2 tàu Hải quân Việt Nam đến Philippines và phản ứng từ TQ

27/11/2014 09:07
Đông Bình
(GDVN) - 2 tàu chiến Hải quân Việt Nam thăm Philippines và diễn tập liên hợp là vì hòa bình, không thách thức Trung Quốc, là tín hiệu tích cực của quan hệ hải quân...
Hải quân Philippines tổ chức lễ đón biên đội tàu chiến Việt Nam đến thăm nước này
Hải quân Philippines tổ chức lễ đón biên đội tàu chiến Việt Nam đến thăm nước này

Đài tiếng nói nước Đức ngày 25 tháng 11 đưa tin, vào thứ Ba vừa qua, Hà Nội mời các nhà ngoại giao tham quan tàu hộ vệ (khinh hạm) dẫn đường tên lửa do Nga chế tạo, neo đậu tại vịnh Manila. 2 tàu này tên là HQ-012 Lý Thái Tổ và HQ-011 Đinh Tiên Hoàng có chuyến thăm hữu nghị Philippines trong thời gian 3 ngày.

Một sĩ quan Hải quân Philippines giấu tên cho biết: "Chúng tôi đang tính tổ chức tuần tra liên hợp và hành động liên hợp ở quần đảo Trường Sa, trong đó có tìm kiếm cứu nạn liên hợp. Chúng tôi hoàn toàn không phải là thách thức Hải quân Trung Quốc ở khu vực tranh chấp, cũng không có ý định làm leo thang tình hình căng thẳng. Đây là hoạt động hòa bình, chẳng hạn chia sẻ kinh nghiệm v.v...".

Theo bài báo, 2 tàu chiến do Nga chế tạo (của Việt Nam) đậu tại cảng Manila dài 100 m, có công nghệ tàng hình, có thể tránh tối đa radar địch. Trên tàu chiến còn có tên lửa chống hạm và máy bay trực thăng săn ngầm.

Theo bài báo, mặc dù các bên tìm cách xây dựng một bộ quy tắc ứng xử (COC) để giải quyết tranh chấp, nhưng sự lo ngại về leo thang xung đột khu vực này vẫn ngày càng gia tăng.

Đối với việc tàu chiến Việt Nam thăm Philippines, Chính phủ Trung Quốc thông qua người phát ngôn ngoại giao của họ có tên là Hoa Xuân Oánh cho rằng: "Hy vọng các bên có những nỗ lực lớn hơn cho tăng cường lòng tin lẫn nhau, bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực".

Lễ đón đoàn hải quân Việt Nam thăm Philippines
Lễ đón đoàn hải quân Việt Nam thăm Philippines

Trước đó, Mỹ kêu gọi Trung Quốc chấm dứt hoạt động lấn biển, xây đảo (bất hợp pháp) ở đá Chữ Thập (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đá ngầm này đã bị Trung Quốc dùng vũ lực xâm lược vào năm 1988). Trung Quốc coi lời kêu gọi của Mỹ là "vô trách nhiệm" (?).

Philippinese-Việt Nam nỗ lực nâng cấp quan hệ

Thiếu tá hải quân Philippines Marineth Domingo cho biết: "Tàu chiến Việt Nam lần đầu tiên cập cảng Philippines là tín hiệu tích cực hải quân hai nước cải thiện và làm sâu sắc thêm quan hệ".

Tháng 3 năm 2014, Hải quân Việt Nam và Philippines đã tổ chức hội đàm về trao đổi tình báo, giao lưu kỹ thuật và đào tạo. Ba tháng sau, quân đội hai nước đã tổ chức thi đấu hữu nghị bóng đá, bóng chuyền, kéo co ở đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Quan chức Philippines cho biết, mặc dù có tranh chấp, cũng có thể đạt được hài hòa. Nhưng, Trung Quốc lại lên tiếng chỉ trích (vô lý, vô hiệu), xuyên tạc cho rằng, những hoạt động này là một "trò khôi hài vụng về".

Việt Nam-Philippines tổ chức diễn tập liên hợp

Các phương tiện truyền thông Trung Quốc ngày 25 tháng 11 đưa tin, ngày 24 tháng 11, biên đội tàu chiến Hải quân Việt Nam gồm 2 tàu hộ vệ lớp Gepard 3.9 lần đầu tiên đến thăm Philippines, hải quân hai nước sẽ tiến hành huấn luyện tìm kiếm cứu nạn liên hợp.

