Báo Nga: Với Israel, liệu Việt Nam có thay Trung Quốc?

04/02/2014 05:40
Lê Dũng Cường (theo Tiếng nói nước Nga)
(GDVN) - Israel cũng đã chuyển giao cho Việt Nam công nghệ sản xuất một số loại đạn dược dành cho không quân và pháo binh.

Đài Tiếng nói nước Nga ngày 3/2/2014 đưa tin cho biết, "Bộ Quốc phòng Việt Nam vừa công bố dự định tái trang bị cho các quân nhân của mình bằng súng trường Israel Galil ACE, sẽ được sản xuất tại cơ sở có sự giúp đỡ của Israel".

Israel đẩy mạnh hoạt động trên thị trường Việt Nam sau năm 2000, khi mà dưới áp lực của Mỹ họ bị buộc phải giảm mức độ hợp tác quân sự-kỹ thuật với Trung Quốc, - như nhận xét của chuyên viên Vasily Kashin từ Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ Nga.

Súng trường Israel Galil ACE
Súng trường Israel Galil ACE

Con số kinh phí của dự án mới hiện còn chưa rõ. Nhưng nếu Galil ACE trở thành vũ khí trang bị tiêu chuẩn của quân đội Việt Nam thay vì tiểu liên Kalashnikov (súng AK), thì câu chuyện ở đây là nói về việc chế tạo hàng trăm nghìn đơn vị vũ khí cá nhân.

Galil ACE là súng dựa trên cơ sở thiết kế của súng trường Galil Israel, mà bản thân nó thì phát triển dựa trên mẫu AK và được tiếp nhận thành vũ khí tiêu chuẩn của quân đội Israel hồi đầu những năm 1970.

Cả trước đó Israel cũng đã cố gắng phát triển hợp tác quân sự - kỹ thuật với Việt Nam. Israel đã thực hiện cung cấp hạn chế vũ khí cá nhân, thiết bị thông tin liên lạc, dành hỗ trợ cho Việt Nam trong việc nâng cấp hiện đại hóa các xe tăng lỗi thời T-55 và loại 59 do Liên Xô và Trung Quốc sản xuất.

Israel cũng đã chuyển giao cho Việt Nam công nghệ sản xuất một số loại đạn dược dành cho không quân và pháo binh, và thử tiến vào thị trường Việt Nam cùng với các hệ thống trang bị của mình dành cho tác chiến điện tử.

Israel tích cực hoạt động trên thị trường Việt Nam sau năm 2000, khi mà dưới sức ép của Mỹ, họ bị buộc phải cắt giảm khối lượng hợp tác quân sự - kỹ thuật với Trung Quốc.

Tiếp theo, Israel đã thử hóa giải những hạn chế do người Mỹ áp đặt nhưng mỗi lần đều vấp phải phản ứng hết sức gay gắt của Hoa Kỳ.

Cố gắng của Israel năm 2004 nhằm nâng cấp các máy bay lên thẳng Harpy cung cấp cho Trung Quốc trước đó cũng gây ra vụ xì-căng-đan và kết quả là một loạt nhân vật chính giới Israel liên quan trong sự việc này đã bị miễn nhiệm theo đòi hỏi của người Mỹ.

Hợp đồng với Trung Quốc không được thực hiện, các máy bay không người lái phải trả lại cho Trung Quốc vào năm 2005 mà không hề sửa chữa và tu bổ hiện đại hóa.

Cách đây chưa lâu, giữa Hoa Kỳ và Israel lại bùng ra một vụ bê bối mới liên quan đến rò rỉ công nghệ quân sự Israel tại Trung Quốc.

Theo báo Israel Maariv, không rõ bằng cách nào đó người Trung Quốc đã mua được những công nghệ gắn liền với việc sản xuất các hệ thống làm mát nhỏ dành cho thước ngắm và hệ thống dẫn đường của vũ khí tên lửa. Quan chức Bộ Quốc phòng Israel là Meir Shalit đã buộc phải xin lỗi người Mỹ và nộp đơn từ chức.

Những sự kiện gần đây như vậy cho thấy người Mỹ giám sát chặt chẽ bất kỳ liên hệ nào của Trung Quốc- Israel trong lĩnh vực quân sự và luôn có phản ứng cứng rắn với mỗi động thái nhỏ nhất nếu Israel vi phạm nghĩa vụ với Hoa Kỳ.

Xuất khẩu vũ khí là lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế Israel và đất nước này không thể đứng bên lề cuộc chạy đua vũ trang diễn ra ở vùng Đông Á.

Chịu mất thị trường Trung Quốc dưới áp lực của Mỹ, Israel giờ đây sẽ phải đặc biệt chú ý đến những quốc gia Đông Á khác đang cố không thua kém về mặt vũ trang do tác động từ hiện thực Trung Quốc.

Các vũ khí dẫn đường chính xác của Israel, hệ thống thông tin liên lạc, phương tiện phòng không có thể được yêu cầu nghiêm túc trong khu vực, bởi vì, không giống như hợp tác với Mỹ và châu Âu, việc mua vũ khí của Israel không gắn theo những cam kết nghĩa vụ gắt gao về chính trị.

Lê Dũng Cường (theo Tiếng nói nước Nga)