"VPBank có dấu hiệu: Cướp tài sản, xâm phạm chỗ ở và giam giữ trái phép"

23/03/2015 08:32
Duy Phong-Phong Nguyên
(GDVN) - Là khẳng định của nhiều luật sư khi phân tích về vụ việc Ngân hàng VPBank thực hiện “siết” tài sản đảm bảo và giam giữ người trái phép.

VPBank sử dụng “luật rừng”?

Tối 17/3/2015, một nhóm người tự xưng là nhân viên Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) "ập" đến căn phòng 1401, Tòa nhà 17T2, phố Hoàng Đạo Thúy, phường Trung Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) thực hiện việc niêm phong bằng việc "gắn 02 chốt cửa mới" khi vẫn đang có người trong nhà. Được biết, căn hộ này thuộc quyền sở hữu của ông Nguyễn Sĩ Minh.

Theo quan sát của phóng viên, ổ khóa của căn hộ bị dán niêm phong có đóng dấu đỏ, trên cửa dán 3 tờ giấy A4 cũng có đóng dấu của VPBank, một tờ in to dòng chữ: “Tài sản VPBank thu giữ, chờ xử lý...”. Một tờ khác là quyết định của Chủ tịch HĐQT ngân hàng này về việc thu giữ tài sản đảm bảo, ghi thời gian xử lý từ 9h30 ngày 17/3.

Tối 17/3/2015, một nhóm người tự xưng là nhân viên Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) ập đến căn phòng 1401, Tòa nhà 17T2, phố Hoàng Đạo Thúy, phường Trung Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) thực hiện việc "siết nợ".
Tối 17/3/2015, một nhóm người tự xưng là nhân viên Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) ập đến căn phòng 1401, Tòa nhà 17T2, phố Hoàng Đạo Thúy, phường Trung Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) thực hiện việc "siết nợ". 

Vụ việc này đã gây ra "làn sóng giận giữ" của dư luận, không ít người cho rằng, VPBank đã dùng “luật rừng” đối với chính khách hàng của mình.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Luật sư Nguyễn Văn Kiệm, Văn phòng Luật sư Phạm Sơn phân tích: “Quan hệ giữa ông Nguyễn Sỹ Minh với Ngân hàng VPBank là quan hệ dân sự trên cơ sở hợp đồng tín dụng giữa ông Minh và Ngân hàng. Để đảm bảo cho hợp đồng tín dụng này, hai bên có ký kết một hợp đồng cầm cố thế chấp.

Theo quy định của pháp luật về tín dụng ngân hàng và pháp luật dân sự thì trong trường hợp đến hạn, nếu bên vay không thực hiện nghĩa vụ trả nợ đúng như cam kết trong hợp đồng đã ký thì bên cho vay (Ngân hàng VPBank) có thể thông qua thương lượng, đàm phán để khoanh nợ, giãn nợ, kéo dài thời hạn trả nợ hoặc khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu Tòa  thụ lý, xét xử và buộc bên vay nợ phải có nghĩa vụ trả nợ gốc cùng với lãi suất”.

Thông báo về việc xử lý tài sản đảm bảo của VPBank.
Thông báo về việc xử lý tài sản đảm bảo của VPBank.

Để xử lý tài sản đảm bảo, Luật sư Kiệm cho rằng: “Thông qua hoạt động xét xử, Tòa án ra quyết định định giá tài sản thế chấp, cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án và chuyển cơ quan bán đấu giá tài sản thế chấp để trả nợ cho Ngân hàng. Mọi hoạt động phải tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật”.

Trước những việc làm vi phạm pháp luật của VPBank, Luật sư Kiệm khẳng định:Việc VPBank ngang nhiên cho nhân viên đến nơi ở của ông Minh và có những hành động như “ngăn cản không cho chủ nhà vào nhà, nhốt, giữ người giúp việc trong nhà… và có các hành vi khác như gây mất trật tự… là hành vi vi phạm pháp luật, có dấu hiệu rõ ràng về việc xâm phạm chỗ ở trái pháp luật, vi phạm về quyền bất khả xâm phạm v ch ở, giam giữ người trái pháp luật… Hành vi trên cần phải được các cơ quan có thẩm quyền xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Cùng chung quan điểm trên, Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật Hợp Danh - Thiên Thanh cho rằng: Việc làm của VPbank là không phù hợp với quy định của pháp luật vì bản chất đây là hợp đồng dân sự nên mọi tranh chấp liên quan phải được giải quyết trên cơ sở sự thỏa thuận của các bên.

Trường hợp không thỏa thuận, thống nhất được về biện pháp giải quyết tranh chấp, người vay trốn tránh nghĩa vụ thanh toán thì Ngân hàng có quyền khởi kiện dân sự ra Tòa án có thẩm quyền để được giải quyết theo đúng pháp luật.

Không có Quyết định hay bản án của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền, VPbank không có quyền thu giữ, sở hữu tài sản của bất kỳ ai. Việc VPbank tự ý ra quyết định và tự tổ chức niêm phong tài sản, sử dụng tài sản là xâm phạm quyền sở hữu của công dân được pháp luật bảo vệ.

