Truyện Kiều: 400 lạng vàng hay 400 lạng bạc ?

21/02/2015 05:12
NGUYỄN CẨM XUYÊN
(GDVN) - Thúy Kiều vì hiếu phải bán mình để chuộc cha và em khỏi vòng tù tội. Cuộc mua bán sớm ngã giá qua một hồi mặc cả “Cò kè bớt một thêm hai"

Thúy Kiều vì hiếu phải bán mình để chuộc cha và em khỏi vòng tù tội. Cuộc mua bán sớm ngã giá qua một hồi mặc cả:

Cò kè bớt một thêm hai,

Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm…”

Hai câu thơ 647 và 648 trên chép từ bản Kiều quốc ngữ cũ cũng như của sách giáo khoa hàng mấy chục năm trước. Câu thơ kể việc sống động vô cùng. Quả là Nguyễn Du hạ bút như có thần; vậy nhưng… câu chữ trải qua mấy trăm năm đã có nhiều xê dịch! Tam sao thất bản khiến hậu sinh tranh cãi nhiều quanh những bản Kiều được sao chép qua nhiều đời.

Với góc tiếp cận của tác giả, chắc chắn độc giả sẽ ngạc nhiên khi đọc bài viết này, và điều đó cũng đã được nhà giáo, nhà nghiên cứu Nguyễn Cẩm Xuyên lường trước được.

Tòa soạn cũng như tác giả trân trọng mọi đóng góp, phản biện...

Từ 2005, sách Ngữ văn mới lớp 9 đã chỉnh lại câu 648: “…Giờ lâu ngã giá vâng ngoài bốn trăm”. Sách chỉnh lại một chữ khiến nhiều ý kiến phản đối, có thầy giáo đã phản ứng gay gắt:  “…SGK lớp 9 mới, lại thay từ “vàng” thành từ “vâng” [… ] “vâng ngoài bốn trăm”… không những tạo ra thành một sự khập khễnh về nội dung, giảm đi giá trị thẩm mỹ không chỉ của hai câu thơ mà cả đoạn thơ.[…] Việc dùng từ “vâng” ở đây là không hợp mà phải dùng từ “vàng”. Chỉ dùng từ “vàng” mới đúng bản chất của việc mua bán, bản chất con buôn của Mã Giám Sinh là “Cò kè bớt một thêm hai”. Mỗi từ ngữ, đều được Cụ Nguyễn Du đặt  trong từng văn cảnh cụ thể đã góp phần làm sáng tỏ thêm nội dung của truyện Kiều, cho nên hậu thế chúng ta không thể vì lý do gì mà sửa từ của Cụ được, sửa từ của một tác phẩm văn học làm rạng danh cho dân tộc ta từ khi mới ra đời cho đến nay. Vậy nên hãy để từ “vàng” trong truyện Kiều theo mãi cùng năm tháng”.(1)

Đoạn trên, người viết không biết chữ Nôm nên chỉ bàn luận theo suy nghĩ trên mặt chữ quốc ngữ.

Câu 648 trong các bản nôm Tuyện Kiều là " ... vâng ngoài bốn trăm"

Trên tạp chí Hồn Việt - bài “Cần biết chữ Nôm để hiểu đúng và dịch đúng những câu Kiều”, Học giả Nguyễn Quảng Tuân đã dụng công ghi lại khá tỉ mỉ quá trình dùng 2 chữ “vâng/ vàng” trong câu Kiều 648 như sau:

“…Các bản quốc ngữ Phạm Kim Chi, Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim, Hồ Đắc Hàm, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Can Mộng đã chép câu này với chữ vâng. Bản Trương Vĩnh Ký và Abel des Michels đã chép với chữ vưng thì cũng như các bản kể trên.

Bản Bùi Khánh Diễn và bản Nguyễn Khắc Hiếu đã chép với chữ xin. Một số bản quốc ngữ sau đây đã chép câu này với chữ vàng:Truyện Kiều chú giải  (Lê Văn Hòe - 1953), Truyện Kiều (Bùi Kỷ - 1958), Truyện Kiều (Nguyễn Thạch Giang - 1972), Truyện Kiều (Đào Duy Anh - 1979).

- Lê Văn Hòe đã chú thích như sau:

Ngã giá: được giá, thỏa thuận về giá cả giữa người mua kẻ bán.

