GDVN) - Với tham vọng mới, nhiệm vụ mới và tình hình mới, báo Trung Quốc đề xuất ý tưởng thành lập các hạm đội mới, lớn, tầm xa, trong đó có liên quan "đường lưỡi bò".
Tàu khu trục tên lửa Côn Minh Type 052D của Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc
Tàu khu trục tên lửa Côn Minh Type 052D của Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc

Mạng quân sự sina Trung Quốc gần đây có bài viết bàn về việc phân chia hạm đội của hải quân nước này trước đây và trong tương lai. Bài viết cho rằng, bước vào thập niên thứ 2 của thế kỷ 21, Hải quân Trung Quốc đã gia tăng các bước vươn ra biển xa, bao gồm đẩy nhanh biên chế rất nhiều tàu tác chiến biển xa mới trong đó có tàu sân bay, huấn luyện tác chiến, hộ tống biển xa, diễn tập quân sự liên hợp ngày càng nhiều, hoạt động của biên đội tàu chiến Hải quân Trung Quốc ở vùng biển Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương ngày càng dồn dập. Đây là điều chưa từng có trong nửa thế kỷ qua.

Theo bài viết, con đường phát triển hải quân tầm xa của Trung Quốc là chắc chắn, việc phân chia hạm đội phải tiến hành cải cách nhiều để thích ứng với nhu cầu chiến lược của nước này trong tương lai.

Hiện nay, cơ cấu tổ chức cơ bản của Hải quân Trung Quốc vẫn là 3 hạm đội lớn lấy khu vực làm cơ sở để phân chia, đã không thể hoàn toàn đáp ứng nhu cầu của tác chiến liên hợp biển xa, cần thành lập hạm đội liên hợp biển xa thích hợp.

Nguyên nhân lịch sử phân chia 3 hạm đội lớn

Hiện nay, Hải quân Trung Quốc dựa vào khu vực để phân chia thành 3 hạm đội lớn gồm Hạm đội Bắc Hải, Hạm đội Đông Hải và Hạm đội Nam Hải. Đằng sau việc phân chia này có nguyên nhân trên các phương diện như công nghệ, tình hình và chiến lược.

Thực hiện chiến lược phòng thủ bờ biển

Trong 30 năm từ khi nước "Trung Quốc mới" thành lập đến trước cải cách mở cửa, do nguyên nhân trong nước và quốc tế đặc biệt, về kinh tế, Trung Quốc thực hiện chính sách tương đối đóng cửa, thương mại với bên ngoài khá hạn chế, nhu cầu đối với tài nguyên năng lượng của toàn bộ quốc gia thông qua trong nước cơ bản có thể đáp ứng, vị trí của biển với tư cách là tuyến đường thương mại và kho báu tài nguyên năng lượng vẫn chưa rõ ràng, vị trí của biển trong chiến lược quốc gia vẫn chưa nổi bật.

Ông Mao Trạch Đông - Chủ tịch Trung Quốc trước đây đã yêu cầu "nhất định phải xây dựng hải quân mạnh", mục tiêu cơ bản chỉ là "ngăn chặn sự xâm lược của các thế lực bên ngoài", ứng phó với các cuộc tấn công của đối phương từ trên biển.

Vào trung tuần tháng 8 năm 2014, chi đội tàu đổ bộ của Hạm đội Nam Hải tiến hành tập trận trên Biển Đông
Vào trung tuần tháng 8 năm 2014, chi đội tàu đổ bộ của Hạm đội Nam Hải tiến hành tập trận trên Biển Đông

Hải quân thực hiện chiến lược phòng thủ ven bờ, nhiệm vụ tác chiến rất rõ ràng, chính là phối hợp với lực lượng trên bờ bảo vệ tuyến đường bờ biển dài của Trung Quốc, ngăn chặn các hoạt động tác chiến đổ bộ đến từ biển tiềm tàng. Vì vậy, khi đó dựa vào khu vực địa lý xác định phạm vi phòng thủ, sau đó tiến hành phân chia hạm đội, từ đó làm rõ khu vực phòng thủ và chỉ huy kiểm soát riêng, đã trở thành phương thức phân chia hạm đội hiệu quả nhất của Hải quân Trung Quốc.