Tàu hộ vệ tàng hình HQ-011 Đinh Tiên Hoàng của Hải quân Việt Nam
Tàu hộ vệ tàng hình HQ-011 Đinh Tiên Hoàng của Hải quân Việt Nam

Phó tham mưu trưởng Hải quân Việt Nam, Chuẩn Đô đốc Nguyễn Văn Kiệm dẫn đầu biên đội 2 tàu chiến HQ-011 và HQ-012 cùng với hơn 200 sĩ quan và thủy thủ, ngày 24 tháng 11 đến cảng phía nam thủ đô Manila, Philippines, bắt đầu tiến hành chuyến thăm chính thức đối với Philippines.

Buổi chiều cùng ngày, sĩ quan chỉ huy biên đội Hải quân Việt Nam đã hội kiến với Phó Tư lệnh Hải quân Philippines, Chuẩn Đô đốc Ceasar C. Taccad và thăm cán bộ nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines.

Bài báo tiết lộ, trong thời gian chuyến thăm, tại trụ sở lực lượng Thủy quân lục chiến ở khu Bonifacio, thành phố Taguig, Philippines, binh sĩ Hải quân Việt Nam và Hải quân Philippines đã tổ chức hoạt động giao lưu thể thao. Trước khi kết thúc chuyến thăm Philippines, Hải quân Việt Nam sẽ cùng lực lượng Hải quân Philippines triển khai huấn luyện tìm kiếm cứu nạn liên hợp.

Việt Nam và Philippines chính thức lập quan hệ ngoại giao vào năm 1976, đồng thời vào tháng 10 năm 2010 ký kết thỏa thuận hợp tác quốc phòng song phương. Bộ Quốc phòng hai nước đang nghiên cứu xây dựng cơ chế đối thoại chính sách quốc phòng cấp Thứ trưởng.

Trước đó, vào tháng 10 năm 2011, hải quân hai nước ký kết "Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác song phương và trao đổi thông tin", đồng thời vào tháng 3 năm 2012 đạt được cơ chế, bảo đảm cho nhân viên hải quân hai nước đóng trên các đảo đá ở quần đảo Trường Sa tiến hành giao lưu.

Tháng 6 năm 2014, binh sĩ Hải quân Việt Nam và Philippines đã tiến hành hoạt động thi đấu bóng đá và liên hoan trên đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam).

Tàu hộ vệ tàng hình HQ-011 Đinh Tiên Hoàng của Hải quân Việt Nam thăm Philippines
Tàu hộ vệ tàng hình HQ-011 Đinh Tiên Hoàng của Hải quân Việt Nam thăm Philippines

Không có ý định thách thức Trung Quốc

Tờ "Thời báo Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 26 tháng 11 dẫn tờ "Liên hợp buổi sáng" Singapore cùng ngày cho rằng, tàu chiến Việt Nam lần đầu đến Philippines tiến hành thăm hữu nghị. Trong thời điểm tranh chấp chủ quyền Biển Đông nóng lên, cử động của Việt Nam được giải thích là "phô diễn thực lực quân sự", nhưng Philippines phủ nhận hai nước có ý đồ thách thức Trung Quốc.

Bài báo có nhắc lại một số thông số tàu chiến của Việt Nam như báo Đức đưa tin nêu trên.

Một quan chức Hải quân Philippines cho biết: "Chúng tôi đang tìm cách sắp xếp tổ chức nhiệm vụ tuần tra và tìm kiếm cứu nạn liên hợp ở quần đảo Trường Sa. Chúng tôi không có ý định thách thức ưu thế của Hải quân Trung Quốc ở khu vực tranh chấp, cũng không có ý định làm cho tình hình căng thẳng trầm trọng hơn. Đây đều là những hoạt động hòa bình, chẳng hạn trao đổi kinh nghiệm và phương thức hoạt động tốt nhất".

Philippines coi Biển Đông là "sân sau"

Liên quan đến Biển Đông, tờ "Nhân Dân" Trung Quốc ngày 23 tháng 11 cho biết, tại hội nghị toàn thể lần thứ tư Diễn đàn Hương Sơn lần thứ 5 ngày 22 tháng 11, Phó tổng tham mưu trưởng phụ trách kế hoạch của Lực lượng vũ trang Philippines, Thiếu tướng Raul del Rosario đã trình bày lập trường đối với vấn đề Biển Đông, cho rằng “vấn đề Biển Đông cần thông qua luật pháp quốc tế để giải quyết”.

Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Philippines Raul del Rosario phát biểu tại Diễn đàn Hương Sơn lần thứ 5 do Trung Quốc tổ chức
Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Philippines Raul del Rosario phát biểu tại Diễn đàn Hương Sơn lần thứ 5 do Trung Quốc tổ chức

Ông Rosario còn đưa ra “sáng kiến hai điểm” ngăn chặn leo thang xung đột Biển Đông: một là cần tránh một số hoạt động làm leo thang căng thẳng, hai là phải tuân thủ Tuyên bố về ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC), đồng thời thúc đẩy ký kết Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) có tính ràng buộc pháp lý, cùng bảo vệ hòa bình, ổn định và an ninh khu vực.

Rosario cũng cho rằng: "Philippines trước sau cho rằng biển Tây Philippines tức Biển Đông không phải là toàn bộ quan hệ Trung Quốc-Philippines", quan hệ hữu nghị Trung Quốc-Philippines có nguồn gốc lâu đời, có lịch sử vài nghìn năm.

Về phát biểu của ông Rosario, chuyên gia Trung Quốc La Viện cho rằng "không thể phủ nhận, vấn đề Biển Đông là một rào cản quan trọng cản trở phát triển quan hệ Trung Quốc-Philippines", đồng thời vặn vẹo rằng, việc Rosario nói "Biển Tây Philippines" thì đó là "chủ trương của Philippines", còn "cộng đồng quốc tế gọi Nam Hải là biển Nam Trung Hoa (tức Biển Đông)", cho rằng "đây chính là một bất đồng và tranh cãi".

Rosario đáp lại, cho rằng: "Chúng tôi có quyền lợi đặt tên cho 'sân sau' của mình, chúng tôi cũng đã thông qua luật pháp, chính thức đặt tên cho vùng biển đó là 'biển Tây Philippines'. Chúng tôi cũng đang tăng cường khái niệm này, đó chính là khu vực này là 'lãnh thổ của Philippines'".

La Viện lại hỏi thêm: "Tại Diễn đàn Hương Sơn lần này, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn đề xuất kiến nghị 'cùng quản lý, kiểm soát tranh chấp', ông có đồng ý hay không? Tôi chú ý đến Philippines đưa ra một kế hoạch đổ bộ lên đảo vào năm 2011, Philippines thay đổi diện mạo trên đảo, tiếp tục xây dựng quân sự trên đảo phải chăng sẽ áp dụng hành động đối lập với chúng tôi?".

Tại Diễn đàn Hương Sơn lần thứ 5 do Trung Quốc tổ chức, La Viện vặn vẹo Phó Tổng tham mưu trưởng Philippines về vấn đề Biển Đông.
Tại Diễn đàn Hương Sơn lần thứ 5 do Trung Quốc tổ chức, La Viện vặn vẹo Phó Tổng tham mưu trưởng Philippines về vấn đề Biển Đông.

Đối với vấn đề này, Rosario cho biết: "Philippines là một quốc gia thế giới thứ ba, quân đội tương đối yếu, Philippines không có hải quân mạnh đi tuần tra lãnh thổ của mình. Philippines đã dùng hết các biện pháp chính trị, pháp lý và ngoại giao, cho nên chúng tôi mới tiến hành trọng tài quốc tế".

"Tôi tin tưởng có thể còn có con đường khác, Trung Quốc và Philippines có thể giải quyết hoặc ứng phó với những vấn đề này, trước đó, tôi cũng đã nói, hợp tác của chúng ta rất quan trọng, chúng ta cần tận dụng tốt những hợp tác này, đồng thời phải tìm được biện pháp khả thi để giải quyết bất đồng".

Khi trả lời phỏng vấn báo chí, La Viện cho rằng, đề nghị "cùng quản lý, kiểm soát tranh chấp" do ông Thường Vạn Toàn đưa ra đã không được ông Rosario đưa ra phản hồi tích cực.

Theo La Viện, Trung Quốc từng đề nghị "gác tranh chấp, cùng khai thác", nhưng đề nghị này hoàn toàn không được các bên hưởng ứng tích cực (do Trung Quốc đòi tiền đề cho việc này là: chủ quyền thuộc về họ - yêu sách lãnh thổ này là bất hợp pháp, không thể chấp nhận được).

