Giảng viên là Tiến sĩ sẽ được kéo dài thời gian giảng dạy

30/10/2013 14:19
Xuân Trung
(GDVN) - Đây là nội dung trong Nghị định quy định về Hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giáo dục đại học, trong đó quy định giảng viên có chức danh GS, PGS và TS đang công tác tại cơ sở giáo dục đại học được kéo dài thời gian làm việc kể từ khi đủ tuổi nghỉ hưu...

Theo Nghị định số 141 của Chính phủ, thời gian làm việc đối với giảng viên có trình độ tiến sĩ là không quá 5 năm, với giảng viên có chức danh PGS không quá 7 năm và GS không quá 10 năm. Trong thời gian kéo dài làm việc thì người được kéo dài làm việc có quyền đề nghị nghỉ làm việc để hưởng chế độ nghỉ hưu theo quy định.

Cũng theo Nghị định này thì chính sách đối với giảng viên đại học có một số lưu ý: Hệ thống chức danh và tiêu chuẩn các chức danh giảng viên được làm căn cứ xếp hạng chức danh nghề nghiệp và thực hiện các chế độ chính sách đối với giảng viên trong cơ sở giáo dục đại học. Vấn đề này Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định.

Ảnh mang tính chất minh họa.
Ảnh mang tính chất minh họa.

Thang, bậc lương  với giảng viên được quy định cụ thể, có sự phân biệt khách nhau giữa các chức danh; Trợ giảng, giảng viên, giảng viên chính, PGS, GS theo quy định. Cơ sở giáo dục đại học tư thục và cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài vận dụng quy định hệ thống chính sách tiền lương, phụ cấp và các chính sách khác đối với giảng viên  trong các cơ sở  giáo dục đại học công lập để thực hiện chế độ chính sách với nhà giáo, đảm bảo không thấp hơn tiền lương và phụ cấp của giảng viên trong các cơ sở giáo dục công lập có cùng trình độ đào tạo và thâm niên công tác.

Nghị định này cũng sẽ có những chính sách ưu tiên đối với các cơ sở giáo dục đại học tư thục và cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận. Theo đó, với các cơ sở giáo dục tư thục không vì lợi nhuận sẽ ưu đãi thuế, miễn thuế và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định  của pháp luật về thuế.

Ưu tiên giao hoặc cho thuê đất, miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất, miễn hoặc giảm tiền thuê mặt đất, mặt nước theo quy định. Ngoài ra Nghị định cũng cho biết, sẽ hỗ trợ đào tạo và nghiên cứu khoa học, phát triển đội ngũ giảng viên. Chia sẻ sử dụng, khai thác và  miễn giảm kinh phí chia sẻ  sử dụng, khai thác tài nguyên chung của giáo dục đại học do Nhà nước đầu tư, các công trình kinh tế, văn hóa, khoa học  - kỹ thuật, phúc lợi xã hội ở trung ương để phục vụ nhu cầu giảng dạy và nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ.

Ưu tiên tiếp nhận các dự án đầu tư phát triển, nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu khoa học trên cơ sở cạnh tranh như các cớ sở giáo dục đại học công lập, được tham gia đấu thầu các nhiệm vụ do nhà nước đặt hàng đối với các lĩnh vực đầu tư phát triển, nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu khoa học như các cơ sở giáo dục đại học công lập.

Chính phủ cũng cho biết, sẽ ưu tiên kinh phí để thực hiện nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đối với những lĩnh vực mà trường có thế mạnh.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/12/2013.    

Xuân Trung