Loại phương thức phân chia hạm đội này và mục tiêu của chiến lược phòng thủ ven bờ là thống nhất, chính là bảo vệ lãnh thổ, hải quân chỉ là sự kéo dài tự nhiên bảo vệ lãnh thổ của lục quân mà thôi, tỷ trọng của lực lượng trên bờ trong lực lượng hải quân rất lớn, vai trò cũng rất lớn. Có thể nói, mô hình phân chia hạm đội của 3 hạm đội lớn là kết quả trực tiếp của chiến lược phòng thủ ven bờ.

Không thể xây dựng hạm đội biển xa

Trong giai đoạn đầu thành lập nước, nền tảng kinh tế kỹ thuật của Trung Quốc rất yếu, chế tạo tàu chiến cỡ vừa và nhỏ cho hải quân rất khó khăn, tổ chức binh lực hải quân lấy "bay, ngầm, nhanh" làm chính, chứ chưa thể nói tới các năng lực tác chiến phòng không, chống hạm, săn ngầm và năng lực điều động binh lực biển xa. 4 tàu khu trục pháo lớp trên 1.000 tấn nhập khẩu của Liên Xô luôn là bảo vật của lớp "Tứ đại kim cương".

Tàu chiến cỡ vừa chế tạo sau thập niên 80 của thế kỷ 20 thiếu năng lực phòng không, săn ngầm, không thể tách rời lực lượng hàng không mặt đất và hệ thống phòng không để tiến hành tác chiến độc lập, cũng không thể tách rời sự hỗ trợ của hệ thống sửa chữa và tiếp tế hậu cần bờ biển.

Ngoài ra, hoạt động tình báo, giám sát và trinh sát đối không, đối hải lạc hậu nghiêm trọng, cơ bản dựa vào hệ thống radar mặt đất có phạm vi dò tìm và độ chính xác đều rất hạn chế, không có các biện pháp chi viện dẫn đường và tình báo từ trên không và trong không gian.

Mặc dù từ thập niên 80 của thế kỷ 20 trở đi, Hải quân Trung Quốc từng bước đi ra cửa nhà, đi ra biển xa, đại dương để tiến hành ngoại giao hải quân, nhưng hoàn toàn không có năng lực tác chiến biển xa với ý nghĩa thực chất.

Vì vậy, việc phân chia 3 hạm đội lớn (Hạm đội Bắc Hải, Hạm đội Đông Hải, Hạm đội Nam Hải) đã làm nổi bật mô hình tác chiến trên biển lấy bờ biển làm trung tâm, đủ để đáp ứng yêu cầu phân chia khu vực để tiến hành tác chiến ven bờ, có thể tồn tại lâu dài trong thời gian mấy chục năm.

Biên đội tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc
Biên đội tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc

Thách thức của chiến tranh hiện thực

Về phương hướng trên biển, Hải quân Trung Quốc đối mặt với vấn đề eo biển Đài Loan. Trong phần lớn thời gian nửa sau thế kỷ 20, vũ khí trang bị của hải, không quân Trung Quốc lạc hậu so với Hải quân Đài Loan, quyền kiểm soát biển, kiểm soát trên không ở vùng biển xung quanh Đài Loan trong thời gian rất dài đều nằm trong tay hải quân của Quốc Dân Đảng.

Quốc Dân Đảng luôn có ý đồ phản công Trung Quốc, dựa vào hải, không quân có ưu thế tiến hành diễn tập tác chiến đổ bộ lâu dài. Vì vậy, việc phân chia địa lý và hạm đội của Hạm đội Đông Hải và Hạm đội Nam Hải cũng là sản phẩm của loại mối đe dọa chiến tranh hiện thực này.

Năm 1974, Trung Quốc tiến hành chiến tranh xâm lược đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, lực lượng tham chiến của Hạm đội Nam Hải mỏng yếu, khi tàu chiến của Hạm đội Đông Hải xuống phía nam chi viện đã lo ngại bị Hải quân Quốc Dân Đảng (Đài Loan) đe dọa - thời kỳ lịch sử này đã chứng kiến những khó khăn trong tác chiến trên biển do khoảng cách khu vực tạo ra của Hạm đội Đông Hải và Hạm đội Nam Hải.

