Giải mật quy luật đặt tên của các loại tàu chiến Trung Quốc

16/03/2015 08:44
Đông Bình
(GDVN) - Bài viết cho biết, tàu chiến Hải quân Trung Quốc đặt tên có quy luật nhất định, nhất là dùng tên thành phố để đặt tên, mỗi hạm đội dùng tên ở khu vực riêng.
Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc
Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc

Cách đặt tên 5 loại trang bị của các lực lượng Hải quân Trung Quốc gồm tàu chiến mặt nước, tàu ngầm, lực lượng hàng không, quân giới và đánh bộ.

Trang bị tàu chiến mặt nước

Lực lượng tàu chiến mặt nước là binh chủng hải quân thực hiện nhiệm vụ tác chiến trên mặt biển, cũng được gọi là lực lượng mặt nước hoặc binh lực mặt nước, là lực lượng tác chiến chủ yếu của hải quân.

Từ khi lực lượng tàu chiến mặt nước Hải quân Trung Quốc thành lập đại đội tàu chiến 1 và 2 của hải quân Hoa Đông vào tháng 11 năm 1949 đến nay, hiện đã phát triển trở thành lực lượng tàu chiến đấu bao gồm tàu khu trục, tàu hộ vệ, tàu tên lửa, thuyền máy ngư lôi, tàu săn ngầm, tàu rải mìn, tàu quét mìn, tàu đổ bộ; cùng với nhiều loại lực lượng trên biển trong đó có các loại lực lượng tàu hậu cần.

Tàu chiến Trung Quốc đặt tên như thế nào?

Năm 1978, Hải quân Trung Quốc đã công bố "Điều lệ đặt tên tàu chiến hải quân"; năm 1986, Hải quân Trung Quốc đã tiến hành bổ sung và sửa chữa đối với điều lệ này. Cụ thể quy định đặt tên như sau:

Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc
Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc

Tàu tuần dương lấy tỉnh (khu) hành chính hoặc cụm từ đặt tên; tàu khu trục, tàu hộ vệ lấy thành phố lớn và vừa để đặt tên; tàu ngầm hạt nhân lấy "Trường Chinh" và số hiệu thứ tự để đặt tên; tàu ngầm trang bị tên lửa thông thường lấy "Viễn Chinh" cộng với số hiệu thứ tự để đặt tên; tàu ngầm trang bị ngư lôi thông thường lấy "Trường Thành" cộng với số hiệu thứ tự để đặt tên;

tàu quét và đặt mìn dùng "Châu" để đặt tên; tàu săn ngầm dùng "huyện" để đặt tên; tàu đổ bộ vận tải, tàu đổ bộ xe tăng đều dùng "sơn" (núi) để đặt tên; tàu đổ bộ bộ binh dùng "hà" (sông) để đặt tên; tàu hỗ trợ đều lấy hình thức thể hiện tên gọi riêng và vùng biển cộng với số hiệu thứ tự để đặt tên.

Các tàu chiến cỡ lớn như tàu ngầm hạt nhân, tàu tuần dương do Bộ Tổng tham mưu đặt tên; tàu khu trục, tàu hộ vệ, tàu ngầm thông thường do Hải quân đặt tên. Khi tàu chiến mới chế tạo hoặc mới tiếp nhận đưa vào biên chế hoặc đổi tên, do cơ quan lãnh đạo phê chuẩn đặt tên và số hiệu, trao "chứng nhận đặt tên tàu chiến", tàu chiến dựa vào quy định của "Điều lệnh tàu chiến" để tổ chức lễ đặt tên; tên tàu chiến sẽ gắn liền với tuổi thọ của tàu chiến, không đổi tên giữa đường. Khi tàu chiến nghỉ hưu, tên và số hiệu tàu do cơ quan có thẩm quyền gạch bỏ, không tiếp tục trao cho tàu chiến tiếp theo.

Mặc dù báo chí, tư liệu công khai của Trung Quốc nói như vậy, nhưng, qua tìm hiểu từ các trang mạng của Trung Quốc, Hải quân Trung Quốc từng nhiều lần đổi tên cho các tàu chiến của họ, trong đó có trường hợp khi luân chuyển tàu chiến từ hạm đội lớn này sang hạm đội lớn kia. Ngoài ra, Trung Quốc còn lấy tên của tàu chiến nghỉ hưu để đặt tên cho tàu chiến mới, nhất là những cái tên của tàu chiến từng tham chiến, ví dụ tham gia xâm lược quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam – PV.

