Một Phó hiệu trưởng chân tình góp ý cùng đổi mới giáo dục

22/01/2015 06:58
ĐỖ TẤN NGỌC
(GDVN) - Đổi mới chương trình, SGK sắp tới, Bộ GD&ĐT nên cân nhắc một cách chặt chẽ, để hoạt động mới thật sự an tâm trong giáo viên, thật sự hấp dẫn học sinh.

Trăn trở với sự nghiệp giáo dục, thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi sau khi tìm hiểu kỹ đã quyết định gửi đến lãnh đạo Bộ GD&ĐT; các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia tâm huyết của mình.

Ở đó, là các lập luận, giải pháp liên quan đến vấn đề đổi mới chương trình, sách giáo khoa đang được tiến hành.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Cuối năm 2014, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có yêu cầu Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Việc này bảo đảm mục tiêu, yêu cầu, nội dung đổi mới nêu trong Nghị quyết 88 của Quốc hội. Xây dựng và trình các đề án có liên quan nhằm bảo đảm đồng bộ các điều kiện về đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất để thực hiện đổi mới đã được nêu trong chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. 

Từ năm học 2018 - 2019, bắt đầu triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và SGK mới theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. 

Theo tinh thần đó,  từ đầu năm 2015, công tác biên soạn chương trình, SGK sẽ chính thức khởi động. Điểm đáng chú ý, từ phác thảo ban đầu,  nhấn mạnh yếu tố giảm kiến thức, tăng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh.

TS. Nguyễn Anh Dũng - Ủy viên thường trực Ban đổi mới chương trình, SGK, thiết kế khung chương trình cũng đưa ra một số thông tin cơ bản ban đầu như chương trình cấp Tiểu học duy trì 2 buổi/ngày, cấp THCS và THPT duy trì 1 buổi/ngày. 

Với cấp Tiểu học, việc đổi mới chương trình cơ bản không có nhiều xáo trộn, hoàn thiện hơn khung chương trình đã có sẵn. Chỉ có một số thay đổi về kĩ thuật như đổi tên một số môn học, các môn Tìm hiểu tự nhiên- xã hội lớp 1,2,3 sẽ tăng các giờ hoạt động thực tế thay vì chỉ học kiến thức lịch sử, địa lý đơn thuần… 

Đổi mới chương trình SGK, Bộ GD&ĐT nên cân nhắc một cách chặt chẽ để chương trình, những môn học, hoạt động mới thật sự hấp dẫn trong học sinh. ảnh Internet
Đổi mới chương trình SGK, Bộ GD&ĐT nên cân nhắc một cách chặt chẽ để chương trình, những môn học, hoạt động mới thật sự hấp dẫn trong học sinh. ảnh Internet

Đối với THCS và THPT, theo Ban đổi mới Chương trình, SGK, sự thay đổi khung chương trình tập trung vào mục tiêu phát triển qua các hoạt động trải nghiệm sáng tạo. TS Nguyễn Anh Dũng cho biết, đây là hình thức cho học sinh trải nghiệm bằng các hoạt động tham quan, thực địa, hình thành các câu lạc bộ… qua đó thu nhận kiến thức bằng các trải nghiệm này.

Một Phó hiệu trưởng chân tình góp ý cùng đổi mới giáo dục ảnh 2Đánh cắp xấu hổ

(GDVN) - Con người ta có được sự xấu hổ mới có được bản lĩnh, một người, một gia đình, một dòng họ hay một dân tộc, khi sự xấu hổ bị đánh cắp thì không còn gì để mất.

Chúng tôi được biết, mục đích, nội dung chính của hoạt động trải nghiệm và sáng tạo là hình thành và phát triển hệ thống tri thức khoa học, năng lực nhận thức và hành động của học sinh. Hình thành và phát triển những phẩm chất, tư tưởng, ý chí, tình cảm, giá trị, kỹ năng sống và những năng lực chung cần có ở con người trong xã hội hiện đại. 

