Những bài giảng của cô khiến học sinh dễ học, dễ nhớ

23/01/2015 17:23
Phạm Thu Ngà
(GDVN) - Lễ trao giải sáng tạo dành cho giáo viên trong cuộc thi "Nữ giáo viên sáng tạo năm 2014" tổ chức đã diễn ra sáng 23/01 tại Hà Nội với nhiều bất ngờ.

Hội thi có nhiều bất ngờ

Hội thi "Nữ giáo viên sáng tạo năm 2014" do Bộ GD&ĐT phát động trên toàn quốc từ tháng 4 đến tháng 10/2014, dành cho nữ giáo viên đang công tác tại các cơ sở giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông.

Mục đích Hội thi nhằm tôn vinh, khích lệ tinh thần sáng tạo của các cô giáo trong công tác giảng dạy, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo, đồng thời khẳng định vai trò, vị thế và những đóng góp của các cô đối với sự nghiệp trồng người. 

Những bài giảng của cô khiến học sinh dễ học, dễ nhớ ảnh 1

Những giáo viên đoạt giải được Bộ GD&ĐT vinh danh. Ảnh Thu Ngà

Trải qua 6 tháng phát động, Hội thi đã nhận được 3.048 bài dự thi của các nữ giáo viên từ các trường học trên cả nước, thuộc tất cả các cấp học, từ mầm non đến trung học phổ thông, thuộc 20 lĩnh vực tương ứng với môn học theo quy định.

Ba tác phẩm xứng đáng đạt giải nhất thuộc về cô giáo Võ Thị Ngọc Ánh - giáo viên toán Trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành (TP Kon Tum) - với sản phẩm “Bộ hình ảnh động và sơ đồ tư duy hỗ trợ giảng dạy hình học 10”; cô giáo Lê Thị Xuân Lộc - Trường Mầm non Hoa Mai (TP Tây Ninh) - với công trình “Nước và các hiện tượng tự nhiên” ở lĩnh vực phát triển ngôn ngữ, hoạt động: Chuyện sự tích ngày và đêm; cô giáo Nguyễn Thị Anh Toàn - giáo viên địa lý Trường THCS Hải Đình (Đồng Hới, Quảng Bình) - với bài giảng E- Leaning địa lý 6…

Những bài giảng của cô khiến học sinh dễ học, dễ nhớ ảnh 2

Đừng lấy phong bì làm thước đo sự tri ân

(GDVN) - “Nên để chính các em tự bàn bạc và tự lên kế hoạch, tổ chức chọn 1 món quà ý nghĩa cho thầy cô của mình” lời thầy Trần Trung Hiếu.

Nhiều bài giảng đã áp dụng sự tiến bộ của công nghệ - thông tin vào bài giảng nhằm gây ấn tượng, tăng sức hấp dẫn, đổi mới phương pháp dạy, tránh xa lối dạy truyền thống và giúp học sinh hiểu sâu vấn đề.

Là 1 trong 3 nhân vật đạt giải thưởng cao nhất tại cuộc thi năm nay, cô Lê Thị Xuân Lộc (24 tuổi, giáo viên Trường Mầm non Hoa Mai, xã Thạnh Tân, TP Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) chính là người mang đến làn gió mới cho cách dạy ở bậc mầm non.

Dùng hiệu ứng hình ảnh để kể chuyện cho trẻ lớp lá, cô Xuân Lộc đã chuyển tải đề tài: “Câu chuyện Sự tích ngày và đêm” một cách rất thú vị và hiệu quả.

Vẫn là câu chuyện hàng ngày, nhưng cô giáo Lộc đã biết đổi mới phương pháp dạy, khiến các em nhỏ vô cùng thích thú và tập trung. Kể chuyện đến đâu, màn hình lại chiếu hình ảnh minh họa đến đó, làm cho tiết học sinh động hơn rất nhiều.

“Mới chỉ có kinh nghiệm giảng dạy trong vài năm nhưng mình hiểu, đối với lứa tuổi mầm non, các em rất hiếu động và tinh nghịch. Nếu tuân thủ theo cách dạy truyền thống, các con sẽ cảm thấy nhàm chán và mất tập trung. Bài giảng của mình dựa vào việc thể hiện hình ảnh minh họa sinh động, dễ nhớ giúp trò vừa học vừa chơi, vừa kích thích tư duy sáng tạo”- cô Xuân Lộc chia sẻ.

Không chỉ có đề tài được vinh danh tại Hội thi, cô Lộc cũng được biết đến là người thầy luôn hết mình trong việc đổi mới các tiết học. Kết thúc mỗi câu chuyện, cô luôn xây dựng các trò chơi như: lựa chọn màu sắc cho ngày và đêm; cho bé biểu diễn thời trang với các loại mũ khi ra đường vào thời điểm ngày và đêm; sự nổi giận của thiên nhiên...

