Đề xuất phương án “tối ưu” thay thế điểm sàn

06/03/2014 06:39
Xuân Trung
(GDVN) - Xuất phát từ đề nghị của Bộ GD&ĐT, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập đề xuất tiêu chí thay thế điểm sàn trong kỳ thi "ba chung".

Ngày 5/3/2014, Hiệp hội đã gửi công văn số 07A/HH-VP do PGS. Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội kí, trả lời Bộ về đề nghị này.

PGS. Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội cho rằng, trước hết, việc Bộ GD&ĐT quyết định trao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường đại học, cao đẳng từ khóa tuyển sinh 2014 là hoàn toàn phù hợp với tinh thần của Luật Giáo dục đại học và Nghị quyết 29-NQ/TW của Hội nghị TƯ 8 khóa XI.

Với việc trao quyền này do các trường được quyền tự chủ trong tuyển sinh nên kỳ thi ba chung sẽ không triển khai bắt buộc cho tất cả các trường đại học, cao đẳng (cho đến nay đã có 50 trường có phương án tuyển sinh riêng), kéo theo bắt buộc phải bỏ quy định “điểm sàn” vốn ra đời từ mùa tuyển sinh 2004.

Điểm sàn sẽ được thay thế bằng tiêu chí khác trong kì tuyển sinh 2014. Ảnh minh họa
Điểm sàn sẽ được thay thế bằng tiêu chí khác trong kì tuyển sinh 2014. Ảnh minh họa
"Tuy nhiên, bỏ quy định điểm sàn không đồng nghĩa với việc Bộ GD&ĐT thả nổi hoàn toàn công tác tuyển sinh cho các trường dẫn tới thả nổi chất lượng nguồn tuyển sinh", PGS. Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh.

Cũng theo PGS. Nhĩ, sau khi trao đổi ý kiến về tiêu chí xác định điểm sàn với nhiều chuyên gia giáo dục và lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập. Hiệp hội có đề xuất việc này như sau:

Đảm bảo thật tốt chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT ngay từ năm học này về cả hai mặt: chất lượng đề thi và kỷ cương thi cử. Điều này hoàn toàn nằm trong tầm tay của Bộ GD&ĐT. Có làm được hai yêu cầu đó thì kỳ thi này mới thực sự mang tính chất quốc gia, “làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học” như Nghị quyết 29-NQ/TW đã chỉ rõ.

Đề nghị Bộ quy định chỉ tiêu đào tạo của các trường (tốt nhất là theo từng ngành đào tạo) dựa trên tiêu các tiêu chí đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, suất đầu tư/sinh viên, nhu cầu nhân lực, tổ chức bộ máy, tính minh bạch tài chính và có các chế tài với những người vi phạm các quy định đó.

Về mặt vĩ mô, Bộ GD&ĐT chỉ nên quy định “điều kiện cần” để được vào học các trường đại học, cao đẳng. Kinh nghiệm các nước (kể cả những nước có các trường đại học cao đẳng lấy nguồn tuyển tại Việt Nam) thì "điều kiện cần" chính là người học phải có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc tương đương.

Còn "điều kiện đủ" tức là điều kiện để người học được xét tuyển vào từng ngành đào tạo ở mỗi trường đại học, cao đẳng, phải do từng trường quyết định tùy theo tính chất ngành nghề và thương hiệu của mỗi trường.

Cũng theo đó, để đảm bảo chất lượng đề thi của từng môn Bộ phải ra đề phù hợp với chương trình phổ thông hiện nay, điểm đạt của thang điểm phải phù hợp với chuẩn đầu ra (chuẩn tối thiểu) của chương trình giáo dục phổ thong mà Bộ đã ban hành từ nhiều năm nay, như các tính điểm của EU.

Bộ cần yêu cầu các trường phải công khai minh bạch bộ tiêu chí quy định điều kiện đủ trong tuyển sinh của mình và có chế tài với các trường vi phạm bộ tiêu chí này.

Đồng thời, Bộ GD&ĐT cũng cần khuyến khích báo chí, các tổ chức xã hội – nghề nghiệp dựa vào các bộ tiêu chí tuyển sinh mà các trường đã công bố để xếp hạng chất lượng nguồn tuyển giúp các thí sinh và xã hội biết khi đăng ký vào học.

Trước đó sáng 3/3, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga đã đề nghị lãnh đạo Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập đề xuất tiêu chí thay thế điểm sàn trong kỳ thi "ba chung".

Đây là động thái thể hiện sự lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia, dư luận xã hội để làm một kỳ tuyển sinh hiệu quả và bớt tốn kém của Bộ GD&ĐT.

Xuân Trung