Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói về "con đẻ, con nuôi"

19/03/2014 16:17
Xuân Trung
(GDVN) - “Thành công của giáo dục ngoài công lập là thành công của ngành, của Bộ và là minh chứng cho sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng”.
Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận trong cuộc  trao đổi với lãnh đạo các trường ĐH, CĐ ngoài công lập Việt Nam. 

Trước nhiều thắc mắc, boăn khoăn của một số trường ĐH, CĐ ngoài công lập về khó khăn trong việc chuyển đổi từ dân lập sang tư thục cho phù họp với Luật giáo dục. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định, việc chuyển đổi từ dân lập sang tư thục không phải tất cả các trường đều chơ vơ, đều là những đứa con không thừa nhận trong 8 năm qua.

Bộ trưởng Luận cho rằng, hiện đã có một số trường đã thực hiện việc chuyển đổi, còn lại nhiều trường chưa thực hiện được, điều vướng mắc với các trường là chuyện phân chia tài sản và xung đột trong trường. 

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chia sẻ với lãnh đạo các trường ĐH, CĐ ngoài công lập câu chuyện đổi từ dân lập sang tư thục. Ảnh Xuân Trung
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chia sẻ với lãnh đạo các trường ĐH, CĐ ngoài công lập câu chuyện đổi từ dân lập sang tư thục. Ảnh Xuân Trung

“Các trường ngoài công lập của chúng ta đều có nguồn gốc xuất phát, lịch sử hình thành rất khác nhau, cho nên để một cái áo vừa hết thì không thể được. Các Bộ, ngành sẽ tiếp tục nghiên cứu xem xét, nhưng về phía các nhà trường, từ cấp Ủy, Hội đồng quản trị, Ban Giám hiệu cũng cần nhanh chóng đạt sự đồng thuận lấy lợi ích phát triển lâu dài, bền vững của nhà trường, lấy uy tín, chất lượng trường mình đặt lên trên, gác lại bất đồng, thỏa hiệp với nhau thì mới có thể làm được” ông Luận cho biết.

Bộ trưởng chia sẻ về những điều ngoài ý muốn của các trường từ dân lập sang tư thục, như trước đây trong luật thừa nhận loại hình trường dân lập thì nay lại quy định không có loại hình trường này. Do đó các trường phải làm những điều ngoài ý muốn. Bộ trưởng Luận nói thêm, tại thời điểm đó ông đã đề xuất giữ nguyên loại hình dân lập để đỡ tốn công sức. Tuy nhiên hệ thống pháp luật của chúng ta đang thay đổi để đáp ứng tốt hơn các hiệu lực công việc.

Trước thực tế, người điều hành, lãnh đạo ở các trường ngoài công lập thường chưa có thời gian đứng trên bục giảng, chưa hiểu được hoạt động giáo dục là gì. Ông Luận cho rằng, đây là một thực tế vô cùng khó khăn, nếu có điều gì không giống ai của nền giáo dục đại học thì đó là một điều đặc trưng.

“Có đồng chí suốt đời làm việc khác, thậm chí rất xa lạ với hoạt động giáo dục, làm một cái bằng Tiến sĩ, Thạc sĩ, sau đó về hưu là thành hiệu trưởng nên đã có nhiều sai sót không cố ý, rất hồn nhiên, thậm chí nghĩ là trong sáng nhưng bản chất lại rất nghiêm trọng. Vấn đề này chúng ta cần phải tính, không chỉ với Hiệp hội các trường ngoài công lập mà cả trường công lập cũng có. Sắp tới chúng ta cần tính toán đào tạo đội ngũ cán bộ sao cho đáp ứng được yêu cầu” Bộ trưởng Luận nhận định.

Cũng trong cuộc trao đổi với lãnh đạo các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, người đứng đầu ngành giáo dục cũng khẳng định, sau 20 năm phát triển và hình thành của các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, thành công của giáo dục ngoài công lập là thành công của ngành, của Bộ và là minh chứng cho sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng. Nếu nó chệch choạc, sai sót, đổ vỡ là thất bại của ngành. Bộ trưởng Luận khẳng định, Bộ không có con đẻ, con nuôi. Vì nếu con đẻ, con nuôi thì Bộ chỉ có 40 đứa (40 trường trực thuộc Bộ GD&ĐT), một số lượng rất nhỏ.

“Chúng tôi không bao giờ nghĩ như vậy, chúng tôi tiếp tục làm cho nhận thức về ngoài công lập, đặc biệt là ngoài công lập trong giáo dục và y tế có những thay đổi thích ứng cùng với những thay đổi chung, đúng với nhận thức của Đảng, của xã hội” Bộ trưởng Luận khẳng định.

Trước sự lớn mạnh của các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, GS. Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ  ngoài công lập cho biết, nhìn nhận và suy ngẫm một cách tổng quát về bức tranh 20 năm phát triển mô hình trường đại học, cao đẳng ngoài công lập, thấy rằng: Rất đáng tự hào; Rất nhiều khó khăn; Nhưng tin tưởng vào tương lai tốt đẹp.

GS. Quân cho rằng, trong tư tưởng đổi mới của Đảng và Nhà nước ta, nền giáo dục phải được phát triển mạnh mẽ trên cơ sở phát triển hài hòa giáo dục công lập và giáo dục ngoài công lập. Luật Giáo dục sửa đổi, Luật Giáo dục đại học đã ban hành với nhiều điều tiến bộ, nhất định phải được đưa vào thực tế tạo hành lang pháp lý lành mạnh thông thoáng cho giáo dục phát triển. 

Nước ta vào tổ chức WTO từ năm 2007 đến nay đã gần 7 năm, tạo môi trường cho giáo dục Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng hơn. Kinh nghiệm phát triển giáo dục đại học ngoài công lập của các nước phát triển bên cạnh chúng ta như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Xinhgapor...(với khoảng 50 – 80% sinh viên học tập ở trường ngoài công lập) đang thay đổi tư duy và hành động thực tế của chúng ta trong công cuộc đổi mới căn bản, sâu sắc và toàn diện nền giáo dục nước nhà theo tinh thần chỉ đạo của Đại hội XI của Đảng.
Xuân Trung