Có bản chép là xin ngoài…”  nghĩa cũng như vâng.

Có bản chép là “vàng ngoài…” thế nghĩa là giá bán Thúy Kiều được hơn bốn trăm lạng vàng.

- Bùi Kỷ trong quyển Truyện Kiều của Nhà xuất bản Phổ Thông in năm 1958 đã chép là vàng mà không có chú thích gì.

- Nguyễn Thạch Giang trong quyển Truyện Kiều của Nhà xuất bản Đại Học và Trung Học Chuyên Nghiệp in năm 1973 đã chép câu 648 là: “Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm” và ông còn cho biết là “đã dựa theo tài liệu điều tra trong những lần đi thực tế ở nhiều địa phương khác nhau dựa vào ý kiến chung của các đồng chí, các bạn phát biểu trong những buổi tọa đàm về văn bản Truyện Kiều”.

- Đào Duy Anh trong bản Truyện Kiều (có sự tham gia hiệu đính của Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyễn Công Hoan, Hoài Thanh và Tuấn Đô) do Nhà xuất bản Văn Học in năm 1979 và trong bản Truyện Kiều do Nhà xuất bản Văn Học in năm 1984 cũng chép là vàng…” (2)

Quả là đã có nhiều sai biệt giữa các bản quốc ngữ. Chỉ một chữ của câu thơ đã gây nhiều rắc rối và sở dĩ có chuyện là vì liên quan đến việc cô Kiều được định giá bằng quý kim… mà vàng và bạc lại cách giá nhau xa lắm…

Sách Kiều quốc ngữ là vậy, còn các bản Kiều nôm thì lại khác: bản được cho là xưa nhất mới tìm được  vào tháng 5-2004 là bản Liễu Văn đường khắc in năm Tự Đức thứ 19 (1866) cũng như các bản mới hơn như bản chép tay của Hoàng Giáp Nguyễn Hữu Lập 1870, Liễu Văn đường 1871, Duy Minh Thị 1872, Trương Vĩnh Ký 1875, Abels des Michels 1894, Kiều Oánh Mậu 1902, Phúc Văn đường 1932… đã chép câu thơ 648 không khác nhau là mấy. Đa số đều chép: “Giờ lâu ngã giá vâng ngoài bốn trăm…” . Trong phạm vi bài viết này, tạm chụp lại sau đây 6 trang Kiều nôm(3) có câu thơ 648 (khoanh mực đỏ):

Lần lượt từ trái sang và từ trên xuống:

1/ Bản 1866 (Liễu Văn đường): Giờ lâu ngã giá vâng ngoài bốn trăm.

2/ Bản 1870 (Nguyễn Hữu Lập): Giờ lâu ngã giá chịu ngoài bốn trăm.

3/ Bản 1871 (Liễu Văn đường): Giờ lâu ngã giá vâng ngoài bốn trăm.

4/ Bản 1872 (Duy Minh Thị): Giờ lâu ngã giá vâng ngoài bốn trăm.

5/ Bản 1902 (Kiều Oánh Mậu): Giờ lâu ngã giá chịu ngoài bốn trăm.

6/ Bản 1932 (Phúc Văn đường): Giờ lâu ngã giá vâng ngoài bốn trăm.

Cả 6 bản Kiều nôm trên, không có bản nào dùng chữ “vàng” ở câu 648 cả.

Học giả Nguyễn Quảng Tuân trên tạp chí Hồn Việt, cũng trích 5 câu của 5 bản Kiều nôm, không câu nào có chữ “vàng” và kết luận: “Chúng tôi nhận thấy chữ “vàng” và chữ “vâng” viết bằng quốc ngữ thì rất dễ nhầm lẫn giữa dấu huyền (\) dấu mũ (^) nhưng viết bằng chữ Nôm thì không thể nhầm lẫn được vì mặt chữ khác hẳn nhau: chữ “vâng” 𠳐 viết với bộ (khẩu) còn chữ “vàng” viết với bộ (kim).” (4)

"vâng ngoài bốn trăm"; nên hiểu là "vâng! hơn bốn trăm lạng vàng!"