Kiến thức khoa học, nội dung gắn với các lĩnh vực chuyên môn, kiến thức thực tiễn gắn bó với đời sống, địa phương, cộng đồng, đất nước, mang tính tổng hợp nhiều lĩnh vực giáo dục, nhiều môn học; dễ vận dụng vào thực tế. 

Về hình thức tổ chức thì đa dạng, phong phú, mềm dẻo, linh hoạt, mở về không gian, thời gian, quy mô, đối tượng và số lượng... Học sinh có nhiều cơ hội trải nghiệm. Học sinh tự hoạt động, trải nghiệm là chính. 

Có nhiều lực lượng tham gia chỉ đạo, tổ chức các hoạt động trải nghiệm với các mức độ khác nhau (giáo viên, phụ huynh, nhà hoạt động xã hội, chính quyền, doanh nghiệp,...Về kiểm tra đánh giá, nhấn mạnh đến kinh nghiệm, năng lực thực hiện, tính trải nghiệm. Theo những yêu cầu riêng, mang tính cá biệt hóa, phân hóa. Thường đánh giá kết quả đạt được bằng nhận xét.

Có thể nói, môn học, hoạt động mới này là rất cần thiết và hữu ích đối với học sinh, hầu hết các nước phát triển đã quan tâm và  đưa vào giáo dục trong nhà trường từ lâu. 

Về mặt lý thuyết, từ mục đích, nội dung, phương pháp, cách thức tổ chức đến kiểm tra, đánh giá như vậy là hoàn thiện, khá tốt. Nhưng vấn đề lớn đặt ra ở đây là công tác chuẩn bị, công tác đào tạo, bồi dưỡng lẫn nguồn lực vật chất, con người để triển khai, thực hiện nó kể từ năm học 2018-2019 như thế nào?

Hầu hết nhà trường, thầy cô giáo phổ thông từng rất bức xúc và thất vọng về công tác bồi dưỡng, chuẩn bị nhân lực, vật lực của Bộ GD&ĐT cho hoạt động ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp, hoạt động hướng nghiệp nghề và chương trình giáo dục địa phương… ở chương trình cải cách, phân ban đang thực hiện gần chục năm nay.

Giáo viên từ bậc tiểu học đến THPT dạy những nội dung, hoạt động trên đều là kiêm nhiệm từ các môn văn hóa khác, áp lực công việc nhà trường càng gia tăng, nhất là bậc tiểu học, lại chỉ được tập huấn, bồi dưỡng theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” mấy ngày nên chất lượng, hiệu quả không đạt, học sinh thì chán ngán, giáo viên thì loay hoay, mò mẫm. 

Vì nguồn kinh phí hạn hẹp nên trang thiết bị, tài liệu, vật dụng phục vụ cho nó hầu như không có gì, nhà trường chỉ toàn dạy chay, đến nay có địa phương cũng chưa biên soạn xong chương trình giáo dục địa phương, các môn như Lịch sử, Địa lý và Ngữ văn. 

Chuyện được nhà trường, thầy cô giáo tổ chức đi tham quan, trải nghiệm thực tế đó đây, đối với học sinh cả nước trở nên rất xa xỉ, hiếm hoi. Không có ràng buộc, quy định cụ thể về điểm số, hạnh kiểm; công tác kiểm tra của cấp trên bị thả nổi, bỏ ngỏ; nhiều địa phương, nhà trường bộc lộ tư tưởng xem nhẹ…hệ lụy là các hoạt động ấy thường diễn ra mang tính hình thức, đối phó, làm cho có, đầu voi đuôi chuột, thậm chí có đơn vị “ quên” thực hiện luôn. Nói không quá, mấy hoạt động hướng nghiệp, ngoài giờ lên lớp….trên thực tế đã bị phá sản từ lâu rồi.  

Một Phó hiệu trưởng chân tình góp ý cùng đổi mới giáo dục ảnh 3Thầy Văn Như Cương: Giáo dục năm 2014 chỉ đổi khác chứ chưa đổi mới

(GDVN) - Đây là quan điểm của thầy Văn Như Cương khi nhận định về một năm qua của giáo dục nước nhà. Đó là những việc làm có tính chất đổi khác và chưa biết kết quả...

