Ấn Độ sẽ đóng mới 5 tàu ngầm hạt nhân để kiểm soát Ấn Độ Dương

07/12/2013 06:30
Việt Dũng
(GDVN) - Ấn Độ đang chế tạo 46 tàu chiến mới, 12 tàu ngầm diesel mới, có kế hoạch sở hữu 5 tàu ngầm hạt nhân, biên chế tàu sân bay, tăng kiểm soát Ấn Độ Dương.
Tàu hộ vệ tàng hình lớp Shivalik do Ấn Độ tự chế tạo
Tàu hộ vệ tàng hình lớp Shivalik do Ấn Độ tự chế tạo

Chế tạo 46 tàu chiến mới

Trang mạng Brahmand ngày 4 tháng 12 đưa tin, để khẳng định năng lực chế tạo tàu chiến của Ấn Độ, Tư lệnh Hạm đội miền Đông Ấn Độ, Anil Chopra cho biết, hiện nay, Ấn Độ đang chế tạo 46 tàu chiến, những tàu này đang ở trong các giai đoạn chế tạo khác nhau.

Anil Chopra cho biết, hiện nay ngày càng nhiều tàu chiến và máy bay đang lần lượt đi vào hoạt động, năng lực trên biển của Ấn Độ sẽ được tăng cường rất lớn, tàu ngầm hạt nhân nội địa Arihant đầu tiên cũng sắp đi vào hoạt động.

Nói đến Hạm đội miền Đông, Anil Chopra cho biết, Hạm đội miền Đông đã đảm đương trách nhiệm bảo vệ an ninh 2.600 km đường bờ biển và 600.000 km2 vùng đặc quyền kinh tế.

Tàu hộ vệ tàng hình Shivalik, tàu ngầm hạt nhân tấn công Chakra và tàu sân bay nội địa tương lai, tàu chiến mới, tàu ngầm và máy bay triển khai ở Hạm đội miền Đông đều sẽ bảo đảm an ninh cho vùng biển phía đông của Ấn Độ.

Tàu ngầm thông thường lớp Kilo của Hải quân Ấn Độ, do Nga chế tạo
Tàu ngầm thông thường lớp Kilo của Hải quân Ấn Độ, do Nga chế tạo

Chế tạo 12 tàu ngầm thông thường mới, muốn sở hữu 5 tàu ngầm hạt nhân

Hải quân Ấn Độ muốn tiếp tục sử dụng tàu ngầm Sindhurakshak. Tư lệnh Hải quân Ấn Độ cho rằng: “So với hải quân các nước khác, những ghi chép an toàn của Hải quân Ấn Độ không hề tệ hại như vậy”.

Được biết, ngày 14 tháng 8, tàu ngầm Sindhurakshak do ngư lôi nổ đã bị chìm ở cảng hải quân Mumbai, toàn bộ 18 thủy thu bị thiệt mạng, Ấn Độ còn tiếp tục điều tra sự cố này.

Gần đây, Tư lệnh Hải quân Ấn Độ cho biết, sau khi vớt thành công tàu ngầm Sindhurakshak, sẽ cân nhắc tiếp tục sử dụng nó.

Ngoài ra, theo tờ “Indian Express” ngày 28 tháng 11 dẫn lời sĩ quan chỉ huy cao cấp Hải quân Ấn Độ cho biết, Ấn Độ đang xét duyệt kế hoạch chế tạo tàu chiến mới trong 10 năm tới, tình hình tiến độ của chương trình tàu ngầm Scorpene và chương trình 75I.

Theo bài báo, vào tuần trước, lãnh đạo Hải quân Ấn Độ đã tiến hành hội nghị trong thời gian 3 ngày, đã mất rất nhiều thời gian để thảo luận sự kết hợp giữa tàu nổi và tàu ngầm mới, đặc biệt là tàu sân bay Vikramaditya.

Tàu ngầm hạt nhân INS Arihant do Ấn Độ tự chế tạo
Tàu ngầm hạt nhân INS Arihant do Ấn Độ tự chế tạo

Các lãnh đạo Hải quân Ấn Độ quan tâm tới hạm đội tàu ngầm đang nhanh chóng yếu đi. Sau khi 1 tàu ngầm lớp Kilo bị chìm do ngư lôi nổ, hiện nay Hải quân Ấn Độ có 13 tàu ngầm, trong đó có 9 tàu ngầm lớp Kilo, 4 tàu ngầm lớp 209 do Đức chế tạo.

