GS.Phạm Minh Hạc: "Làm Bộ trưởng vẫn mong được gọi một chữ... thầy"

20/11/2012 15:10
Xuân Trung
(GDVN) - “Mình sống trong một đất nước lấy nghề giáo làm nghề phục vụ nhân dân thì hãy tận tụy với nghề, hãy yêu trẻ, lấy việc đem con chữ, kiến thức khoa học đến với đồng bào là một niềm vui mà khắc phục những khó khăn... Dù tôi có làm Bộ trưởng, Thứ trưởng, làm gì đi chăng nữa nhưng khi nghe gọi 'thầy giáo Hạc' là mình vui lắm, tự hào lắm, phấn khởi lắm”.
GS Phạm Minh Hạc sinh ra và lớn lên tại làng Đông Phù, xã Đông Mỹ, Thanh Trì, Hà Nội. Ông sinh ra trong một gia đình có công với cách mạng, cha ông một người buôn bán giỏi có tiếng trong vùng và là người hết lòng ủng hộ cách mạng, nuôi giấu nhiều nhà cách mạng nổi tiếng như Phan Trọng Tuệ, Nguyễn Thọ Chân và được kết nạp Đảng năm 1944.
Trong kháng chiến chống Pháp, GS Phạm Minh Hạc học tại Trường Trung học Nguyễn Thượng Hiền, Quân khu 3. Giải phóng Thủ đô, ông trở về Hà Nội học ĐH Văn khoa. Sau 1 năm học, ông được chọn là 1 trong 4 sinh viên của trường đi đào tạo ở Liên Xô. 

Cho tới bây giờ nhìn lại, GS Phạm Minh Hạc vẫn thầm cảm ơn Đảng và Nhà nước đã cho mình một “nền tảng”, một bước đệm để sau này trên cương vị lãnh đạo ông đã trèo lái con thuyền giáo dục Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn giai đoạn khủng hoảng cuối thập niên 80 của thế kỷ trước.

Tính tới thời điểm này ông đã có tròn 50 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nước nhà, trong đó có 13 năm trực tiếp tham gia công tác giảng dạy, 7 năm làm luận án tiến sĩ khoa học ở nước ngoài, 24 năm làm nghiên cứu và quản lí, đã nghỉ hưu 6 năm nhưng hàng ngày, hàng giờ ông luôn ý thức được rằng sự nghiệp giáo dục còn dài và cần góp sức cho sự nghiệp ấy đến đích.

GS Phạm Minh Hạc - Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh Xuân Trung
GS Phạm Minh Hạc - Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh Xuân Trung
GS Phạm Minh Hạc chính thức nhậm chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục năm 1987, cũng trong thời điểm đó đất nước đang chìm trong khủng hoảng, lạm phát, đời sống giáo viên khốn khó, trường lớp nói như GS Hạc là “tan từng mảng”, hàng nghìn giáo viên bỏ nghề do không thể cầm cự được nữa. Khi lên làm Bộ trưởng, GS Hạc bắt tay ngay vào để phục hồi lại sự nghiệp bằng cách tập hợp 81 nhà nghiên cứu đầu đàn của ngành, cùng với đó là các nhà quản lí  có kinh nghiệm để xác định tình hình, từ đó đề ra các tư tưởng chỉ đạo. Trong những tư tưởng đó đặc biệt có 8 chữ vàng là “khôi phục, ổn định, giữ vững và phát triển”. 

“Nhờ vậy tất cả các nơi theo tinh thần đó đã kêu gọi giáo viên quay lại làm việc. Sau khoảng 1 năm học đã bắt đầu có tiếng vang từ các tỉnh, giáo viên đã trở lại ổn định. Đó là một phong trào trong toàn quốc, khôi phục được những nơi tan vỡ, kêu gọi giáo viên quay trở lại dạy học”, GS Hạc nhớ lại giai đoạn cam go nhất.

Trước việc làm ấy, cố vấn Trung ương Đảng lúc đó là ông Lê Đức Thọ và Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Phạm Văn Đồng đã gọi ông lên động viên và khen ngợi những sáng kiến của vị thuyền trưởng trong tình hình khó khăn đó. 

Qua những câu chuyện mà GS Hạc kể lại mới thấy được sự sẻ chia giữa lãnh đạo và nhân dân lúc đó gần gũi, thân thiết như thế nào. Làm Bộ trưởng, đi nhiều, nhất là về vùng sâu, vùng xa, ông luôn có tâm niệm tìm thăm và động viên những giáo viên có hoàn cảnh khó khăn, đang công tác tại những vùng khó khăn nhất của đất nước. Đến đó để thấy được những hoàn cảnh thực tế mà giáo viên miền núi phải chịu đựng. Có lẽ, chính vì đi nhiều tới mức khắp nơi trên đất nước, ở đâu có giáo viên, có học sinh đều gọi ông bằng một chữ là “Thầy”. 

