Kỳ thi quốc gia: Kiểm tra, thi cử tốt đẩy lùi trì trệ, bảo thủ

09/08/2014 06:46
Đỗ Tấn Ngọc
(GDVN) - Khi các môn học đều có tham gia thi, ý thức, trách nhiệm, tâm lý của những thầy cô giáo lâu nay là “môn phụ”, môn không thi tốt nghiệp sẽ tốt lên.

Quan điểm trên của ông Đỗ Tấn Ngọc - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng- Sơn Tịnh - Quảng Ngãi về phương án một Kỳ thi quốc gia chung. Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng giới thiệu với bạn đọc.

Bỏ thi tốt nghiệp: "suy nghĩ nhất thời"

Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT mấy năm nay, tỉ lệ đỗ của cả nước cao ngất ngưỡng: 98; 99,1%. Nhiều người cho rằng thi đỗ hết như vậy thì thi làm gì, nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp, chỉ cần dựa vào kết quả hạnh kiểm và học tập lớp 12, nhà trường xét, công nhận tốt nghiệp THPT là được, rất gọn nhẹ và đỡ tốn kém. Thi cử đỗ cao, khâu tổ chức coi thi còn bộc lộ không ít hạn chế, yếu kém và tiêu cực …thì dẹp bỏ thi tốt nghiệp THPT. Cách suy nghĩ như thế chỉ mang tính chất nhất thời, chưa hiểu đầy đủ và đúng đắn về mục tiêu của kỳ thi này.

Mục tiêu của nó không nằm ở vấn đề như tỉ lệ đậu, đậu thấp, bao nhiêu em đỗ, bao nhiêu em hỏng mà cái chính là chỗ qua thi cử, kiểm tra ấy sát hạch, đánh giá được mặt bằng, chất lượng học tập của học sinh sau 12 năm học phổ thông. Mặt khác, nó cũng là động lực lớn nhằm thúc đẩy phong trào, chất lượng dạy học của thầy và trò.

Kỳ thi quốc gia: Kiểm tra, thi cử tốt đẩy lùi trì trệ, bảo thủ ảnh 1

Ảnh minh họa

Theo quy chuẩn, một sản phẩm nào đó được sản xuất hàng loạt dù chất lượng có tốt đến đâu cũng phải kiểm định tất cả trước khi đem ra thị trường. Theo thống kê, hầu hết các nước trên thế giới lâu nay rất coi trọng tầm quan trọng của kỳ thi tốt nghiệp THPT và đều có tổ chức thi, với những cách thức khác nhau. Các quốc gia chọn hình thức thi 2 trong 1 vừa công nhận tốt nghiệp vừa tuyển sinh vào Đại học, Cao đẳng cũng chiếm tỉ lệ, số lượng áp đảo.

Xu thế chung của thế giới về giáo dục, thi cử diễn ra như vậy, họ từng có nhiều đúc kết và thành quả, chẳng lẽ giáo dục nước ta lại không đi theo, muốn làm khác thiên hạ? Cứ dậm chân tại chỗ, cứ loay hoay, vật vờ với cái ao nhà mãi thì bao giờ giáo dục, cách thi cử của chúng ta mới được cải tiến theo hướng tiếp cận với quốc tế, bao giờ đánh giá được thực chất năng lực của người học và bao giờ học sinh, phụ huynh và nhà nước đỡ áp lực và tốn kém trong thi cử?

Đã đến lúc, tất cả chúng ta, nhất là giới chuyên môn, người trong ngành giáo dục không nên bàn lùi, bàn ra nữa mà phải quyết tâm cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo đóng góp, xây dựng, vạch ra những phương án, cách thức thi tối ưu, đạt hiệu quả, mục đích cho kỳ thi quốc gia, hai trong một trong năm 2015.

Ngưỡng điểm nào cho tốt nghiệp và ĐH, CĐ

Về các môn thi, vừa rồi, Bộ GD & ĐT đưa ra 3 phương án để lựa chọn.