Hải quân Trung Quốc
Hải quân Trung Quốc

Theo bài báo, để tránh tàu chiến xuất hiện hiện tượng trùng tên hoặc đan xen, việc trao tên cho tàu chiến hải quân phải phân chia theo khu vực. Tức là: Khu trực quản lý của Hạm đội Bắc Hải sử dụng địa danh của 14 tỉnh, thành, khu ở Hoa Bắc, Hoa Đông, Tây Bắc; khu vực quản lý của Hạm đội Đông Hải sử dụng địa danh của 7 tỉnh, thành ở Hoa Đông và Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương; khu vực quản lý của Hạm đội Nam Hải sử dụng địa danh của 9 tỉnh, thành, khu ở Hoa Nam và Tây Nam.

Trong đội hình tàu chiến của Hải quân Trung Quốc, có 2 tàu chiến đặc biệt dùng tên người để đặt tên, một chiếc gọi là tàu Trịnh Hòa, một chiếc gọi là tàu Thế Xương, chúng đều thuộc Học viện Tàu chiến Đại Liên.

Đặt tên tàu chiến phản ánh quá trình phát triển tàu chiến

Tàu chiến Hải quân Trung Quốc có quan hệ "thông gia" với các đô thị, cựu lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông và Tư lệnh Hải quân đầu tiên của nước "Trung Quốc mới" là Tiêu Kình Quang đã đóng vai trò "rất quan trọng".

Ngày 23 tháng 4 năm 1949, hải quân Hoa Đông Quân đội Trung Quốc thành lập. Tàu chiến hải quân trong giai đoạn mới ra đời có trọng tải khá nhỏ, trang bị tương đối lạc hậu, tên tàu chiến càng đa dạng.

Tàu đổ bộ cỡ lớn Tỉnh Cương Sơn số hiệu 999 Type 071 của Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc, triển khai ở Biển Đông, lượng giãn nước 18.500 tấn, dài 210 m, rộng 28 m, thủy thủ đoàn 120 người.
Tàu đổ bộ cỡ lớn Tỉnh Cương Sơn số hiệu 999 Type 071 của Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc, triển khai ở Biển Đông, lượng giãn nước 18.500 tấn, dài 210 m, rộng 28 m, thủy thủ đoàn 120 người.

Làm thế nào để tiến hành đặt tên thống nhất cho tàu chiến? Theo bài báo, có người đề nghị dùng tên của lãnh tụ và tướng quân, có người đề nghị dùng tên người anh hùng, thậm chí có người đề nghị dùng tên của động vật mạnh mẽ. Đối với vấn đề này, cựu Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Tiêu Kình Quang đã tổng hợp các quan điểm và xin ý kiến của ông Mao Trạch Đông.

Ông Mao cho rằng, lịch sử do nhân dân tạo ra, dùng tên người không thỏa đáng, hải quân vừa thành lập, tàu chiến hiện có là căn cứ địa trên biển của Trung Quốc, là đốm lửa nhỏ. Tiêu Kình Quang nói rằng, thành phố cũng do nhân dân tạo ra, đề nghị đặt tên cho tàu chiến chủ lực bằng tên thành phố, đã được ông Mao đồng ý.

Ngày 19 tháng 6 năm 1949, tàu chỉ huy hạm đội 1 phòng thủ biển của Quốc Dân Đảng - Trung Quốc chính thức đặt tên là tàu Nam Xương, sau khi biên chế cho Hải quân Trung Quốc, từ đó mở đầu cho việc đặt tên tàu chiến theo tên của các thành phố.

Ngày 23 tháng 4 năm 1950, Hải quân Trung Quốc tổ chức lễ đặt tên tàu chiến và kỷ niệm tròn 1 năm thành lập hải quân quân khu Hoa Đông. Đặt tên được phân loại theo loại tàu. Tàu hộ vệ đặt tên theo thành phố có lịch sử cách mạng như Nam Xương, Tuân Nghĩa; tàu pháo đặt tên theo thị trấn huyện có lịch sử cách mạng như Hưng Quốc, Thụy Kim...

