TS. Lê Viết Khuyến:

Nguồn tuyển có cạn kiệt hay không còn phụ thuộc vào "tỉ lệ TS ảo"

09/08/2013 07:52
Xuân Trung
(GDVN) - Trước sức ép từ dư luận trong những năm gần đây cho rằng, Bộ GD&ĐT hằng năm luôn giấu kỹ phổ điểm đại học, cao đẳng, điều đó lo ngại sự không minh bạch trong cách tính điểm sàn.
Năm nay là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT công bố phổ điểm thi đại học, cao đẳng, nhận định về động thái này nhiều chuyên gia giáo dục đồng tình ủng hộ và hoan nghênh Bộ GD&ĐT.

Ảnh mang tính chất minh họa.
Ảnh mang tính chất minh họa.

Trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), đồng thời là Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục (Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập Việt Nam) cho biết, việc Bộ GD&ĐT công khai phổ điểm là điều đáng hoan nghênh, nhận định ban đầu cho thấy phổ điểm năm nay cả 4 khối có sự cân đối hơn, không như những năm trước đây phổ điểm rất lệch nhau (trừ khối C).

Phổ điểm khối A năm 2013 được Bộ GD&ĐT công bố trong Hội đồng điểm sàn.
Phổ điểm khối A năm 2013 được Bộ GD&ĐT công bố trong Hội đồng điểm sàn.
Phổ điểm khối B năm 2013.
Phổ điểm khối B năm 2013.
Phổ điểm khối C năm 2013.
Phổ điểm khối C năm 2013.
Phổ điểm khối D1 năm 2013.
Phổ điểm khối D1 năm 2013.

TS. Lê Viết Khuyến cũng nhận định, những năm tới đề thi mang tính chất chuẩn mực cần phải cố gắng nhiều để làm sao đỉnh của phổ điểm rơi vào khoảng giữa phổ (15-16 điểm).

Và, nếu chưa đạt được điều đó việc tổ chức ra đề và thi của bộ vẫn chưa thực sự hướng vào lấy người học làm trung tâm, vấn đề này đi ngược lại với xu hướng của đại học thế giới hiện nay.

Chia sẻ tiếp với chúng tôi, TS. Lê Viết Khuyến  cho rằng, với phổ điểm năm nay được cải thiện thì khả năng can thiệp nguồn tuyển sẽ giảm đi, nhưng có khắc phục được tình trạng cạn kiệt nguồn tuyển hay không thì còn phụ thuộc vào tỉ lệ điểm ảo trong kết quả thi của thí sinh.

“Bộ không thể kiểm soát được tỉ lệ ảo này, nếu tỉ lệ điểm ảo cao thì tình trạng cạn kiệt nguồn tuyển vẫn sẽ còn, và thực tế sẽ trả lời cho bộ điều đó (chừng nào bộ chưa chấp nhận sử dụng đỉnh phổ làm điểm sàn)” TS. Lê Viết Khuyến nêu quan điểm.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm của một người từng làm công tác hỗ trợ chất lượng giáo dục đại học lâu năm, TS. Lê Viết Khuyến cũng chưa thật hài lòng và chưa thật yên tâm với cách xác định điểm sàn như hiện này của bộ.

“Nếu bộ nói rằng từ nay trở về sau có thể sử dụng cách xác định điểm sàn này để tính điểm sàn thì đó là suy nghĩ chủ quan, nếu năm nay còn vấn đề nào chưa được như mong muốn thì bộ phải rút kinh nghiệm chứ không khẳng định được” TS. Lê Viết Khuyến nói.

Đánh giá về cách xác định điểm sàn năm nay, TS. Lê Viết Khuyến cho rằng, việc xác định điểm sàn nhưng bộ vẫn kiểm soát cả chỉ tiêu, nên việc định được điểm sàn chỉ là điều kiện cần chứ không phải là điều kiện đủ để được vào đại học: “Không phải cứ vượt qua điểm sàn là vào đại học, cho nên hà cớ gì bộ phải chọn điểm sàn ở mức cao?” TS. Lê Viết Khuyến đề nghị.

Đây là phổ điểm những năm trước đó của từng khối thi, với phổ điểm này có nhiều các môn không có sự cân đối.
Đây là phổ điểm những năm trước đó của từng khối thi, với phổ điểm này có nhiều các môn không có sự cân đối.

Thông tin về phổ điểm những năm gần đây, TS. Lê Viết Khuyến cho biết, nhìn chung rất ít môn thi có phổ điểm đạt “chuẩn”. Môn thi có phổ điểm ”đẹp” nhất là môn Văn ( cho cả 2 khối thi C và D ) và tiếp đó là môn Địa ( Khối C ) - Phổ điểm của từng môn này có phân bố khá đối xứng. Tất cả các môn thi còn lại ( Toán, Lý, Hóa, Sinh, Sử, Ngoại ngữ ) thường có phổ điểm rất “xấu”, đỉnh phổ thường lệch mạnh về phía trái. Có xu hướng phổ điểm bị mất đối xứng nhiều hơn đối với các môn thi có đề dạng trắc nghiệm.

Về phổ của tổng điểm 3 môn cho từng khối thi: Khối C có phổ “đẹp” nhất, phân bố gần đối xứng. Do đó nếu xác định điểm sàn cho khối này ở gần điểm giữa phổ là hợp lý. Phổ khá ”xấu” đối với 3 khối còn lại ( A, B, D ), đặc biệt “rất xấu” ở khối A là khối chiếm số đông thí sinh. Ở khối này đỉnh phổ chỉ ở vị trí 6-7/30 nên nếu lấy điểm sàn ở vị trí gần giữa phổ ( 15/30 ) sẽ loại ra phần lớn thí sinh.

Trước đó, trong buổi họp của Hội đồng điểm sàn quốc gia năm 2013, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, điểm sàn năm nay được xác định theo cách mới, dựa vào phổ điểm (tổng điểm bình quân của các thí sinh thay vì chỉ căn cứ vào chỉ tiêu như trước đây).

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Ga cũng thừa nhận, năm nay Hội đồng điểm sàn vẫn căn cứ vào chỉ tiêu nhưng không phải  là một con số duy nhất để căn cứ, mà căn cứ vào ngưỡng tối thiểu mà thí sinh có thể học được ở bậc đại học, cao đẳng. Từ đó Hội đồng điểm sàn cân nhắc điều chỉnh chút ít như tăng nửa điểm hoặc giảm nửa điểm để đảm bảo số lượng thí sinh trên sàn và giúp các trường có đủ nguồn tuyển.

Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng khẳng định, năm nay bộ sẽ công bố công khai phổ điểm để cho xã hội cùng kiểm tra, tính toán, giám sát chất lượng của thí sinh, với phổ điểm ấy thì bất cứ ai cũng có thể biết được điểm sàn là bao nhiêu.

Xuân Trung