“Dù tôi có làm Bộ trưởng, Thứ trưởng, làm gì đi chăng nữa nhưng khi nghe gọi “thầy giáo Hạc' là mình vui lắm, tự hào lắm, phấn khởi lắm”, GS Hạc tươi cười nói.
Ngày 20/11 hằng năm - ngày tôn vinh và tri ân những người làm công tác giáo dục. Ảnh minh họa.
Ngày 20/11 hằng năm - ngày tôn vinh và tri ân những người làm công tác giáo dục. Ảnh minh họa.
Chúng tôi hỏi động lực nào khiến ông có thể giữ được khí phách, niềm tin trong điều kiện gian khó ấy, trong khi có nhiều nhà giáo không thể trụ nổi đã phải bỏ nghề? GS Phạm Minh Hạc điềm tĩnh nói rằng, trong lúc chiến tranh ác liệt, bạn bè, thầy cô của mình phải ra trận, người cầm súng, người ở hậu phương để chống  giặc thì mình lại được đi học. Lúc đó và cả mãi về sau khi được giao việc gì thì ông luôn tâm niệm rằng phải làm tốt việc đó. Đấy là điều trả ơn cho nhân dân, cho Đảng và Nhà nước và không có gì xứng đáng hơn là công việc mình làm.
Nhiều người biết GS Phạm Minh Hạc kể lại, trong những năm ông làm lãnh đạo ngành giáo dục, chưa khi nào ông ngủ trưa lấy một giấc, một con người làm việc quần quật, không tiếc sức. Nhưng thật may mắn, cho tới khi 70 tuổi chưa lần nào ông phải vào viện. 

Nói về những  tháng năm là người thầy trực tiếp giảng dạy học sinh, sinh viên khắp các tỉnh từ Hà Nội, Hưng Yên, Đại Từ (Thái Nguyên)… tình thầy trò thời đó có sự khăng khít lạ thường, có lẽ do hoàn cảnh thời chiến, cùng ăn, cùng ở, cùng lao động và học tập.

“Thời chúng tôi sống trong hoàn cảnh chiến tranh, tình cảm thầy trò rất gần gũi, tất cả đều học tập với tinh thần hăng say và rất trách nhiệm”, GS Hạc nhớ lại quãng thời gian ông và các học trò của mình cùng nhau sống và học tập trong thời chiến gian khổ. 

Cho tới bây giờ khi tuổi đã xế chiều nhưng tinh thần cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của ông thì mãi mãi không cạn. Và, khi nhìn lại cảnh nhiều giáo viên chưa lập gia đình, sống ở sườn núi, đêm hôm vắng vẻ, lạnh lẽo, trong điều kiện thiếu nước, thiếu điều kiện sinh hoạt bình thường mà vẫn giữ vững tinh thần của người thầy, vẫn ngày đêm gieo chữ không biết mệt mỏi, với cương vị nguyên là cán bộ quản lí, GS Phạm Minh Hạc cho rằng, công lao này trước hết thuộc về những nhà giáo.

“Tôi rất khâm phục tinh thần vượt khó, kiên trì của các bạn đồng nghiệp ở các vùng khó khăn như Việt Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên hay U Minh, xin được chia sẻ nỗi khó khăn với các thầy, các cô”, GS Hạc nói.

Nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam, GS Phạm Minh Hạc thông qua Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhắn nhủ với các thầy cô ở khắp mọi miền đất nước, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo rằng: “Chúng ta sống trong một đất nước nước lấy nghề giáo làm nghề phục vụ nhân dân thì hãy tận tụy với nghề, hãy yêu trẻ, lấy việc đem con chữ, kiến thức khoa học đến với đồng bào là một niềm vui  mà khắc phục những khó khăn”. 

Kết thúc bài viết, xin được dẫn lời GS Phạm Minh Hạc để thay cho lời kết: “Chúng ta đã nói tới nhiều về chất lượng, về khó khăn của nhà giáo rồi. Nhưng tôi mong rằng giáo dục chúng ta, nhà trường chúng ta nhanh chóng lấy lại niềm tin của nhân dân, của xã hội, của phụ huynh, của các em học sinh. Hãy để cho nhân dân phải tin tưởng vào sự dạy dỗ của các thầy cô để đào tạo ra công dân có ích”.

Xuân Trung