“Không được cho điểm 0 ngay cả khi sinh viên không làm được bài”

12/02/2015 06:58
PHONG NGUYÊN
(GDVN) - Ông Vũ Viết Bình - Phó Trưởng Ban Đào tạo - ĐHQGHN cho biết, theo Quy chế mới, các thầy cô không được cho điểm 0 ngay cả khi sinh viên không làm được bài.

Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) Phùng Xuân Nhạ vừa ban hành mới 2 Quy chế - Quy chế đào tạo Đại học và Quy chế đào tạo thạc sĩ - cùng một số văn bản quan trọng về quản lý đào tạo khác với nhiều điểm mới đáng chú ý.

Ngoại ngữ nằm ngoài danh mục môn thi

Theo đó, ngoại ngữ sẽ trở thành học phần điều kiện chứ không phải là học phần bắt buộc như trong chương trình đào tạo cũ. Như vậy, môn ngoại ngữ sẽ không được tính vào điểm trung bình chung các học phần của sinh viên.

“Trước đây chúng ta đánh giá năng lực ngoại ngữ của sinh viên là B1, B2… - theo khung tham chiếu trình độ ngôn ngữ chung của Châu Âu, còn giờ chúng ta đánh giá theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam theo thông tư 01 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Như vậy, tới đây các chứng chỉ, văn bản, chúng ta không dùng B1, B2… nữa mà dùng bậc 3, bậc 4, bậc 5…”, Phó Trưởng Ban Đào tạo – ĐHQGHN Vũ Viết Bình cho biết.

Ông Vũ Viết Bình - Phó Trưởng Ban Đào tạo - ĐHQGHN (Ảnh: VNU)
Ông Vũ Viết Bình - Phó Trưởng Ban Đào tạo - ĐHQGHN (Ảnh: VNU)

Cũng theo ông Bình, từ năm 2015, công tác thi và tuyển sinh sẽ tách biệt. Các trường bắt buộc phải xây dựng chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo. Riêng với môn ngoại ngữ, chuẩn đầu ra sẽ là bậc 3 với chương trình đào tạo ngành chính, ngành phụ, ngành kép; bậc 4 với chương trình đào tạo chất lượng cao, tài năng, các chương trình đào tạo liên kết quốc tế; bậc 5 với chương trình đào tạo chuẩn quốc tế - tương đương với bậc C1 theo Quy chế cũ.

Không còn điểm 0

Đối với việc đăng ký cải thiện điểm, ông Bình cho hay, Quy chế cũ quy định các sinh viên từ điểm D trở lên đều có quyền đăng ký cải thiện điểm. Nhưng Quy chế mới quy định, sinh viên chỉ được đăng ký học lại học phần đó hoặc đổi sang học phần khác (nếu là học phần tự chọn có điều kiện) để cải thiện điểm trung bình chung tích lũy với các học phần đạt điểm D, D+.

Không được cho điểm 0 ngay cả khi sinh viên không làm được bài liệu có hợp lý? (Ảnh: Internet)
Không được cho điểm 0 ngay cả khi sinh viên không làm được bài liệu có hợp lý? (Ảnh: Internet)

Cùng với đó, điểm học phần cũ sẽ bị hủy bỏ khi việc đăng ký học lại để cải thiện điểm được chấp nhận và sẽ được  thay bằng điểm học phần để cải thiện điểm.

Đáng chú ý, ông Bình thông tin, theo quy chế mới, sinh viên muốn đăng ký rút bớt học phần cần có điểm trung bình chung học kỳ dưới 2,00, nhưng chưa thuộc diện bị buộc thôi học. Đồng thời, sinh viên được đăng ký học không quá 18 tín chỉ trong mỗi học kỳ chính.

“Một số đơn vị đào tạo trong thực tế rất lúng túng khi sinh viên đăng ký rút bớt học phần. Khi đã đăng ký rồi, các sinh viên muốn rút bớt học phần cũng không biết rút bao nhiêu cho đủ, thậm chí không đảm bảo được quy định số tín chỉ tối thiểu trong một học kỳ. Do vậy, quy chế này đưa ra quy định cụ thể như trên”, ông Bình giải thích.

“Không được cho điểm 0 ngay cả khi sinh viên không làm được bài”  ảnh 3Bộ Giáo dục cần sớm "dẹp loạn" ở Đại học Hoa Sen

(GDVN) - Dù muốn hay không, Đại học Hoa Sen phải tuân thủ đúng theo Điều lệ trường Đại học do Thủ tướng ký ban hành, đã có hiệu lựctừ 30/1.

Điểm mới gây tranh cãi nhất của Quy chế này là quy định sinh viên chỉ được dự thi kết thúc học phần nếu có điểm đánh giá bộ phận lớn hơn 0, trả học phí đầy đủ và đáp ứng các điều kiện kết thúc học phần do thủ trưởng đơn vị phụ trách học phần quy định.

