Đề xuất hai đợt thi tốt nghiệp trong năm

24/04/2014 11:19
Xuân Trung
(GDVN) - Đề xuất trình bày những thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông mà Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ NCL Việt Nam chuẩn bị theo chỉ thị của PTT Vũ Đức Đam.
Đề xuất phương án này có một số điểm khác biệt với cả hai kỳ thi thông thường trước đây đã được tổ chức trong thời gian qua; và kết qủa của chúng có thể sử dụng cho cả hai mục tiêu công nhận tốt nghiệp phổ thông và xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.  

Theo lãnh đạo Hiệp hội, kỳ thi tốt nghiệp bậc phổ thông để công nhận tốt nghiệp và lấy kết quả xét tuyển vào đại học là một hoạt động giáo dục ở nước ta được xã hội quan tâm nhiều nhất, vì nhiều lẽ:

Thứ nhất, GDĐH ngày càng trở thành đại chúng, kiến thức đại học ngày càng trở nên cần thiết cho nhiều nghề nghiệp trong nền kinh tế công nghiệp và kinh tế tri thức;

Thứ hai, tâm lý truyền thống của hầu hết mọi gia đình ở Việt Nam (và nhiều nước Đông Á) là hy sinh đầu tư cho con cái học “đến nơi đến chốn”.

Thứ ba, với xu hướng “học suốt đời” trong một “xã hội học tập”, nhiều người tự học hoặc học kiến thức phổ thông theo nhiều cách khác nhau ngoài trường phổ thông mong muốn được xác nhận trình độ của mình và được dự tuyển vào đại học, cao đẳng. 

Đề xuất kỳ thi tốt nghiệp mới triển khai từ năm 2015. Ảnh minh họa
Đề xuất kỳ thi tốt nghiệp mới triển khai từ năm 2015. Ảnh minh họa

Do đó chọn thể thức hợp lý để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp bậc phổ thông thật sự chất lượng để mọi người có cơ hội được kiểm tra trình độ chuẩn theo chương trình phổ thông và có kết quả để xin dự tuyển đại học, cao đẳng là trách nhiệm của mọi hệ thống giáo dục của các quốc gia.    

Mục tiêu của bản đề xuất này nhằm xác nhận trình độ và cấp bằng tốt nghiệp THPT, cung cấp kết quả xét tuyển đại học, cao đẳng, đảm bảo nguồn tuyển đa dạng, không phụ thuộc vào khối thi cho các cơ sở giáo dục đại học và nghề nghiệp; điều tiết quá trình dạy và học trong trường phổ thông theo hướng tích cực, dân chủ. 

Theo lãnh đạo Hiệp hội, đối tượng của kỳ thi là mọi học sinh đã hoàn thành chương trình phổ thông (đã hoặc chưa tốt nghiệp THPT). Mọi người có nhu cầu được xác nhận trình độ tương đương tốt nghiệp phổ thông và được dự tuyển vào đại học, cao đẳng.

Đây được xem như là loại thi thành quả học tập (achievement test), đánh giá theo chuẩn (norm), cụ thể là dựa vào chương trình phổ thông, và tính điểm dựa vào một phân bố chuẩn đại diện học sinh cuối bậc phổ thông của cả nước.

Đề thi được thiết kế chủ yếu theo phương pháp trắc nghiệm khách quan, kết hợp một số câu hỏi tự luận ngắn cho các môn có nhu cầu bổ sung.Việc phát triển ngân hàng câu hỏi, thiết kế đề thi, xây dựng các đề thi tương đương được triển phai theo theo lý thuyết và công nghệ đo lường hiện đại (Lý thuyết Ứng đáp Câu hỏi). Công nghệ phát triển ngân hàng câu hỏi, xây dựng đề thi tương đương … sẽ được trình bày cụ thể trong đề án chi tiết.

Theo đó, các môn thi (đơn và tích hợp) được dự kiến chia như sau: Gồm 3 môn thi đơn : Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ (một trong các thứ tiếng: Anh, Pháp, Nga, Trung, Đức). 2 bài thi tích hợp: Khoa học tự nhiên (liên quan đến các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học), Nhân văn và Khoa học xã hội (liên quan đến các môn Sử, Địa, Chính trị).        

Các đề Toán và Ngữ Văn sử dụng phương pháp trắc nghiệm khách quan (TNKQ) kèm câu tự luận (TL) ngắn để thí sinh làm trung bình trong khoảng 30 phút. Phần TL của đề Toán nhằm đánh giá khả năng giải quyết các vấn đề toán học. Phần TL của đề Ngữ Văn nhằm đánh giá khả năng viết và diễn đạt bằng tiếng Việt, sẽ hạn chế thí sinh viết không quá 400 từ. Thời gian làm bài cho mỗi đề Toán và Ngữ Văn là 90 phút (60 phút TNKQ, 30 phút TL). 