Căn cứ vào bản chữ Nôm ta khẳng định được là chính cụ Nguyễn Du đã viết “vâng ngoài bốn trăm”… đúng như sách giáo khoa đã chỉnh…Vậy nhưng Cụ lại chỉ viết “bốn trăm”…! khiến hậu thế thắc mắc không biết là bốn trăm lạng vàng hay bạc?!

Trên báo Người Lao Động, bài “Lênh đênh chữ nghĩa truyện Kiều”, GS. Mai Quốc Liên viết: …Anh bạn tôi, người phụ trách sách giáo khoa, bằng nhiều lý lẽ, cho “vâng” là đúng, là hay; kể cả đối chiếu với Thanh Tâm Tài Nhân và biết rằng thời ấy người ta dùng bạc để trả giá, không dùng vàng. “Vâng, đồng ý với giá bốn trăm lạng bạc”.  Nhưng nghĩ lại, có điều lấn cấn: cụ Tiên Điền viết văn Kiều cho người Nam đọc, theo cái cách nghĩ, cái tâm thức Việt: quý như vàng. Nàng Kiều tuyệt sắc của ta phải bán bốn trăm lạng vàng, mới là Kiều – còn 400 lạng bạc thì hơi yếu, nó có làm “giảm giá” Kiều đi đấy. Vả lại, về âm vận, vàng là một âm trầm, bình thanh đi sau một âm bổng, khứ thanh (giá) sẽ tốt hơn vâng, một âm bổng, bình thanh (giọng ngang). Nhưng nhất là “vâng”, nói như một giáo sư cũng soạn sách giáo khoa, nó thụ động quá! (5).

Ta nên tỉnh táo mà xem lại. Đúng là Nguyễn Du đã dùng chữ “vâng” nhưng… sao lại cứ phải nghĩ là “Vâng! bốn trăm lạng bạc” trong khi câu thơ của Nguyễn Du chỉ là “… vâng ngoài bốn trăm” … Tác giả đâu có khẳng định bốn trăm lạng này là bạc?! 

Suy xét kĩ hơn, ta có thể đoan chắc 400 lạng trong Truyện Kiều của Nguyễn Du là vàng chứ không phải bạc vì 2 lẽ:

- Đọc Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân hồi 6 ta thấy quả có chuyện Mã khách nhân xuất 450 lạng bạc mua Thúy Kiều(6);  vậy nhưng Nguyễn Du viết Kiều thì không nhất nhất lệ thuộc vào Kim Vân Kiều truyện của Tàu. Điều này là rõ ràng và được chứng minh đã nhiều… Corneille dùng Las  Mocedades del Cid của Tây Ban Nha để viết nên tuồng Le Cid hay hơn hẳn nguyên tác thì Truyện Kiều cũng vậy: giá trị nghệ thuật và tư tưởng Truyện Kiều cao hơn nhiều so với Kim Vân Kiều truyện. Nguyễn Du đã thay đổi rất nhiều sự việc, thay đổi tính cách nhân vật, cắt bỏ nhiều tình tiết truyện…: Tên nhân vật Kế thị, mẹ Hoạn Thư chẳng hạn đã lược bỏ… Kế thị trong buổi Kiều xử án của Thanh Tâm Tài Nhân: vì sợ quá mà chết liền tại chỗ, phải kéo xác ra ngoài… thì Truyện Kiều của Nguyễn Du lại không có chi tiết này. Hoạn thư trong truyện của Thanh Tâm Tài Nhân: bị lột trần, mình chỉ còn cái khố, cột tóc treo lên đánh đến róc cả da ra, người chẳng còn chỗ nào lành lặn… thì trong Truyện Kiều, Kiều lại xử rất nhẹ nhàng : 

“…Tha ra thì cũng may đời/ Làm ra thì cũng ra người nhỏ nhen/ Đã lòng tri quá thì nên/ Truyền quân lệnh xuống trường tiền tha ngay…”

Trong truyện Tàu trước Thanh Tâm Tài Nhân, Kiều chỉ là Mã Kiều nhi, con hầu tầm thường trong kĩ viện nhưng với Nguyễn Du lại là nhân vật tài sắc tuyệt vời. Từ Hải chỉ là tên tướng cướp biển lại trở nên: “…Đường đường một đấng anh hào/ Côn quyền hơn sức lược thao gồm tài/ Đội trời đạp đất ở đời…” 

