GS Đào Trọng Thi:

“Thanh niên nông thôn đi học nghề cốt là để nhận tiền ăn rồi về”

04/11/2013 07:00
Ngọc Quang
(GDVN) - “Việc tổ chức lớp học đôi khi còn mang tính chất đối phó, hình thức và mang tính chất để giải ngân mà không được kiểm soát, giám sát và tổ chức một cách nghiêm túc. Bởi vậy nhiều nơi người ta cử thanh niên nông thôn đi học nghề cốt là để nhận tiền ăn rồi về, bởi vậy hiệu quả kém”.

Trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 13 về chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 (gọi tắt là Đề án 1956), được triển khai từ 2010 với mục tiêu đào tạo 1 triệu lao động nông thôn mỗi năm và nguồn vốn ngân sách đầu tư trực tiếp dự kiến lên đến gần 26.000 tỷ đồng, GS Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội nhận định, đặc điểm của chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn là đào tạo trực tiếp cho thanh niên ở nông thôn và cũng là để họ lao động trực tiếp tại địa phương, tức là phải khai thác chính cái ngành nghề ở tại địa phương và cung cấp cho họ những kiến thức, kỹ năng cần thiết để họ lại phát triển lao động và tạo ra những sản phẩm liên quan đến thế mạnh của làng quê, nếu làm được một cách nghiêm túc thì rất tốt, tức là mục tiêu rất rõ ràng, cụ thể và thực tế. 

GS.TSKH Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng.
GS.TSKH Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng.

Tuy nhiên, GS Thi cũng chỉ rõ hai khó khăn hiện hữu:

Một là nhiều khi cung cấp chương trình các lớp tập huấn nghề không bám sát vào thực tiễn để phát triển ngành nghề ở chính địa phương ấy, nếu không bám sát thực tiễn thì khi đào tạo nghề xong, người lao động không biết dùng để làm gì cả. 
Hai là hiệu quả chương trình kiến thức trong đào tạo nghề, vì nó phải bám sát vào các ngành nghề đã có các chương trình kiểm nghiệm trong thực tiễn. Thí dụ, đào tạo nghề mà chưa thể áp dụng được vào thực tiễn thì lãng phí. Các chương trình nội dung trong đào tạo nghề cũng không chuẩn bị được kỹ.
“Việc tổ chức lớp học đôi khi còn mang tính chất đối phó, hình thức và mang tính chất để giải ngân mà không được kiểm soát, giám sát và tổ chức một cách nghiêm túc. Bởi vậy nhiều nơi người ta cử thanh niên nông thôn đi học nghề cốt là để nhận tiền ăn rồi về, bởi vậy hiệu quả kém. 
Tôi cho rằng nếu cái này mình đặt ra mục tiêu, ý tưởng rất là hay nhưng thực hiện không nghiêm túc, thì rất có thể là sự lãng phí. Lãng phí ở đây có thể là lãng phí cả tiền của nhà nước và lãng phí cả thời gian của người lao động nữa và không khéo tạo ra một cái một môi trường xấu, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động tại khu vực đó về thái độ lao động, tinh thần lao động của họ”, GS Thi đánh giá.
Theo Đề án 1956 mục tiêu đến 2015 sẽ có 40% lao động nông thôn có nghề và 2020 là có 50% lao động nông thôn, đặc biệt là thanh niên nông thôn sẽ có nghề. Tuy nhiên, GS Đào Trọng Thi nhận định, kỳ vọng vào con số này là hơi cao, chỉ có hình thức chứ không thực sự hiệu quả.

“Tôi nghĩ cần phải tính thật là kỹ và không nên chạy theo các chỉ tiêu mang tính số lượng và hình thức mà phải làm một cách nghiêm túc, hiệu quả. Có thể nó chậm về thời gian ban đầu nhưng khi vào nề nếp rồi, khi triển khai sẽ đạt được hiệu quả và quy mô của dự án có thể được nâng lên. Theo tôi, đi chậm nhưng chắc, làm một cách chắc chắn có hiệu quả thực sự”, ông Thi nói.

Ngọc Quang