Với kiểu "mẹ hát con khen hay", La Viện cho rằng, đề nghị "cùng quản lý, kiểm soát tranh chấp" do ông Thường Vạn Toàn đưa ra tại Diễn đàn Hương Sơn lần này là "rất có trí tuệ, có tính xây dựng" (?). Cho rằng, ông Rosario mặc dù đã đưa ra phản ứng, nhưng "tránh nói vào vấn đề chính".

La Viện cho là vào năm 2001, Philippines đưa ra kế hoạch đổ bộ lên đảo, bắt đầu thay đổi diện mạo địa lý các đảo đá và di dân lên đảo, cho điều này là đi ngược lại Tuyên bố về ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC) ký kết giữa Trung Quốc và ASEAN vào một năm sau đó (năm 2002).

Gần đây, Trung Quốc lấn biển, xây đảo bất hợp pháp trên một số đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trong hình là đá Chữ Thập đang bị Trung Quốc biến thành căn cứ quân sự.
Gần đây, Trung Quốc lấn biển, xây đảo bất hợp pháp trên một số đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trong hình là đá Chữ Thập đang bị Trung Quốc biến thành căn cứ quân sự.

Về vấn đề ông Rosario coi Biển Đông là "sân sau" của Philippines, La Viện xuyên tạc lịch sử và luật pháp quốc tế, cho rằng: "Đây là một bất đồng lớn tồn tại giữa Trung Quốc-Philippines. Bất kể về lịch sử hay pháp lý, đảo đá trong ‘đường biên giới biển truyền thống’ của Trung Quốc đều thuộc lãnh thổ của Trung Quốc, mỗi tấc đất lão tổ tông để lại cho chúng tôi đều không thể mất đi, chúng tôi có chủ trương chính sách nhất quán trên phương diện này".

La Viện còn cho rằng, Trung Quốc sẵn sàng tiến hành "thảo luận song phương" các vấn đề cùng quan tâm với các bên đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông, bảo vệ DOC. Đồng thời, Trung Quốc cũng tích cực nỗ lực cho xây dựng COC (?). Rằng, các nước đòi hỏi chủ quyền Biển Đông cũng cần hiểu "thiện chí" của Trung Quốc (?), thông qua biện pháp đàm phán hòa bình để giải quyết tranh chấp, tránh leo thang tranh chấp.

Như vậy, những quan điểm của La Viện đã lộ rõ tham vọng bành trướng lãnh thổ ở Biển Đông của Trung Quốc. Phải luôn khẳng định rằng, lãnh thổ mà "lão tổ tông để lại" cho Trung Quốc có cực nam là đảo Hải Nam, không có hòn đảo nào bên dưới đảo Hải Nam. Do đó, mọi yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc bên dưới đảo Hải Nam là bất hợp pháp, là xâm phạm, xâm lược lãnh thổ của nước khác, xâm phạm luật pháp quốc tế, đi ngược lại lịch sử, không thể chấp nhận được.

Trung Quốc sẽ không bao giờ đạt được lòng tham của mình một cách hợp pháp khi cứ khăng khăng cái gọi là "đất do lão tổ tông để lại" ở Biển Đông. Mọi hoạt động “lấn biển, xây đảo” của Trung Quốc trên các đảo đá ở Biển Đông dưới đảo Hải Nam đều xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, bất hợp pháp và vô giá trị.

Còn "đàm phán song phương" theo quan điểm của Trung Quốc là điều cần cảnh giác. Việt Nam đã tuyên bố rõ: Vấn đề tranh chấp song phương thì đàm phán song phương, vấn đề tranh chấp nhiều bên thì đàm phán đa phương. Đồng thời phải đảm bảo rằng, đàm phán cần phải bình đẳng, tôn trọng lịch sử và pháp lý. Mọi hành động xâm lược để cướp đoạt lãnh thổ đều không đem lại chủ quyền cho một nước.

Chính vì Trung Quốc luôn có mưu đồ độc chiếm Biển Đông với yêu sách "đường lười bò" bất hợp pháp và luôn khăng khăng cái gọi là "chủ quyền thuộc về tôi" thì sẽ không có "gác tranh chấp, cùng khai thác", sẽ không thể "cùng quản lý, kiểm soát tranh chấp". Trung Quốc nên thừa nhận lịch sử và tuân thủ luật pháp quốc tế, rút toàn bộ lực lượng chiếm đóng khỏi quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa đã chiếm của Việt Nam.

Đông Bình