Thông tư 30: Tiếng kêu cứu của một phụ huynh học sinh tiểu học

09/03/2015 06:00
Bùi Văn Sơn
(GDVN) - "Rất có thể truyền thống hiếu học ở nước mình sẽ bị Thông tư 30 hủy diệt. Suy nghĩ ấy không biết đúng hay sai?" - phụ huynh học sinh.

LTS: Tính đến thời điểm này, Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã chính thức lên tiếng sẽ không có sửa đổi, bổ sung Thông tư 30. Tuy nhiên, Tòa soạn vẫn tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp, chia sẻ của các thầy cô giáo, phụ huynh học sinh. 

Dưới đây là bài viết của một phụ huynh học sinh gửi đến Báo Giáo dục Việt Nam với những trăn trở, lo lắng cho con em mình từ sau ngày Thông tư 30 được áp dụng. Vì một số lí do, tác giả bài viết đề nghị không cung cấp tên thật và địa chỉ liên lạc.

Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn riêng của một vị phụ huynh nhưng sẽ khiến bất cứ ai-đặc biệt là các thầy cô giáo, các nhà quản lý giáo dục- phải suy ngẫm.

Để rộng đường dư luận, Báo Giáo dục Việt Nam trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài viết này:

Tôi là một phụ huynh có con học lớp 4. Ba năm trước con tôi đều đạt học sinh giỏi, cuối năm đều được nhà trường tặng giấy khen. Vợ chồng tôi tuy không phải là giáo viên, công việc ở cơ quan rất bận nhưng cũng dành nhiều thời gian quan tâm tới cháu. 

Chúng tôi đã sắp xếp cho cháu một góc học tập thoáng rộng, yên tĩnh, đầy đủ đồ dùng học tập và rèn cho cháu một thói quen tự học ở nhà tương đối quy củ. 

Thường thì cơm chiều xong, đúng 19h, cháu ngồi vào bàn học, làm bài tập, đến khoảng 21h, 22h thì xong. Ngày thứ 7 và chủ nhật, chúng tôi cũng có thời gian biểu để cháu học và chơi thoải mái. Tôi không cho cháu đi học thêm vì nghĩ rằng: học tốt những điều cô giáo dạy và yêu cầu đã là giỏi rồi! May mắn là cháu rất ngoan và chăm học.

Thông tư 30: Tiếng kêu cứu của một phụ huynh học sinh tiểu học ảnh 1

Trò lười, cô quá tải, gia đình khó kiểm soát sau một kỳ áp Thông tư 30

Việc thay đổi hoàn toàn cách đánh giá đã khiến cho học sinh có giảm áp lực về việc học nhưng lại mất dần động cơ phấn đấu, đua tranh với nhau.

Từ khi thực hiện Thông tư 30, cháu lười học dần. Hỏi cháu thì cháu bảo: “Cô không cho bài tập về nhà”. Vợ chồng tôi bảo: Cô không cho bài tập thì con cũng phải học lại bài cũ chứ. Cháu trả lời: “Buổi chiều ở lớp, chúng con học hết rồi”. Chúng tôi rất mừng vì từ nay nhà trường đã lo hết cho mình rồi. Thế mới gọi là đổi mới giáo dục chứ.  

Tuy nhiên, vợ chồng tôi vẫn chưa tin, vẫn giám sát và kiểm tra cẩn thận. Mở vở con ra thì không thấy điểm, chỉ thấy cô ghi đại loại: “Con có nhiều cố gắng” hoặc “Con cần cố gắng hơn”. Hết học kỳ 1, cháu được xếp loại Đạt . Tôi ngạc nhiên hỏi, cháu cho biết bây giờ cả lớp chỉ xếp vào hai loại ĐạtKhông Đạt. Tôi hỏi cháu: Lớp con có bạn nào Không Đạt không? Cháu trả lời: Không ạ!

Bất ngờ nhất là khi báo điểm thi học kỳ 1, điểm các môn của con tôi đều thấp hơn năm trước rất nhiều. Và tất nhiên, đây là học kỳ đầu tiên con tôi không được giấy khen. Tôi lo lắng đến hỏi cô giáo chủ nhiệm, cô cho biết Giỏi, Khá hay Trung bình chỉ là Đạt thôi. Bộ yêu cầu đánh giá như thế. Bác đừng lo. Nhưng tôi không chấp nhận việc con tôi học sút kém hơn 3 năm trước. Một số phụ huynh trong lớp cháu cho biết, con họ cũng rơi vào tình trạng đó và lười học hẳn đi.

Tôi tìm hiểu các phụ huynh có con được giấy khen, họ bảo: “Cho cháu đi học thêm, cô giáo vừa quản lý giúp, vừa cho học lại bài cũ, làm những bài mới khó hơn hoặc học trước chương trình”. Thế là nạn học thêm, dạy thêm lại tiếp tục phát triển và thường học vào buổi tối hoặc thứ bảy, chủ nhật. Tôi băn khoăn quá, không biết có nên cho con mình đi học thêm hay không? Đề nghị quý báo hỏi giúp các phụ huynh khác hộ chúng tôi xem sao?

