Nhức nhối tội phạm hình sự ở học sinh, sinh viên

07/08/2014 15:45
Đỗ Tấn Ngọc
(GDVN) - Trước con số đáng báo động, 8000 vụ học sinh, sinh viên vi phạm hình sự trong 5 năm, trách nhiệm của nhà trường, gia đình và xã hội nằm ở đâu?

Tỷ lệ tội phạm học sinh, sinh viên tăng cao

Năm năm có gần 8000 vụ học sinh (HS), sinh viên (SV) vi phạm hình sự. Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo tổng kết năm năm thực hiện thông tư liên tịch về công tác đảm bảo an ninh, trật tự tại các cơ sở giáo dục (2009-2014) do Bộ GD&ĐT cùng Bộ Công an tổ chức ngày 5/8 tại TP Hà Nội.

Cụ thể, trong số hơn 8.000 vụ việc trên, liên quan tới gây rối trật tự công cộng là 935 vụ, tội phạm ma túy 357 vụ, giết người 37 vụ, cướp, trộm cắp tài sản trên 6.000 vụ…

Ông Nguyễn Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác HS-SV (Bộ GD&ĐT), cho biết một thực trạng báo động là tình hình HS, SV phạm pháp tiếp tục gia tăng cả về số lượng và mức độ nghiêm trọng.

Thời gian gần đây, có nhiều vụ án do HS, SV thực hiện táo tợn, gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm hoang mang, lo lắng trong dư luận. Có thể khẳng định rằng, một bộ phận không nhỏ HS,SV hiện nay quá đề cao giá trị vật chất, có lối sống hưởng thụ, coi thường kỷ cương pháp luật, lệch lạc về đạo đức, lối sống.

Nhức nhối tội phạm hình sự ở học sinh, sinh viên ảnh 1

Ảnh minh họa

HS, SV ở lứa tuổi này thường có những suy nghĩ, việc làm bồng bột, non dại, manh động, không lường trước hậu quả nghiêm trọng. Do ảnh hưởng của các loại sách báo độc hại, phim ảnh đen, thông tin, hình ảnh độc hại, đầy bạo lực trên mạng internet, khiến nhiều HS, SV nhiễm thói hung bạo.

Để có tiền tiêu xài, ăn chơi, hút xách, lao vào các trò điện tử, chát chít, những cô, cậu HS, SV thời nay hư hỏng, cá biệt bày cho nhau về nhà bòn rút tiền của của cha mẹ hoặc rủ nhau đi "xin đểu" cướp giật, trộm cắp...

Có đối tượng chỉ hơn chục tuổi đã dính vào hàng chục vụ phạm pháp. Những băng nhóm, phạm tội "nhí" tham gia đua xe, trộm cướp, trấn lột, chém giết theo kiểu "xã hội đen" làm nhiều bậc cha mẹ phải lo lắng và đau xót.

Trách nhiệm thuộc về gia đình, nhà trường hay xã hội?

Gia đình, nhà trường, chính quyền, đoàn thể xã hội là các nhân tố có trách nhiệm, bổn phận tuyên truyền, giáo dục con trẻ sống có kỉ cuơng, nề nếp, lành mạnh, tránh xa bạo lực, tệ nạn xã hội. Thực tế thì ba nhân tố trên đều chưa thể hiện hết vai trò, chức năng của mình trong bối cảnh phức tạp hiện nay mà đối tượng thanh thiếu niên dễ bị ảnh hưởng, tác động xấu.

Trước hết về gia đình, thời gian học sinh, thanh thiếu niên ở gia đình là chủ yếu nhưng về phía gia đình, trong bối cảnh kinh tế phát triển, đời sống ngày một khá giả, nhiều bậc cha mẹ chỉ biết chăm lo vào việc kiếm tiền, phát triển đời sống vật chất mà sao nhãng, thiếu hoặc không quan tâm chăm sóc, giáo dục chu đáo, thậm chí có biểu hiện bất lực, nuông chiều quá mức khiến con em dễ sa ngã, hư hỏng.

Đánh giá nguyên nhân dẫn tới tình trạng phạm tội ở đối tượng HS, SV, vị thành niên tăng cao, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang (Trong chương trình Dân hỏi- Bộ trưởng trả lời của đài truyền hình Việt Nam) từng nhấn mạnh:” Trước hết đến vấn đề giáo dục gia đình có chiều hướng lỏng lẻo và không được quan tâm đúng mức, không có cái gốc “giáo dục gia đình”, con người rất dễ bị lôi kéo vào con đường phạm tội”. Quả thực, đúng như vậy.

Nhà trường, thầy cô giáo phổ thông mặc dù cũng có nhắc nhở, răn dạy về nhân cách, đạo đức, lối sống… song lại thiếu thường xuyên, thiếu cụ thể sâu sát và không có sức thuyết phục. Dường như bây giờ thầy cô, nhà trường chỉ quan tâm, chú trọng tranh đua về mặt dạy chữ để học sinh thi thố trường này, trường khác.... chứ chưa dành thời gian thỏa đáng, tâm huyết thực sự cho vấn đề rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, hình thành nhân cách, kỹ năng sống học sinh.

Lên bậc Đại học, Cao đẳng, thầy cô giáo chủ nhiệm phải năm thì mười họa mới gặp Sinh viên, lớp chủ nhiệm 1 lần. Phần lớn SV ở xa nhà, xa gia đình, nơi phố thị có nhiều cám dỗ, lại ít được nhà trường quản lý, chỉnh đốn về đạo đức… nên không ít SV bỏ bê học hành, sa ngã vào ăn chơi, tội phạm…

Vai trò, chức năng của chính quyền, đoàn thể xã hội trong việc giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên, HS, SV ở nhiều địa phương đã, đang bị suy giảm nặng, thậm chí có nơi bị triệt tiêu hoàn toàn. Nếu có làm thì chỉ mang tính hình thức, phòng trào... 

Sự việc của con trẻ đã xảy ra nghiêm trọng rồi mới biết tới. Giải quyết, xử lý khi mọi việc đã rồi, liệu tác dụng hiệu quả được bao nhiêu? Lại còn có chuyện dễ dãi, du di, tiêu cực trong giải quyết, quyết định bản chất sự việc... Làm cho pháp luật bị khinh nhờn, chính quyền, đoàn thể giảm sút niềm tin.

Bên cạnh đó, vấn đề đạo đức xã hội xuống cấp, thói vô cảm, hờ hững, ngại, sợ đấu tranh chống lại cái ác, cái xấu, cái tiêu cực…đang nổi lên nhức nhối. Đây cũng là nguyên nhân làm cho cái ác, cái xấu, cái tiêu cực ở lứa tuổi HS,SV có cơ hội nảy nở, phát triển đến mức đáng quan ngại.

Trong tình hình như hiện nay, nếu chỉ có phía nhà trường, lực lượng công an  giáo dục, giải quyết, trấn áp tội phạm thì e rằng rất khó thành công. 

Chính vì vậy, tính cộng đồng, sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả thường xuyên giữa nhà trường, chính quyền đoàn thể xã hội và gia đình, mới hình thành một lực lượng đủ mạnh để khống chế, ngăn chặn tình trạng tội phạm trong HS, SV đang gia tăng đến mức báo động đỏ. 

Học sinh sinh viên dính đến ma túy tăng mạnh

Học sinh sinh viên dính đến ma túy tăng mạnh

Học sinh sinh viên dính đến ma túy tăng mạnh

Học sinh sinh viên dính đến ma túy tăng mạnh

Học sinh sinh viên dính đến ma túy tăng mạnh

Đỗ Tấn Ngọc