Trong khi đó, cô Võ Thị Ngọc Ánh (Trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành - Kon Tum), với kinh nghiệm trong nghề đã được hơn 10 năm, lại đạt giải Nhất với công trình: “Bộ video hình ảnh động và sơ đồ tư duy hỗ trợ giảng dạy hình học lớp 10”.

Từ những hình ảnh trong sách, cô đã lựa chọn giải pháp thay thế bằng những đoạn video phong phú, mang tính chuyển động để kích thích học trò chú ý vào vấn đề được đưa ra. Bộ công cụ của cô dễ dàng giúp giáo viên khác đưa vào bài giảng thực tế hoặc điện tử.

Sáng tạo những bài giảng dễ hiểu, dễ nhớ cho học trò. 

Với bài giảng E-Learning địa lý lớp 6, cô giáo Nguyễn Thị Anh Toàn (29 tuổi, giáo viên Trường THCS Hải Đình, TP Đồng Hới, Quảng Bình) cũng đã xuất sắc vượt lên trên 3.000 tác phẩm khác để giành giải Nhất tại Hội thi.

Những bài giảng của cô khiến học sinh dễ học, dễ nhớ ảnh 3

Cô giáo Nguyễn Thị Anh Toàn (29 tuổi, giáo viên Trường THCS Hải Đình, TP Đồng Hới, Quảng Bình)  đã xuất sắc vượt lên trên 3000 tác phẩm khác để giành giải Nhất tại Hội thi. Ảnh Thu Ng

Bằng việc đưa ra các khái niệm, thuật ngữ một cách ngắn gọn, không triết lý, rườm rà, những khái niệm thuộc bộ môn Địa lý như: sông là gì, hồ là gì, thế nào là phụ lưu, lưu vực sông, lưu lượng nước, chế độ nước sông, nguyên nhân hình thành hồ,…đều được các em học sinh tiếp thu nhanh chóng.

Những bài giảng của cô khiến học sinh dễ học, dễ nhớ ảnh 4

Cô giáo vùng cao vượt qua 5.000 giáo viên, đạt giải Nữ giáo viên sáng tạo

(GDVN) - Đó là cô giáo Võ Thị Ngọc Ánh đã từng bước vượt qua khó khăn để đến với nghề nhà giáo và liên tục đạt nhiều giải thưởng do Bộ GD&ĐT tổ chức.

Cô Toàn cũng rất cố gắng trong việc bổ sung nhiều hình ảnh qua tranh vẽ, sơ đồ, ảnh chụp và các đoạn video minh họa một cách sinh động...để các em nắm chắc, hiểu sâu.

Theo lời của cô Toàn: “Thông qua các bài giảng điện tử của mình, điều tôi mong muốn nhất là việc thay đổi thái độ với môn học của các em. 

Địa lý là môn học thuộc khối C, nên không được chú trọng bằng các môn khối khác. Phải hiểu được bài các em mới thích thú với môn học và tiếp tục tìm kiếm để nâng cao kiến thức. Bài giảng điện tử này, cũng sẽ giúp chúng tôi cập nhật thông tin, tiết kiệm thời gian trong việc chuẩn bị thiết bị, đồ dùng dạy học”.

Không dừng lại ở phạm vi môn học Địa lý, bài giảng của cô Toàn còn là một kho kiến thức rộng lớn, khi được tích hợp  nhiều kiến thức của các môn học như: giáo dục công dân, âm nhạc, toán, môi trường... 

Bài giảng đã được đưa vào giảng dạy tại Trường THCS Hải Đình từ học kỳ 2 năm học 2013-2014 và tạo ra những bước chuyển hết sức đáng chú ý.

Theo đánh giá, dù là lần đầu tiên tổ chức nhưng Hội thi năm nay đã thu được khá nhiều kết quả vượt mong đợi. Các bài thi đã thể hiện chủ đề phong phú, thuộc nhiều lĩnh vực khoa học và giáo dục, thiết thực với công việc giảng dạy và chăm sóc, giáo dục học sinh hàng ngày của giáo viên.

Ngoài 3 giải Nhất, Ban tổ chức còn trao 6 giải nhì, 8 giải ba, 43 giải khuyến khích. Các sản phẩm đoạt giải sẽ bổ sung vào nguồn bài giảng cho thư viện bài giảng trên mạng để chia sẻ với các giáo viên trong cả nước, là nguồn tư liệu để hỗ trợ giảng dạy, giáo dục học sinh trong các trường học.

Phạm Thu Ngà