Kết quả phổ thông chỉ chiếm 20% điểm số và yêu cầu để vào đại học

02/08/2014 07:40
Ngọc Quang
(GDVN) - Phương án thi quốc gia, có dự định xây dựng tiêu chí vào đại học với tuyển sinh riêng là 50%, 50% còn lại từ điểm tốt nghiệp phổ thông, sẽ là một sai lầm...

Kết quả ở phổ thông chỉ chiếm 20% số điểm vào đại học

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ  lật lại câu chuyện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép các trường đại học tuyển sinh riêng với tiêu chí căn cứ vào học bạ lớp 12 và điểm thi tốt nghiệp với cơ số chiếm 50% trong tổng điểm vào đại học là một sai lầm.

“Tôi chỉ đồng ý về mặt tư tưởng, nhưng cách làm thì chưa đúng về mặt kỹ thuật. Cụ thể, tôi đề nghị đánh giá cả 3 năm học PTTH, chứ không chỉ có riêng lớp 12, như vậy vừa đảm bảo kiến thức toàn diện mà cũng giảm thiểu tiêu cực ở giai đoạn hiện tại. Thứ hai nữa là kỳ thi tốt nghiệp PTTH hiện nay cũng chưa nghiêm túc, còn rất nhiều tiêu cực, cho nên phải trong quá trình đổi mới mà chưa thể ngăn chặn hết tiêu cực thì ở thời điểm hiện tại kết quả học tại phổ thông chỉ nên chiếm 20% tổng số điểm vào đại học. 80% số điểm còn lại hãy để cho các trường chủ động đưa ra tiêu chí tuyển phù hợp với ngành nghề đào tạo và mục tiêu riêng.

Khi nào chấn chỉnh được việc dạy và học thật sự nghiêm túc như các quốc gia tiên tiến thì ta lại nâng tỷ lệ đánh giá ở bậc PTTH lên, và nếu làm tốt đến như Anh, Mỹ, Đức thì học đến đâu đánh giá đến đấy, không còn thi tốt nghiệp và cái tỷ lệ 20% hay 50% nữa mà các trường đại học chủ động tuyển sinh dựa vào kết quả học kết hợp với phỏng vấn”.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Phải ngăn chặn bằng được tiêu cực ở PTTH thì mới nâng cao được chất lượng nguồn nhân lực.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Phải ngăn chặn bằng được tiêu cực ở PTTH thì mới nâng cao được chất lượng nguồn nhân lực.

Trong quá trình đổi mới thi tốt nghiệp PTTH, vẫn còn một câu hỏi tồn tại nhiều năm qua nhưng chưa giải quyết được, đó là tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao có phải do thành tích không?

PGS Nhĩ chia sẻ, với kinh nghiệm công tác nhiều năm trong ngành, ông khẳng định có chuyện chạy theo thành tích.

“Nếu một tỉnh nào đó có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp thấp thì cả xã hội sẽ nhìn vào đó để đánh giá chứ không đưa ra giải pháp hỗ trợ cho họ, trong khi quyền lợi của họ còn có thể bị ảnh hưởng vì dám làm thật, nói thật. Đó chính là rào cản gây ra gian dối trong giáo dục. Đây là vấn đề lớn, là trách nhiệm từ Chính phủ trở xuống, chứ bản thân Bộ Giáo dục hay tự các địa phương không giải quyết được”, PGS Nhĩ nói.

Cách đây 10 năm khi thực hiện “hai không” thì tỷ lệ đỗ tốt nghiệp PTTH tụt xuống mức rất thấp, nhưng số bị trượt giải quyết thế nào thì về mặt quản lý vĩ mô chưa giải quyết được.

Trước đây có người lý giải rằng nếu chỉ đỗ 70%, vậy còn 30% phải học lại thì các trường không đảm bảo được cơ sở vật chất, do đó dẫn tới tiêu cực “tạo điều kiện” cho học sinh đỗ tốt nghiệp.

PGS Nhĩ phân tích: “Tôi thấy đây là vấn đề rất quan trọng cần phải dứt điểm ngay trong kỳ thi tốt nghiệp PTTH tới đây. Thứ nhất là tổ chức thi phải thật nghiệp túc, như tôi đã nói là phải làm sao để tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đạt nhiều nhất là 70%, đó sẽ là bước sàng lọc đầu tiên để các em vào đại học, chứ không thể để ồ ạt như hiện nay khiến cho chất lượng đào tạo đại học thấp, sau đó là thất nghiệp và trở thành gánh nặng cho xã hội.