Một phụ huynh bày tỏ lo lắng từ khi áp dụng Thông tư 30, thấy con lười học đi. Ảnh: Hồng Nhung (Ảnh minh họa)
Một phụ huynh bày tỏ lo lắng từ khi áp dụng Thông tư 30, thấy con lười học đi. Ảnh: Hồng Nhung (Ảnh minh họa)

Chúng tôi bắt đầu dành nhiều thời gian hơn để quan sát con mình thì thấy buổi tối cháu chỉ xem phim hoạt hình, đọc truyện tranh hoặc chơi trò chơi điện tử. Có những thứ bảy, chủ nhật vợ chồng tôi vẫn phải đi làm, cháu ở nhà, hai anh em quanh đi quanh lại chỉ có mấy trò ấy. Trao đổi với các phụ huynh khác, họ bảo con họ cũng thế. Trước đây, chúng tôi siết chặt kỷ luật, bắt cháu học hàng ngày vì còn có cớ để kiểm tra, thưởng phạt theo từng bài cô giáo giao về nhà. Bây giờ chẳng biết làm thế nào cả vì lũ trẻ đều bảo: Ở lớp, chúng con học hết rồi !Trời đất ơi! Chúng tôi biết làm gì bây giờ? Ai có TẦM có TÂM hãy chỉ cho tôi với!

Tôi cho rằng chúng ta yêu thương và quan tâm tới trẻ không phải chỉ là cho các cháu vui chơi thoải mái. Ở thành phố, không có người lớn đi cùng, bọn trẻ biết chơi ở đâu? Cuộc sống ngoài đường phố đầy những bất an, bất trắc đối với trẻ con. Nhốt chúng ở nhà, ngoài mấy trò kia, lũ trẻ biết làm gì? Lâu dần chúng nghiện truyện tranh, nghiện hoạt hình, nghiện game thì chết.

Các cụ bảo: “Thương cho roi cho vọt; Ghét cho ngọt cho bùi”, trẻ em được tự do, chiều chuộng quá sẽ sinh hư. Phải bắt buộc chúng lao động, học tập, phải sống có kỷ luật, nhiều cái không thích, không muốn vẫn phải làm, phải biết nghe lời.

Tôi cũng chịu khó lên mạng, đọc hết những bài báo viết về Thông tư 30 trên báo Giáo dục Việt Nam. Tôi thấy một vị ở Vụ Tiểu học đưa ra một kết quả nghiên cứu ở nước Anh cho biết: Đánh giá không chấm điểm sẽ kích thích hứng thú học tập của trẻ em hơn 30% nữa. Do đó, họ áp dụng luôn ở Việt Nam. Tôi thấy thật kỳ quái. Anh quốc là nước tư bản lâu đời nhất thế giới, có nền kinh tế, văn hóa, xã hội cao gấp nhiều lần nước ta. Không biết 50,70 năm nữa, nền kinh tế xã hội ở Việt Nam liệu có bằng Anh quốc năm 2015 này hay không?

Thông tư 30: Tiếng kêu cứu của một phụ huynh học sinh tiểu học ảnh 3

Hệ lụy đổi mới giáo dục nhìn từ Thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Sự ra đời Thông tư 30, kỳ thi quốc gia, biên soạn sách giáo khoa là những bước đột phá trong cải cách giáo dục, vậy TT30 có thực sự là bước cải cách ?

Trẻ em ở những nước phát triển, ngay từ khi đẻ ra đã ngủ riêng, chẳng có đứa nào chung giường với bố mẹ. Chúng được rèn luyện trong một môi trường hoàn toàn khác, ý thức cá nhân và tính tự lập rất cao. Trẻ đến trường hầu như đứa nào cũng như đứa nào; da trắng, da đen, da vàng, da đỏ đều ăn mặc như nhau, chẳng có phân biệt gì về điều kiện kinh tế và đẳng cấp xã hội. Vì thế, chúng được đối xử bình đẳng, công bằng, được hưởng một nền giáo dục học mà chơi, chơi mà học, mái trường đem lại niềm vui thích và hứng khởi cho chúng. Học sinh trong một lớp thì ít, giáo viên thì nhiều, cơ sở và điều kiện học tập thì đúng là trong mơ. Vì vậy, họ mới có hai mức đánh giá ĐạtKhông Đạt.

Trẻ em Việt Nam sinh ra đã ngủ chung giường với bố mẹ. Nhiều gia đình kinh tế khó khăn, nhà cửa chật chội, lũ trẻ còn phải ngủ chung với bố mẹ đến tận lớp 7, lớp 8. Ngoài giờ học, phải giúp gia đình kiếm sống hoặc nội trợ, dọn dẹp nhà cửa. Đi học thì đứa áo đẹp, đứa áo xấu, đứa ăn sáng ngon, đứa chỉ có cái bánh mỳ, thậm chí có đứa còn nhịn đói; đứa thì được đưa đón bằng ô tô xe máy, đứa đi xe đạp, có đứa phải đi bộ, có khi tới 5, 7 cây số… Mặt nền kinh tế - văn hóa - xã hội như thế làm sao có thể đánh giá theo kiểu Anh quốc được.

Trong những lần họp phụ huynh, chúng tôi trao đổi, tâm sự với nhau rằng: Bây giờ mà đưa ra những tấm gương học tập của tiền nhân để dạy dỗ bọn trẻ thì chắc chắn chúng sẽ cười vào mũi mình. Truyền thống hiếu học ở Việt Nam hàng nghìn đời nay đã có bao tấm gương tự học, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, thiếu thốn để vươn lên thành đạt. Chắc chắn những tấm gương: Bắt đom đóm cho vào lọ để làm đèn học tập; Ra bờ sông lấy que vạch lên cát thay cho giấy bút; Buộc tóc vào cột nhà cho đỡ ngủ gật… của các cụ ta ngày trước sẽ trở thành trò hề cho lũ trẻ Việt Nam hôm nay.

Chúng tôi bảo nhau: Rất có thể truyền thống hiếu học ở nước mình sẽ bị Thông tư 30 hủy diệt. Suy nghĩ ấy không biết đúng hay sai, mong quý báo nhờ các bậc phụ huynh tiểu học, các thầy cô giáo, các nhà quản lý giáo dục cả nước chỉ giáo giúp?

Bùi Văn Sơn