Thêm một hiệu phó Trường Đại học Bách khoa Hà Nội bị nghi đạo văn

01/10/2014 07:05
Phương Thảo
(GDVN) - Hiệu phó Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội Trần Văn Tớp bị tố chép lại gần như 100% nội dung cuốn “Một số vấn đề kỹ thuật điện cao áp ở siêu cao áp và cực cao áp".

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được đơn tố cáo khẩn cấp của ông Nguyễn Ngọc Thành, giảng viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, tố cáo hành vi “đạo văn” gần như 100% của PGS. Trần Văn Tớp – Hiệu phó nhà trường đối với cuốn giáo trình như trên của PGS.TS Võ Viết Đạn, khoa Hệ thống điện, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Giống gần 100%?

Trong đơn, ông Thành tố cáo PGS. Trần Văn Tớp về việc PGS. Tớp chép lại gần như 100% của gần hết các nội dung giáo trình “Một số vấn đề kỹ thuật điện cao áp ở siêu cao áp và cực cao áp” của PGS. PTS Võ Viết Đạn, Hà Nội 1993. 

Thêm một hiệu phó Trường Đại học Bách khoa Hà Nội bị nghi đạo văn ảnh 1

Đơn tố cáo ông Nguyễn Ngọc Thành gửi tới Báo điện tử Giáo dục Việt Nam.

Theo đó, cuốn sách do PGS.TS Trần Văn Tớp viết có tên Kỹ thuật Điện cao áp; Quá điện áp & bảo vệ chống quá điện áp do NXB Khoa học và Kỹ thuật phát hành, Hà Nội 2007. Đây là sách giáo khoa cho sinh viên ngành điện của các trường đại học và tài liệu tham khảo cho học viên cao học.

Ông Nguyễn Ngọc Thành cũng dẫn chứng từ hai cuốn sách trên cho thấy, toàn bộ 11 chương trong cuốn sách của PGS. Tớp thì có 3 chương ông Thành không tố cáo (chương 2, 5 và 8), mà chỉ tố cáo 8 chương còn lại.

Thêm một hiệu phó Trường Đại học Bách khoa Hà Nội bị nghi đạo văn ảnh 2

Nội dung trong cuốn giáo trình của PGS. Trần Văn Tớp (bìa trái) và PGS. Võ Viết Đạn (bìa phải) giống nhau gần như 100%. 

Dẫn chứng về sự giống nhau “kỳ lạ” này, ông Nguyễn Ngọc Thành cho biết, trong Chương 3 Nghiên cứu về tác dụng của phân pha từ trang 102 đến trang 114 (sách của ông Tớp) có nội dung giống 100% trong Chương II Nghiên cứu về tác dụng của phân pha từ trang 17 đến trang 30 (sách của PGS. Đạn).

Tại Chương 6 trong sách của PGS. Võ Viết Đạn có đề: “Bảo vệ chống sét hệ thống điện” thì cũng tại Chương 6 của PGS. Trần Văn Tớp cũng có tên gần như tương tự: “Bảo vệ chống sét đường dây tải điện. Cũng tại chương này, PGS. Võ Viết Đạn đặt vấn đề về “Các phương pháp tính toán suất cắt do sét”, trong khi PGS. Tớp cũng đặt vấn đề tương tự tại cuốn sách của mình. 

Thêm một hiệu phó Trường Đại học Bách khoa Hà Nội bị nghi đạo văn ảnh 3

Thêm một bằng chứng khác, tại Chương IV của PGS. Võ Viết Đạn (bài trái) và Chương 4 của PGS. Trần Văn Tớp. 

Chương 9 “Tải điện xa và quá điện áp trên đường dây dài” của PGS. Tớp giống với Chương VI của PGS. Đạn với tên “Tải điện xa và quá điện áp trên đường dây dài”; Chương 10: Quá điện áp nội bộ trong hệ thống điện – Chương VII Quá điện áp nội bộ trong hệ thống điện; Chương 11: Cách điện đường dây – Chương III: Cách điện đường dây.