Tàu ngầm Kilo được Ấn Độ mua từ Nga vào thập niên 1980, thời gian hoạt động đã trên 20 năm. Tàu ngầm Đức cũng cần nâng cấp ngư lôi hạng nặng, công tác đấu thầu đang tiến hành.

Ngoài ra, các lãnh đạo Hải quân Ấn Độ cũng đã xem xét tiến độ chương trình chế tạo 6 tàu ngầm lớp Scorpene, chương trình này do xưởng đóng tàu Mazagao thực hiện, đã bị chậm trễ 3 năm. Ấn Độ còn chuẩn bị bỏ ra 5.000 tỷ rupee, chế tạo bổ sung 6 tàu ngầm thông thường công nghệ cao mới, việc đấu thầu này cũng đã trì hoãn 3 năm.

Trang mạng “Đài tiếng nói nước Nga” dẫn tờ “The Times of India” Ấn Độ ngày 3 tháng 12 cho biết, Ấn Độ có kế hoạch tiến hành chạy thử lần đầu tiên tàu ngầm hạt nhân nội địa Arihant ở vùng biển quốc tế vào tháng 2-3 năm 2014.

Theo bài báo, tàu ngầm hạt nhân Arihant có kế hoạch phóng tên lửa đạn đạo K-15 Sagarika tầm phóng 700 km khi chạy thử ở vùng biển quốc tế. Tàu ngầm hạt nhân này có lượng giãn nước 6.000 tấn, tốc độ lặn 30 hải lý/giờ, trang bị 12 quả tên lửa đạn đạo K-15 Sagarika.

Bài báo tiết lộ, trong tương lai Ấn Độ sẽ sử dụng tên lửa Agni-3 tầm phóng 3.500 km trang bị cho tàu ngầm hạt nhân nội địa, đồng thời có kế hoạch tăng tổng số tàu ngầm hạt nhân lên 5 chiếc.

Tàu ngầm hạt nhân Chakra-2 Ấn Độ thuê của Nga
Tàu ngầm hạt nhân Chakra-2 Ấn Độ thuê của Nga

Tàu sân bay INS Vikramaditya đóng vai trò chỉ huy mới

Ngày 16 tháng 11, Nga chính thức bàn giao tàu sân bay động cơ thông thường INS Vikramaditya cho Hải quân Ấn Độ, tàu này sẽ trở thành tàu chỉ huy của Hải quân Ấn Độ. Ngày 30 tháng 11, tàu này rời Nga, đến đầu năm 2014 trở về Ấn Độ. Một đoàn chuyên gia Nga cũng đi theo để theo dõi tình hình tàu sân bay và hỗ trợ cho các đồng nghiệp Ấn Độ.

Tàu sân bay Vikramaditya dài 283,5 m, rộng 53 m, lượng giãn nước đầy 45.000 tấn, tốc độ cao nhất 30 hải lý/giờ, thể tích lớn hơn tàu sân bay động cơ hạt nhân Charles De Gaulle R91 của Pháp, chỉ sau 10 tàu sân bay lớp Nimitz của Mỹ, tàu sân bay Kuznetsov Nga và tàu Liêu Ninh Trung Quốc, lớn hơn các tàu sân bay hạng nhẹ của Italia, Tây Ban Nha, Brazil, Thái Lan, Nhật Bản.

Tàu sân bay Vikramaditya áp dụng cất cánh kiểu nhảy cầu, trang bị máy bay chiến đấu MiG-29K. Máy bay này trang bị tên lửa chống hạm, bán kính tác chiến trên 700 hải lý, có thể được tiếp dầu trên không.

Tàu này trang bị 8 động cơ hơi nước, tốc độ tối đa 30 hải lý/giờ, khả năng chạy liên tục 45 ngày, tải trọng 8.000 tấn, cự ly chạy liên tục 7.000 hải lý (khoảng 13.000 km).

