Bị yêu cầu nộp gần 13 triệu đồng tiền bất chính, Hiệu trưởng đòi trả góp

30/03/2015 07:00
Thế Quân
(GDVN) - Bị yêu cầu nộp lại số tiền gần 13 triệu đồng từ việc khai báo gian dối để nhận 30% tiền trợ cấp giảng dạy cho lãnh đạo, cô Nhi - Hiệu trưởng lại muốn trả góp.

Tại cuộc họp hội đồng sư phạm trường THPT Nguyễn Hữu Tiến diễn ra vào sáng ngày 28/3, trước thông tin cô Đào Thị Kim Nhi – Hiệu trưởng bị đoàn kiểm tra của Sở GD&ĐT TP.HCM yêu cầu nộp lại số tiền 12,984,450 đồng số tiền nhận bất chính, cô Nhi đã phát biểu trước tập thể giáo viên, cán bộ công nhân viên của trường là xin được trả góp.

Theo nhiều giáo viên thuật lại với chúng tôi, cụ thể, cô Đào Thị Kim Nhi đã đề xuất mỗi tháng được trừ một khoản tiền vào lương của mình, còn khoản tiền mà cô Nhi nhận nhầm này đã bị tiêu hết, nên giờ không có tiền để nộp lại.

Cũng cần phải nhắc lại, đây là khoản tiền mà chính cô Nhi đã nhận bất chính, từ việc hưởng phụ cấp 30% giảng dạy dành cho lãnh đạo trường học. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế tại trường THPT Nguyễn Hữu Tiến, huyện Hóc Môn, TP.HCM, trong suốt học kỳ 1 của năm học 2008 – 2009, cả năm học (hai học kỳ) của năm học 2009 – 2010, cô Nhi đã không đứng lớp bất kỳ tiết học nào.

Bị đề nghị nộp lại gần 13 triệu đồng tiền nhận bất chính, cô Nhi (ngoài cùng, phải sáng) đã đề xuất xin trả góp (Ảnh: website trường)
Bị đề nghị nộp lại gần 13 triệu đồng tiền nhận bất chính, cô Nhi (ngoài cùng, phải sáng)
 đã đề xuất xin trả góp (Ảnh: website trường)

Ngoài ra, đoàn kiểm tra do chính Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM thành lập cũng đã phát hiện, học kỳ 2 của năm học 2012 – 2013, cô Nhi cũng không dạy học lớp nào để tập trung vào việc giải quyết công việc cho nhà trường.

Trong năm học 2013 – 2014, cô Đào Thị Kim Nhi có xây dựng kế hoạch thực hiện các hoạt động ngoài giờ lên lớp, có giáo án cụ thể thực hiện trong các buổi sinh hoạt dưới cờ và các buổi ngoại khóa, có hình ảnh ghi nhận tổ chức các buổi hướng nghiệp cho học sinh, nhưng khi kiểm tra lại sổ đầu bài thì lại không thấy có ký xác nhận, và cũng không có hồ sơ lưu lại.

Trường học mua sắm quá nhiều máy laptop, quay phim, chụp hình

Căn cứ vào kết luận kiểm tra của Sở GD&ĐT TP.HCM, tại thời điểm kiểm tra (13/1/2015), trường THPT Nguyễn Hữu Tiến có đến 11 máy laptop, 2 máy chụp hình và 3 máy quay phim.

Cụ thể hơn, 6 máy laptop để tại phòng thiết bị, trong đó 4 máy laptop nằm trong bộ  Bảng tương tác, 2 máy còn lại là Samsung R428. Lãnh đạo nhà trường giữ đến 5 máy laptop được khai báo là phục vụ cho công tác chuyên môn, bao gồm Hiệu trưởng và cô Hồng Hạnh – Hiệu phó giữ 1 laptop HP/người, thầy Dương Năm – Hiệu phó giữ 1 laptop Dell, bà Lê Trần Du – Kế toán giữ 1 máy laptop Dell.

Điều đáng ngạc nhiên khác là nhân viên kỹ thuật – thầy Hồ Hoàng Huy cũng được phân giữ 1 laptop hiệu Sony Vaio.

Về máy chụp hình, hiện trường có 2 máy, trong đó cô Đào Thị Kim Nhi – Hiệu trưởng giữ 1 máy chụp hình Cannon Powershot SX 120IS. Máy quay phim, tài sản của trường có đến 3 máy đều hiệu Sony để ở phòng thiết bị.

Sở GD&ĐT TP.HCM kết luận, việc theo dõi tài sản công tại các đơn vị sử dụng (phòng ban) đã chưa được quản lý chặt chẽ trong việc  giao tài sản cho các cá nhân sử dụng , không có biên bản bàn giao rõ ràng (mục đích, thời gian sử dụng…).

Nhiều giáo viên hiện đang giảng dạy tại trường THPT Nguyễn Hữu Tiến cũng đã nói rằng, việc nhà trường mua với một số lượng lớn laptop, máy chụp hình, máy quay phim như vậy không rõ mục đích sử dụng làm gì? Và nhiều người cũng không được biết trường có nhiều laptop, máy quay phim, chụp ảnh đến như vậy, vì nhiều lần, nhà trường mua mà không thấy thông báo, thông qua ý kiến của tập thể hội đồng sư phạm.

Thế Quân