Cô giáo vùng cao vượt qua 5.000 giáo viên, đạt giải Nữ giáo viên sáng tạo

22/01/2015 12:37
AN LÊ
(GDVN) - Đó là cô giáo Võ Thị Ngọc Ánh đã từng bước vượt qua khó khăn để đến với nghề nhà giáo và liên tục đạt nhiều giải thưởng do Bộ GD&ĐT tổ chức.

Sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh, cô Võ Thị Ngọc Ánh đã từng bước vượt qua khó khăn để đến với nghề nhà giáo và liên tục đạt nhiều giải thưởng, trong đó có giải nhất cuộc thi “nữ giáo viên sáng tạo năm 2014” do Bộ GD&ĐT tổ chức.

Cô giáo dạy toán với niềm đam mê CNTT

Với niềm đam mê CNTT, luôn tìm tòi học hỏi cô giáo Võ Thị Ngọc Ánh đã vượt qua hơn 5.000 giáo viên trên cả nước để đạt giải nhất với đề tài “Bộ hình ảnh động và sơ đồ tư duy hỗ trợ giảng dạy hình học lớp 10”. Đề tài được đem đi dự thi “Nữ giáo viên sáng tạo năm 2014”.

Gặp cô Ngọc Ánh - Giáo viên dạy Toán của trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành (TP KonTum, Kon Tum) đang lâng lâng với niềm vui vừa đạt giải, cô Ánh chia sẻ- cô vốn yêu thích CNTT từ khi còn học ĐH, nên hầu hết các cuộc thi về ứng dụng CNTT trong dạy và học cô đều tham gia nên khi nhận được thông báo của nhà trường về cuộc thi nữ giáo viên sáng tạo cô hăng hái đăng ký đề tài. 

Cuộc thi được phát động vào tháng 4/2014, ngay sau đó cô là người duy nhất trong trường được Hiệu trưởng đề cử tham gia cuộc thi. Vốn có kiến thức và kinh nghiệm trong các cuộc thi lần trước mà cô từng tham gia và đạt giải, cô Ánh đã nhanh chóng phác họa ý tưởng và xây dựng sản phẩm của mình.

Cô giáo Võ Thị Ngọc Ánh đã vượt qua hơn 5.000 giáo viên trên cả nước để đạt giải nhất với đề tài “Bộ hình ảnh động và sơ đồ tư duy hỗ trợ giảng dạy hình học lớp 10”.
Cô giáo Võ Thị Ngọc Ánh đã vượt qua hơn 5.000 giáo viên trên cả nước để đạt giải nhất với đề tài “Bộ hình ảnh động và sơ đồ tư duy hỗ trợ giảng dạy hình học lớp 10”.

“Mình bất ngờ khi đạt giải vì  thực sự sản phẩm vẫn chưa đạt như mình muốn do mình còn hạn chế về sự hiểu biết về tin học, cài đặt phần mềm cho máy, chuyển hình ảnh tĩnh thành hình ảnh động...”- Cô Ánh chia sẻ.

Sản phẩm của cô Ánh rất có hữu ích trong công tác giảng dạy, truyền kiến thức cho học sinh vì việc sử dụng sơ đồ tư duy với mục đích giúp học sinh hệ thống hóa tốt các kiến thức đã học, tăng cường khả năng hiểu và ghi nhớ, phát triển tư duy cho học sinh. Hình ảnh động kích thích hứng thú học tập, khắc sâu kiến thức cho học sinh.

Từ một cô học trò nghèo thành cô giáo dạy giỏi

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo có 4 chị em huyện ở Đăk Tô (Kon Tum), ngay từ năm lớp 9 cô Ánh đã được các giáo viên trường PTTH chuyên Nguyễn Tất Thành đưa về trường học để đào tạo học sinh nguồn của trường đi tham gia các cuộc thi học sinh giỏi. Nhà nghèo, phải đi học xa, không ít lần gia đình gọi về cho thôi học nhưng với ý chí và lòng hiếu học cô Ánh vẫn quyết tâm theo học. Tiết kiệm tiền ăn sáng, dì cho tiền mua sách vở, quần áo để mặc.

Kết quả học tập của 3 năm trung học đạt trên 9 phẩy nên Ánh được tuyển thẳng vào đại hoc. Nghĩ đến 3 đứa em và hoàn cảnh gia đình, Ánh chọn trường Sư phạm Huế để đỡ tốn tiền học phí và tiền sinh hoạt rẻ hơn so với các thành phố khác. Suốt thời gian học đại học, kỳ nào cũng được học bổng, thêm tiền đi làm gia sư, nên Ánh có thể tự trang trải tiền sinh hoạt.

Cô giáo vùng cao vượt qua 5.000 giáo viên, đạt giải Nữ giáo viên sáng tạo ảnh 2Thi giáo viên dạy giỏi: Nên giữ hay bỏ?

(GDVN) - Gần đây, có nhiều ý kiến tranh luận về vấn đề có nên bỏ thi giáo viên dạy giỏi hay không?. Cuộc tranh luận cho đến nay vẫn chưa ngã ngũ.

Tốt nghiệp trường ĐH Sư phạm Huế năm 2002, cô Ánh được thầy cô giáo cũ của mình ở trường chuyên Nguyễn Tất Thành mời về trường giảng dạy, đến nay cô đã đứng trên bục giảng được 13 năm. Hầu hết các học sinh do cô Ánh dạy đều đạt giải trong thời gian học PTTH hoặc khi lên đại học tham gia các cuộc thi Olympic đều đạt giải quốc gia và đạt thành tích cao trong học tập.

Danh hiệu “giáo viên giỏi cấp tỉnh” đang là mục tiêu của cô Ánh trong thời gian tới do hai lần tổ chức cuôc thi của tỉnh, một lần cô đang nghỉ sinh và một lần đang theo học thạc sĩ nên đều không tham dự được.

Cô Nguyễn Thị Tuyết Hạnh- Phó Hiệu trưởng trường Nguyễn Tất Thành cho biết “cô Ánh trước đây từng là học sinh giỏi của trường, nay lại là giáo viên giỏi. Dù thân hình nhỏ bé nhưng rất năng động, có năng lực chuyên môn, luôn tìm tòi những phương pháp dạy mới tránh sự nhàm chán cho học sinh. Niên khóa 2012-2013 đã từng đạt giải 3 cuộc thi E-learning cấp quốc gia. Cô chính là tấm gương học tập cho học trò của nhà trường”.

AN LÊ