Vấn đề Đài Loan là vấn đề lịch sử để lại trong cuộc nội chiến ở Trung Quốc, thực hiện vượt biển đổ bộ lên đảo tác chiến "giải phóng Đài Loan" từ lâu luôn là "sứ mệnh" quan trọng nhất của Hải quân Trung Quốc. Từ góc độ địa-chiến lược, chỉ cần hai bờ không thống nhất, sự phong tỏa chuỗi đảo thứ nhất mà Hải quân Trung Quốc phải đối mặt sẽ không thể phá vỡ thực sự, hạn chế địa lý của hạm đội cũng không thể cải thiện.

Việc phân chia 3 hạm đội lớn đã không thể thích ứng với sự phát triển tương lai

Đối chiếu nguyên nhân lịch sử thúc đẩy phân chia 3 hạm đội lớn của Hải quân Trung Quốc, hiện nay rất nhiều tình hình đang có sự thay đổi quan trọng.

Bất kể là về mặt nhu cầu chiến lược, mối đe dọa hiện thực hay vũ khí trang bị và điều kiện kỹ thuật, Hải quân Trung Quốc đã không còn lấy phòng thủ đất liền làm trung tâm, lấy phòng thủ ven bờ làm thủ đoạn.

Tham khảo kinh nghiệm lịch sử phát triển hải quân tầm xa của các cường quốc thế giới, căn cứ vào nhu cầu tác chiến, dựa vào hệ thống chỉ huy tác chiến liên hợp xây dựng hạm đội liên hợp biển xa đã có đầy đủ các điều kiện với TQ.

Máy bay trinh sát điện tử Tu-154 Trung Quốc xâm nhập Vùng nhận dạng phòng không của Nhật Bản
Máy bay trinh sát điện tử Tu-154 Trung Quốc xâm nhập Vùng nhận dạng phòng không của Nhật Bản

Nhu cầu chuyển đổi chiến lược

Cải cách mở cửa hơn 30 năm trở lại đây, vị trí của biển trong chiến lược quốc gia ngày càng nổi bật, thương mại trên biển đã trở thành điểm tựa quan trọng của phát triển kinh tế quốc gia, tài nguyên và năng lượng phong phú của biển có tầm quan trọng ngày càng nổi bật trong phát triển lâu dài (sau khi dùng chiến tranh xâm lược quần đảo Hoàng Sa năm 1974, xâm lược một phần quần đảo Trường Sa năm 1988..., Trung Quốc vẫn nuôi ảo tưởng độc chiếm hầu hết Biển Đông).

Xuất phát từ góc độ bảo vệ lợi ích kinh tế và chiến lược, Hải quân Trung Quốc đã đề xuất chuyển đổi chiến lược rõ ràng từ "phòng thủ biển gần" sang "phòng vệ biển xa". Chiến lược hải quân mới đã đặt ra nhu cầu tác chiến ở "biển xa".

Tác chiến trên biển từ chuỗi đảo thứ nhất tới chuỗi đảo thứ hai được tổ chức tiến hành như thế nào, tác chiến trên biển ở Biển Đông thậm chí Ấn Độ Dương tiến hành như thế nào, tuyến đường vận chuyển trên biển từ Ấn Độ Dương đi qua Biển Đông đến Trung Quốc được bảo vệ như thế nào, thậm chí mở rộng lợi ích ở khu vực Bắc Cực như thế nào... đều là vấn đề hiện thực đặt ra trong chuyển đổi chiến lược của Hải quân Trung Quốc.

Việc phân chia 2 hạm đội lớn hiện có của Hải quân Trung Quốc là thích hợp với chiến lược phòng thủ biển gần, ứng phó với cuộc khủng hoảng ở eo biển Đài Loan có tính hợp lý, nhưng rõ ràng đã ngày càng không thể thích ứng với yêu cầu tác chiến mới, cải cách việc phân chia hạm đội là cấp bách.

