"Mèo vờn chuột"-trò chơi yêu thích của ngành giáo dục

06/03/2014 08:51
Xuân Trung
(GDVN) - Cuối tháng 1/2014, Bộ GD&ĐT lệnh dừng tuyển sinh 207 ngành, nay lại cho 62 ngành phục hồi. Phía sau quyết định này là gì? Có không chuyện xin-cho và lợi ích?

Cấm vội

Ngày 25/1/2014 Bộ GD&ĐT ra Quyết định dừng tuyển sinh 207 ngành đào tạo đại học do không đủ điều kiện đảm bảo chất lượng. Hệ quả này xuất phát từ việc Bộ tiến hành khảo sát, thống kê các cơ sở đào tạo trình độ đại học. Sau khi xử lí kết quả thống kê, căn cứ quy định Thông tư 08 (Quy định mở ngành trình độ đại học, cao đẳng), Bộ đã quyết định dừng tuyển sinh đối với số lượng ngành trên.

Điều đáng nói, với việc dừng tuyển sinh này Bộ GD&ĐT chỉ dựa vào Thông tư 08 (được xem là đã không còn phù hợp với điều kiện hiện tại). Nhiều chuyên gia cho biết, Thông tư 08 chỉ soạn ra để dành cho nhóm các ngành theo định hướng nghiên cứu, còn hướng đào tạo ứng dụng thì không phù hợp. Do vậy, hậu quả là rất nhiều ngành mang tính chất ứng dụng cũng bị dừng tuyển sinh. 

Sự việc đã qua và nhiều trường có công văn kiến nghị lên Bộ, đề nghị xem xét lại tiêu chí để được tuyển sinh trở lại. Kết quả là 62 ngành được nhận quyết định được tiếp tục tuyển sinh trong năm nay. Lí do được Bộ GD&ĐT giải thích rằng, một số trường đã nộp báo cáo trước đây thiếu chính xác, báo cáo không đầy đủ hoặc nhầm lẫn về số liệu giảng viên nên đã báo cáo lại?

Bộ GD&ĐT lại vừa có Quyết định cho 62 ngành được phép tuyển sinh trong năm nay. Ảnh minh họa
Bộ GD&ĐT lại vừa có Quyết định cho 62 ngành được phép tuyển sinh trong năm nay. Ảnh minh họa

Câu chuyện ở đây sẽ không có gì đáng bàn nếu như Bộ GD&ĐT chỉ ra một thông báo cho các trường về việc sẽ rà soát lại toàn bộ các tiêu chí cụ thể, các trường nghiêm túc báo cáo thì thời gian qua học sinh, phụ huynh và toàn xã hội không rơi vào trạng thái hoang mang. 

Trao đổi với chúng tôi, Hiệu trưởng Trường Đại học Phương Đông Bùi Thiện Dụ bày tỏ quan điểm khi nghe tin 62 ngành được tuyển sinh trở lại, ông cho biết Bộ tiến hành thống kê, kiểm tra lại các ngành đủ điều kiện mới cho tuyển sinh là đúng. Tuy nhiên, lần này Bộ chưa chuẩn bị kĩ, trong thông báo Bộ gửi cho các trường chưa khi nào nói phải thống kê theo tiêu chí như trong Thông tư 08, mà chỉ nói gửi danh sách cán bộ lên. Ông Bùi Thiện Dụ cũng cho rằng, nếu xét về tiêu chí thì chỉ có tiến sĩ kinh tế chứ không thể có tiến sĩ kế toán được. 

“Chúng tôi có những thầy giáo là Thứ trưởng Bộ Tài chính, Tổng cục phó Tổng cục thống kê đã giảng dậy 7-8 năm nay, ngoài ra còn viết nhiều sách chuyên ngành, nhưng chiếu theo quy định phải là tiến sĩ kế toán, tôi nghĩ cách làm nay chưa chặt lắm. Có thể một số chuyên viên của Bộ chỉ là ngồi rà như máy tính mà thôi” ông Dụ cho biết. 

Nhận định về quyết định cho phép 62 ngành được tuyển sinh  trở lại, ông Dụ chia sẻ, việc đó Bộ GD&ĐT đã cầu thị. Giả sử nếu như trong năm Bộ đưa công văn cho các trường thông báo trước thì sẽ chủ động, nhưng đây Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục chỉ đạo các trường thống kê lượng giáo viên mà thôi. “Nhiều khi chúng tôi cảm giác chỉ là báo cáo thi đua. Giá như không quyết định nhầm lẫn để rồi sửa là tốt nhất, nhưng cuộc sống không phải khi nào cũng như vậy” ông Dụ nói.

Chia sẻ thêm, ông Dụ nói có một số trường hợp một giáo sư đăng tên ở nhiều nơi, ví dụ ngay tại trường Đại học Phương Đông, Bộ có yêu cầu xem hợp đồng với vị giáo sư này, giáo sư này đã cam kết chỉ nhận lương ở trường Phương Đông, không trong biên chế nhà nước, không trong biên chế bất cứ trường tư thục hay dân lập nào khác. Ngược lại cũng có một số trường đưa cả tên giảng viên thỉnh giảng vào danh sách giảng viên cơ hữu thì các trường phải chịu trách nhiệm. 