Ở góc độ nhà chuyên môn, tôi đánh giá cao tính khả thi của phương án 2, với 5 bài thi, toán, văn, ngoại ngữ, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Hai môn toán, khoa học xã hội nên thêm kiến thức môn tin học và giáo dục công dân dưới dạng câu hỏi trắc nghiệm để các bài thi bao quát, đầy đủ kiến thức các môn học hơn.

Phương án này khắc phục được tình trạng học tủ, học lệch, thiếu toàn diện, tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào môn tự chọn, đợi đến ngày công bố môn thi…. đang tồn tại trong nhiều học sinh. Khi các môn học đều có tham gia thi, ý thức, trách nhiệm, tâm lý của những thầy cô giáo lâu nay là “môn phụ”, môn không thi tốt nghiệp sẽ tốt lên.

Tất nhiên, ở mỗi đề thi có sự phân hóa, ngưỡng điểm rõ rệt; mức độ, ngưỡng điểm đại trà cho kết quả tốt nghiệp; mức độ, ngưỡng điểm khá, giỏi cho tuyển sinh ĐH, CĐ. Dạng đề thi kiểu này, tôi tin tưởng rằng Bộ GD & ĐT đang có thừa kinh nghiệm và chuyên gia, thầy cô giáo giỏi để thực thi, hoàn thành tốt.

Về cộng điểm kết quả học tập, Bộ GD & ĐT nên tiếp tục lấy kết quả học tập các môn văn hóa cuối năm lớp 12, có thể lấy cả lớp 10 và 11 tham gia vào việc công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào ĐH, CĐ như nhiều nước đã làm. Cách này tạo cho học sinh chúng ta thấy được giá trị của quá trình học, những điểm số, bài kiểm tra, có thái độ, ý thức học tập căn cơ, toàn diện ngay từ đầu.

Kết quả điểm học tập có chính xác, đáng tin cậy hay không phụ thuộc hoàn toàn vào trách nhiệm của nhà trường, thầy cô giáo. Các Sở GD &ĐT cần tăng cường công tác chỉ đạo, giám sát, kiểm tra ngăn chặn, xử lý tốt những biểu hiện tiêu cực, nâng điểm khống cho học sinh phát sinh để có lợi cho học sinh của mình, lưu ý nhất các trường tư thục, ngoài công lập.

Về thời gian làm bài, các môn thi nên theo hướng thi tốt nghiệp THPT năm 2014, vừa gọn nhẹ vừa đỡ áp lực, mệt mỏi cho thí sinh và hội đồng coi thi; toán, văn 120 phút, môn tự luận 90 phút và môn trắc nghiệm 60 phút. Các môn thi 90 phút và 60 phút có thể 1 buổi thi 2 môn.

Về địa điểm đặt các hội đồng coi thi, do tính chất quan trọng của kỳ thi, Bộ GD &ĐT nên chỉ đạo các địa phương chuyển, đặt các hội đồng thi về trung tâm tỉnh lỵ, nơi có cơ sở vật chất tốt nhất, vừa đảm bảo, thuận tiện việc đi lại, an ninh vừa giải quyết, xử lý kịp thời những tình huống nảy sinh.

Nếu để các hội đồng coi thi ở các huyện miền núi, hải đảo thì những biểu hiện coi thi dễ dãi, tiêu cực…do thương cảm, đặc thù địa phương dễ nảy nở, khó kiểm soát, chấn chỉnh. Nói thật, tôi đi coi thi, thanh tra thi ở miền núi, hải đảo nhiều năm chẳng lạ gì cảnh đó.

Về tổ chức coi thi, đây là một khâu quan trọng, then chốt bậc nhất để kỳ thi đảm bảo tính nghiêm túc, cho ra kết quả thi thực chất, chính xác. Lâu nay, chúng ta vận dụng khá nhiều biện pháp, cách thức trong công tác coi thi: chuyển đổi giám thị các nhà trường, địa phương; tăng cường lực lượng thanh tra coi thi; tổ chức học tập, quán triệt quy chế thi; trách nhiệm của giám thị và thí sinh trong phòng thi….