Tàu sân bay INS Vikramaditya, Hải quân Ấn Độ
Tàu sân bay INS Vikramaditya, Hải quân Ấn Độ

Sau khi biên chế chính thức, tàu sân bay này sẽ trở thành tàu chiến mặt nước lớn nhất của Ấn Độ, dự kiến hoạt động khoảng 30 năm. Ấn Độ cũng trở thành nước châu Á duy nhất sở hữu 2 tàu sân bay.

Tàu Vikramaditya hầu như không có bất cứ năng lực phòng không nào, vừa không có tên lửa, vừa không có vũ khí phòng thủ gần, phải đợi vài năm sau mới có thể trang bị.

Tăng cường kiểm soát vịnh Bengal

Tờ "Strategy Page" Mỹ ngày 3 tháng 12 đưa tin, Bangladesh có kế hoạch mua 2 tàu ngầm của Trung Quốc, thành lập hạm đội tàu ngầm đầu tiên của nước này, đồng thời xây dựng 2 căn cứ tàu ngầm đầu tiên.

Tờ "The Times of India" nghi ngờ tàu ngầm Hải quân Trung Quốc đã xâm nhập lãnh hải Ấn Độ ở vịnh Bengal, cho dù "Ấn Độ chưa thể dò tìm được những tàu ngầm này".

Một sĩ quan cấp cao Hải quân Ấn Độ tiết lộ: "Bangladesh vì sao cần tàu ngầm? Quyết định này và xung đột kéo dài của nước này là vấn đề lo ngại của chúng tôi. Ngoài ra, chúng tôi nghi ngờ tàu ngầm Trung Quốc đang xâm nhập lãnh hải Ấn Độ ở khu vực vịnh Bengal, tuy nhiên chúng tôi vẫn chưa dò tìm được”.

Biên đội tàu chiến, Hải quân Ấn Độ
Biên đội tàu chiến, Hải quân Ấn Độ

“Những lý do này đủ để làm cho Hải quân Ấn Độ duy trì sự hiện diện mạnh ở khu vực này. Do thiếu hạ tầng cơ sở đầy đủ, Ấn Độ vẫn chưa chuẩn bị thực sự ứng phó tốt với bất cứ xung đột nào ở khu vực vịnh Bengal".

Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Mỹ James Clapper trước đây từng cho biết, Quân đội Ấn Độ đang chuẩn bị tiến hành một cuộc "chiến tranh có giới hạn", theo đó, Quân đội Ấn Độ đang tăng cường chuẩn bị tác chiến hạn chế và tập trung vào cân bằng với việc điều động lực lượng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương.

Tờ "The Times of India" cho biết, Hải quân Ấn Độ đã đề nghị áp dụng nhiều biện pháp ở khu vực vịnh Bengal nhằm cải thiện hiện trạng. Ấn Độ đang xây dựng căn cứ tên lửa ở đảo Sagar, kề sát với vịnh Bengal, nhưng báo cáo của bên xây dựng cho biết, công trình gặp khó khăn về vốn gần 35 tỷ rupee (khoảng 3,4 tỷ nhân dân tệ).

Nhưng, cùng với việc công trình đi vào giai đoạn cuối cùng, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã quyết định đảm đương một phần chi phí và xây dựng cảng nước sâu ở đó. Cảng mới có thể bảo đảm cho tàu chiến Ấn Độ neo đậu ở đảo Sagar và tiến hành tiếp tế vật tư khi chúng tuần tra ở vịnh Bengal.

Tên lửa đạn đạo Agni-3 Ấn Độ
Tên lửa đạn đạo Agni-3 Ấn Độ

Theo kế hoạch, Quân đội Ấn Độ sẽ thiết lập căn cứ tên lửa bờ đối hạm và tên lửa phòng không cùng với trung tâm thông tin, trạm radar ở đảo Sagar. Một khi nổ ra xung đột, các tàu chiến Ấn Độ ở khu vực lân cận sẽ có được sự yểm trợ của tên lửa ở căn cứ trên bờ biển, tàu chiến cũng có thể được bổ sung tiếp tế và đạn dược.

Ngoài ra, Hải quân Ấn Độ còn xây dựng căn cứ máy bay không người lái ở sân bay Bihara, miền nam bang West Bengal.

Việt Dũng