Chê SV trường tư: Nam Định thích "nước sơn" hơn là "gỗ"!

19/10/2011 07:14
Xuân Trung
(GDVN) - Nếu tỉnh làm như vậy thì mô hình chung là đang khuyến khích xã hội chạy theo bằng cấp hơn là theo đuổi tri thức, kiến thức.
Những thông tin tuyển dụng được tỉnh Nam Định đưa ra trong thời gian qua khiến dư luận nghĩ sau Đà Nẵng, Nam Định là tỉnh “chơi trội” thứ hai. Việc đưa ra tiêu chí không chấp nhận bằng sinh viên tốt nghiệp đại học dân lập hay tư thục khiến không ít nhà chuyên môn ngỡ ngàng, càng ngỡ ngàng hơn khi chính tỉnh Nam Định lại từ chối sinh viên của một trường trên địa bàn mình (ĐH DL Lương Thế Vinh).

Trái quy định Nhà nước

GS Trần Xuân Nhĩ, phó Chủ tịch thứ nhất Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập Việt Nam cho rằng, tuyển dụng như tỉnh Nam Định là trái quy định. “Hiện nay Nhà nước đang đặt ra  mục tiêu đào tạo các nguồn nhân lực từ công lập hay ngoài công lập không khác gì nhau, nếu có khác chỉ ở chỗ sinh viên công lập được nhà nước bao cấp không phải đóng tiền hoặc đóng cũng rất ít. Ngược lại, sinh viên ngoài công lập phải đóng đầy đủ. Hơn nữa, không thể đối xử không công bằng như  thế vì tất cả chương trình đào tạo, kiểm định đều do nhà nước soạn thảo, không có cớ gì phân biệt công lập hay ngoài công lập. Việc phân biệt như thế là không đúng với chủ trương và đường lối của Nhà nước” - GS Trần Xuân Nhĩ thẳng thắn.
Ảnh minh hoạ: Bằng cấp quan trọng hơn năng lực?
Ảnh minh hoạ: Bằng cấp quan trọng hơn năng lực?
Theo GS Trần Xuân Nhĩ, hiện nhà nước đang có chủ trương xã hội hóa, tất cả  mọi người cùng tham gia công tác đào tạo. Thực tế, nhà nước đang phấn đấu đưa người học hệ ngoài công lập vào các cơ quan hành chính sự nghiệp nhà nước với tỉ lệ hơn 10%. Theo GS Nhĩ, con số này sắp tới là khoảng 40%. Lên tiếng về “hành xử” theo cách “chơi trội” của tỉnh Nam Định và phân biệt bằng cấp, GS Nhĩ nói: “Tôi không biết có nghi ngờ gì ở trong này nhưng với cách tuyển dụng như Nam Đinh là sai, trước đó Đà Nẵng đã sai và chịu nhiều luồng dư luận phản đối rồi. Thực tế, nhiều trường ngoài công lập sinh viên tốt nghiệp ra đều có việc làm như ở trường ĐH DL Hải Phòng, ĐH Thăng Long, ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội... Việc phân biệt bằng cấp như trên có thể dẫn tới thui chột tài năng vì trong các trường dân lập hay tư thục cũng có nhiều sinh viên thực sự giỏi” GS cho biết.Chặn cơ hội người tài Mang những thông tin tuyển dụng trên, chúng tôi có cuộc trao đổi thẳng thắn với  những trường đào tạo ra sinh viên không được tỉnh Nam Định cho vào danh sách dự tuyển. Lãnh đạo các trường đều lấy làm bất ngờ và  tỏ ra lo lắng trước sự việc này. Ông Ngô Cao Cường, phụ trách công tác đào tạo trường ĐH Kỹ thuật Công Nghệ TPHCM, nơi có hai sinh viên quê ở huyện Giao Thủy (Nam Định) và TP Nam Định không được dự tuyển cho biết: “Đây là quan điểm của từng đơn vị. Nhưng trong hệ thống giáo dục của Bộ Giáo dục khi đã đào tạo nhất thiết phải đảm bảo chương trình. Từ các hoạt động  giảng dạy cho tới giáo viên, nhà trường luôn luôn được nâng cao và đảm bảo tốt để không thua kém các trường công lập” ông Cường cho biết. Theo ông Cường thì việc gạt ra những sinh viên học dân lập và tư thục và vô lí vì bằng cấp giữa hai sinh viên đều do Bộ cấp. Suy nghĩ sinh viên trường công hơn trường tư sẽ thay đổi theo xu thế. Ông Cường  dẫn chứng: “Ở Mỹ, ai  dám nói trường ĐH Harvard (trường tư) chất lượng và bằng cấp kém hơn trường công”. Đại diện trường ĐH DL Lương Thế Vinh (nơi có một sinh viên bị gạt ra danh sách dự tuyển công chức tỉnh Nam Định), GS Đặng Thế Huy, phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Đối tượng trường tôi đào tạo không phải để cho các cơ quan hành chính mà cho các doanh nghiệp, các cơ quan nghiên cứu. Nhưng sự việc trên cũng ít nhiều liên quan tới một đối tượng nhỏ nào đó” GS Huy nói. GS Đặng Thế Huy cho biết, thực chất nói về chất lượng đào tạo giữa trường công và dân lập đang là vấn đề bàn cãi, chưa chính xác. “Công lập so với dân lập chất lượng chưa biết ai hơn ai. Chất lượng hay không là do người học. Chúng tôi ngày trước học không thể bằng các em bây giờ nhưng chúng tôi vẫn làm được việc. Danh hiệu chỉ tạo cho mình cơ sở nhất định, cho nên đừng nói chất lượng kém là tại các trường mà trước hết do người học. Có thể điểm đầu vào trường dân lập rất thấp nhưng sinh viên biết phấn đấu thì có thể đánh đổ sinh viên công lập. Do vậy, không thể nói sinh viên trường này tốt hơn sinh viên trường kia” GS Huy cho biết. Tuy nhiên, theo GS Huy, chủ trương của  một tỉnh là chuyện riêng, nhưng đối với xã hội không được phép có chủ trương phân biệt như trên.
Cái nạn của việc coi trọng bằng cấp

Ông Nguyễn Văn Xuyên, nguyên Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nam Định cho biết, việc đưa ra những quy định tuyển dụng như trên có thể bỏ sót người tài giỏi, vì thực tế rất nhiều sinh viên tốt nghiệp trường dân lập là những người giỏi thực sự.

“Tôi chưa được xem những văn bản làm căn cứ để tỉnh tuyển dụng như thế nào, nhưng rõ ràng chủ trương này ít nhiều gây hoang mang cho sinh viên và phụ huynh. Vì họ cho rằng, học xong mà không được tuyển dụng thì học làm gì? Và ít nhiều ảnh hưởng tới  công tác đào tạo và tuyển sinh của các trường bị gạt ra khỏi danh sách dự tuyển” ông Xuyên cho biết.

Theo ông Xuyên, trước đó, khi còn đương chức, ông chưa từng gặp trường hợp nào như chủ trương lần này.

Nếu tỉnh làm như vậy thì mô hình chung là đang khuyến khích xã hội chạy theo bằng cấp hơn là theo đuổi tri thức, kiến thức
Bạn nhận xét gì về quy định chọn sinh viên trường công - chê sinh viên trường tư của tỉnh Nam Định. Mời phản hồi bên dưới, hoặc gửi email đến: toasoan@giaoduc.net.vn. Chân thành cảm ơn bạn đọc!Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc sự việc này. Mời bạn đọc đón xem!...
Xuân Trung