Đài Loan xác nhận kế hoạch tự chế tạo tàu ngầm, đợi Mỹ đã 12 năm

17/03/2013 09:36
Việt Dũng
(GDVN) - Đài Loan đã sơ bộ sở hữu công nghệ nghiên cứu chế tạo vỏ tàu ngầm, nhưng vẫn phụ thuộc vào nước ngoài về một số công nghệ quan trọng.
Tàu ngầm lớp Guppy của Quân đội Đài Loan đã hoạt động 60 năm
Tàu ngầm lớp Guppy của Quân đội Đài Loan đã hoạt động 60 năm

Tân Hoa xã dẫn truyền thông Đài Loan cho rằng, do đánh giá cơ hội Mỹ bán tàu ngầm cho Đài Loan ngày càng nhỏ, Hải quân Đài Loan đã quyết định từ bỏ chính sách mua tàu ngầm của Mỹ, chuyển sang bước vào con đường tự chế tạo tàu ngầm, sơ bộ sẽ lấy Quỹ phát triển công nghiệp quốc phòng trị giá 7 tỷ Đài tệ làm nguồn vốn nghiên cứu phát triển, ngoài ra còn bố trí ngân sách tổng cộng hơn 10 tỷ Đài tệ để tự nghiên cứu phát triển và sản xuất tàu ngầm diesel lớp 1.000-2.000 tấn.

Theo tờ “Thời báo Tự do” Đài Loan, ngày 11/3, Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết, đối với việc tự chế tạo tàu ngầm, với tiền đề thực hiện và hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ quốc phòng, Hải quân Đài Loan sẽ tiếp tục thận trọng xem xét, đánh giá.

Tàu ngầm bất kể là tự chế hay mua của nước ngoài đều phải có sự hỗ trợ và ủng hộ của Mỹ, Bộ Quốc phòng Đài Loan sẽ tiếp tục trao đổi với Mỹ, nỗ lực tìm kiếm giải pháp có hiệu quả.

Ngày 11/3, Lâm Úc Phương, đại diện Viện Lập pháp của Quốc Dân đảng tiết lộ, cuối năm 2012, Hải quân Đài Loan đã đề xuất với Quỹ phát triển công nghiệp quốc phòng một chương trình nghiên cứu “Công nghệ quan trọng tự chế tạo tàu ngầm”, chương trình có tổng kim ngạch 140 triệu Đài tệ, thời gian 3 năm và nhằm vào 5 lĩnh vực; đồng thời bắt đầu thực hiện từ năm 2013.

Tàu ngầm chủ lực mang tên Hải Long và Hải Hổ của Quân đội Đài Loan.
Tàu ngầm chủ lực mang tên Hải Long và Hải Hổ của Quân đội Đài Loan.

Chương trình này nhằm khuyến khích các nhà máy đóng tàu ở Đài Loan như Công ty TNHH cổ phần đóng tàu quốc tế Đài Loan (CSBC Corporation) và Trung tâm thiết kết phát triển tàu thủy liên hợp đầu tư nghiên cứu, nâng cao khả năng công nghệ tự chế tạo tàu ngầm.

Bài báo cho biết, đối với chương trình tự nghiên cứu phát triển, chế tạo tàu ngầm lần đầu tiên được Quân đội Đài Loan ủng hộ này, Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Cao Hoa Trụ đã nói rõ ràng là ông sẽ ủng hộ chương trình này. Lời nói của ông Cao Hoa Trụ cũng đồng thời xác nhận chính sách tìm cách sở hữu 8 tàu ngầm của Hải quân Đài Loan đã chuyển từ mua của Mỹ sang tự chế tạo.

Hải quân Đài Loan cho rằng, Công ty TNHH cổ phần đóng tàu quốc tế Đài Loan đã sơ bộ sở hữu công nghệ nghiên cứu chế tạo vỏ tàu ngầm (pressure shell), nhưng những công nghệ quan trọng của tàu ngầm như hệ thống chiến đấu, sonar và ống phóng ngư lôi vẫn phải dựa vào sự viện trợ công nghệ từ nước ngoài.

Được biết, Quân đội Đài Loan đã thành lập tiểu ban dự án, tích cực chuẩn bị tìm kiếm nguồn nhân lực công nghệ quan trọng ở các nước như Đức, Italia, Nga, chuẩn bị bỏ ra số tiền lớn để mời các chuyên gia quốc tế đến Đài Loan tham gia chương trình nghiên cứu phát triển tàu ngầm.

Tàu ngầm Seal của Hải quân Đài Loan neo đậu tại cảng biển
Tàu ngầm Seal của Hải quân Đài Loan neo đậu tại cảng biển

Nội bộ Quân đội Đài Loan nói công khai rằng, trước đây Bộ Quốc phòng Đài Loan tuy hàng năm đều bố trí kinh phí đánh giá tính khả thi giai đoạn một về tàu ngầm, nhưng do không có thông tin gì về nguồn cung cấp tàu ngầm từ phía Mỹ, thậm chí không có cơ hội chuyển tiền cho phía Mỹ, cuối cùng đành phải nộp lại.

Trong khi đó, hiện nay phía Mỹ cũng chưa đưa ra bất cứ ý kiến gì về quyết định tự chế tạo tàu ngầm của Quân đội Đài Loan.

Theo bài báo, năm 2001, chính quyền “Bush con” Mỹ tuyên bố bán cho Đài Loan 8 tàu ngầm diesel, sau đó Bộ Quốc phòng Đài Loan đưa ra 3 phương án mua vũ khí trong đó có tàu ngầm, nhưng do đấu đá đảng phái đã gây ra cuộc tranh cãi giữa mua vũ khí với chống mua vũ khí.

Khi đó, dưới sự lãnh đạo của Bộ trưởng Lý Kiệt, Bộ Quốc phòng Đài Loan đã dành ra khoản ngân sách gần 300 tỷ Đài tệ, nhiều lần muốn mua tàu ngầm của Mỹ, nhưng luôn bị “phe Lam” ngăn cản, phương án tàu ngầm tiếp tục dây dưa kéo dài, đến nay đã 12 năm. Giấc mộng kiên trì mua tàu ngầm Mỹ của Hải quân Đài Loan cuối cùng đã bị tan vỡ, đành phải chuyển sang phương án tự chế tạo tàu ngầm.

Tàu ngầm của Hải quân Đài Loan
Tàu ngầm của Hải quân Đài Loan
Việt Dũng