Sự thúc đẩy của tình hình và nhiệm vụ

Trong tình hình chiến lược mới, tình hình an ninh trên biển của Trung Quốc ngày càng phức tạp, nhiệm vụ của hải quân ngày càng đa dạng. Đặc biệt là thập niên thứ hai của thế kỷ 21, sau khi từng bước kết thúc cuộc chiến Iraq và Afghanistan, Mỹ đang ra sức thúc đẩy chiến lược "quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương" và "tái cân bằng" sức mạnh quân sự, điều chỉnh bố trí lực lượng quân sự ở châu Á-Thái Bình Dương, tăng cường ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc.

Tàu ngầm hạt nhân tấn công Type 093 Trung Quốc được cho là xuất hiện trên Ấn Độ Dương
Tàu ngầm hạt nhân tấn công Type 093 Trung Quốc được cho là xuất hiện trên Ấn Độ Dương

Để tìm kiếm tối đa hóa lợi ích, dựa vào cơ hội "chơi cờ" giữa các nước lớn, khu vực xung quanh và các nước "tồn tại tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải" với Trung Quốc không ngừng có các động thái "phá hoại hiện trạng", gây ra sự cố (báo Trung Quốc giở giọng đổ tội cho nước khác - một trò khôi hài và lố bịch, thói xấu quen dùng của không ít phương tiện truyền thông Trung Quốc).

Tranh chấp đảo Senkaku ở biển Hoa Đông, bãi cạn Scarborough và bãi Cỏ Mây ở Biển Đông nằm trong trạng thái gay gắt, điều này đặt ra yêu cầu ngày càng cao về “phản ứng nhanh, linh hoạt và có hiệu quả” đối với hải quân (nếu Trung Quốc dùng hải quân để đánh chiếm ở Biển Đông thì đó là chiến tranh xâm lược).

Đồng thời, các nhiệm vụ như chống cướp biển, cứu trợ nhân đạo ở biển xa cũng ngày càng nhiều, tổ chức phối hợp phức tạp, nhiệm vụ sửa chữa tiếp tế nặng nề. Hải quân thành lập đơn vị nhiệm vụ và cơ quan chỉ huy lâm thời trên cơ sở phân chia các hạm đội hiện có chắn chắn sẽ đối mặt với khó khăn do xung đột lợi ích gây ra bởi phân chia hạm đội, ảnh hưởng tới hiệu suất đưa ra phản ứng trước các sự kiện khủng hoảng. Năng lực thực hiện nhiều loại nhiệm vụ trong tình hình phức tạp của hải quân chắc chắn bị suy yếu.

Sự chín muồi của điều kiện thực tế

Từ khi bước vào thế kỷ 21 đến nay, Trung Quốc ra sức thúc đẩy hiện đại hóa trang bị hải quân, sự phát triển của lực lượng hải quân đột nhiên tăng mạnh, điều kiện xây dựng hạm đội liên hợp tác chiến viễn dương cũng dần dần chín muồi. Trước hết là năng lực kiểm soát biển gần đã tương đối vững chắc.

Cùng với việc biên chế lượng lớn máy bay chiến đấu thế hệ thứ ba, phạm vi và năng lực tấn công của lực lượng hàng không bờ biển của Trung Quốc được tăng trưởng nhanh chóng; khoảng cách và độ chính xác tấn công của tên lửa chống hạm bờ biển cũng được nâng cao rất lớn; rất nhiều nhiệm vụ phòng thủ ven bờ và biển gần có thể giao cho lực lượng bờ biển phụ trách. Năng lực tác chiến chống hạm biển gần của tàu tên lửa tàng hình và tàu hộ vệ hạng nhẹ tiên tiến cũng rất mạnh, làm cho "biển gần" của Trung Quốc đã trở thành "cấm địa" của kẻ địch bên ngoài.

Thứ hai là năng lực tác chiến biển xa không ngừng tăng lên. Việc biên chế các hệ thống vũ khí tác chiến biển xa như tàu sân bay và máy bay trên tàu, máy bay săn ngầm cánh cố định tầm xa, tàu khu trục phòng không khu vực, tàu chiến đổ bộ cỡ lớn, làm cho Hải quân Trung Quốc có thể thành lập lực lượng hỗn hợp đặc biệt đến biển xa, độc lập tác chiến và điều động lực lượng. Ngoài ra, sự phát triển hiện đại hóa hệ thống tình báo trinh sát cũng được trao cho hải quân năng lực "vươn ra bên ngoài". Lực lượng này chắc chắn cần có hệ thống chỉ huy và thể chế biên chế độc lập.

