Ai hưởng lợi từ 3 mức điểm đầu vào?

08/08/2014 15:27
Xuân Trung (ghi)
(GDVN) - Với ba mức tiêu chí xác định đầu vào đại học, cao đẳng (điểm sàn) các trường dựa vào “đẳng cấp” của mình có thể chủ động lựa chọn tiêu chí từ cao tới thấp.

Sáng nay Bộ GD&ĐT tổ chức họp báo công bố các mức tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào, trong đó ở bậc đại học có tới ba mức, hệ cao đẳng vẫn giữ nguyên như năm trước, vậy mục đích đưa ba tiêu chí này có ý nghĩa gì, câu trả lời được Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga giải đáp.

Thưa ông Bùi Văn Ga, vì sao lại có tới 3 mức xét tuyển bậc đại học?

Ông Bùi Văn Ga: Như mọi năm chúng ta chỉ có một mức điểm sàn, đối với các trường tốp trên thì không quan tâm đến điểm sàn nhiều, các trường nhóm trung bình đang phát triển thì lấy từ điểm sàn trở lên, dẫn đến một số trường thừa thí sinh, một số trường không có nguồn tuyển gây nên thiệt thòi cho thí sinh.

Ai hưởng lợi từ 3 mức điểm đầu vào? ảnh 1

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga: Kỳ thi ba chung sẽ không còn sau khi có kỳ thi quốc gia. 

Vì vậy, năm nay Bộ và Hội đồng xét tuyển tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào quyết định chia làm 3 mức xét tuyển cơ bản dựa trên điểm trung bình của phổ điểm cho phù hợp, làm sao cho thí sinh có thể được học đại học, cao đẳng.

Có ý kiến cho rằng với 3 mức như vậy là không cần thiết bởi một số trường tốp trên và trung bình vẫn có thể đảm bảo ngưỡng tuyển riêng, ông nghĩ sao?

Ông Bùi Văn Ga: Khi chúng ta cho các trường tự chủ trong công tác tuyển sinh thì các trường cũng rất cân nhắc một mặt đảm bảo chất lượng, mặt khác đảm bảo chỉ tiêu tuyển sinh, vì đó các trường khi chọn mức nào trong ba mức, có thể chọn dưới 0,5 điểm thì cũng rơi vào trường top khác, như vậy xã hội sẽ đánh giá về chất lượng cũng như uy tín của nhà trường dẫn đến tình trạng tìm việc làm của sinh viên sau khi ra trường sẽ khó khăn. 

Do đó,các trường  sẽ phải cân nhắc, cạnh tranh nhau để tuyển ở mức cao, có thể thiếu vài chỉ tiêu nhưng để giữ ở mức cao để năm sau thu hút được nhiều thí sinh hơn.

Chúng ta có tính toán sau khi có xếp hạng các trường ở tốp khác nhau sẽ tạo ra  một “nếp” trong tuyển sinh đại học, cao đẳng không?

Ông Bùi Văn Ga: Hiện Bộ đang xây dựng dự thảo Nghị định xếp hạng phân tầng giáo dục đại học, tiêu chí để xác định đầu vào của các trường cũng là một tiêu chí quan trọng để xếp hạng các trường. Việc chia làm ba mức xét tuyển như năm nay cũng là một cách tập rượt cho các trường ý thức được điều đó sẽ rất quan trọng trong tương lai.

Nếu tuyển ở tốp cao thì uy tín sẽ được xếp hạng cao, tạo sức hút cho năm sau. Khi ban hành Nghị định xếp hạng này các trường muốn giữ được vị trí của mình để xếp hạng cao thì luôn luôn phải tuyển học sinh ở tốp cao hơn. Như vậy chất lượng sẽ đảm bảo được. 

Vậy khi nào Bộ mới công bố dự thảo xếp hạng phân tầng giáo dục đại học thưa Thứ trưởng?

Ông Bùi Văn Ga: Bộ đang xây dựng, chiều nay (8/8) sẽ có buổi họp cuối cùng chốt lại nội dung và sau đó sẽ đưa ra tham khảo ý kiến dư luận và ý kiến các bộ ngành để trình Chính phủ ban hành.

Vậy khi công bố ba mức xác định tiêu chí đầu vào các thí sinh làm thế nào để biết được toàn cảnh các trường xét tuyển ra sao?

Ông Bùi Văn Ga: Sau khi có các mức xét tuyển thì các trường công bố điểm trúng tuyển nguyện vọng 1, sau nguyện vọng 1 các trường công bố tiếp xét tuyển nguyện vọng 2, sau đó nếu còn chỉ tiêu các trường phải công bố tiếp. Do đó các em quan tâm tới trường nào nên theo dõi kỹ các trường đó trên phương tiện thông tin đại chúng. 

Bộ có nghĩ cần phải xây dựng một ngân hàng dữ liệu để thí sinh căn cứ vào đó tìm hiểu cho chính xác?

Ông Bùi Văn Ga: Chỉ tiêu tổng thể các trường đã đăng ký hàng năm và có trên website của Bộ, trong quá trình tuyển nguyện vọng 1 còn lại bao nhiêu các trường linh động thông báo. Do đó các em chỉ nên quan tâm những trường mình có nhu cầu, chứ không nên quan tâm hết mấy trăm trường sẽ rất phức tạp.

Lộ trình tuyển sinh sắp tới có điều gì mới không thưa ông?

Ông Bùi Văn Ga: Năm nay có 62 trường tuyển sinh riêng, tới tháng 9 này tất cả các trường phải gửi đề án tuyển sinh riêng cũng như lộ trình thực hiện. Từ khi Luật giáo dục đại học ra đời thì tuyển sinh là quyền của các trường đại học, các trường chủ động và Bộ chỉ hỗ trợ cho các trường chưa đủ điều kiện, tuyển sinh chung sẽ không tồn tại lâu dài.

Trân trọng cảm ơn ông!

Xuân Trung (ghi)