Theo Bộ luật hình sự, hành vi xiết nợ trái pháp luật có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản, tội cưỡng đoạt tài sản hoặc tội công nhiên chiếm đoạt tài sản tùy theo tình tiết cũng như diễn biến cụ thể của vụ việc”, ông Truyền nhấn mạnh.

Trong khi đó, Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – TS Cao Sĩ Kiêm cho biết, về nguyên tắc khi cho vay, ngân hàng sẽ có hợp đồng vay và có thế chấp tài sản vay. Nếu khách hàng không thể trả nợ được, ngân hàng sẽ kê biên phát mại tài sản thế chấp đó. Thế nhưng, việc kê biên phải theo luật chứ không được làm một cách tùy tiện.

Khách hàng phải kí vào biên bản ghi rõ không thể trả được nợ chứ nếu họ đã hứa sẽ trả và có các giấy tờ ghi rõ thời hạn trả thì không được kê biên. Tóm lại, hai bên phải có thỏa thuận với nhau chứ không thể làm một cách võ đoán được.

Trước khi kê biên, ngân hàng cũng phải có thông báo trước cho khách hàng. Việc thông báo trước bao lâu tùy theo thỏa thuận đã có từ trước của hai bên, nhưng theo tôi tối thiểu là 1 tuần chứ không thể đột ngột kê biên được”, TS. Cao Sĩ Kiêm nói thêm.

Vai trò “tiếp sức” của Công an?

Khi sự việc xảy, có sự chứng kiến của một số công an viên Công an phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy (Hà Nội) nhưng họ lại không có động thái ngăn chặn hành vi trái pháp luật của VPBank mà lại có dấu hiệu “đồng lõa, tiếp sức”.

Về việc này, Luật sư Kiệm phân tích: “Đối với Công an phường Trung Hòa, là lực lượng thi hành pháp luật, có trách nhiệm đảm bảo an ninh trật tự. Tuy nhiên, trong trường hợp này, vụ việc xảy ra trước sự chứng kiến của lực lượng Công an nhưng họ lại làm ngơ, để mặc cho sự việc xảy ra là thiếu tinh thần trách nhiệm, tạo ra hình ảnh không tốt trong con mắt người dân đối với lực lượng công an, tạo ra sự nghi ngờ trong dư luận khi cho rằng là lực lượng “hỗ trợ, “bảo kê” cho VPBank đi thu hồi nợ.

Tuy chưa có sự phán quyết của Tòa án nhưng VPBank đã thực hiện việc niêm phong căn hộ.
Tuy chưa có sự phán quyết của Tòa án nhưng VPBank đã thực hiện việc niêm phong căn hộ.

Tôi đề nghị, Công an quận Cầu Giấy, Công an TP. Hà Nội cần kiểm tra, xác minh, nếu có căn cứ Công an phường Trung Hòa vi phạm quy định của ngành, của pháp luật thì cần phải xử lý nghiêm minh tránh dư luận không tốt về lực lượng Công an”.

Cùng vấn đề trên, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, TS. Cao Sĩ Kiêm phân tích: Trách nhiệm của Công an trong trường hợp trên là đại diện cho cơ quan pháp luật tới chứng kiến sự việc và phải chứng kiến theo luật chứ không phải đến cho có mặt. Ngoài Công an còn phải có chính quyền địa phương – tức là tổ trưởng tổ dân phố hoặc đại diện của phường, những người quản lý hộ khẩu, quản lý nhân thân ở khu vực, địa bàn ấy.

Quyết định về việc Thu giữ tài sản đảm bảo do ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT VPBank ký.
Quyết định về việc Thu giữ tài sản đảm bảo do ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT VPBank ký.

Nếu khách hàng thấy có điều gì đó không đúng thì được quyền khởi kiện ra tòa. Đó là quyền tự do của mỗi công dân. Nếu ngân hàng kê biên đúng luật thì dưới sự chứng kiến của chính quyền địa phương, công an, ngân hàng được phép thống kê toàn bộ tài sản hiện có trong nhà”.

Thiết nghĩ, sự việc trên cần phải được Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan hữu quan xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Tránh để “tiền lệ xấu” và gây “dư luận không tốt” về tình trạng hoạt động của ngân hàng hiện nay.

Đến ngày 21/3/2015, trước sự chứng kiến của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân quận Cầu Giấy, đại diện VPBank đã bàn giao lại căn hộ 1401 nhà 17T2 Hoàng Đạo Thúy cho khách hàng Nguyễn Sỹ Minh.

Một diễn biến khác là, vào ngày 19/1/2015, Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy đã thụ lý hồ sơ vụ án dân sự sơ thẩm số 02/DSST về việc “Tranh chấp hợp đồng tín dụng”. Theo Thông báo thụ lý vụ án số 45/TB-TA ngày 22/1/2015 thì nguyên đơn khởi kiện không phải là VPBank mà là Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng VN (VAMC).

Duy Phong-Phong Nguyên