Trung Quốc chế tạo và biên chế tàu hộ vệ hạng nhẹ Type 056 với tốc độ cực nhanh, dùng để tác chiến ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Trung Quốc chế tạo và biên chế tàu hộ vệ hạng nhẹ Type 056 với tốc độ cực nhanh, dùng để tác chiến ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

Từ "3 hạm đội lớn" đến "hạm đội 2 vùng biển"

Từ chiến lược quốc gia đến chiến lược hải quân, một lực lượng hải quân tầm xa mạnh đều được đề cập sống động. Binh lực của 3 hạm đội lớn Hải quân Trung Quốc đã vượt qua khu vực phòng thủ của mình, các hạm đội điều lực lượng thành lập đơn vị nhiệm vụ đã trở thành trạng thái bình thường.

Hải quân tầm xa tập trung vào tác chiến cơ động biển xa thì nhất định phải yêu cầu trong phân chia và chỉ huy hạm đội từ bỏ hoàn toàn khái niệm chuyên phòng thủ khu vực vốn có, thành lập một hạm đội có cơ cấu tổ chức thống nhất, chỉ huy thống nhất, hình thành sức mạnh tổng hợp mạnh, đoạt lấy quyền kiểm soát biển ở vùng biển dự định một cách tối đa.

Hạm đội 2 vùng biển về chức năng

Bài viết cho rằng, xuất phát từ nhu cầu tác chiến trên biển quốc gia, trong tương lai về chức năng, Hải quân Trung Quốc cần biên chế thành "hạm đội biển gần" và "hạm đội biển xa". "Hạm đội biển gần" lấy cơ cấu các căn cứ, khu thủy cảnh thuộc 3 hạm đội lớn hiện nay làm nền tảng, biên chế các lực lượng thích hợp với tác chiến biển gần như tàu tên lửa tấn công nhanh, tàu hộ vệ tên lửa hạng nhẹ, lực lượng hàng không hải quân mặt đất, hệ thống tên lửa chống hạm bở biển, phân chia ra các vùng biển, thành lập hải quân khu vực, thực hiện các nhiệm vụ trong các cuộc xung đột trên biển cường độ thấp, trong đó có "bảo vệ quyền lợi biển ở biển gần" hoặc các nhiệm vụ phi quân sự trên biển khác.

"Hạm đội biển xa" là hạm đội liên hợp lấy nhiệm vụ tác chiến biển xa làm cốt lõi, biên chế các trang bị có năng lực tác chiến biển xa và điều động binh lực mạnh như tàu sân bay, tàu tác chiến đổ bộ, tàu khu trục và tàu hộ vệ tiên tiến, tàu hậu cần cỡ lớn, dựa vào phương hướng chiến lược và Bộ tư lệnh tác chiến liên hợp để tiến hành bố trí, sắp xếp, khi cần tác chiến trực tiếp dựa vào biên chế thời bình để nhanh chóng tập trung, vươn ra biển xa thực hiện nhiệm vụ tác chiến. Khi cần thiết, "hạm đội biển gần" có thể điều binh lực thích hợp để bổ sung cho "hạm đội biển xa".

Hạm đội 2 đại dương về địa lý

Trong tình hình vấn đề Đài Loan không thể giải quyết, trở ngại địa lý của Hải quân Trung Quốc sẽ tồn tại lâu dài, vì vậy "hạm đội biển xa" tương lai của Hải quân Trung Quốc có thể sẽ xuất hiện với diện mạo của hạm đội liên hợp thuộc Bộ tư lệnh tác chiến liên hợp khu vực. Về phương hướng chiến lược, trong tương lai, "hạm đội biển xa" của Hải quân Trung Quốc có thể biên chế thành Hạm đội Thái Bình Dương và Hạm đội Ấn Độ Dương.