Thực sự rút kinh nghiệm từ hạn chế, đổ bể của chương trình hiện hành, muốn môn học, hoạt động này ở nhà trường phổ thông có “sức sống” dài lâu, Bộ GD&ĐT, các trường đào tạo sư phạm cần phải có kế hoạch chuẩn bị, triển khai kỹ lưỡng từ bây giờ. 

Trước tiên, những năm tới, trường đào tạo sư phạm cần có giáo trình, đội ngũ giảng viên, xây dựng chỉ tiêu, đào tạo giáo viên chuyên dạy hoạt động Trải nghiệm và sáng tạo.

Có đào tạo căn cơ, bài bản, đến nơi đến chốn thì mới dạy tốt được. Lối dạy học theo kiểu “ bắt cóc bỏ đĩa”, vừa làm vừa tính lâu nay thì có từ hỏng đến không ra gì. Trong điều kiện, trường hợp chưa đào tạo kịp, các địa phương, trường sư phạm chủ động có ngay những lớp bồi dưỡng, tập huấn dài ngày, giao cho các giảng viên có kinh nghiệm tốt dạy, tất cả các giáo viên sẽ dạy môn đó phải được trực tiếp tập huấn; không nên cử đại diện, giáo viên cốt cán đi, rồi về tập huấn lại, kiểu gián tiếp, nửa vời như hiện nay, có đỡ về kinh phí, công tác phí nhưng hiệu quả nhận thức, vận dụng hạn chế nhiều.

Nội dung, môn học mới này cũng cần có tính ràng buộc về mặt pháp lý hơn so với những hoạt động ngoại khóa đang áp dụng hiện tại. Nghĩa là, từng tiết, từng bài, từng nội dung thuộc về Trải nghiệm và sáng tạo, phần nào đi thực tế… phải được thể hiện cụ thể, chi tiết trong chương trình nhằm triệt buộc trách nhiệm nhà trường, thầy cô giáo phải làm, không làm không được. Kể cả tiền bạc, tài chính, kinh phí cho từng phần, các Sở, Phòng giáo dục nên chỉ đạo chia tách cụ thể, minh bạch, tránh tình trạng về trường cắt đầu này, đắp đầu kia. Còn nêu chung chung, tuần, tháng mấy tiết gì đó, khó đồng nhất, nhiều nhà trường lợi dụng sơ hở ấy để thoái thác trách nhiệm, thực hiện theo ngẫu hứng, tùy tiện…thì nguy to.    

Mặt khác, từng cơ sở giáo dục cần một nguồn kinh phí tương đối để mua sắm, đầu tư cho nó. Nói đến trải nghiệm và sáng tạo, phải tổ chức cho các em đi tham quan học tập, đi thực tế nhà máy, xí nghiệp, di tích… vài lần trong năm, có thể mời những chuyên gia có kinh nghiệm, doanh nghiệp thành đạt về tư vấn, nói chuyện…. 

Đụng đến khoản này, không thể không có tiền, kinh phí được. Nhà trường lấy đâu ra, rõ ràng, nhà nước phải đầu tư. Hơn nữa, những thầy cô giáo phụ trách, dạy môn, hoạt động đặc thù, mới mẻ này cũng cần được hỗ trợ, phụ cấp ít nhiều (giống như giáo viên môn Thể dục- quốc phòng; giảng viên các môn tư tưởng Hồ Chí Minh) để họ có thêm động lực, trách nhiệm với công việc được giao phó. 

Làm nhà quản lý, dạy học trực tiếp ở cơ sở, chúng tôi tin tưởng, đợt cải tiến, đổi mới chương trình , sách giáo khoa sắp tới, cơ quan chủ quản Bộ GD&ĐT không chủ quan, công tác chuẩn bị mọi thứ được đem ra bàn thảo tính toán, cân nhắc một cách chặt chẽ, hoàn thiện nhất để chương trình, những môn học, hoạt động mới thật sự an tâm trong giáo viên, thật sự hấp dẫn trong học sinh.

ĐỖ TẤN NGỌC