Nghị quyết 29 về đổi mới giáo dục: Chúng ta đã làm được những gì?

03/11/2014 06:05
Xuân Hòa
(GDVN) - Từ khi Nghị quyết 29 ra đời để đổi mới cải cách toàn diện nền giáo dục, ngành giáo dục đã làm được gì và những gì còn tồn tại?

Nghị quyết 29 đưa giáo dục đến gần với thực tiễn 

Trong ngày 31/10 và 1/11 tại TP.Vinh, tỉnh Nghệ An, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An tiến hành đánh giá kết quả đổi mới giáo dục theo Nghị quyết 29 cho giáo viên các trường tiểu học tại 8 huyện của địa phương này . Qua các buổi đánh giá này, quan điểm của các giáo viên trực tiếp giảng dạy tại địa bàn và cán bộ Bộ Giáo dục đã được đưa ra để đánh giá những thuận lợi và vướng mắc từ chương trình đổi mới giáo dục.

Ngày 4/11/2013 tại Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI Nghị quyết số 29-NQ/TW đã được ban hành. Nghị quyết này ra đời với mục đích về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo để đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Ngày 31/10 và 1/11 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An có cuộc trao đổi đánh giá trực tiếp kết quả cải cách giáo dục theo Nghị quyết 29 với các giáo viên tiểu học tại địa phương này
Ngày 31/10 và 1/11 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An có cuộc trao đổi đánh giá trực tiếp kết quả cải cách giáo dục theo Nghị quyết 29 với các giáo viên tiểu học tại địa phương này

Tại các buổi thảo luận hiệu trưởng các trường tiểu học của tỉnh Nghệ An đều có đánh giá chung Nghị quyết 29 ra đời đã đưa giáo dục và đào tạo đi sát hơn đến với người dân. Nghị quyết 29 ra đời đã giúp nâng cao trình độ giảng dạy của đội ngũ giáo viên. Cùng với đó sự đổi mới này đã đưa học sinh đem những bài học tại trường áp dụng đi sát hơn với thực tiễn cuộc sống qua các chương trình học ngoại khóa và đời sống hàng ngày. Còn với người dân và trực tiếp là các phụ huynh học sinh đã hiểu được tầm quan trọng của công tác giáo dục.

Trao đổi về vấn đề này, thầy Nguyễn Minh Tuấn – Hiệu trưởng trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, thị trấn Hưng Nguyên, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An cho rằng: Nghị quyết 29 ra đời đã giúp đội ngũ giáo viên nâng cao trình độ giảng dạy, thân thiện hơn với học sinh qua các đợt bồi dưỡng nghiệp vụ và tập huấn. Các em học sinh cũng đã đưa được các bài giảng trên trường lớp đến với cuộc sống thực tiễn qua sinh hoạt ngoại khóa hay áp dụng qua sinh hoạt hàng ngày. Ví dụ như giảng dạy cho các em về luật giao thông để các em có thể áp dụng ngay hàng ngày khi các em tham gia giao thông.

Tiến sĩ Trần Đình Châu – Vụ trưởng, Chánh văn phòng Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng: Cần phát huy những kết quả đã đạt được từ cải cách giáo dục theo Nghị quyết 29 và cần uốn nắn để phù hợp những cái còn hạn chế, vướng mắc đưa giáo dục Việt Nam sớm hội nhập quốc tế
Tiến sĩ Trần Đình Châu – Vụ trưởng, Chánh văn phòng Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng: Cần phát huy những kết quả đã đạt được từ cải cách giáo dục theo Nghị quyết 29 và cần uốn nắn để phù hợp những cái còn hạn chế, vướng mắc đưa giáo dục Việt Nam sớm hội nhập quốc tế

Về vấn đề này, cô giáo Nguyễn Thị Thu – Hiệu trưởng trường tiểu học Nghi Thiết, Nghi Lộc, Nghệ An cho rằng: Việc đổi mới giáo dục theo Nghị quyết 29 đã giúp nhà trường và phụ huynh có những sự phối hợp, gắn bó mật thiết để định hướng cho học sinh có được hiệu quả học tập tốt nhất. Cùng với đó việc phối hợp và gắn bó chặt chẽ giữa lãnh đạo cấp trên đến tận các cơ sở cũng đã giúp đội ngũ giáo viên cơ sở sớm nắm được các định hướng mới trong chính sách và phương pháp giảng dạy.

Cô giáo Nguyễn Thị Bích – Hiệu phó trường tiểu học Nam Kim, huyện Nam Đàn, Nghệ An trao đổi: Việc thay đổi phương pháp dạy và học theo Nghị quyết này đã giúp giáo viên, học sinh giảm bớt gánh nặng, sức ép, sự giáo điều trong giảng dạy. Các em học sinh cũng thích thú hơn với học tập và nắm bắt được bài vở nhanh hơn qua các buổi tham quan ngoại khóa. Còn với phụ huynh họ cũng nhận thức đúng đắn hơn tầm quan trọng của ngành giáo dục. Các phụ huynh sẵn sàng đóng góp, ủng hộ cho ngành giáo dục khi nhận thấy việc nhà trường đầu tư giúp con em mình được học tập tốt hơn.

Những khó khăn tồn tại cần khắc phục

Tuy nhiên, ngoài những lợi ích từ việc đổi mới cách dạy và học áp dụng theo Nghị quyết 29 đã đạt được thì nhiều giáo viên cũng đã nêu lên nhiều bất cập trong quá trình đổi mới này.