Biên đội hộ tống tốp thứ 16 của Hải quân Trung Quốc tiến hành tập trận chống cướp biển với biên đội 465 của EU
Biên đội hộ tống tốp thứ 16 của Hải quân Trung Quốc tiến hành tập trận chống cướp biển với biên đội 465 của EU

Hạm đội Thái Bình Dương phụ trách nhiệm vụ tác chiến vùng biển Tây Thái Bình Dương lấy chuỗi đảo thứ nhất tới chuỗi đảo thứ hai làm trọng điểm; về biên chế, do Hạm đội Bắc Hải và Hạm đội Đông Hải hiện có sáp nhập thành lập, trụ sở Bộ tư lệnh có thể đặt ở Ninh Ba, trở thành lực lượng tác chiến liên hợp phương hướng Thái Bình Dương tương lai.

Hạm đội Ấn Độ Dương phụ trách nhiệm vụ tác chiến từ Biển Đông đến eo biển Malacca tới Bắc Ấn Độ Dương, để bảo vệ cái gọi là "quyền lợi chủ quyền đảo ở Biển Đông" (cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam, Trung Quốc không có chủ quyền đối với đảo đá ở Biển Đông, vì họ là kẻ xâm lược), bảo vệ tuyến đường giao thông trên biển quan trọng của Trung Quốc biên chế lấy Hạm đội Nam Hải hiện nay làm nền tảng, Bộ tư lệnh hạm đội có thể đặt Trạm Giang hoặc một căn cứ ở đảo Hải Nam.

Vùng biển tác chiến của hạm đội 2 đại dương có thể lấy eo biển Bashi giữa phía nam Đài Loan và Philippines làm ranh giới, khi cần thiết có thể chi viện lẫn nhau.

Vấn đề tác chiến liên hợp biển xa

Để thích ứng với nhu cầu tác chiến liên hợp biển xa, phân chia hạm đội 2 đại dương trong tương lai của Hải quân Trung Quốc có sự khác biệt rất lớn so với 2 hạm đội lớn hiện nay. Bất kể là Hạm đội Hạm đội Thái Bình Dương hay Hạm đội Ấn Độ Dương, chức trách chủ yếu là lãnh đạo hành chính và chỉ huy kiểm soát quân chủng, tức là vấn đề "nuôi quân".

Dựa vào nguyên tắc tách rời "nuôi quân" và "dụng binh", trong tác chiến liên hợp, chỉ huy kiểm soát của lực lượng hải quân giao cho Bộ tư lệnh tác chiến liên hợp chiến khu. Vì vậy, nền tảng biên chế hành chính của hạm đội 2 đại dương tồn tại với tư cách là lực lượng hợp thành quân chủng của Bộ tư lệnh tác chiến liên hợp.

Hạm đội Bắc Hải, Hạm đội Đông Hải và Hạm đội Nam Hải hiện nay của Hải quân Trung Quốc có quyền chỉ huy tác chiến tương đối lớn trong khu vực trách nhiệm, trong các hành động liên hợp cần tiến hành phối hợp giữa các quân chủng phức tạp, điểm này trong tương lai phải tiến hành điều chỉnh lớn.

Chức năng chỉ huy tác chiến của hạm đội phải yếu đi, chuyên tâm vào vấn đề xây dựng và huấn luyện của lực lượng hải quân, khi cần huấn luyện liên  hợp và tác chiến liên hợp, cung cấp lực lượng hải quân cho Bộ tư lệnh tác chiến liên hợp. Điểm này phải là yêu cầu cơ bản đặt ra của tác chiến liên hợp biển xa tương lai đối với phân chia hạm đội. Nhìn vào hải quân tầm xa của các cường quốc thế giới, phá vỡ khoảng cách địa lý và khái niệm phòng thủ khu vực, xây dựng hạm đội liên hợp đã trở thành thông lệ.

Trung Quốc mới chế tạo được 3 tàu đổ bộ cỡ lớn Type 071 thì đều bố trí ở Biển Đông
Trung Quốc mới chế tạo được 3 tàu đổ bộ cỡ lớn Type 071 thì đều bố trí ở Biển Đông
Đông Bình