Song, kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm qua, về khâu coi thi được đánh giá là vẫn còn nhiều vấn đề yếu kém, nảy sinh không ít tiêu cực, kết quả đỗ tốt nghiệp cao ngất ngưỡng, phản ánh chưa đúng chất lượng học tập của học sinh, khiến dư luận thiếu tin tưởng vào độ tin cậy của kỳ thi này. Nay, tổ chức kỳ thi quốc gia, hai trong một, Bộ GD & ĐT cần có thêm những biện pháp khác để củng cố, xiết chặt, giảm thiểu điểm yếu trong khâu coi thi.

Tôi thiết nghĩ, đã đến lúc tất cả phòng thi phải có cài đặt hệ thống ca-mê-ra để giám sát, theo dõi mọi hoạt động, diễn biến của thí sinh và giám thị trong và ngoài phòng thi. Có công nghệ này tức khắc giám thị và thí sinh sẽ nghiêm túc, những biểu hiện tiêu cực, gài bài, quay cóp sẽ khó có cơ hội nảy sinh. Tính đồng bộ, nghiêm túc, thực hiện đúng quy chế ở các hội đồng thi sẽ hiện lên thấy rõ.

Tôi cho rằng, khâu coi thi được xử lý, giải quyết triệt để bằng biện pháp sử dụng ca-mê-ra thì sự thành công của kỳ thi quốc gia đạt trên 90%. Còn không dùng nó, cứ tin vào con người của ngành giáo dục và các biện pháp hiện có thì mọi cố gắng, nỗ lực đến mấy cũng khó cho ra kết quả đồng bộ, chính xác. Ở nhiều nước, trong thi cử, họ không cần tới công nghệ ca-mê-ra nhưng kỳ thi vẫn nghiêm túc, có độ tin cậy cao vì cách xử lý của họ rất chặt chẽ, nghiêm khắc và đặc biệt con người của họ làm việc hết sức kỷ luật, trách nhiệm, hiếm có chuyện nhờ vả, tiêu cực, A,B,C… nhiều như ở ta.

Về lực lượng coi thi, thanh tra coi thi, chấm thi nên có sự phối hợp, tham gia đồng bộ giữa cán bộ, giảng viên, giáo viên các trường Đại học, Cao đẳng và các trường THPT theo tỉ lệ 50/50. Địa phương nào cũng có các trường ĐH, CĐ nên lấy lực lượng cán bộ, giám thị tại địa phương đó, không cần thiết chuyển đổi, đi xa vừa thuận tiện đi lại vừa đỡ tốn kém kinh phí nhà nước chi trả.

Về học sinh lớp 12, các nhà trường cần dành thời gian nhất định để đề cập, chỉ dẫn  những thay đổi, cải tiến, điểm mới của Bộ GD & ĐT trong thời gian tới, đặc biệt tác động đến ý thức, trách nhiệm của từng em trong học tập và thi cử.

Có thể nói, khâu đánh giá, kiểm tra, thi cử là một mắt xích vô cùng quan trọng góp phần cải tiến, thay đổi cách thức dạy và học ở nhà trường phổ thông theo hướng phát huy, phát triển tối đa phẩm chất và năng lực của người học. Những đổi mới trong cách ra đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm qua của Bộ GD & ĐT được dư luận, giới chuyên môn ghi nhận, đánh giá cao.

Những chỉ đạo, hướng dẫn, nội dung về việc bám sát chuẩn kiến thức- kỹ năng, đổi mới phương pháp dạy học, soạn giảng bài học tích hợp trong và liên môn…của Bộ GD & ĐT trong nhiều năm  thì nay có đã “đất” để dụng võ, thời kỳ lý thuyết suông và hô hào trên giấy đã đi qua. Khâu kiểm tra, thi cử được cải tiến tích cực, đúng hướng, ắt hẳn những “căn bệnh” như: ỷ lại, bảo thủ, trì trệ, ngại, chậm đổi mới… vốn cố hữu trong nhiều thầy cô giáo, nhà trường phổ thông đến lúc sẽ không có chỗ trú ngụ, tồn tại. 

Đỗ Tấn Ngọc