Bộ Giáo dục và Đào tạo có tính nhầm?

04/01/2014 07:07
Lê Trường Tùng - Hiệu trưởng Đại học FPT
(GDVN) - Năm 2013, lượng TS “dư dôi” đạt gần 214.000, tuy nhiên chỉ tiêu của các trường công và trường ngoài công lập đều không đạt được. Vậy Bộ GD&ĐT có tính nhầm?

Bài viết của TS. Lê Trường Tùng, hiệu trưởng Trường Đại học FPT sẽ làm sáng tỏ điều này.

Năm 2013 – đã đảm bảo nguồn tuyển… 

Cuối tháng 12 năm 2013, trong Hội nghị Tổng kết năm học 2012-2013 các trường ĐH, CĐ diễn ra tại Hà nội, Bộ GD&ĐT cho biết: “toàn quốc có 562.499 thí sinh có kết quả thi đạt từ điểm sàn đại học trở lên. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh hệ đại học là 348.859. Như vậy, tỷ lệ giữa số thí sinh đạt từ điểm sàn đại học trở lên so với chỉ tiêu là 161,23%”. Lượng thí sinh “dư dôi” giữa số thí sinh có điểm thi đại học từ sàn trở lên (562.499) so với tổng chi tiêu đại học (348.859) là gần 214 ngàn. 

Sau khi công bố điểm sàn, Bộ yên tâm với hệ số “dư dôi” như vậy thì các trường sẽ không khó tuyển sinh như năm 2012. Lãnh đạo của Bộ GD&ĐT khẳng định: “điểm sàn được tính toán để vừa đảm bảo nguồn tuyển tối ưu cho các trường, vừa đáp ứng thí sinh có đủ năng lực theo học ĐH, CĐ”. Báo chí đua nhau giật tít: “Bội thu trúng tuyển ĐH, CĐ”, “cơ hội thí sinh vào ĐH, CĐ năm nay được coi là dễ nhất trong các năm vừa qua”, “thả cửa vào đại học”…

Nhưng tuyển sinh thì thất bát

Năm 2013, các trường đại học tuyển được 324.059 thí sinh, chỉ đạt 92,9% chỉ tiêu. Nếu tính riêng các trường đại học ngoài công lập thì chỉ tuyển được 72,5%, trong đó có 25/52 trường tuyển dưới 50%. Tính cả đại học và cao đẳng thì có gần 100 trường chỉ tuyển dưới 50% chỉ tiêu. 

TS. Lê Trường Tùng - Hiệu trưởng Đại học FPT. Ảnh Xuân Trung
TS. Lê Trường Tùng - Hiệu trưởng Đại học FPT. Ảnh Xuân Trung

Các trường tuyển không đủ thí sinh cứ băn khoăn với câu hỏi “thí sinh đi đâu?”. Năm 2013, các trường đại học cả nước tuyển thiếu khoảng 25 ngàn so với chỉ tiêu đặt ra, trong khi theo tính toán của Bộ thì có đến 214 ngàn thí sinh ”dôi dư”. Các thí sinh có điểm thi không thấp hơn hơn điểm sàn nhưng không vào đại học chắc sẽ không chuyển hết xuống học cao đẳng, vì kết quả tuyển cao đẳng 2013 còn bi đát hơn: cả nước chỉ tuyển được 166 ngàn, con số này bằng 62% chỉ tiêu 2013 và chỉ bằng 83% năm 2012. 

Cũng chẳng phải là do tích cực đổ xô đi du học nước ngoài theo chủ trương của Nghị quyết 29/NQ-TW “Khuyến khích việc học tập và nghiên cứu ở nước ngoài bằng các nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước“, vì tháng 11 Nghị quyết mới ban hành lúc đa số thí sinh đã nhập học xong rồi. Ở nhà chờ thi đại học năm sau chắc cũng không được bao nhiêu, đa số thí sinh sẽ nhập học vào một trường đại học nào đó, sang năm tạm ngưng để thi đại học tiếp cho chắc ăn. 

Bộ tính nhầm?

Hóa ra Bộ tính nhầm khi đồng nhất “số lượt thi” với “số thí sinh”. Để tính số thí sinh có kết quả thi đạt từ điểm sàn đại học trở lên, Bộ cộng số thí sinh đạt điểm sàn trở lên trong các khối thi lại với nhau: khối A, A1, B, C, D1 có số thí sinh đạt sàn trở lên tương ứng năm 2013 là 228.725, 62.357, 140.446, 29.982, 100.799 [1]. Thực tế theo phương thức thi “3 chung” hiện nay, có nhiều thí sinh thi 2 khối và có điểm cao trong cả 2 lượt thi – tức là được tính 2 lần trong con số 562.499 thí sinh có kết quả thi đạt từ điểm sàn đại học trở lên. 

Số thí sinh thực tế đậu đại học - mỗi thí sinh chỉ tính một lần - sẽ ít hơn, chắc vào khoảng 400 ngàn, hơn tổng chỉ tiêu khoảng 15%. Khi đó “dôi dư” không nhiều, và không đủ lớn để khắc phục các trở ngại trong việc dịch chuyển giữa các trường, ngành, khu vực địa lý – đây là lý do đại học chỉ tuyển được 92,9% mà thôi. 400 ngàn thí sinh có kết quả thi đạt từ điểm sàn đại học trở lên là con số ước tính dựa trên con số có khoảng 300 ngàn thí sinh thi 2 khối. Để có con số đúng, Bộ chỉ cần gộp danh sách thí sinh có điểm sàn trở lên của tất cả các khối, rồi loại bỏ các trường hợp trùng do thi nhiều khối.  

