Báo Mỹ: Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố tên lửa Trung Quốc không đạt yêu cầu

28/02/2015 08:33
Việt Dũng
(GDVN) - Đây là tiết lộ của các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ tạo sự giằng co là để đạt được giao dịch tốt hơn với các công ty châu Âu và Mỹ, tránh bị gây sức ép...
Tên lửa phòng không Aster châu Âu
Tên lửa phòng không Aster châu Âu

Tờ "Tin tức Tham khảo" Trung Quốc ngày 27 tháng 2 dẫn trang mạng "VOA" cùng ngày đưa tin, hai quan chức Thổ Nhĩ Kỳ ngày 26 tháng 2 tiết lộ với hãng tin Reuters, do công ty tranh thầu Trung Quốc không thể đạt yêu cầu của chương trình hệ thống phòng thủ tên lửa trị giá vài tỷ USD, Thổ Nhĩ Kỳ đang thúc đẩy thảo luận với các công ty Mỹ và châu Âu.

Theo bài báo, là nước thành viên Hồi giáo duy nhất của NATO, vào năm 2013 Thổ Nhĩ Kỳ đã lựa chọn Tổng công ty xuất nhập khẩu máy móc chính xác Trung Quốc, trở thành công ty ứng viên đầu tiên của khoản làm ăn trị giá 3,4 tỷ USD, đã gây ra lo ngại cho các nước phương Tây như Mỹ về an toàn và tính tương thích với hệ thống vũ khí của các nước thành viên NATO.

Sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Yilmaz ngày 19 tháng 2 cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục mua của Trung Quốc, đứng trước sự lo ngại của Mỹ và NATO về việc hệ thống của Trung Quốc và hệ thống phòng thủ của NATO không thể tương thích, người phát ngôn Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố, sẽ nghiên cứu chế tạo hệ thống tương thích với hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO.

Hãng tin AFP Pháp cho biết, chuyên gia an ninh Nihat Ali Ozcan thuộc Quỹ nghiên cứu chính sách kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ nằm ở Ankara cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đã lợi dụng tuyên truyền họ sẽ mua hệ thống phòng thủ của Trung Quốc để bảo đảm đạt được giao dịch tốt hơn với các công ty châu Âu hoặc Mỹ, thực ra Trung Quốc hoàn toàn không phải là người dẫn đầu thực sự trong giao dịch này.

Một quan chức Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nói với hãng tin Reuters rằng, đại diện quốc phòng đã bàn bạc với Công ty tên lửa phòng không châu Âu và Italia vào cuối tháng 1. Công ty do Pháp và Italia hợp tác sáng lập này năm 2013 được cho là công ty ứng viên thứ 2 sau Trung Quốc.

Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của NATO
Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của NATO

Ông còn cho biết, đoàn đại biểu Thổ Nhĩ Kỳ trước tháng 3 đến Mỹ đàm phán với nhà thầu khác. Công ty Raytheon Mỹ cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot, toàn thế giới tổng cộng có 13 quốc gia đang sử dụng hệ thống này.

Quan chức này cho biết, đoàn đại biểu cuối cùng sẽ đi Trung Quốc tổ chức hội đàm.

Ngoài ra, mặc dù đã bị loại bỏ trong vòng tranh thầu thứ nhất, nhưng Nga vẫn hy vọng cung cấp hệ thống tên lửa đất đối không của họ cho chương trình này, dự kiến điều này cũng sẽ gây lo ngại cho NATO.

Trước đó, theo hãng AFP Pháp ngày 26 tháng 2, Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng khả năng giao hợp đồng tên lửa trị giá vài tỷ USD cho người Trung Quốc, muốn qua đó để cảnh cáo các nước đối tác NATO. Nhưng, cuộc chiến giằng co này còn lâu mới kết thúc, Thổ Nhĩ Kỳ có thể chỉ là đang tranh thủ một thỏa thuận mua sắm ưu đãi hơn.