Tàu hộ vệ hạng nhẹ Thanh Viễn số hiệu 589 Type 056 biên chế cho Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc ngày 11 tháng 6 năm 2014
Tàu hộ vệ hạng nhẹ Thanh Viễn số hiệu 589 Type 056 biên chế cho Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc ngày 11 tháng 6 năm 2014

Sau khi kết thúc Chiến tranh Triều Tiên (Trung Quốc gọi là kháng Mỹ viện Triều), Chính phủ Trung Quốc quyết tâm đẩy nhanh các bước xây dựng trang bị hải quân. Ngày 4 tháng 6 năm 1953, chính phủ hai nước Trung Quốc và Liên Xô ký kết "Hiệp định đặt hàng hải quân", nhập khẩu một số tàu chiến từ Liên Xô, trong đó có 4 tàu khu trục.

Theo thông lệ, tàu chiến được đưa vào hàng ngũ chiến đấu của Hải quân Trung Quốc, cần dùng tên tàu của bản thân Trung Quốc. Có người đề nghị dùng thủ đô "Bắc Kinh" và thành phố lớn nhất "Thượng Hải", cũng có người đề nghị dịch nghĩa từ Liên Xô đặt tên là "Dũng cảm" và "Thần tốc".

Tiêu Kình Quang khi đó là đại tướng cho rằng, 2 tàu này dù sao không phải là do Trung Quốc tự chế tạo. Trung Quốc xuất phát từ tự lực cánh sinh, quyết chí tự cường, tranh thủ sớm thiết kế, chế tạo tàu chiến cỡ lớn. Việc tự lực cánh sinh phải dựa vào nền tảng công nghiệp mạnh, do đó đặt tên cho 2 tàu chiến này là An Sơn và Phủ Thuận.

Bởi vì, thành phố An Sơn của tỉnh Liêu Ninh là một trong những cơ sở công nghiệp gang thép lớn nhất Trung Quốc khi đó; thành phố Phủ Thuận là một trong những cơ sở công nghiệp nhiên liệu và công nghiệp nguyên liệu lớn nhất Trung Quốc khi đó, điều này đã nhanh chóng được Quân ủy Trung ương Trung Quốc phê chuẩn. Ngày 28 tháng 6 năm 1955, lô 2 tàu chiến thứ hai đến Thanh Đảo và chuyển giao cho Hải quân Trung Quốc, đặt tên là Trường Xuân và Thái Nguyên.

Tàu hộ vệ tên lửa Liễu Châu số hiệu 573 Type 054A của Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc, biên chế ngày 26 tháng 12 năm 2012
Tàu hộ vệ tên lửa Liễu Châu số hiệu 573 Type 054A của Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc, biên chế ngày 26 tháng 12 năm 2012

Lô 4 tàu khu trục đầu tiên lấy 4 thành phố công nghiệp lớn để đặt tên, đã kích thích công nghiệp tàu thủy của Trung Quốc tự lực phát triển. Ngày 24 tháng 4 năm 1992, khi tàu An Sơn với tư cách là chiếc tàu khu trục kiểu cũ cuối cùng của Hải quân Trung Quốc từ biệt biển lớn, tất cả biên đội tàu khu trục Hải quân Trung Quốc trên đại dương đều là tàu khu trục tên lửa hiện đại do Trung Quốc tự thiết kế, chế tạo.

Đặt tên tàu chiến luôn là vấn đề nóng được dư luận quan tâm, nhất là việc đặt tên tàu sân bay của Trung Quốc trong những năm gần đây, cư dân mạng Trung Quốc đã bàn luận nhiều về vấn đề này.

Năm 1978 và năm 1986, Hải quân Trung Quốc đã công bố và sửa đổi, hoàn thiện "Điều lệ đặt tên tàu chiến hải quân", đưa ra quy định cứng về việc đặt tên tàu theo tên thành phố, đồng thời sự phát triển trang bị tàu chiến của Hải quân Trung Quốc cũng bước vào quỹ đạo phát triển nhanh chóng.

Tàu tiếp tế tổng hợp Vi Sơn Hồ số hiệu 887 Type 903 lớp Phúc Trì, Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc, lượng giãn nước 23.000 tấn
Tàu tiếp tế tổng hợp Vi Sơn Hồ số hiệu 887 Type 903 lớp Phúc Trì, Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc, lượng giãn nước 23.000 tấn
Đông Bình