Vậy, việc Nguyễn Du nâng trị giá Kiều trong cuộc mua bán cũng là điều dễ hiểu. Kiều của Nguyễn Du là nhân vật độc nhất vô nhị, là  lí tưởng tuyệt đối : “Làn thu thủy, nét xuân sơn/ Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh/ Một hai nghiêng nước nghiêng thành/ Sắc đành đòi một, tài đành họa hai/ Thông minh vốn sẵn tư trời/ Pha nghề thi họa, đủ mùi ca ngâm …”. Kiều tuyệt đối đẹp, tuyệt đối thông minh, tuyệt đối tài hoa, đạo đức lại vô cùng trong sáng… hiếu nghĩa đủ đường… Nhân loại chẳng thể có đến người thứ hai - vậy định giá hơn 400 lạng vàng thì đâu có gì là lạ?!

Thực tế cuộc sống có thể không có chuyện mua người về kĩ viện đến giá 400 lạng vàng nhưng với thi pháp cổ điển của Văn học Trung đại thì có thể.

- Một điều nữa mà nhiều người đọc Kiều đã không để ý là suốt cả đoạn tả việc mua bán, Nguyễn Du đã mấy lần nhắc đến “vàng”. Mở đầu, Mã Giám sinh hỏi; mụ mối đưa cao giá: “Rằng: Mua ngọc đến Lam Kiều/ Sính nghi xin dạy bao nhiêu cho tường ?/ Mối rằng: đáng giá nghìn vàng/ Gấp nhà nhờ lượng người thương dám nài.” . 

Thách giá “nghìn vàng” thì chí ít phải bán khoảng trên dưới 400 lạng vàng chứ sao lại hạ xuống 400 lạng bạc ?

Lại ở đoạn kết thúc : “Mái ngoài họ Mã vừa sang/ Tờ hoa đã ký, cân vàng mới trao/ Trăng già độc địa làm sao ?/ Cầm dây chẳng lựa buộc vào tự nhiên…”. Rõ ràng câu thơ là “cân vàng” chứ chẳng phải là bạc. Chữ “vàng” nôm 鐄 ở đây rất rõ, một bên bộ “kim”, một bên chữ “hoàng”!

GS. Mai Quốc Liên đã nghĩ đúng: “…cụ Tiên Điền viết văn Kiều cho người Nam đọc, theo cái cách nghĩ, cái tâm thức Việt: quý như vàng. Nàng Kiều tuyệt sắc của ta phải bán bốn trăm lạng vàng, mới là Kiều…” nhưng Giáo sư - cũng như nhiều người khác, kể cả người trong Ban biên soạn sách lại hơi cả nghĩ khi diễn giải “Vâng, đồng ý với giá bốn trăm lạng bạc”.

Nguyên bản câu Kiều có chữ “bạc” nào đâu? Vậy có lẽ nên viết là “Vâng! đồng ý với giá bốn trăm lạng” [cho đúng với câu Kiều nguyên bản] để rồi khẳng định thêm “lạng” đây là “lạng… vàng”! Như thế là hợp lẽ.

------------------------

CHÚ THÍCH:

(1) Nguyễn Du sẽ giận; Báo Dân Trí; Thứ Hai, 17/10/2005;

(2)&(4) http://honvietquochoc.com.vn/bai-viet/4214-can-biet-chu-nom-de-hieu-dung-va-dich-dung-nhung-cau-kieu.aspx

(3) Ảnh chụp từ các bản Kiều nôm của nomfoundation

(5)Người Lao Động - http://maivang.nld.com.vn

(6) 金雲翹傳-青心才人編次 - 第六回 : “孝女捨身行孝猶費周旋; 金夫消屈得金全不費力”: “…馬客人看了, 叫服侍的 取出銀子, 兌了四百五十兩。” (KIM VÂN KIỀU TRUYỆN-THANH TÂM TÀI NHÂN BIÊN THỨ - ĐỆ LỤC HỒI: Hiếu nữ xả thân hành hiếu do phí chu toàn; Kim phu tiêu khuất đắc kim toàn bất phí lực : …Mã khách nhân khán liễu , khiếu phục thị đích thủ xuất ngân tử, đoái liễu tứ bách ngũ thập lạng.)

NGUYỄN CẨM XUYÊN