Ngay cả khi tổ chức thi lại cũng phải thật nghiêm túc, như vậy những em có học lực khá nhưng vì lý do nào đó không may mắn sẽ có cơ hội vượt qua. Em nào thi lại vẫn không đỗ, hoặc thậm chí các em không muốn thi lại thì có thể nhận chứng chỉ đã học hết bậc PTTH để có căn cứ đi học nghề.

Và ở các trường dạy nghề lâu nay lấy tiêu chí phải tốt nghiệp PTTH thì nay sửa lại là tốt nghiệp PTTH hoặc có chứng chỉ đã học hết PTTH. Tôi cho rằng đây là cách giải quyết ổn thỏa nhất trong khi chúng ta chưa có phân luồng”.

Cần đối xử công bằng giữa các trường đại học

Để ngăn chặn tình trạng “cấy điểm” cho học sinh, làm tiền đề tốt nhất cho các trường đại học tuyển sinh chất lượng cao hơn, PGS Nhĩ cho rằng, nếu chỉ quy định tỷ lệ điểm đánh giá bậc PTTH là 20% thì vẫn sẽ còn nhiều tiêu cực. Do đó, Bộ Giáo dục nên có đề xuất để gắn trách nhiệm với các tỉnh, các Sở giáo dục địa phương và từng trường, cho tới từng giáo viên.

“Đúng là hiện nay đời sống của các thầy cô còn chưa cao, thậm chí ở nhiều vùng nông thôn giáo viên rất vất vả, nhưng tôi nghĩ khi đã là một nhà giáo thì phải hết sức tận tụy và trung thực. Nếu lấy lý do vì đời sống thấp mà phải làm những việc tiêu cực thì không được, cho nên cần phải có chế tài xử lý nghiêm khắc với những giáo viên và những trường để xảy ra nhiều tiêu cực. Chỉ khi dạy và học nghiêm túc thì thi mới nghiêm túc, mới nâng cao được chất lượng nguồn nhân lực”, PGS Nhĩ nêu quan điểm.

Cũng theo PGS Nhĩ, lâu nay Bộ Giáo dục đang làm thay nhiệm vụ của các trường đại học. Luật Giáo dục Đại học có hiệu lực từ 1/1/2013 nhưng Bộ chưa thực sự sẵn sàng tạo điều kiện cho các trường. Thế nên cả xã hội ồn ào suốt một thời gian dài về vấn đề thi ba chung, mỗi năm tốn kém vài nghìn tỷ đồng mà không hiệu quả; thi rồi đặt ra một cái sàn rất vô lý chẳng giống ai trên thế giới, càng khiến cho nền giáo dục Việt Nam tụt hậu với thế giới văn minh.

“Tôi rất tiếc là vừa rồi Bộ Giáo dục tổ chức tổng kết và nói về 3 phương án thi tốt nghiệp nhưng không tận dụng được tri thức và kinh nghiệm của các chuyên gia. Trong suốt 1 ngày như vậy, lẽ ra Bộ Giáo dục nên chia ra nhiều tổ để trao đổi sau đó rút ra các đề xuất một cách tập trung ngay thì sẽ tốt hơn, sau đó còn các ý kiến khác thì tiếp thu và điều chỉnh”, PGS Nhĩ bày tỏ.

Ngoài ra, PGS Nhĩ tiếp tục nêu ra sự bất công bằng giữa các trường công lập và ngoài công lập, đề nghị Chính phủ và Bộ Giáo dục quan tâm hơn nữa tới vấn đề này.

“Tôi nghĩ rằng nhà nước chỉ nên đào tạo các ngành phục vụ cho hệ thống quản lý công và những ngành đặc biệt mà nhà nước cần, còn lại đều phải áp dụng công bằng như nhau. Những trường ngoài công lập phải tự chủ 100%, nếu đào tạo không tốt thì họ phải chấp nhận đóng cửa, vậy còn các trường công lập thì sao? Với lợi thế ưu tiên về cơ sở vật chất và cả học phí, nhiều trường công lập chậm đổi mới, chỉ tiêu tuyển sinh thì lớn nhưng chất lượng đầu ra thấp. Tôi nghĩ ngay trong hệ thống giáo dục, các trường cần được đối xử bình đẳng thì đào tạo mới tốt, xã hội mới thực sự công bằng được”, PGS Nhĩ bày tỏ.

Ngọc Quang