Các đề Khoa học tự nhiên, Nhân văn và Khoa học xã hội được ra dưới dạng tích hợp các môn tương ứng Vật lý, Hóa học, Sinh học và Sử, Địa, Chính trị, sử dụng phương pháp TNKQ. Thời gian làm bài cho mỗi đề là 90 phút.

Đề Ngoại ngữ (các tiếng Anh, Pháp, Nga, Trung quốc, Đức…) đánh giá khả năng đọc hiểu, ngữ pháp, bằng phương pháp TNKQ, thời gian 90 phút. 

Mọi thí sinh đều phải thi ba môn đơn Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ và được chọn 1 trong 2 môn tích hợp (hoặc thi cả 2)  Khoa học tự nhiên, Nhân văn và Khoa học xã hội.

Mỗi kỳ thi được tổ chức chỉ trong 3 ngày, buổi đầu làm thủ tục cần thiết, 5 buổi thực thi. Cách ra đề chủ yếu bằng TNKQ và theo các môn tổng hợp giúp đánh giá được kiến thức toàn diện của chương trình phổ thông trung học, chống xu hướng học lệch, nhưng vẫn tổ chức được kỳ thi ngắn gọn. Hai câu hỏi TL trong hai đề Toán và Ngữ Văn khắc phục được nhược điểm của phương pháp TNKQ, giúp đánh giá thêm khả năng viết văn và giải quyết vấn đề trong toán học. Việc hạn chế số từ của câu hỏi TL buộc thí sinh phải suy nghĩ cẩn thận về bố cục trước khi viết, đồng thời không tạo sự quá tải trong việc chấm các bài TL, có thể chọn người chấm có năng lực để đảm bảo chất lượng chấm bài tự luận.

Mỗi năm có thể tổ chức nhiều lần để giảm bớt sự tập trung căng thẳng và tạo cơ hội nhiều hơn cho thí sinh. Trước mắt nên tổ chức mỗi năm ít nhất 2 lần, tương ứng với các thời điểm đầu hai học kỳ của trường đại học.

Một số điểm khác so với kỳ thi hiện tại được so sánh khác biệt nhất là đối tượng dự thi. Đối tượng sẽ là học sinh đã học hết bậc phổ thông, có thể bao gồm những người tự học hoặc không học phổ thông nhưng muốn được xác nhận trình độ và dự tuyển vào các trường đại học và chuyên nghiệp. Có thể tổ chức nhiều lần/ 2 lần trong năm.
Thí sinh được kết quả thấp ở một kỳ thi có thể đăng ký xin thi lại ở một kỳ thi sau đề nâng kết quả, đó là cách để tự nâng cao dần năng lực và được xác nhận lại, như vậy kết quả không bị cố định như ở kỳ thi tốt nghiệp phổ thông.

Thí sinh đạt điểm trung bình của 4 (hoặc 5) môn/bài thi là cơ sở để xét trình độ tốt nghiệp THPT và tương đương (theo hướng khoa học tự nhiên hoặc nhân văn – khoa học xã hội hoặc cả hai hướng).

Bảng điểm của 4 (hoặc 5) môn thi cho từng thí sinh là cơ sở để các trường đại học, cao đẳng xét tuyển thí sinh vào ngành học mà họ xin dự tuyển. Các trường đại học, cao đẳng đưa ra phương án tính tổng điểm của các môn thi để tuyển sinh vào các ngành học theo yêu cầu của trường mình (có thể tính tổng điểm các môn có hệ số).

Đối với phần lớn các trường tổng điểm này + bằng tốt nghiệp phổ thông trung học có thể xem là điểm chung tuyển. Đối với một số trường đại học có yêu cầu đặc biệt hoặc yêu cầu cao hơn về chất lượng đầu vào có thể xem đây là điểm sơ tuyển. Trên cơ sở số thí sinh đã được sơ tuyển, các trường này có thể tổ chức thêm các kỳ thi về năng khiếu, các kỳ thi nâng cao hoặc/và phỏng vấn để chung tuyển.  Xét tuyển theo phương án nào là quyền tự chủ của mỗi trường, nhưng các trường phải công khai cách xét tuyển trước để xã hội có thể đánh giá về chất lượng đầu vào của các trường và giám sát việc thực hiện.

Muốn thực hiện được Đề án vào năm 2015 thì ngay từ Quý II năm 2014, theo lãnh đạo Hiệp hội, lãnh đạo các cấp cần có quyết tâm cao, chỉ đạo sát sao và triển khai quyết liệt. Ngoài ra đề xuất lập một “Đội đặc nhiệm” điều hành việc triển khai Đề án có hiệu quả.
Xuân Trung