Điển hình nhất là trong Chương 4 “Tính toán nối đất” từ Phần 4.5.1 (trang 150) đến phần 4.5.3 (trang 159) sách của PGS. Tớp có nội dung gần như giống 100% trong Chương IV “Tính toán nối đất từ” Phần 4.1 (trang 43) đến hết chương theo sách của PGS. Đạn.

Giảng viên Nguyễn Ngọc Thành đề nghị Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, UBKT Đảng Thành ủy Hà Nội; Hội đồng chức danh GS.PGS nhà nước, Hội đồng chức danh GS.PGS ngành điện, Vụ trưởng Vụ GD&ĐT đại học, Thanh tra Bộ GD&ĐT, Vụ tổ chức cán bộ cùng Đảng ủy khối, UBKT Đảng ủy khối, sự hỗ trợ của các nhà khoa học ngành điện, Viện điện và Bộ môn hệ thống điện khẩn cấp xem xét, giải quyết và kiên quyết xử lí nội dung tố cáo này nhằm làm trong sạch, lấy lại uy tín cho Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội và nền GD&ĐT nước nhà.

Thêm một hiệu phó Trường Đại học Bách khoa Hà Nội bị nghi đạo văn ảnh 4

Đây là cuốn giáo trình của PGS. Trần Văn Tớp.

Trao đổi với chúng tôi, ông Thành cũng khẳng định mình sẵn sàng thảo thuận trực tiếp, công khai với lãnh đạo Đảng, Chính quyền, các bộ phận chức năng để giải quyết trực tiếp và các nhà khoa học về nội dung tố cáo này.

Xem xét lại trong phần mở đầu cuốn giáo trình của mình, PGS. Trần Văn Tớp viết: “Tài liệu này được biên soạn dựa trên kinh nghiệm giảng dạy môn học Kỹ thuật cao áp và tài liệu “Một số vấn đề kỹ thuật điện áp ở siêu cao cáp và cực cao áp” do GS Võ Viết Đạn biên soạn năm 1992”… Tuy nhiên, PGS. Tớp đã ghi thiếu tên giáo trình đầy đủ của PGS. Võ Viết Đạn “Một số vấn đề kỹ thuật điện cao áp ở siêu cao áp và cực cao áp” và viết sai năm từ 1993 thành 1992, ông Thành đặt câu hỏi điều này có ý nghĩa gì? 

Hiệu phó Trần Văn Tớp nói gì?

Trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, PGS. Trần Văn Tớp – Hiệu phó Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, việc ông Nguyễn Ngọc Thành tố cáo ông, bản thân ông đã biết sự việc và đã có giải trình với Bộ GD&ĐT. Nói thêm, PGS. Tớp cho rằng quyển sách của PGS. PTS. Võ Viết Đạn không phải là giáo trình, mà chỉ là một tập bài giảng chuyên đề của bộ môn chuẩn bị cho việc vận hành đường dây 500 KV và một số vấn đề mới của kỹ thuật về cực cao áp và siêu cao áp.

“Tôi đã giải trình, bộ môn cũng đã có ý kiến, hiện nay bộ Giáo dục đang trong quá trình thẩm định. Nếu cần chúng tôi có thể trao đổi để báo chí rõ hơn” ông Tớp cho biết.

Chia sẻ thêm về lí do để trùng lặp nội dung, PGS. Trần Văn Tớp cho biết, thời gian đó 2007) ông có soạn giáo trình và có cập nhật nội dung của PGS. Võ Viết Đạn. “Nếu bảo hai quyển giống nhau là không đúng, những phần cần cập nhật thì tôi đã cập nhật” PGS. Tớp khẳng định.

Chiều ngày 30/9, trao đổi với Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Huy Bằng – Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT khẳng định đã nhận được nội dung tố cáo và đang chờ cấp trên chỉ đạo xử lí.

Trước đó, tại Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội một hiệu phó khác là ông Nguyễn Cảnh Lương cũng từng bị giảng viên Nguyễn Ngọc Thành tố cáo vì đạo văn, vụ việc này tới nay chưa có hình thức xử lí.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.

Phương Thảo