Tuy nhiên thiếu nguồn tuyển không phải do Bộ nhầm…

Lý do chính cho việc không đủ nguồn tuyển không phải do Bộ tính nhầm. Việc thiếu nguồn tuyển - đặc biệt là cho các trường ngoài công lập – chính là do sự điều tiết tự nhiên của cơ chế thị trường. Hệ thống các trường công lập đang chiếm vị trí thống lĩnh “thị trường đào tạo”, đang cung cấp dịch vụ đào tạo đại học “dưới giá thành” do có trợ giá từ ngân sách nhà nước, đồng thời hàng năm đều được “bật đèn xanh” ấn định tổng chỉ tiêu tuyển sinh khối công lập phủ toàn bộ thị trường, không để thị phần cho khối trường tư. 

Năm 2013, tổng chỉ tiêu của các trường đại học cao đẳng công lập là 484 ngàn, trong khi tổng số thí sinh tuyển được của cả 2 khối công lập và ngoài công lập năm 2012 chỉ là 465 ngàn, và tổng số sinh viên toàn thị trường năm 2013 là 490 ngàn. Tức là chỉ tiêu năm 2013 của khối công lập bằng 104% tổng thị trường năm 2012, và bằng 99% tổng thị trường năm 2013. 

Tình trạng này đã diễn ra năm 2012, và với việc cho phép các trường công lập được tự xác định chỉ tiêu như hiện nay, chắc rằng tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2014 của các trường đại học cao đẳng công lâp (sẽ công bố vào tháng 3/2014 trong cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh đại học cao đẳng) sẽ tiếp tục lớn hơn tổng số sinh viên cả hệ thống công lập và ngoài công lập sẽ tuyển được trong năm 2013, - lặp lại bức tranh tương tự của 2012, 2013. 

Quyết định quá khó

Bộ đang đứng trước một quyết định khó khăn – đó là có từng bước giảm chỉ tiêu các trường công lập hay không. Nếu giảm thì tăng được xuất đầu tư từ nhà nước trên đầu sinh viên trường công, tăng thị phần tiềm năng cho khối ngoài công lập để khối này có thể tuyển được đầu vào tốt hơn, nhưng lại dường như đụng đến “nồi cơm” của từng trường công lập, đụng đến tâm lý “bài trường tư”, không chấp nhận giáo dục đại học như một ngành dịch vụ của một lớp người không nhỏ trong xã hội (dù Việt nam tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới WTO đã được 7 năm, và cam kết rằng giáo dục đại học - ít nhất cho các ngành kỹ thuật công nghệ, kinh tế tài chính, luật quốc tế, ngoại ngữ - là ngành dịch vụ). 

Còn nếu Bộ không giảm bớt chỉ tiêu các trường công lập thì sẽ không tạo được thị phần đủ lớn cho khối ngoài công lập phát triển, không thực hiện được khuyến cáo của Ngân hàng Thế giới trong báo cáo “Phát huy hiệu quả của giáo dục Đại học”: “Tỷ trọng giáo dục đại học tư không dễ dàng tăng nếu thiếu các chính sách hạn chế mở rộng giáo dục công lập”, và khi đó cũng khó thực hiện được Nghị quyết 29/NQ-TW của Hội nghị Trung ương 8 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – trong đó nêu rõ “tăng tỷ lệ trường ngoài công lập đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học”.

Năm 2012, Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển giáo dục Việt nam giai đoạn 2011-2020, trong đó đánh giá: “Giáo dục ngoài công lập phát triển, đặc biệt trong giáo dục nghề nghiệp và đại học. Trong 10 năm vừa qua, tỷ trọng quy mô đào tạo ngoài công lập trong tổng quy mô đào đại học tăng từ 12,2% lên 13,2%”. 

10 năm tăng thêm 1% - tức mỗi năm tăng trung bình thêm 1 phần ngàn - không thể coi là thành tích. Trong khoảng thời gian 12 năm (từ 1994 đến 2006), tỷ trọng sinh viên đại học ngoài công lập ở Malaysia đã tăng từ 10% lên 40%. Con số “thành tích” 13.2% nêu trong Chiến lược phát triển giáo dục là của năm học 2011-2012. Sang năm học 2012-2013 - theo thống kê của Bộ GD&ĐT – tỷ trọng sinh viên đại học ngoài công lập đã giảm xuống chỉ còn 12.2%, trở lại đúng thực trạng 12 năm trước. 

Không đổi mới tư duy, không hạn chế sai sót, không có giải pháp đúng, thì 12 năm nữa bức tranh giáo dục đại học Việt nam chắc cũng chỉ “loanh quanh” như hiện nay mà thôi. 

[1] Thông tin trên trang WEB Giáo dục Thời đại của Bộ GD&ĐT

 http://gdtd.vn/channel/4681/201308/tren-600000-thi-sinh-diem-duoi-san-1971638/

Lê Trường Tùng - Hiệu trưởng Đại học FPT