“Đây là việc liên quan tới các trường, đáng lẽ Bộ nên chuẩn bị chu đáo hơn nữa, và sự việc cho phép 62 ngành được tuyển sinh trở lại là động thái chấp nhận được. Đây cũng là bài học cho cả hai bên và cho các trường để chuẩn bị chu đáo hơn” ông Dụ góp ý.

Cũng chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Trường Tùng, hiệu trưởng Trường Đại học FPT nhận định, lí do để Bộ cho phép 62 ngành được tuyển sinh trở lại, về mặt số liệu nhiều khi không phải trường nào cũng làm nghiêm túc. Do đó, khi chuyện tuyển sinh đã  gắn với trách nhiệm và quyền lợi thì phải làm rõ hơn.

Ông Tùng nói thêm, có thể một số trường trong thời gian qua đã tranh thủ bổ sung số liệu mới, dựa trên số liệu mới Bộ GD&ĐT đã quyết định cho phép một số trường tuyển sinh trở lại. Điều đó cũng cho thấy các trường mà chưa có báo cáo lại hẳn là có vấn đề về tiêu chí đánh giá theo Thông tư 08.

“Năm nay là năm đầu tiên làm, chắc cũng có những trục trặc nhất định, hy vọng năm sau làm bản thân các trường sẽ có trách nhiệm hơn trong việc báo cáo số liệu” ông Tùng nói.

Cũng theo lãnh đạo trường Đại học FPT, vấn đề quan trọng nhất trong câu chuyện này là những ngành đi theo nghề nghiệp ứng dụng, những ngành liên quan tới văn hóa, nghệ thuật mà yêu cầu nhiều tiến sĩ là khó. Có thể đưa ra tiêu chí thay tiến sĩ bằng nghệ nhân liệu có được không? 
Nhao nhác xin - cho

Trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Anh Tuấn –Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, tính tới thời điểm này Bộ đã cho phép 62 ngành được tuyển sinh trở lại, trong đó chủ yếu là các ngành thuộc khối văn hóa, nghệ thuật và ngôn ngữ nước ngoài trên cơ sở đề nghị của Bộ chủ quản như Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và của các trường về tính đặc thù và thực tế lực lượng giảng viên còn mỏng của những ngành này.

Dư luận băn khoăn, sau một thời gian có quyết định dừng tuyển sinh, giờ một số ngành được tuyển sinh trở lại, liệu có nảy sinh tiêu cực ở đây, đâu là căn cứ để xác định tuyển sinh trở lại? Ông Tuấn giải đáp: “Căn cứ để Bộ quyết định việc này là dựa trên báo cáo giải trình của các trường, đề nghị của Bộ, Ngành chủ quản và kết quả rà soát đối chiếu với hệ thống dữ liệu giảng viên của Bộ”.

Ông Tuấn cũng cho biết, một số trường đã sắp xếp, quy hoạch lại đội ngũ giảng viên giữa các ngành đào tạo, hoặc tuyển dụng bổ sung giảng viên có trình độ theo yêu cầu như trường ĐH Hà Tĩnh, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên. Một số trường ĐH dân lập cũng đã mời được giảng viên là Phó giáo sư, tiến sĩ. Có trường có sai sót trong báo cáo đợt trước, báo cáo lại và được Bộ xác minh. Do vậy đã được tuyển sinh trở lại. 

Lo ngại xuất hiện cơ chế xin – cho, lãnh đạo Vụ Giáo dục đại học cho biết, đây không phải là lần đầu tiên Bộ GD&ĐT có quyết định dừng tuyển sinh mà qua các đợt kiểm tra rà soát được triển khai bắt đầu từ năm 2010, năm 2012 Bộ GD&ĐT đã thu hồi quyết định đào tạo của 57 chuyên ngành đào tạo ở trình độ tiến sĩ của  27 trường đại học, viện và  học viện do không khắc phục được tình trạng thiếu giảng viên. Năm 2012 tiếp tục rà soát và quyết định dừng tuyển sinh 161 ngành/chuyên ngành thạc sĩ không đủ giảng viên cơ hữu.

“Đây là một quyết định kiên quyết và nghiêm khắc của Bộ GD&ĐT, Quyết định này đã buộc các trường phải chấn chỉnh, xốc lại việc xây dựng đội ngũ, là một biện pháp để đánh giá đúng thực trạng đội ngũ các ngành đào tạo, làm cơ sở để các trường có sự điều chỉnh, sắp xếp, tuyển dụng, đào tạo đội ngũ giảng viên đảm bảo chất lượng đào tạo” ông Tuấn nói.

Thông tin thêm, ông Tuấn cho hay chậm nhất đến ngày 7/3/2014, Bộ GD&ĐT sẽ có công văn chính thức trả lời các trường về các ngành được tiếp tục tuyển sinh từ năm 2014 cũng như với các ngành chưa được phép tuyển sinh trở lại do đã báo cáo giải trình không đủ minh chứng thuyết phục. Từ nay tới ngày đó, các trường nộp báo cáo giải trình đến đâu, Bộ sẽ xử lí đến đó. 
Xuân Trung