Theo bài báo, là nước thành viên Hồi giáo duy nhất của NATO, Thổ Nhĩ Kỳ năm 2013 bắt đầu thảo luận hợp đồng mua hệ thống phòng thủ tên lửa với phía Trung Quốc, trị giá khoảng 3,4 tỷ USD. Công ty tên lửa phòng không châu Âu và Công ty Raytheon Mỹ cũng đã tham gia tranh thầu, nhưng thái độ gần đây của quan chức Thổ Nhĩ Kỳ ngầm cho thấy, doanh nghiệp Trung Quốc có thể đứng đầu trong tranh thầu.

Trong một tài liệu bằng văn bản viết cho một ủy ban của Quốc hội, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Ismet Yilmaz cho biết, họ không tiếp tục nhận được đề nghị tranh thầu mới, trong khi đó, hệ thống phòng thủ tên lửa của Trung Quốc không cần tích hợp với hệ thống của NATO. Do đó, dư luận suy đoán, doanh nghiệp Trung Quốc đã giành chiến thắng cuộc đấu thầu này.

Hệ thống phòng không FD-2000 của Trung Quốc - phiên bản xuất khẩu của HQ-9
Hệ thống phòng không FD-2000 của Trung Quốc - phiên bản xuất khẩu của HQ-9

Nhưng, theo bài báo, thực sự có người rất lo ngại tính tương thích giữa hệ thống của Trung Quốc và hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO, cho rằng, thành viên quan trọng của đồng minh quân sự NATO lại đạt được giao dịch quan trọng như vậy với Trung Quốc - quốc gia do Đảng Cộng sản lãnh đạo, từ góc độ chiến lược thì thực sự gây lo ngại.

Các quan chức khác của Thổ Nhĩ Kỳ thì cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang tiếp tục đàm phán với từng nhà thầu.

Học giả thỉnh giảng Sinan Jürgen của Trung tâm châu Âu - Quỹ hòa bình quốc tế Carnegie cho rằng: "Khoản giao dịch này còn chưa xác định. Nếu bạn cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã cuối cùng quyết định chỉ mua hệ thống phòng thủ tên lửa của Trung Quốc, như vậy là sai lầm lớn. Các doanh nghiệp Âu-Mỹ còn chưa bị loại".

Theo bài báo, điều có thể xác định là, điều kiện do doanh nghiệp Trung Quốc đưa ra rất ưu đãi, trong đó có nội dung hợp tác sản xuất. Điều này rất quan trọng đối với bất cứ giao dịch nào, bởi vì Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không tầm xa của mình.

Một quan chức chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết: "Trung Quốc là người cạnh tranh mạnh, có ưu thế hơn so với các nhà thầu khác". Ông cho hay, giá cả tranh thầu của doanh nghiệp Trung Quốc chỉ bằng khoảng 1 nửa so với các công ty khác, hơn nữa còn có nội dung chuyển nhượng công nghệ.

Một nguyên nhân khác có ý nghĩa quan trọng của việc này là, mọi người ngày càng lo ngại phương hướng tương lai của Thổ Nhĩ Kỳ dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Erdogan. Quan hệ thân mật truyền thống giữa Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây đang có dấu hiệu tương đối căng thẳng.

Hệ thống tên lửa phòng không S-300 Nga
Hệ thống tên lửa phòng không S-300 Nga

Theo bài báo, có nhà phân tích cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ không xác định người chiến thắng cuộc đấu thầu này trước ngày 24 tháng 4. Ngày 24 tháng 4 năm 2015 là ngày kỷ niệm tròn 100 năm xảy ra thảm sát Armenia. Thổ Nhĩ Kỳ có thể lấy thỏa thuận phòng thủ tên lửa làm con bài mặc cả để tránh các nước phương Tây thông qua gây sức ép, yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ thừa nhận tính chất tàn sát chủng tộc của thảm sát Armenia, ngăn chặn phương Tây áp dụng thái độ cứng rắn trong các vấn đề nhạy cảm cao này.

Việt Dũng