Ông Bình phân tích: “Điều đó đồng nghĩa với việc sinh viên không được phép bị 0 điểm thì mới đủ điều kiện dự thi. Có những trường hợp các em không đến dự bài thi đánh giá học phần đó, thầy cho 0 điểm luôn. Sinh viên không biết lý do vì sao. Quy định như trên là để các em buộc phải có bài thi đánh giá bộ phận.

Nếu sinh viên không tham gia thi tức là không có điểm, thầy giáo cũng không được phép cho sinh viên 0 điểm, bắt buộc phải có điểm. Tôi biết có thể các thầy sẽ có mâu thuẫn với điểm mới này. Ví dụ có người sẽ nói sinh viên không làm được, tôi cho 0 điểm, nhưng các thầy nên nhớ rằng một học phần không chỉ có một đầu điểm đánh giá bộ phận, ít nhất phải có 2 đầu điểm đánh giá bộ phận trở lên.

Trong khi đó, điểm đánh giá bộ phận là điểm trung bình chung các điểm đánh giá bộ phận. Như vậy, không có lý gì sinh viên bị điểm 0 cả học phần vì bị 0 điểm bộ phận”.

Tuy nhiên, nhiều thầy cô tới từ các trường đại học trực thuộc ĐHQGHN vẫn còn băn khoăn trước quy định mới trên.

Một thầy giáo thuộc ĐH KHXH&NV (xin được giấu tên) nêu quan điểm: “Sinh viên lười học có thể bị điểm 0 chứ sao lại không?”.

Đáp lại những băn khoăn này, ông Bình đặc biệt nhấn mạnh: “Đây là quy chế đào tạo đã được Giám đốc ĐHQGHN ký quyết định ban hành. Vì vậy, chúng ta chỉ triển khai thực hiện quy chế đào tạo, tránh những câu hỏi, những tranh luận là đúng hay chưa đúng, phù hợp hay chưa phù hợp. Trong quá trình triển khai thực hiện, có những vấn đề gì bất cập hay chưa phù hợp xuất hiện, chúng ta sẽ có văn bản báo cáo theo đúng quy định để Giám đốc điều chỉnh cho phù hợp với thực tế”.

Không biết 25.000 sinh viên của ĐHQGHN sẽ vui hay buồn khi biết sẽ không bị điểm 0 ngay cả khi không làm được bài?!

Hàng loạt điểm mới khác

Giảng viên làm việc không nghiêm túc cũng sẽ bị xử phạt (Ảnh minh họa: Internet)
Giảng viên làm việc không nghiêm túc cũng sẽ bị xử phạt (Ảnh minh họa: Internet)

Cũng theo quy chế mới, việc kiểm tra đánh giá, chấm điểm bộ phận của mỗi học phần do Giảng viên lớp học phần trực tiếp thực hiện và thông báo kết quả cho sinh viên phải được thực hiện trong chậm nhất 7 ngày làm việc kể từ sau ngày kiểm tra hoặc ngày nộp tiểu luận, bài tập lớn.

“Nếu giảng viên nào không thực hiện đúng quy định trên, nhà trường sẽ có giải pháp xử lý hành chính, kỷ luật. Không thể có chuyện thầy bận công tác nước ngoài không trả kết quả, chỉ vì 1 điểm học phần làm cho sinh viên không có kết quả của cả học kỳ”, ông Bình nhấn mạnh.

Về kỹ năng mềm – giờ được thay bằng thuật ngữ “kỹ năng bổ trợ”, Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ yêu cầu các đơn vị tổ chức giảng dạy học phần này phải chủ động về quy định và tổ chức đào tạo.

Ngoài ra, một giờ tín chỉ thực hành giờ bằng 2 – 3 tiết thực hành, thí nghiệm hoặc thảo luận. 3 -6 tiết thực tập tại cơ sở, 3 – 4 tiết làm tiểu luận, bài tập lớn, hoặc đồ án, khóa luận tốt nghiệp. Để tiếp thu được 1 giờ tín chỉ thực hành, sinh viên phải dành ít nhất 2 tiết chuẩn bị cá nhân.

“Quy định cụ thể như vậy là để phù hợp với một số chương trình đào tạo của ngành y dược cũng như quá trình tổ chức của các đơn vị”, ông Bình nhấn mạnh.

Cùng với đó, do việc xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm của các trường thường rất chậm, rất muộn nên quy chế này cũng quy định rõ các trường phải hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh trước 30/6. Giám đốc sẽ quyết định phân bổ chỉ tiêu trước ngày 30/6.

PHONG NGUYÊN