Thầy Thái Huy Vinh - Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho biết: Ngành giáo dục và chính quyền địa phương này đang đặt vấn đề đầu tư giáo dục và mục tiêu số 1
Thầy Thái Huy Vinh - Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho biết: Ngành giáo dục và chính quyền địa phương này đang đặt vấn đề đầu tư giáo dục và mục tiêu số 1

Thầy Nguyễn Xuân Đường – Hiệu trưởng trường tiểu học Nghĩa Hiếu, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An bày tỏ quan điểm: Ngoài những điểm thuận lợi của Nghị quyết 29 trong công tác đổi mới trong giáo dục thì còn có những khó khăn nhất định. Điển hình như các trường ở các vùng miền núi, vùng sâu vùng xa còn thiếu thốn về cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học thì việc áp dụng kết hợp giữa dạy bằng bảng viết bình thường và áp dụng dạy bằng trình chiếu rất khó thực hiện được.

Đơn giản các trường này không có kinh phí đủ để đầu tư mua trang thiết bị để thực hiện giảng dạy bằng cách trình chiếu. Cùng với đó thì việc thay đổi cách dạy và học theo phương thức này còn dẫn đến sự bỡ ngỡ cho cả giáo viên và học sinh. 

Ngoài ra cơ sở vật chất trường lớp tại các vùng này vẫn còn nhiều thiếu thốn vì vậy để áp dụng cho học sinh các buổi học ngoại khóa cũng đang hạn chế vì thiếu kinh phí thực hiện. Trong khi đó, người dân tại các vùng này kinh tế cũng đang rất khó khăn vì vậy việc kêu gọi nguồn lực từ dân cũng rất hạn chế. 

Bên cạnh đó cũng cần mở thêm các đợt tập huấn cho giáo viên tại các vùng này vì họ ít có điều kiện tiếp xúc với công nghệ mới hơn ở vùng đồng bằng và thành thị.

Thầy Nguyễn Xuân Đường - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Hiếu, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An cho rằng: Ngoài những thứ mà cải cách giáo dục theo Nghị quyết 29 đạt được thì còn có những vướng mắc hạn chế nhất là về thiếu thốn trang thiết bị, cơ sở vật chất
Thầy Nguyễn Xuân Đường - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Hiếu, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An cho rằng: Ngoài những thứ mà cải cách giáo dục theo Nghị quyết 29 đạt được thì còn có những vướng mắc hạn chế nhất là về thiếu thốn trang thiết bị, cơ sở vật chất

Cô Nguyễn Thị Bình – Hiệu phó trường Tiểu học Nam Kim, Nam Đàn, Nghệ An cho rằng: Việc xã hội hóa giáo dục tại các trường học miền núi còn nhiều bất cập. Bởi người dân nơi này còn có cuộc sống khó khăn nên việc vận động các phụ huynh đưa con đến trường đã là một thành công. Vì vậy không thể trông đợi sự đóng góp vào giáo dục lớn từ các phụ huynh.

Về vấn đề này ông Thái Huy Vinh – Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho biết: Cấp ngành địa phương luôn quan tâm chú trọng vào đầu tư giáo dục. Ngoài những thuận lợi cụ thể đã thấy rõ làm giảm gánh nặng cho cả giáo viên và học sinh thì còn những bất cập trên. 

Để khắc phục những khó khăn đó ngành giáo dục và chính quyền địa phương cũng có những áp dụng linh hoạt phù hợp cho từng trường tại các khu vực khác nhau.

Bên cạnh đó tại các trường miền núi, vùng sâu vùng xa cũng đang tập trung đầu tư xây dựng các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú để các em học sinh xa trường có nơi ăn nghỉ tại chỗ không làm giảm đến chất lượng học. 

Cùng với đó chính quyền địa phương cũng hướng đầu tư ngân sách số một cho giáo dục để ngày càng nâng cao chất lượng dạy và học. Ngoài ra cũng kêu gọi các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức … đóng góp đầu tư xã hội hóa vào việc xây dựng các công trình giáo dục và trang thiết bị dạy học.

Cô Nguyễn Thị Bình – Hiệu phó trường Tiểu học Nam Kim, Nam Đàn, Nghệ An cho rằng: Việc xã hội hóa giáo dục tại các trường học miền núi còn nhiều khó khăn bởi đời sống người dân tại các vùng này còn nhiều thiếu thốn
Cô Nguyễn Thị Bình – Hiệu phó trường Tiểu học Nam Kim, Nam Đàn, Nghệ An cho rằng: Việc xã hội hóa giáo dục tại các trường học miền núi còn nhiều khó khăn bởi đời sống người dân tại các vùng này còn nhiều thiếu thốn

Trao đổi về vấn đề trên Tiến sĩ Trần Đình Châu – Vụ trưởng, Chánh văn phòng Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng: Những gì đã đạt được nên kết thừa và phát huy, nhất là trong cách cải cách dạy học và phương pháp học đã thay đổi hợp lý giảm áp lực, gánh nặng. 

Cách cải cách cũng đánh giá toàn diện và giúp học sinh ham học hơn tất cả các môn chứ không chỉ riêng các môn chính để tránh học sinh học tủ, học lệch. Bên cạnh đó ngoài việc học các môn học trên trường lớp thì nên chú tâm đồng đều các vấn đề liên quan như hoạt động ngoại khóa, nâng cao thể chất, thể lực cho học sinh để các em có ham muốn học hơn.

Bên cạnh việc kế thừa, phát huy những điểm mạnh từ việc cải cách thì cũng cố gắng uốn nắn thay đổi để phù hợp của tình hình từng địa phương, từng trường học cụ thể. Làm sao để hướng nền giáo dục nước ta vươn ra biển lớn hòa nhập với nền giáo dục của quốc tế. Sớm đưa giáo dục Việt Nam sớm sánh bằng giáo dục của các cường quốc trên thế giới.

Xuân Hòa